Phóng sự

Tảo hôn ở vùng cao nỗi buồn chưa bao giờ cũ

15:31, 23/01/2015 (GMT+7)
Từ bao đời nay, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao tỉnh Cao Bằng vẫn còn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, khó xóa bỏ. Nhức nhối nhất là nạn tảo hôn - một luật tục như đã ngấm sâu vào bao thế hệ người Dao, Mông, Lô Lô, Sán Chỉ… Mặc dù chính quyền, ban ngành liên quan đã ra sức tuyên truyền, ngăn chặn nhưng cho đến nay, thực trạng cải thiện không đáng kể. Và cái vòng trói luật tục ấy khiến không ít bi kịch đau thương, làm héo tàn những bông hoa rừng mới chớm nở, suy kiệt giống nòi và để lại nhiều vấn nạn cho xã hội.
 
Kết hôn sớm vì gia đình… thiếu người lên nương rẫy
 
Những ngày đông giá rét, không khí vùng cao tỉnh Cao Bằng càng buốt lạnh hơn so với các tỉnh miền xuôi. Từng làn gió, màn sương lướt qua khiến ai nấy như gặp phải hàng ngàn mũi kim khâu đâm vào da thịt. Thế nhưng, trên những sườn đồi núi các huyện Nguyên Bình, Thông Nông, Bảo Lâm, Bảo Lạc không hiếm gặp những người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em đang đeo gùi lên nương rẫy.
 
Cách trung tâm thành phố Cao Bằng theo hướng Tây Bắc hơn 130km, chợ phiên thị trấn Bảo Lạc đông như hội, sặc sỡ những váy áo của những thiếu nữ Mông, Dao đỏ và Lô Lô từ các bản làng đến chơi chợ. Cả phụ nữ và đàn ông đều tụ họp một góc gần chợ bò, mang theo cả can rượu ngô đựng trong gùi để mời chúc rượu nhau đến khi say mới về. Vì đang là mùa cưới hỏi nên phía bên góc chợ gần dòng sông Gâm, một vài đôi vợ chồng đang sắm đồ cưới cho con cái. Người bán kẻ mua đều cười vang, mừng tíu tít.
 
Bà chủ quán nước chỉ tay về cô gái còn rất trẻ đang đeo gùi trên lưng bảo: "Cô bé kia là người gần đây, bố mẹ ép kết hôn đấy. Mới có 14 tuổi, đang học lớp 8 mà lại bị gả về nhà chồng rồi, khổ thân nó. Thằng chồng sắp cưới của nó cũng bằng tuổi, ở tận xã Huy Giáp. Trẻ thế đã được coi là lao động chính trong nhà rồi, còn đâu mà học với hành". Chúng tôi tìm đến xã Huy Giáp để tìm hiểu rõ thực hư.
 
Hai em Tòn Sềnh, Mùi Dết (giữa) đã được cán bộ dân số xã vận động hoãn đám cưới khi chưa đủ tuổi.
Hai em Tòn Sềnh, Mùi Dết (giữa) đã được cán bộ dân số xã vận động hoãn đám cưới khi chưa đủ tuổi.
 
Theo anh Chu Văn Trường, cán bộ dân số xã Huy Giáp cho hay: "Cách đây vài tuần, chúng tôi đã đến Nhà văn hóa xóm Pù Ngào để gặp gỡ gia đình và vận động hoãn cưới hai trường hợp là em Tòn Sềnh, học sinh lớp 8B, Trường Dân tộc bán trú THCS Huy Giáp, và em Mùi Dết, 14 tuổi, ở xã Đình Phùng. Mặc dù bố mẹ đã định sẵn ngày cưới từ năm ngoái, nhưng đến hôm đó hai em mới được gặp mặt nhau lần đầu. Khó khăn lắm mới thuyết phục được hai gia đình hoãn lại đám cưới đấy. Được biết, bố mẹ hai em cũng kết hôn từ tuổi niên thiếu, bởi vậy, họ cũng sắp đặt con cái mình và buộc con cái phải nghe lời. Lấy nhau sớm để có thêm người làm nương rẫy, thay bố mẹ gánh vác trách nhiệm trong gia đình".
 
Đường sá khó khăn, chúng tôi đến xóm Pù Ngao thì đã gần 3 giờ chiều. Lúc này trong xóm hầu như không có bóng dáng ai, ngoại trừ vài đứa trẻ đang nghịch đất cát cạnh nhà. Sau khi hỏi và tìm đến nhà Tòn Sềnh nhưng không may cả nhà đã đi vắng. Nhìn những mái nhà người Dao đơn sơ, thưa thớt nằm gọn trong dãy thung lũng nhấp nhô những hốc đá, đất đai cằn cỗi, chúng tôi vừa khâm phục ý chí kiên cường nhưng một phần lại thấy xót xa, đồng cảm cho hoàn cảnh của họ. Khi cái đói khát vẫn còn đeo đẳng thì cái chữ, tri thức vẫn còn là một thứ xa xỉ!
 
Quay ngược về bản Dao ở xã Thái Học, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng), chúng tôi đến làng Phùng tìm gặp cô có tên Lý Mùi Chửa. Thời gian này, gia đình em đang chuẩn bị sắm đồ cưới để tổ chức vào đầu năm 2015. Mới 14 tuổi, khuôn mặt em trông còn rất, trẻ con. Nhưng vì gia đình đã có hẹn ước, nhà trai chỉ có 3 thành viên, thiếu người lao động nên phải gả sớm về nhà chồng ở trong xã. Theo bà Lý Mùi Chàn - mẹ của Chửa cho biết, gia đình đã chuẩn bị đám cưới hơn 1 năm, họ hàng nuôi lợn cho mượn 5-7 con mới đủ cả họ ăn 2 đến 3 ngày. Giờ còn trẻ không lấy sớm, sau này già rồi không có sức đi làm trả nợ tiền, đồ cưới được đâu.
 
Nạn tảo hôn vẫn tồn tại ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nạn tảo hôn vẫn tồn tại ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số
 
Ông Đang Phúc Nần, Chủ tịch UBND xã Thái Học cho hay: "Toàn xã có hơn 320 hộ, 100% là người Dao, sinh sống rải rác trên các sườn núi, thung lũng đá. Thực trạng tảo hôn là vấn đề chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều, đặc biệt là đồng bào dân tộc Dao đỏ, có tục lệ kết hôn sớm cho con. Bởi định kiến ăn sâu trong tiềm thức bà con là ngoài 30 - 40 tuổi mà chưa tổ chức được đám cưới cho con là gia đình yếu kém. Thậm chí, con trai được bố mẹ hỏi cưới 2 - 3 lần vợ, mới là gia đình có sức mạnh. Còn các cháu quá nhỏ, không có khả năng tự lập để phản đối lại việc sắp đặt cưới hỏi của cha mẹ.
 
Biện pháp chủ yếu hiện giờ là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu rõ mặt tác hại, ảnh hưởng của việc tảo hôn chứ không thể ép buộc ngăn cấm triệt để được. Nguyên nhân do trình độ dân trí của bà con còn thấp kém, đua theo phong trào và lối suy nghĩ trước mắt phải cho con cái lấy vợ chồng sớm để đỡ đần cha mẹ việc nương rẫy. Mặt khác, cũng do thanh thiếu niên tự tìm hiểu nhau, nếu cảm mến nhau thì đòi gia đình cưới. Trước đây, người dân khi thấy người lạ vào làng họ sợ lắm, phải chui vào gầm giường trốn, nhưng giờ thì tiến bộ hơn rồi. Nhiều trai gái tán tỉnh nhau, thấy hợp tính thì đòi cưới, cha mẹ không thể ngăn cấm nổi".
 
Nạn tảo hôn - "phép vua" thua… hủ tục?
 
Theo thống kê của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Cao Bằng, từ năm 2009 đến 9/2014 tại các huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc, Nguyên Bình, Thông Nông, Hòa An, trong 784 cặp vợ chồng kết hôn có 413 cặp tảo hôn và 17 cặp kết hôn cận huyết thống. Trong đó, tại huyện Nguyên Bình qua 4 năm thực hiện mô hình "Can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống" tại 3 xã: Phan Thanh, Vũ Nông, Thái Học vẫn có 125 cặp tảo hôn, chiếm 49,2% tổng số cặp kết hôn. Huyện Thông Nông, Bảo Lạc cũng được triển khai mô hình này tại 7 xã đã gần 5 năm nhưng tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm không đáng kể…
 
Ông Đang Phúc Nần, Chủ tịch UBND xã Thái Học
Ông Đang Phúc Nần, Chủ tịch UBND xã Thái Học
 
Chị Đặng Mùi Ghển, cán bộ chuyên trách dân số xã Thái Học cho biết: "Xã rất tích cực trong việc tuyên truyền các chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình nhằm giúp người dân biết được độ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật, hậu quả kết hôn cận huyết thống... Tuy nhiên, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở một số xóm vùng sâu, vùng xa vẫn xảy ra. Nhiều gia đình biết dựng vợ, gả chồng cho con khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật, nhưng do quan niệm cổ hủ và nhu cầu cần lao động cho gia đình nên họ vẫn tổ chức hôn lễ khi các con chưa đủ tuổi...".
 
Thực trạng nạn tảo hôn ở các huyện trong tỉnh Cao Bằng gồm các dân tộc Dao đỏ, Mông, Sán Chỉ, Lô Lô… xuất phát từ tập tục truyền đời, cha mẹ sắp đặt lấy vợ, chồng cho con cái để gia đình có thêm nhân lực lao động. Đồng thời, do bà con hạn chế nhận thức, tâm lý ngại thay đổi, khi cán bộ dân số địa phương đến nơi tuyên truyền, vận động thì họ lại tìm cách trốn tránh, ngăn cản với những lý do không thể hoãn cưới. Nếu chính quyền ra mức xử phạt lại sợ bà con hiểu nhầm, gây thù hằn, mất đoàn kết. Trở ngại lớn đối với cán bộ, chính quyền địa phương là lực lượng còn ít, trong khi đó đồng bào dân tộc thiểu số lại sống rải rác trên núi cao, hẻo lánh. Bởi vậy, việc nắm bắt thông tin của cán bộ cũng phần nào hạn chế, tính kịp thời chưa cao để vận động, ngăn chặn nạn tảo hôn xảy ra.
 
Ông Đang Phúc Nần, Chủ tịch UBND xã Thái Học nhấn mạnh: "Trước tình trạng nạn tảo hôn vẫn tiếp tục xảy ra, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là tích cực tuyên truyền để bà con nhận thức và thay đổi lối suy nghĩ trước mắt. Trên địa bàn xã và xung quanh vẫn còn nhiều đứa trẻ độ tuổi như Lý Mùi Chửa đang phải làm vợ, làm mẹ, chịu đựng những nỗi đau về thể xác cũng như tinh thần khi bị cha mẹ ép buộc, sắp đặt kết hôn. Đáng lẽ ra tuổi như các cháu phải được đến trường mới đúng. Ngẫm mà đau xót!".
 

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác