Phóng sự
Người dân Campuchia đổ xô bắt chuột để bán sang Việt Nam
09:40, 06/11/2014 (GMT+7)
Phóng viên của BBC cho biết, tại biên giới Việt Nam - Campuchia ở quận Koh Thom, Thuong Tuan (30 tuổi) đang lột da và chặt rất nhiều thịt chuột. Ngồi cạnh cô là phụ tá 13 tuổi tên Minh. Nhiệm vụ của cậu là bắt từng con chuột ra và đập mạnh đầu chúng vào tảng đá.
Hàng tấn chuột xuất sang Việt Nam mỗi ngày
Khách hàng Việt Nam gần đó rất thích mua chuột của Tuan, vì thịt tươi và đã được sơ chế. Cô là người có cơ sở kinh doanh thịt chuột lớn nhất ở cửa khẩu này. "Mọi người ở khắp nơi đều đến chỗ tôi mua hàng. Họ thích những con chuột béo. Nó ngon hơn cả những con chuột to nữa đấy"- cô cho biết.
Vào cao điểm mùa bắt chuột, Saing Sambou - một tiểu thương 46 tuổi tại Campuchia xuất khẩu được 2 tấn chuột sang Việt Nam mỗi buổi sáng. Trong 15 năm qua, việc kinh doanh của bà đã tăng gần gấp 10 lần. Hồi đầu, thịt chuột chỉ được bán với giá 20 cent mỗi kg, giờ đã lên 2,5 USD, và nhu cầu thì tăng dần đều qua các năm.
Cũng như phần lớn người dân Campuchia khác, Sambou không hay ăn thịt chuột. Nhưng bà vẫn tin rằng, loại thịt này an toàn với sức khỏe con người. Sambou cho biết: "Tôi nghĩ rằng, nó còn sạch hơn thịt gà hay thịt vịt. Vì chuột đồng chỉ ăn rễ cây và lúa".
Các cánh đồng ở Campuchia hiện đang vào mùa thu hoạch đặc biệt, với hàng chục nghìn con chuột bị đánh bẫy mỗi ngày để cung ứng cho thị trường xuất khẩu ngày một phát triển. Chuột đồng ở đây được coi là đặc sản giàu dinh dưỡng.
Chuột bán ở biên giới Việt Nam - Campuchia |
Mùa săn bắt lên cao trào vào tháng 6 và tháng 7. Thời điểm này, chuột có ít thức ăn, cộng thêm việc đây là mùa mưa, chúng phải di chuyển lên vùng cao hơn và sập bẫy. Chhoeun Chhim, một nông dân 37 tuổi tại Kompong Cham cho biết, mỗi tối, anh đặt tới 120 chiếc bẫy.
"Chuột đồng tinh lắm. Chúng không ăn thức ăn như chuột thường đâu"- Chhim cho biết, nhấn mạnh sự khác nhau giữa chuột đồng và chuột thành thị - loại chuột được coi là không thích hợp để nấu ăn. "Chuột thành phố thường rất bẩn và ghẻ đầy mình. Đó là lý do chúng tôi không bắt chúng"- Chhim nói. Chuột đồng chỉ ăn lúa, rau và thân cây dại, anh cho biết trên BBC.
Nếu may mắn, một đêm Chhim có thể bắt được 25kg. "Sau mùa thu hoạch, chuột chẳng còn mấy đồ ăn. Đây là thời điểm tốt để bắt chúng"- Chhim vừa nói vừa gỡ từ xe máy từng lồng sắt lớn nhốt đầy thành phẩm hôm qua, để giao cho người mua trong vùng.
"Chúng tôi bán chuột để lấy tiền mua cá"- Chin Chon - một người bắt chuột khác cho biết khi đang mải mê gỡ lồng, chuẩn bị cân để phân loại, đóng gói và xuất khẩu. Toàn bộ số chuột họ bắt được, vào khoảng 200kg, sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam.
Thịt chuột có thể nướng, quay, luộc hoặc làm thành pate- nông dân Chheng An nói. Anh đang chuẩn bị xe máy cho chuyến đi dài 4 giờ để qua biên giới Việt Nam giao hàng. "Loại thịt này rất ngon, có thể nấu nhiều kiểu. Thịt chuột đồng ở Việt Nam giá cao lắm, còn ở đây lại rất rẻ"- anh giải thích.
Hean Vanhorn - một quan chức Bộ Nông nghiệp Campuchia cho biết, kinh doanh thịt chuột còn giúp bảo vệ mùa màng nước này. "Săn bắt chuột đồng làm thức ăn và đem bán đã góp phần làm giảm thiệt hại cho các cánh đồng"- ông nói.
Văn hóa ẩm thực thịt chuột ở nhiều nước
Tại xứ chùa tháp, món thịt chuột đồng ướp ớt cay với tỏi đặc biệt được ưa chuộng. Do lạm phát lên cao, trong năm 2008, giá thịt chuột tại quốc gia này đã tăng gấp 4 lần so với năm trước. Bên cạnh đó, các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ cũng thịnh hành thịt chuột. Nhằm chống chọi với giá lương thực, thực phẩm tăng nhanh, chính quyền một bang ở Đông Ấn Độ đã khuyến khích người dân ăn thịt chuột.
Chuột đã được sơ chế |
Tại nhiều vùng trên đất nước Trung Hoa hiện nay, thịt chuột cũng được ưa chuộng. Ở Vũ Hán, các khách sạn lớn đều có bán thịt chuột với thực đơn gồm 10 món đặc sản chế biến từ chuột đồng vùng Giang Nam, trong số này có món phi lê chuột. Người Phúc Kiến đánh giá cao món lườn chuột. Tại các khu chợ khắp Quảng Tây đều có bán chuột sống, còn ở Quảng Đông thì có thịt chuột đóng hộp.
Tại Đài Loan, những cặp vợ chồng hiếm muộn "thi nhau ăn chuột với mục đích cháy bỏng là sớm có thai", cụ thể là, các cặp vợ chồng thường tìm ăn bộ phận sinh dục của chuột với niềm tin sẽ "mắn" như chuột, vì loài chuột đẻ nhanh và nhiều.
Tại Việt Nam, chuột được chế biến thành nhiều món ăn, tùy địa phương, phong tục và sở thích của người nội trợ. Tuy có ý kiến cho rằng, sự thiếu thốn lương thực trong thời bao cấp do đói quá nên chuột mới được sử dụng làm thức ăn, nhưng thực tế, từ trước tới nay, rất nhiều địa phương ở Việt Nam vẫn sử dụng thịt chuột như một trong những món ăn phổ thông, món ăn đặc sản. Thậm chí có một số địa phương tại miền Bắc Việt Nam (như Từ Sơn, Bắc Ninh; Thạch Thất, Hoài Đức, Hà Nội) thịt chuột là một phần không thể thiếu của mâm cỗ, trong đó có cả cỗ cưới. Cỗ không có thịt chuột thì không sang…
Theo chuyên gia ẩm thực, thịt chuột đồng có màu trắng và thơm ngon như thịt gà, được sử dụng như một nguyên liệu chính, kết hợp với các phụ gia để chế biến thành nhiều món ăn từ đơn giản đến cầu kỳ. Hàng trăm món thịt chuột đặc biệt về hương vị và cách thức chế biến có thể được liệt kê: chuột xắt miếng to khìa nước dừa và sả ớt, chuột xào sả ớt, chuột ram mặn với muối, chuột xào lá cách, chuột nấu canh chua, chuột ướp sả nướng, chuột băm nhỏ xào lá quýt, chuột xào lá mò om cuộn bánh tráng nướng, chuột xào bầu, chuột luộc rắc lá chanh thái chỉ, chuột xào với đậu phụng và hành lá ăn với bún, chuột ram vàng kho mềm chấm muối chanh hay nước mắm dầm ớt, chuột nấu đong, chuột nấu giả cầy, chuột xào chua ngọt, chuột sốt cà chua, chuột ướp tỏi ớt kẹp lá chanh nướng, tiết canh chuột, chuột ướp lá lốt phơi hay sấy khô tương tự món bò khô hay nai khô, chuột ướp hành tỏi bỏ lò, chuột xào lăn, chuột làm mắm, chuột nấu đông, chuột bao tử hấp thuốc bắc, chuột xé phay, chuột lúc lắc, gỏi chuột, chuột cà ri, chuột quay trong các lu vại, chuột nấu chua cơm mẻ, thịt chuột nấu với hà thủ ô và lá câu kỷ, chuột nhồi thịt và các gia vị đem hấp hoặc nướng, chuột bao tử hấp cơm, chuột bao tử nhúng dấm, chuột bao tử tẩm bột chiên...
Chuột bắt về thường được sơ chế bằng cách lột da, cắt bỏ tứ chi, đuôi, hạch cổ hạch bẹn, vứt ruột, chỉ lấy tim gan cật, treo lên cho ráo nước sau đó mới được chế biến thành các món ăn tùy thích,
Nguồn: cstc.cand.com.vn