Một mặt trận không có tiếng súng, không có tội phạm nhưng mỗi lần xung trận họ dường như có thể đón nhận sự hy sinh bất cứ lúc nào. Cái nghề mà người ta chạy ra để tránh khỏi ngọn lửa hung tàn, còn các anh thì chạy vào để cứu người, cứu tài sản. Những người lính Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ luôn dũng cảm, không quản tính mạng, bất chấp mọi hiểm nguy lao vào dập lửa, cứu tài sản, cứu người bị nạn. Sự hi sinh thầm lặng ấy của người chiến sĩ chữa cháy luôn tỏa sáng trước ngọn lửa, góp phần bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Nỗ lực ngăn chặn cháy lớn
Đối với những người lính cứu hỏa, dường như họ không có khái niệm về thời gian. "Giặc lửa" có thể bùng phát bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào. Qua thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) năm 2014, xảy ra 2.357 vụ cháy (2.025 vụ cháy tại các cơ sở nhà dân, phương tiện giao thông và 350 vụ cháy rừng). Thiệt hại do cháy gây ra làm chết 90 người, bị thương 143 người, thiệt hại về tài sản ước tính trị giá 1.307,078 tỷ đồng và 1.352 ha rừng. Trong đó có 31 vụ cháy lớn, gây thiệt hại tài sản 907,801 tỷ đồng.
|
Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH. |
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tăng cường triển khai các biện pháp đấu tranh ngăn chặn cháy lớn, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về PCCC; khắc phục những sơ hở, thiếu sót; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, đơn vị, cơ sở và toàn thể nhân dân về trách nhiệm thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC; kiềm chế sự gia tăng về số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra; bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân.
Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH toàn quốc đã duy trì nghiêm túc chế độ thường trực, ứng trực sẵn sàng chiến đấu 24/24h, với 100% quân số và phương tiện, đảm bảo công tác chữa cháy nhanh, hiệu quả. Các địa phương đã tổ chức 4.972 lượt tuyên truyền PCCC với hàng chục lượt người tham dự, thực hiện 694 vụ cứu nạn cứu hộ trong đó có 397 vụ cứu nạn cứu hộ trong đám cháy, 108 vụ cứu nạn cứu hộ dưới nước, 42 vụ cứu hộ phương tiện giao thông, 7 vụ cứu nạn sụp đổ công trình, 10 vụ cứu nạn, cứu hộ hang hầm, giếng sâu, 40 vụ cứu nạn, cứu hộ trên cao. Tổ chức giải thoát an toàn cho hàng nghìn người, trực tiếp cứu 255 người, tìm được 160 xác nạn nhân bàn giao cho lực lượng chức năng xử lý, bảo vệ tài sản khỏi nguy cơ cháy trị giá hàng nghìn tỷ đồng.
|
Một buổi diễn tập của lực lượng Cảnh sát PCCC. |
Phóng viên chúng tôi nhiều lần có mặt tại các vụ cháy xảy ra trong đêm, chứng kiến những người lính cứu hỏa xả thân "chiến đấu" với giặc lửa, không quản nguy hiểm cứu người... Mỗi khi chuông điện thoại reo, tiếng kẻng, tiếng còi... tiếng xe lao vun vút trong đêm, là lúc họ đang ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Có khi họ kết thúc công việc khi mọi người đang say nồng giấc ngủ, dù mệt nhoài nhưng nụ cười của người lính cứu hỏa vẫn luôn nở trên môi. Và chuyện đâu phải ai cũng biết, ngoài những lúc chiến đấu với giặc lửa, những người lính Cảnh sát PCCC và CNCH hằng ngày vẫn thường xuyên tập luyện không ngại gian khó, vất vả và nguy hiểm. Họ luôn rèn luyện nỗ lực để có kĩ năng, sức khoẻ dẻo dai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mỗi khi có cháy nổ xảy ra.
Quên mình bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân
Có một câu chuyện xúc động được chia sẻ trên facebook của những người lính cứu hỏa. Tại đây, đã có hàng trăm lượt comment động viên, chia sẻ và hơn hết họ hiểu hơn về công việc của người lính phòng cháy. Một cô gái tâm sự: Trong ngày nghỉ người yêu là lính phòng cháy đến dự sinh nhật của cô. Trong bữa tiệc ấm cúng chỉ có hai người, bất ngờ chàng trai nhận được điện thoại từ đơn vị... Hôm đó, xảy ra cháy tại một căn nhà của người đàn bà nghèo bán xăng lẻ. Cháy ngay cửa ra vào, không có lối thoát. Người lính cứu hỏa lao vào cứu được người mẹ, nhưng khi ra đến ngoài, chị ta cứ đòi lao vào lửa chết theo đứa con. Chị nói còn đứa nhỏ 6 tuổi trong nhà, vì khói nhiều quá...
Lửa cháy dữ dội, nhà sắp sụp, mọi người can ngăn nhưng chàng trai vẫn quyết định vào cứu đứa bé. Ngôi nhà đang cháy đổ lên người lính cứu hỏa... Câu chuyện này phần nào đã phản ánh được rõ nét về công việc nguy hiểm của những người lính cảnh sát PCCC và CNCH ngày đêm đối mặt với "giặc lửa". Trong công tác và chiến đấu, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến, quên mình bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân. Hình ảnh của những người lính cứu hỏa chìm trong biển lửa, xả thân chữa cháy, bất chấp ngọn lửa bén lên người để khống chế, dập lửa trong vụ cháy cây xăng trên phố Trần Hưng Đạo đã khiến mọi người vô cùng xúc động và cảm phục trước sự dũng cảm hi sinh quên mình của các anh.
Hay như vụ hỏa hoạn xảy ra vào ngày 12/7/2014, ngọn lửa phát xuất từ tầng 4 rồi lan nhanh xuống tầng 3 của tiệm mỹ phẩm số 35 đường Lý Thái Tổ (Đà Nẵng) gây cháy lớn. Ngọn lửa kèm những tiếng nổ lớn vang lên khiến nhiều người hoảng sợ. Ngoài bộ phận giữ dây dẫn nước, nhiều mũi lính cứu hỏa đeo mặt nạ tiếp cận đám cháy từ nhiều hướng. Phía trong căn nhà, ở tầng 1 và tầng 2 là những bình mỹ phẩm bị vỡ, tỏa khí nồng nặc, nằm ngổn ngang khắp lối đi. Ở tầng 3 và 4 là khói và khí độc. Do tiếp xúc lâu với khí độc nên nhiều lính cứu hỏa bị nôn mửa.
Dù được đeo mặt nạ dưỡng khí nhưng một lính cứu hỏa bị ngất xỉu và được đồng đội sơ cứu tại chỗ. Cách đây không lâu, chúng tôi được tiếp xúc với Đại úy Huỳnh Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Cứu nạn cứu hộ, Sở Cảnh sát PCCC và CNCH TP Hồ Chí Minh. Anh là người đã cùng đồng đội đưa hơn 100 thi thể bị ngã sông lên bờ, cứu sống 6 người, lặn tìm được trên 50 thi thể bị té sông, đưa 3 thi thể nạn nhân bị kẹt trong vùng cháy và 1 thi thể nạn nhân bị kẹt trong buồng thang máy… Trong đó, vụ lặn tìm 13 thi thể nạn nhân trong tai nạn du lịch tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn thuộc xã Bình Nhâm, thị xã Thuận An (Bình Dương) vào ngày 21-5-2011 là một vụ điển hình. Hoặc vụ cháy toà nhà ITC năm 2002, Đại úy Tuấn nhớ mãi khoảnh khắc tham gia cùng đồng đội tìm kiếm những thi thể nạn nhân đang bị mắc kẹt…
|
Hiện trường một vụ cháy. |
Để có thể hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra, Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CNCH cho biết cần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác PCCC, tạo chuyển biến mới mạnh mẽ trong công tác PCCC. Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH sẽ phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành chức năng tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả Luật PCCC.
Đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành và người đứng đầu đơn vị cơ sở trong việc tổ chức thực hiện công tác PCCC; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia công tác PCCC, hình thành thế trận toàn dân PCCC. Xây dựng và duy trì hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng, đặc biệt là ở những cơ sở, địa bàn trọng điểm có nhiều nguy cơ xảy ra cháy, góp phần đấu tranh ngăn chặn nguy cơ cháy, cháy lớn và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy gây ra…
Trong công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC, lực lượng Cảnh sát PCCC đã xây dựng được 65.585 đội PCCC cơ sở và dân phòng với 648.006 đội viên; đã phát hiện và dập tắt kịp thời 60% số vụ cháy xảy ra, góp phần ngăn chặn nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Nhiều phong trào toàn dân PCCC đi vào hoạt động có hiệu quả, trở thành những điển hình như: mô hình "Cụm cơ quan, doanh nghiệp an toàn PCCC", "Cụm dân cư an toàn PCCC", "Khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở an toàn PCCC", "Khu phố an toàn về an ninh trật tự và PCCC"… Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương quần chúng dũng cảm chữa cháy, cứu người bị nạn trong đám cháy, điển hình như anh Lý Nhơn Thành - Phó ban Bảo vệ dân phố, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM…