Phóng sự
Mưu sinh nơi đầu sóng ngọn gió và những cuộc truy sát giành ngư trường trên biển
09:59, 26/12/2014 (GMT+7)
Chỉ vì mưu sinh, những con tàu đánh bắt hải sản vãng lai đã xâm phạm vào vùng biển thuộc quyền đánh bắt của ngư dân các tỉnh khác đã được đánh dấu chủ quyền, gây nên những cuộc truy sát tranh giành ngư trường đẫm máu. Từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận, Phú Yên… từ trước đến nay đã xảy ra những cuộc đụng độ giữa ngư dân bám biển với nhau, gây thương vong về người và thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, ngư cụ tại các ngư trường.
Hãi hùng cuộc truy sát giành ngư trường trên biển
Xuất phát từ việc tranh chấp ngư trường đánh bắt thủy hải sản, tại một số vùng biển ở nhiều địa phương trong cả nước từ trước đến nay thường xuyên xảy ra những cuộc đụng độ, hỗn chiến giữa các nhóm ngư dân với nhau giữa biển khơi. Vụ việc mới đây nhất xảy ra vào ngày 25/9 trên vùng biển Hòn Lao (Bình Thuận) khi 3 ông Phạm Bá Quang, Nguyễn Văn Hồng và Lê Văn Tâm, đều ngụ tại thị xã La Gi đang hành nghề giã cào trên vùng biển này thì bất ngờ có 10 con tàu công suất lớn xuất hiện và thực hiện cuộc đâm va, truy sát trên biển làm tàu cá của 3 ngư dân bị chìm, gây thiệt hại nặng nề.
Theo tố giác của 3 ngư dân đến Đồn Biên phòng Mũi Né, khoảng 16 giờ cùng ngày, khi 3 chiếc thuyền lần lượt mang hiệu số BTH 98199TS, BTH 85736TS và BTH 7479TS của ba ngư dân đang hành nghề câu mực trên vùng biển Hòn Lao, cách Mũi Né khoảng 4 – 5 hải lý thì bất ngờ xuất hiện 10 chiếc thuyền. Thấy những chiếc tàu “khủng” chuyên hành nghề giã cào hoạt động trong vùng biển cấm đánh bắt ven bờ, ông Quang đã ra tín hiệu cảnh báo, song những chiếc tàu này vẫn hoạt động hết công suất nhằm tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Không dừng lại ở đó, khi một con tàu lù lù tiến sát hỏi vọng xuống tọa độ thì được 3 ngư dân bắc loa nói rõ tọa độ trên biển, đồng thời cho biết thêm đây là khu vực mình được phép câu mực. Ngay sau khi con tàu này vừa quay đi, bất ngờ hai con tàu lớn khác chạy song song nhau kéo theo tấm lưới quét khổng lồ mở hết tốc lực lao thẳng vào khu vực ba con tàu nhỏ đang câu mực. Quá hoảng sợ, ông Phạm Bá Quang vội lấy bộ đàm thông báo cho các ông Hồng và Tâm, sau đó vội vã cắt dây neo để quay thuyền bỏ chạy trước sự tấn công, ném nhiều vật thể lạ từ trên boong tàu xuống của những người trên tàu giã cào.
Cận cảnh một vụ va, đâm trên biển. |
Tuy nhiên, do công suất bé nên khi đang cố loay hoay thoát thân giữa sự kìm kẹp của hai con tàu lớn thì tàu BTH 98199, của thuyền trưởng Phạm Bá Quang phải lãnh một cú đâm trực diện làm rớt bánh lái, tiếp đó những cú đâm va liên tiếp đã làm cho con tàu này chìm hẳn, ông Quang cùng ba thuyền viên có mặt trên tàu phải ôm can nhựa nhảy xuống biển để thoát thân. Truy sát xong tàu của ngư dân Quang, những con tàu này tiếp tục quay lại đập phá hai con tàu còn lại, dùng chai, lọ ném xuống hai con tàu BTH 85736TS và BTH 7479TS của ông Nguyễn Văn Hồng và Lê Văn Tâm.
Hậu quả, làm ông Tâm bị thương vào vùng đầu rồi quay ra phong tỏa hiện trường, không cho bất cứ tàu cá nào vào cứu các thuyền viên đang trôi dạt trên biển. Khi trời bắt đầu tối, đội tàu truy sát này mới bỏ đi và hàng chục tàu câu mực nổ máy chạy vào khu vực hiện trường, bật đèn pha tìm kiếm 4 thuyền viên rơi xuống biển. Đến 20 giờ cùng ngày, ông Quang cùng hai thuyền viên khác được phát hiện và đưa lên bờ, song còn thuyền viên Phạm Bá Lý (24 tuổi), em ruột ông Quang vẫn mất tích.
Ngư dân Hòn Lao đã huy động hàng trăm chiếc thuyền, đèn pha bật sáng rực cả một vùng biển, thi nhau tìm kiếm suốt đêm, mãi đến 4 giờ sáng ngày hôm sau mới tìm thấy anh này trong tình trạng đói lả, kiệt sức sau 10 giờ lênh đênh trên biển. Ngay sau đó, việc trục vớt con tàu đắm ngoài khơi đã được tiến hành, thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 10 tỷ đồng cùng với 2 tấn mực câu được. Hai chiếc tàu còn lại đã được lai dắt vào bờ và thiệt hại khoảng trên 400 triệu đồng.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng khẩn trương vào cuộc điều tra, xác minh làm rõ nội tình sự việc. Bước đầu, đã xác định được các đối trượng trên 10 con tàu giã cào tham gia truy sát các ngư dân trên biển Hòn Lao đều ngụ tại thị trấn Phan Rí Cửa, huyện Tuy Phong. Trong đó, 3 đối tượng cầm đầu trực tiếp đâm va là Nguyễn Thành, Mai Văn Cho và Nguyễn Thanh Việt. Hiện, các cơ quan chức năng của Bình Thuận đang khẩn trương tiến hành làm rõ vụ việc để xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Chỉ vì miếng cơm manh áo
Cũng tại Bình Thuận, một ngày sau vụ truy sát kinh hoàng để tranh giành ngư trường gây xôn xao dư luận, lại tiếp tục xảy ra vụ đụng độ trên biển giữa những ngư dân với nhau, xuất phát từ việc khẳng định chủ quyền ngư trường đánh bắt hải sản. Theo đó, chiều 26/9, tàu cá Bình Thuận mang hiệu số BTH 99470TS đang hành nghề giã cào cách cửa biển Phan Thiết khoảng 19 hải lý thì bất ngờ đụng độ với 2 tàu cá mang hiệu số BV 3826 và BV 5036 đến từ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đang hành nghề rập ốc tại đây.
Vụ va chạm đã khiến tàu cá của ngư dân Bình Thuận vỡ 3 tấm kính cabin và rạn nứt con trạch bo lái phải. Chưa dừng lại ở đó, chủ tàu BV 3826 đã gọi thêm một số tàu cá khác của ngư dân Vũng Tàu đang hành nghề gần đấy đến để hỗ trợ, dằn mặt khiến tàu cá Bình Thuận phải chặt đứt dây giã cào để bỏ chạy, đồng thời kêu đồng hương đến ứng cứu. Khi thấy 4 tàu cá Bình Thuận xuất hiện, tàu Vũng Tàu vội vã chặt đứt dây rập ốc để thoát thân, những tàu cá Bình Thuận ngay sau đó đã kéo toàn bộ số dây rập ốc này lên tàu mình.
Được biết, chuyện ngư dân xâm phạm vùng đánh bắt hải sản của nhau, dẫn đến những vụ truy sát đẫm máu từ trước đến nay luôn là vấn đề nhức nhối tại nhiều địa phương trong cả nước. Còn nhớ, trung tuần tháng 7/2013, tại vùng biển Lộc Hà (Hà Tĩnh) cũng đã xảy ra cuộc hỗn chiến kinh hoàng trên biển giữa ngư dân Thanh Hóa và ngư dân Hà Tĩnh, làm 5 người phải nhập viện cấp cứu khi bị truy sát bằng súng bắn đạn hoa cải. Do ngư dân Thanh Hóa thường xuyên vào vùng biển này để giã cào nên đã xảy ra mâu thuẫn với ngư dân Hà Tĩnh.
Khoảng 0 giờ ngày 9/7, khi 6 chiếc thuyền của ngư dân Thanh Hóa đang giã cào trên vùng biển Thạch Kim, cách đất liền khoảng 1 hải lý thì bất ngờ một nhóm người đi trên những chiếc thuyền thúng tấn công bằng gạch đá và súng bắn đạn hoa cải. Hậu quả khiến 5 người bị thương, trong đó 3 người bị thương ở tay, một người bị đạn găm vào lưng và nặng nhất là trường hợp lãnh phát đạn vào ổ mắt, phải đưa ra Hà Nội để điều trị.
Cũng tại vùng biển này, cuối tháng 12/2013, do mâu thuẫn trong tranh chấp ngư trường, 4 thuyền viên người Nghệ An đi trên tàu NA 2345TS dùng dao chém trọng thương hai ngư dân người địa phương phải nhập viện cấp cứu, vụ việc sau đó hai bên thỏa thuận dân sự nên không khởi tố vụ án hình sự. Mới đây nhất, ngày 15/7/2014, cuộc đụng độ giữa tàu cá Thanh Hóa mang hiệu số TH 1862TS với 2 ngư dân câu mực tại vùng biển Thạch Lạc, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), khiến hai người này rơi xuống biển. Hậu quả của vụ đụng độ làm ông Nguyễn Bá Quảng (SN 1971), trú thôn Bắc Lạc, xã Thạch Lạc bị chết.
Được biết, tình trạng ngư dân tranh chấp ngư trường từ trước đến nay đã từng xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do nhiều phương tiện cào đôi, cào bay hoạt động đánh bắt hải sản ở vùng biển cấm gây mâu thuẫn với các tàu, ghe hành nghề ốc mực, gây mất trật tự trên biển và tính mạng của các ngư dân cũng bị đe dọa. Vì nguồn lợi, nhiều phương tiện hành nghề cào bay, cào đôi, cào điện không chấp hành các quy định của Nhà nước về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngang nhiên “tung hoành” đánh bắt hải sản trên vùng biển cấm.
Ông Trần Xuân Lương, Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) cho biết thêm, qua công tác nắm tình hình cũng như thông báo của ngư dân, nhiều lần chính quyền phát hiện các ghe cào đôi, cào bay đánh bắt hải sản gần bờ nhưng không có thẩm quyền xử phạt. Khi xảy ra tranh chấp trên biển, chính quyền sở tại cũng chỉ biết dựa vào lực lượng biên phòng để phối hợp hòa giải. Trong khi đó, Thiếu tá Hoàng Minh Thảo, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa Sót, BĐBP Hà Tĩnh cũng cho rằng, từ trước đến nay lực lượng Biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương hòa giải nhiều vụ va chạm giữa các ngư dân với nhau khi tiến hành đánh bắt hải sản trên biển.
“Tuy đã tăng cường tuần tra, kiểm soát ngư trường, nhưng do lực lượng mỏng, thời gian cũng như công suất hoạt động của các ngư dân không cố định, trên một diện rộng nên việc phát hiện các vụ va cham cũng như ngăn chặn sự xâm nhập của các phương tiện cào bay, cào đôi trong vùng biển cấm còn gặp rất nhiều khó khăn”, Thiếu tá Hoàng Minh Thảo cho biết.
Nguồn: Cstc.cand.com.vn