Phóng sự
Lời đồn cả làng bị báo oán và chiếc quan tài dựng đứng
08:39, 13/11/2014 (GMT+7)
Mấy năm trở lại đây, ngôi làng Đại Trạch (xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) xảy ra rất nhiều chuyện đau lòng, chết chóc, tang thương. Người không tín thì nói đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng những người tín thì bảo rằng làng bị động do đã xâm phạm khu đất xưa kia là một ngôi miếu thiêng của làng.
Những cái chết đau lòng
Gần đây, khi rộ lên những lời đồn thổi về việc động chạm đến ngôi miếu thiêng khiến cả làng phải gặp nhiều xui xẻo thì dân làng Đại Trạch mới bắt đầu xâu chuỗi lại những sự việc đau lòng trong làng và không ít người hoang mang. Đầu tiên là một vụ án xảy ra trong một gia đình, khi anh con rể bình thường thì hiền lành, chăm chỉ mà hôm ấy không hiểu làm sao trong cơn tức giận cãi vã thế nào vung dao đâm chết mẹ vợ khiến cả làng bàng hoàng. Rồi đến vụ một đôi trai gái yêu nhau nhưng bị gia đình nhà gái ngăn cản, chàng trai bị trầm cảm suốt một thời gian dài, một hôm giữa đêm khuya đã lẻn vào nhà cô gái hạ sát người tình.
Đáng thương nhất là chuyện của một gia đình trong làng, một lúc mà cả 5 người (trong đó có một phụ nữ đang mang thai) cùng chết vì nguyên nhân hết sức… khó tin. Chuyện là vào mùa gặt thì tất cả mọi người trong gia đình ấy đều đi ra đồng gặt hái, chỉ còn một bà cụ già ở nhà nấu cơm. Do mắt kém, bà cụ nhìn nhầm lọ thuốc diệt mối tưởng mì chính nên bỏ vào nồi canh. Hôm ấy 6 người trong gia đình, chỉ có một cháu bé là thoát chết. Một người hàng xóm vẫn còn bàng hoàng, ám ảnh kể lại: “Sau vụ ấy, mất một thời gian cả làng cứ vắng tanh, ban đêm ra đường ai nấy đều rờn rợn, nhiều người chập tối đã cửa đóng then cài. Nhớ lại hôm ấy thật là đau lòng, xác người này vừa đưa về thì lại có điện thoại trên bệnh viện báo về có thêm một người chết. 5 người, 6 mạng, 5 chiếc quan tài lần lượt ra đồng, cả làng đều rơi nước mắt, ám ảnh đến mấy tháng trời”.
Sau đó liên tục làng có những cái chết tang thương như một anh thợ khoan cắt bê tông khi làm việc cho nhà chùa thì bị rơi từ tầng cao xuống và bị bê tông đè chết. Gần đây nhất là hồi giữa năm 2013, cả làng lại được phen xôn xao hoang mang khi liên tiếp trong một tháng mà trong làng có đến gần chục người chết do tai nạn và bệnh hiểm nghèo. Đặc biệt khi sư thầy trụ trì chùa làng dù còn trẻ cũng không may qua đời, không những thế, chị gái của sư thầy cũng mất, suốt cả tháng trời tiếng tụng kinh, gõ mõ cầu bình an ở trong chùa vọng ra cũng khiến những người dân trong làng hoang mang.
Không chỉ những cái chết tức tưởi mà ở làng còn xảy ra những chuyện trái luân thường đạo lý, đáng căm phẫn nhất là vụ cách đây mấy năm, một thầy giáo vốn được coi là hiền lành, dạy giỏi ở một trường tiểu học trên địa bàn xã đã bị phanh phui hành vi hiếp dâm 5 học sinh tiểu học. Hồi ấy, cả xã cũng đã rộ lên tin đồn mảnh đất gia đình thầy giáo này ở bị ma quỷ ám nên mới không tự chủ được hành vi. Trong lá đơn kêu cứu cho chồng, người vợ đáng thương của hung thủ cũng viện ra lý do chồng bị… ma, quỷ ám những mong chồng được giảm nhẹ hình phạt…
Phạm phải miếu thiêng
Trước đây, ở khu vực đầu làng Đại Trạch có một ngôi miếu, nghe đâu được xây dựng từ thời Pháp thuộc rất thiêng, thờ Tứ đại Thánh nương, đến nay dù miếu không còn nhưng người dân vẫn cung kinh gọi miếu này là “Miễu”. Ông Nguyễn Văn Dư, một cao niên trong làng cho biết ngôi miếu trước đây được coi là một trong hai chìa khóa giữ của của làng, được xây dựng rất công phu và thờ cúng cẩn thận. Trước đây, luật bất thành văn bất cứ ai đi qua cũng phải ngả mũ cung kính, kể cả quan chức khi đi qua cũng phải xuống ngựa dắt bộ. “Ngay đến thời tôi, bất kỳ ai đi qua cũng phải ngả nón, ngả mũ xuống chứ không ai dám làm sai”.
Miếu không còn nhưng dân làng Đại Trạch vẫn lưu truyền nhiều câu chuyện ly lỳ. Có gia đình ông tên là Phạm đấu thầu cái hồ phía trước miếu cổ vốn được dân làng gọi là hồ Cửa Phủ. Cứ đến vụ thu hoạch, đêm hôm trước ông huy động máy móc hút gần cạn hồ để sáng hôm sau bắt cá thì y như rằng đêm hôm ấy trời đổ mưa gió bão bùng, sáng hôm sau nước lại ngập trắng hồ, bao nhiêu vụ cũng không thu hoạch được.
Ông Phạm Văn Mỹ, một người sống cạnh khu vực miếu cho biết, có lẽ do trước đây khu vực này là bãi tha ma hay nơi tập kết quân sự nên khi các hộ dân ra đào đất làm gạch đã đào được vô số hài cốt, có cái có tiểu, có cái thì không. Những gia đình làm gạch ở đây đã bảo nhau chôn lại những hài cốt này và lập một chiếc miếu mới để thờ cúng. Dù vậy, những chuyện xui xẻo vẫn liên tục xảy ra, hầu hết những gia đình đấu thầu đất ở đây kinh tế đều sa sút. Không những thế, trong quá trình làm gạch thì mấy người cũng bị “bỏ mạng” trên mảnh đất này. Có hai cháu bé khi theo bố mẹ ra đây làm gạch bị sa xuống hố chết, một bà cụ sinh sống ở đây giữa ban ngày ra hố nước rửa chân cũng bị ngã xuống nước mà chết. Một người vừa nhận đất thầu được mấy hôm thì chẳng may lại bị máy gạch nghiến nát một chân. Có ông đào được mấy cái hồ lô bằng sứ, dân làng khuyên trả lại chỗ cũ rồi cúng bái nhưng không nghe, ít lâu sau cũng ngã xuống hố mà chết.
Nhưng những lời đồn thổi chỉ thực sự khiến người dân hoang mang khi có một người trong làng nhưng hiện nay định cư tận bên Hàn Quốc, cả chục năm không về quê bỗng một ngày gọi điện về nhà hỏi xem họ hàng có ai bị làm sao không. Người nhà cho biết có một người thân vừa bị chết đuối, vì xa xôi quá nên không báo với anh này. Bấy giờ anh này mới cho biết là ở bên ấy có gặp một ông thầy bói gốc Việt, ông thầy cho biết ở quê nhà đang bị “động”, có người nhà bị mất mạng, nếu không làm lễ giải hạn thì làng sẽ còn gặp nhiều tai ương. Thấy có sự trùng hợp, từ gia đình rồi làng xóm bàn ra tán vào, ai nấy đều sợ hãi, nhiều gia đình đã phải mới thầy về làm lễ giải hạn.
Trao đổi với chúng tôi, cụ Trượng, một cao niên trong làng cho rằng khu vực miếu cổ là nơi cư ngụ của hàng nghìn vong hồn mà giờ đây người dân xẻ thịt đất tan hoang nên các vong hồn mới nổi giận trừng phạt dân làng. Trong hàng trăm ngôi mộ được đào được ở đây, có một chiếc quan tài được chôn dựng đứng ngay cạnh ngôi miếu, nhiều người cho rằng đây chính là chiếc quan tài “trấn yểm” khu đất này.
Chỉ là tin đồn nhảm
Tiếp xúc với chúng tôi, người dân Đại Trạch có người thì khẳng định chuyện ngôi cổ miếu nổi giận là có lý, có người lại khẳng định không tin những lời đồn đại. “Lời đồn cũng từ miệng người mà ra, người nọ nói đến người kia thành ra có người mới hoang mang, chứ ở đâu chả có những vụ án mạng, có người chết như vậy. Tôi sống cạnh đây nhưng cũng không thấy có gì đáng sợ cả, năm ngoái có tháng chết đến gần chục người thật nhưng có người tai nạn, có người bị bệnh đã lâu chết cũng là chuyện thường tình” - chị Nguyễn Thị Hướng, người dân thôn Đại Trạch cho biết.
Cùng quan điểm đó, ông Nguyễn Văn Tập, trưởng thôn Đại Trạch cũng cho rằng những lời đồn thổi đó là do những người mê tín dị đoan, khi làng có nhiều chuyện đau lòng đã lồng ghép vào mà thổi phồng lên. Còn người dân, do nhận thức hạn chế nên trước những sự việc đau lòng, họ không thể giải thích nổi và khi nghe những lời đồn thổi này thì càng tin là miếu cổ nổi giận mà lo sợ hoang mang.
“Thôn Đại Trạch là một trong những thôn đông dân nhất xã Đình Tổ với khoảng 6.000 người nên lúc cao điểm có khoảng gần chục người chết trong một tháng, phần lớn do tuổi cao, bệnh tật thì cũng không có gì là lạ” - ông Tập khẳng định. Ông cũng cho rằng những việc trái luân thường đạo lý do sự suy đồi đạo đức của con người mà gây ra. Còn những vụ án đau lòng xảy ra trong thôn cũng có nguyên nhân sâu xa, mâu thuẫn lâu ngày hoặc do sự bất cẩn của con người chứ không phải ma xui quỷ khiến gì cả.
Nguồn: anninhthudo.vn