Phóng sự

Chuyện bi hài ở nơi toàn Việt kiều sống nghèo khổ trong các 'ổ chuột'

08:27, 18/11/2014 (GMT+7)
Cuối ấp Bà Phái, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương có một xóm toàn Việt Kiều hồi hương. Tấc đất không có, nghề nghiệp không, phải sống trong những căn lều như “ổ chuột”. Nhiều chuyện bi hài cũng xảy ra khi nhiều đứa trẻ ở xóm Việt kiều cứ ngơ ngơ không hòa nhập được cộng đồng vì chẳng biết tiếng Việt hoặc chỉ biết bập bẹ.
 
Đi tay trắng về trắng tay
 
Xóm Việt kiều này có đủ các hoàn cảnh và những thân phận khác nhau, nhưng hầu hết họ đều trở về từ Campuchia sau khi đã làm ăn thất bại hoặc bị phá sản bên ấy. Khi đi hai bàn tay trắng với một giấc mơ đầy ắp sẽ đổi đời khi bước qua bên kia biên giới. Nhưng sau bao năm quăng quật nhiều người đành ngậm ngùi trở về với tay không.
 
Ông Đinh Văn Hảo, người già nhất xóm kể: “Xóm này hội tụ lại đều là dân tứ xứ. Chủ yếu là các tỉnh miền Tây. Như tôi cùng gia đình mình vì điều kiện éo le quá nên đã rủ nhau vượt biên sang nước ngoài định cư suốt 20 năm nay. Nhưng là lao động phổ thông, lại di cư không được chính ngạch nên ì ạch đi làm thuê đủ công việc như cu li bên ấy suốt hàng chục năm mới được nhập quốc tịch Campuchia. Nhưng rồi cũng chẳng khá hơn, công việc vẫn như cũ, sống trong các lán tạm kiểu công trường, tình hình bên đó cũng ngày càng khó khăn, chịu không thấu nên đành quay về, cũng với hai bàn tay trắng như lúc ra đi”.
 
Xóm Việt kiều mà sống nhếch nhác như “ổ chuột”
Xóm Việt kiều mà sống nhếch nhác như “ổ chuột”
 
Ngày ông Hảo kéo vợ cùng 4 đứa con trở về đầy kham khổ, nheo nhóc. Họ đành kiếm vùng đất trống cuối ấp Bà Phái để dựng lên những căn nhà tạm bợ đi cuốc rẫy hoặc cạo mủ cao su sống qua ngày. Đến giờ, nhiều người trong xóm đã được nhập quốc tịch Campuchia nên trên danh nghĩa họ vẫn là người Campuchia gốc Việt. 
 
Ông Phan Đức Hải cũng có gia cảnh chẳng khá gì hơn. Xòe đôi bàn tay dày đặc vết sần sùi, ông tâm sự: “Biệt xứ bỏ quê Đồng Tháp đi cùng gia đình gần 20 năm nay. Khi đi cũng tưng bừng lắm, trong ý nghĩ của những người quen ở quê cũ người ta đều xem mình là Việt kiều, là sang trọng nên giờ có về cũng đâu còn mặt mũi gì nữa. Với lại ruộng vườn bán hết sạch, nhà cửa không còn có trở về Đồng Tháp thì cũng như không thôi. Nên đành trú ngụ lại đây, được ngày nào rồi tính tiếp ngày đó chứ cũng không biết làm sao hơn. May mà còn có mảnh đất trống này chứ không thì hóa ra Việt kiều bơ vơ mất”. 
 
Những cuộc tình dở khóc dở cười vì ảo vọng
 
Chỉ có một xóm nhỏ, toàn những căn nhà như “ổ chuột” nhưng ai cũng mang một vẻ khác nhau. Có người trở về trong hẩm hiu lại không phải do khát vọng đi làm giàu bằng lao động mà là lấy chồng ngoại. Chị Trần Thị Chúc Ly hồi tưởng những tháng ngày buồn bên kia biên giới kể: “Lúc bước qua tuổi thiếu nữ, tôi và nhiều cô gái khác ở miệt vườn cũng háo hức muốn được lấy chồng ngoại, nghĩ rằng ở đó có cuộc sống sung túc, đủ đầy. Có ai dè đâu toàn vớ phải những người còn khổ hơn mình. Sang bên đó lao động cực lắm mà chẳng đủ ăn, lại phải thức thâu đêm học tiếng của họ để hòa nhập và hiểu họ nữa. Khi mọi ước mơ đều vỡ vụn, muốn quay về cũng không còn kịp nữa. Như tôi lấy phải một công nhân thất nghiệp nhưng khi qua Việt Nam tuyển vợ họ luôn xưng làm cái này, cái nọ. Hiểu được chuyện thì đã muộn”.
 
Gắn bó với người chồng chẳng hiểu ngôn ngữ của mình suốt 10 năm cuộc sống vẫn trầy trật, làm không đủ ăn nên chị Ly đành kìm lòng bỏ lại đứa con nhỏ cho nhà chồng và hồi hương về nước để kiếm kế mưu sinh. 
 
Chung một nỗi niềm như chị Ly, Lê Thảo Trang, khi bước qua tuổi 18 cũng mỹ miều nhưng chỉ thích lấy chồng ngoại nên đã quyết định lấy một người ở biên giới Campuchia sau vài buổi làm quen qua mai mối. Khi về làm vợ mới biết hoàn cảnh nhà chồng rất khó khăn, chồng cô lại bị bệnh hiểm nghèo nên chung sống được 4 năm thì anh ta từ giã cõi đời, để lại cho Trang bơ vơ cùng đứa con nhỏ. Mảnh đất nhà chồng Trang canh tác cũng là do đi thuê của người khác. Bị chủ đòi lại đất, Trang bế con về nước trong nỗi chua xót, tuổi trẻ trôi đi, tương lai thì mịt mùng. Nhắc lại chuyện cũ, Trang bộc bạch: Thôi thì cũng xem đó là một sự bất hạnh. Phận nữ nhiều khi không biết trước được tương lai của mình sẽ ra sao đâu. Về nước tay không, mang quốc tịch Campuchia nhưng suốt ngày chỉ biết đi bóc vỏ cây thuê và cuốc cỏ cho các rẫy cao su, cà phê. Ai ra đi gặp trắc trở này cũng không dám về nơi cũ nữa.
 
Những đứa trẻ khó hòa nhập được vì không biết tiếng Việt
Những đứa trẻ khó hòa nhập được vì không biết tiếng Việt
 
Cứ chơi vơi như bị lạc giữa dòng
 
Đã bước qua tuổi 65 nhưng ông Phan Văn Khai vẫn phải sáng tối cặm cụi đi xáo cỏ thuê. Ông bảo: Cách đây chừng 20 năm nghe theo tiếng gọi của bè bạn, chòm xóm là sang bên kia đi đào đá quý sẽ nhanh giàu nên bán hết gia sản để sang đó thuê nhà ở và xin nhập quốc tịch cho bằng được. Nhập được quốc tịch rồi thì đá quý đâu chả có, chỉ cặm cụi đi bới than, lương mỗi ngày chưa được tới 200 nghìn đồng Việt Nam mà mọi thứ chi phí đắt đỏ, việc lại ngày có ngày không. Có lúc còn không có gì mà ăn. Có bám trụ kiểu đó mãi cũng không ổn, lại thường xuyên bị chính quyền sở tại nhắc nhở nhiều chuyện, bi thảm lắm. Đành quay về tá túc ở đây. Cuộc sống trôi đi như vậy thôi, chủ yếu đi cạo mủ cao su thuê theo mùa. Mỗi kg mủ cao su cũng được 1.500 đồng. 
 
Lạc lõng nhất có lẽ là lớp trẻ của xóm Việt kiều này. Hầu hết chúng chỉ mới biết nói tiếng Việt câu được câu mất nên không hòa nhập được với cộng đồng. Em Phan Linh có lẽ là đứa trẻ biết nói tiếng Việt được nhiều nhất kể: “Chúng em muốn đi đâu chơi cũng không được vì không biết nói chuyện. Những bạn khác nói tiếng Việt không hiểu được. Có em học được nhiều nên còn đỡ chứ nhiều bạn khác nói kém lắm”. Không nói sõi tiếng Việt, mưu sinh không đủ sống qua ngày nên những đứa trẻ mang quốc tịch ngoại này cũng xa lạ con chữ. Ngay cả đứa khá nhất như Phan Linh cũng không dám đến trường. Chị Mai Thị Châu tâm sự: Chồng tôi sau khi nhập quốc tịch cho tôi và sinh được mấy đứa con thì anh ta sinh ra tệ bạc, hắt hủi và đuổi mẹ con tôi đi nên đành về đây sống. Cứ ở thế này như người lậu ấy, ai đuổi thì lại di tản đi chỗ khác, chui lủi cũng mệt lắm. Nhưng biết làm sao. Cơm không no, lấy tiền đâu mà học, tôi cặm cụi làm thuê cũng không có điều kiện dạy các con về tiếng Việt được thành ra chỉ có mấy đứa tụm lại chơi với nhau và nói tiếng Campuchia thôi. 
 
Chẳng biết đời sẽ trôi về đâu
 
 Nói về những dự định trong tương lai, chị Châu buồn thiu: “Ngày hôm nay còn chẳng biết rồi phải thế nào thì tính làm sao được tương lai. Cũng may, thấy toàn những cảnh éo le nên chính quyền nhiều khi nể mà không xua đuổi đi là may lắm rồi chứ không thì chẳng biết đi về đâu. Có nhà trong xóm Việt kiều này cũng tính chuyện về các trường học hỏi cho con họ đến đó học chữ nhưng giấy tờ hợp pháp không có, tấm hộ chiếu quốc tịch nước ngoài lại đã hết hạn nên chẳng ai chấp nhận cho vào học cả. Buồn lắm”. Nhà bà Lê Thị Thu còn đáng ngại hơn khi mà bà đã ở tuổi ngũ tuần bị đủ các căn bệnh liên miên chẳng biết sẽ ra đi khi nào mà mấy đứa con vẫn còn ngơ ngơ.
 
Bà bảo: Mấy đứa nó lớn mà khờ lắm. Lại không hòa nhập được cộng đồng nên không biết tương lai sẽ trôi về đâu. Ngày ở bên Campuachia thì đi làm thợ mộc, thợ hồ. Giờ về đây muốn xin đi làm phải học thạo tiếng Việt người ta mới nhận chứ không thì cũng cứ quanh quẩn trong những chiếc “ổ chuột” vậy thôi. Với cư dân xóm Việt kiều này những ngày nắng khô thì còn đỡ chứ những khi mưa gió thì là một cực hình. Bà Chậu cho biết; nắng nóng thì cởi bớt quần áo ra, lấy giấy cát tông mà quạt thì còn ráng chịu được chứ mưa gió có khi tốc bay cả những tấm bạt che tạm đi nhà này chỉ biết chen chúc chạy sang lều tạm nhà kia trú ngụ thôi. Có những trận mưa lúc nửa đêm, hơn nửa xóm ướt như chuột lột. 
 
Theo UBND xã Long Nguyên, điều tra nhân khẩu cho thấy, hầu hết những cư dân ở đây đều có quốc tịch nước ngoài. Chính quyền đang nghiên cứu làm thủ tục hợp thức hóa cho họ. Nhưng một rào cản lớn là nhiều người làm mất hết giấy tờ lẫn hộ chiếu, khi vào Việt Nam để mưu sinh lại bằng nhiều con đường như tiểu ngạch, vượt qua đường biên. Thế nên việc nhập khẩu chính thức cho họ cũng đang là bài toán khó, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để tháo gỡ những vướng mắc, giúp cho người dân nơi đây có được một cuộc sống ổn định.
 

 

Nguồn: anninhthudo.vn

Các tin khác