Phóng sự

Di tích cách mạng và sự bảo tồn

08:46, 01/11/2014 (GMT+7)
Mới đây, nhân kỷ niệm 69 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, đồng thời hướng tới kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, TP Hà Nội đã quyết định gắn biển 15 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến giai đoạn 1946-1954, và tiến hành tu bổ nâng cấp 8 di tích cách mạng gắn với ngày giải phóng Thủ đô. Đây là những địa chỉ cần được gắn biển trong gần 200 di tích cách mạng ở Hà Nội. Việc làm này của TP Hà Nội có giá trị to lớn khi tôn vinh những giá trị lịch sử tiên phong đã được khẳng định đối với công cuộc cách mạng trong cả nước ta.
 
1. Khi khảo sát lại các địa chỉ di tích ta mới thấy những khó khăn mà thành phố Hà Nội đã phải khắc phục vượt bậc để thực hiện công việc của mình. Chỉ riêng câu chuyện ba cụm pháo đài, tưởng dễ nhưng cũng để lại đôi điều không thể thực hiện, đơn giản vì lý do kinh tế hay quy hoạch tại địa phương. Pháo đài Láng đã được thành phố đầu tư và xây dựng khang trang cùng phòng lưu niệm khá sinh động, nhưng lại hơi bị khuất nẻo, vì nằm trong một cơ quan trung ương, nên nhiều người thường ngại ngần khi tìm đến.
 
Riêng địa chỉ Pháo đài Xuân Tảo, nay thuộc phường Xuân La, quận Bắc Từ Liêm, trong thời gian gần đây mới quy hoạch, nhưng lại không giữ được khẩu pháo đã bắn vào thành, ngày 19/12/1946. Cũng với tình trạng này di tích Pháo đài Xuân Canh, ở Đông Anh cũng chỉ được địa phương bảo tồn với khẩu pháo giả trong nhiều năm qua.
 
Nhớ lại diễn biến lịch sử ta mới thấy giá trị to lớn của những pháo đài này trong những ngày đầu “Toàn quốc kháng chiến”. Những tiếng súng đầu tiên bắn vào thành và những địa chỉ xung yếu của thực dân Pháp chính là lời tuyên bố đanh thép để thể hiện ý chí cách mạng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Những quả đạn đại bác từ ba phía đã phát hỏa cho cuộc chiến đấu kiên cường kéo dài hai tháng liền để kìm chân giặc, bảo toàn lực lượng quân đội và cán bộ Chính phủ ta rút vào kháng chiến được trọn vẹn. Mặc dù chỉ với ba trung đội được thành lập ngày ấy gọi là Đoàn pháo binh Thủ đô (29/6/1946), nhưng các pháo đài này đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt địch và yểm trợ cho bộ đội Việt Nam bước vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta. Do vậy việc tôn tạo ba pháo đài ghi dấu tích lịch sử anh hùng xưa là một việc cần đầu tư xứng đáng hơn nữa.
 
 
Tuy sau đó các đơn vị pháo binh được lệnh rút vào An toàn khu, và tháo dỡ các ụ pháo. Tất cả phải mang theo chỉ để lại bệ pháo. Nhưng có lẽ cuộc kháng chiến kéo dài 9 năm, công việc lưu giữ những kỷ vật như vậy quả nhiều khó khăn. Tuy vậy tính cho đến nay thời gian đã trôi qua 69 năm, chỉ với ba di tích pháo đài những phương án tu bổ, dựng xây và bảo tồn cũng còn chưa hoàn chỉnh quả là điều đáng tiếc. Hy vọng từ nay đến ngày 10/10/2014, những yêu cầu cần bổ sung hay tôn tạo cho ba di tích này được khép kín mọi chuyện.
 
Cùng với các di tích trên đã có kế hoạch tập trung thực hiện, thì di tích địa đạo Nam Hồng cũng cần phải khẩn trương tu bổ cho xứng đáng với giá trị của nó. Bởi lẽ, xã Nam Hồng là một xã anh hùng và đã ghi dấu là một vai trò quan trọng trong công cuộc kháng chiến, hàng trăm người đã hi sinh và địa đạo chính là một mô hình chiến tranh độc đáo của người dân Hà Nội. Đây có thể nói Nam Hồng là một làng kháng chiến chống càn từ tháng 11/1946 đến tháng 11/1949, tiếp đó đến giai đoạn bị tạm chiếm từ tháng 11/1949 đến 12/1951. Đặc biệt trong giai đoạn sau là phát triển chống tề, diệt tề, diệt địch cùng cả nước tổng phản công tháng 12/1951 đến tháng 10/1954. Chính vì tiến trình cách mạng đó, chiến hào địa đạo kéo dài hơn 10km, chằng chịt quanh xã thể hiện tinh thần chiến đấu của quân và dân ở địa phương kiên cường đến thế nào.
 
Đến thăm xã Nam Hồng, tìm hiểu lịch sử cách mạng của xã Anh hùng này mới hay, vị trí xã Nam Hồng nổi bật trong sự phối hợp với các chiến dịch như, Chiến dịch Trung du (1950-1951); Chiến dịch Hòa Bình (1952); Chiến dịch Đông Xuân, cũng như Chiến dịch Điện Biên Phủ (1953-1954). Một xã đã phải chiến đấu 308 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 357 tên địch, làm bị thương 153 tên và bắt sống 146 tên… Những chiến công đó gắn liền với địa đạo mà quân và dân xã đã dày công tạo dựng thành hào lũy kháng chiến kiên cường và cũng thể hiện sự sáng tạo trong nghệ thuật quân sự của dân quân xã. Vậy giờ đây địa đạo chỉ còn lưu lại chỉ khoảng 200m, mà các cấp chính quyền còn nhiều lúng túng trong việc tu bổ nó cho xứng đáng, với danh hiệu của một xã Anh hùng và nổi tiếng trên toàn quốc.
 
 
2. Trong số di tích lần này, sau gần 6 năm Thủ đô mở rộng, thành phố lại có nhiều việc phải làm trong con số gần 200 di tích cách mạng kháng chiến Thủ đô. Nếu đi dạo quanh những con đường và làng xóm, ta dễ gặp những địa chỉ cần lưu giữ và những dấu tích còn ghi nhận những diễn biến xảy ra trong những ngày đầu kháng chiến. Có khi chỉ là những dấu lõm của vết đạn còn lưu trên những hàng rào sắt Phủ Khâm sai, 12 Ngô Quyền, ngày nào ta đều hình dung được khói lửa chiến tranh khốc liệt của quân và dân ta trong những ngày đầu kháng chiến. Quanh ta vẫn còn đó những di tích cần bảo tồn.
 
Đó là chiến lũy phố Hàng Thiếc, nơi đây những chiến sĩ đã đục thông các nhà tạo thành con đường giao thông bí mật để chắn đánh quân thù trong 2 tuần lễ hết sức máu lửa; Và đó là chiến lũy Ô Cầu Dền, có nhân chứng kể lại rằng đó là một chiến lũy cao hơn 10m án ngữ một ngã tư lớn nơi Đại Cồ Việt - Trần Khát Chân - Phố Huế và Bạch Mai. Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến đấu 60 ngày đêm đẩy lùi những cuộc tiến công của giặc Pháp mà chúng còn được xe tăng, xe bọc thép, máy bay yểm trợ. Vậy há gì mà ở nơi quảng trường này không có lấy một biểu tượng như tượng đài, phù điêu, sa bàn, giống như phù điêu ở chợ Đồng Xuân.
 
Lần theo một số dấu tích còn chưa được khai thông mới hay rằng còn khá nhiều việc phải làm trong gần hai trăm địa chỉ đỏ mà ta cần hoàn chỉnh. Những hình ảnh kháng chiến hào hùng của Thủ đô hơn 69 năm qua cần phải được gấp rút gây dựng lại với nguyên tắc bảo tồn triệt để không bỏ sót và chuẩn xác. Thiết nghĩ các hình thức tôn tạo cần xứng tầm với từng địa chỉ với những quy mô thích hợp. Riêng việc gắn biển di tích cũng không nên chỉ hình thức giống nhau hoặc cho có mà cần phải có những thiết kế tạo dựng được một hình ảnh có sức tác động mạnh tới tình cảm của mỗi người dân khi đến đây. Những bia đá, phù điêu, sa bàn là những hình loại thích hợp cho những địa chỉ đỏ mà không còn giữ được dấu ấn nguyên bản. Những địa chỉ đỏ này cần được tôn thờ đúng với ý nghĩa của nó trong tâm linh con người.
 
 
Nên chăng để khắc phục sự chậm trễ hay còn sót những di tích cần quan tâm, cần phải có một bản đồ chi tiết mà thành phố cùng địa phương xây dựng, cùng những phương án thực hiện. Rất có thể tổ chức mô hình xã hội hóa việc xây dựng và tu bổ những di tích này. Nhà nước và địa phương, cùng những nhà đầu tư cùng triển khai những dự án được đưa ra. Khi đó việc huy động tài chính và trí tuệ sẽ phong phú hơn, kể cả với những quy mô to lớn hơn. Hơn nữa thời gian hoàn thành dự án đối với các di tích cũng nhanh hơn nếu vận dụng được những công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng của công trình.
 
3. Cuối cùng việc phát huy tác dụng và ý nghĩa tinh thần của di tích nên làm như thế nào mới có chiều sâu trong cộng đồng xã hội. Vậy ta cần vận dụng nhiều phương án truyền thông cũng như các hình thức sinh hoạt trong học sinh và đoàn thể để có thể hiểu biết và nắm bắt được những ký ức hào hùng của lịch sử. Hơn nữa để gắn bó quyền lợi trong việc xã hội hóa, cần vận dụng đưa các di tích này vào các chương trình học ngoại khóa hoặc các chương trình truyền thông gắn với các hành trình du lịch tùy với chuyến đi cụ thể nào đó.
 
Khi ấy mỗi người dân đều có ý thức chia sẻ cùng với các nhà quản lý về công tác tu bổ và gìn giữ những giá trị tinh thần và giá trị lịch sử của những di tích cách mạng kháng chiến, được xác định và gắn biển từ năm 1946 đến 1954, một giai đoạn hào hùng nhất có tính quyết định bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu. Ý nghĩa đó luôn luôn bền vững với thời gian.
 

Nguồn: cstc.cand.com.vn

Các tin khác