Trong lúc đất nước còn khó khăn, vậy mà ông Quách Văn Địch dám bỏ ra 11 cây vàng để sở hữu hai chiếc mỏ neo cũ, mục nát. Không chỉ người thân mà hàng xóm còn cho rằng đầu óc ông có vấn đề. Thế rồi hai chiếc nỏ neo ấy làm khuynh đảo giới chơi đồ cổ quốc tế, họ đã trả ông tới 150.000USD/chiếc. Và, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã phải tốn bao giấy mực để tìm ra "nguồn gốc xuất xứ" của hai chiếc mỏ neo này. Khi biết đó là báu vật vô giá, "gã khùng" này lại một mực không bán với mọi giá, muốn đặt "báu vật" ấy tại Bảo tàng Hà Nội để mọi người chiêm ngưỡng.
Chiếc mỏ neo làm khuynh đảo giới chơi đồ cổ quốc tế |
Đổi 11 cây vàng lấy hai khúc gỗ bỏ đi
Lòng ngôi nhà vợ chồng ông Quách Văn Địch đang ở tại Long Biên dường như là quá nhỏ so với diện tích của hai thanh gỗ mục có hình mỏ neo. Chuyện ông Địch quyết định mua lại hai chiếc mỏ neo cổ thật mà lại như đùa. Nhớ lại chuyện 15 năm về trước chồng mình đùng đùng về đòi đưa cho 8 cây vàng (số tiền vừa bán một ngôi nhà trên phố) để mua một khối gỗ mục nát, bà Hằng vẫn không giấu được sự "bức xúc": "Ông nhà tôi ông ấy bị hâm. Chỉ có người hâm mới dám bỏ ra từng ấy tiền để mua một khúc gỗ chả có giá trị gì. Tôi không đồng ý, khóc suốt cả một ngày thì ông ấy bảo, nếu không đưa tiền thì ông ấy đi vay tiền của chị gái. Nhất định ông ấy phải mua bằng được".
Thuyết phục vợ không được, ông Địch quay ra nịnh vợ bảo rằng: "Cô cứ thử ra nhìn mà xem cô cũng sẽ bị mê như tôi ngay". Lúc đó bà Hằng đã phản ứng rất gay gắt. Tiếc của, bà đã hét lên với chồng: "Ông bỏ vàng ra để mua gỗ về cho tôi nấu bánh chưng ăn dần à?". Ngồi cạnh vợ, ông Địch cười bảo: "Phải có duyên mới mua được khúc gỗ ấy đấy".
Đúng là duyên thật. Hồi đó ông Địch chơi với một người bạn là Giám đốc Công ty Du lịch sông Hồng. Khi ra đó chơi, ông Địch thấy trên chiếc sà lan để một khúc gỗ to có hình mỏ neo rất đẹp. Nhìn cái là ông Địch thích mê luôn. Khi nghe người bạn kể lại có một người thuyền chài đã vớt được khúc gỗ đó và nhờ ông bán hộ. Lúc hỏi mua ông Địch đã giật mình khi nghe phát giá. Họ nói sẽ bán với giá 8 cây vàng không thiếu một xu. Ông Địch nhẩm tính, số vàng đó đúng bằng với số vàng vợ chồng ông vừa bán ngôi nhà ở phố Hồng Hà. Dù xót của nhưng không hiểu sao ông Địch nhất quyết mua bằng được khúc gỗ lạ đó.
Lạ một điều, chỉ sau ba tháng thì em rể của người bán khúc gỗ đó cho ông Địch cũng vớt được một khúc gỗ có hình mỏ neo tương tự. Người này lại đến gạ ông Địch mua. Ban đầu ông Địch nghĩ nếu hai cái giống nhau thì chỉ cần mua một cái là được. Vậy mà sau khi đi xem hàng, thấy chiếc mỏ neo này làm bằng chất liệu gỗ khác, có một số chi tiết khác nên ông Địch lại quyết định mua nốt khúc gỗ "nấu bánh trưng" đó về.
Ông Định mong muốn được đặt “báu vật” này tại Bảo tàng Hà Nội để mọi người chiêm ngưỡng |
Bà Hằng kể lại: "Hôm người ta mang gỗ đến nhà tôi thì chồng tôi không có nhà. Tôi ức quá đuổi họ về. Họ bảo đằng nào thì bọn em cũng đã mang đến đây rồi. Thôi cứ để bọn em chờ anh. Nếu anh về mà không mua nữa thì bọn em mang về cũng được. Thế mà tôi chỉ lên gác ăn chưa xong bát cơm, lúc xuống chồng tôi đã về và giao dịch xong rồi. Tôi lại lăn đùng ra khóc lóc lu loa nhưng cũng chả ích gì". Khúc gỗ thứ hai ông Địch mua với giá 3 cây vàng.
Như vậy là trong một khoảng thời gian ngắn ông Địch đã bỏ ra 11 cây vàng để mua hai khúc gỗ mà theo những người xung quanh đánh giá thì nó chả có giá trị gì. Vậy mà ông Địch thấy sướng lắm. Ông tâm sự: "Tiền có ngắm được đâu. Tôi bỏ tiền ra mua hai cái mỏ neo này thì được ngắm thỏa thích. Nhiều lúc thấy tôi ngắm nó say sưa quá, vợ tôi lại lườm nguýt bảo tôi bị hâm nặng".
Không bán với mọi giá
Mua được hai chiếc mỏ neo như thể một cơ duyên trời cho, ông Định nảy ra ý tưởng mở một quán bia lấy tên là "Quán mỏ neo". Chẳng hiểu có phải vì tên quán lạ hay vì "lộc" trời ban mà quán "Mỏ neo" của ông Địch đông khách lạ thường. Năm 2002, giữa trưa nắng chang chang một đoàn khách người Trung Quốc vô tình vào quán của ông Địch giải nhiệt. Sau vài chầu nhậu tưng bừng, một vị khách đang rôm rả nói chuyện với bạn bè thì bỗng im bặt khi nhìn thấy hai chiếc mỏ neo ông Địch bày tại đây. Người khách Trung Quốc say sưa, đắm đuối nhìn chiếc mỏ neo không dời mắt. Vị khách Trung Quốc nhờ một người biết tiếng ngỏ ý với chủ quán muốn sở hữu chiếc neo hai ngạnh với giá 30.000 USD. Ông Địch kể lại: "Ngày ấy 30 nghìn đô la nếu đổi ra vàng thì quả là một gia tài không phải nhỏ. Tôi chẳng hiểu mô tê gì cả, cứ nghĩ ông ấy nói đùa…".
Thấy thái độ cười đùa của ông Địch, vị khách người Trung Quốc tỏ ra ngượng vì nghĩ mức giá mình đưa ra chưa đúng với giá trị. Khoảng 1 tuần sau vị khách nước ngoài này trở lại một lần nữa và nâng giá lên 150.000 USD. Lần này ông Địch không bình tĩnh nổi trước số tiền khổng lồ mà người này trả cho "khúc gỗ" mục. "Lúc đó tôi cũng không ý thức được giá trị của hai chiếc mỏ neo. Chỉ vì thích, thấy nó đẹp mà mua về chứ đâu có nghĩ giá trị nó khủng khiếp như vây. Cuộc đời này chỉ có mình tôi "hâm" chứ biết đâu lại có thêm người nữa". Sau lần trả giá khủng như vậy, người đàn ông mang tiếng "hâm" này mới lờ mờ hiểu ra rằng đây là cổ vật vô giá. Nó có giá trị lịch sử của đất nước chứ không đơn giản là một đống củi "bổ ra luộc bánh chưng" như người vợ mình đã từng phán.
Kết quả giám định của viện khảo cổ học |
Chưa dừng lại ở đây, khoảng 1 năm sau, thời kỳ gỗ sưa đang lên ngôi có hai người đàn ông từ Bắc Ninh chuyên buôn đồ gỗ cổ sang tận nhà nài nỉ ông bán lại. Thuyết phục ông Địch không được hai người này chuyển sang thuyết phục vợ ông. Họ còn hứa, nếu vợ ông Địch động viên được chồng bán hai chiếc mỏ neo họ sẵn sàng bồi dưỡng thêm 500USD. Tuy vậy, "âm mưu" của hai người thợ đồ cổ bất thành vì sự phản ứng dữ dội từ ông Địch.
Ngay sau khi hai người thợ đồ cổ bỏ đi, ông Địch quyết tìm ra lời giải cho hai chiếc mỏ neo cổ này. Ông đã viết 1 bức thư khá dài, chụp ảnh chiếc mỏ neo rồi đích thân đến tận nhà Giáo sư sử học Dương Trung Quốc để diện kiến. Trong thư ông Địch viết, ông đang có hai chiếc mỏ neo rất kỳ lạ và cổ kính, tuy không phải là chuyên gia nhưng ông biết nó là những thứ mà các nhà sử học cần, nhất là khi địa điểm trục vớt được hai chiếc mỏ neo này nằm ở đoạn hiểm nhất của con sông Hồng, ngay trước cửa Bạch Đằng, Hàm Tử Quan, Bến Gỗ - những địa danh mà nhắc đến cũng khiến một người vô tình nhất cũng có liên tưởng đến những cột mốc lịch sử.
"Tôi đến nhà ông Quốc để hỏi nhưng hôm đó ông ấy không có nhà. Tôi để bức thư và bộ ảnh ở lại rồi đi về. Khi ông ấy về đọc thư và xem ảnh ông ấy đã đến thẳng nhà tôi luôn". Nhà sử học cùng một nhóm chuyên gia khảo cổ cùng Tiến sĩ Vũ Thế Long khi đến xem thực hư hai chiếc mỏ neo ấy ra sao. Khi nhìn thấy, cả hai chuyên gia này đều sửng sốt về chiếc mỏ neo kỳ lạ này . Sau khi tìm hiểu qua, Giáo sư Dương Trung Quốc quyết định mời các chuyên gia, giáo sư đầu ngành từ các nước tiên tiến về hàng hải như: Mỹ, Úc, Nhật Bản… về nghiên cứu. "Họ về nhà tôi đo đạc, nghiên cứu và ở đây cả chục ngày. Có nhiều giáo sư đầu ngành từ Mỹ, Úc và cả những sinh viên chuyên ngành đến từ Nhật Bản" - ông Địch kể.
Đoàn nghiên cứu sau khi đo đạc, tính toán, sử dụng công nghệ hiện đại, lấy mẫu vật về giám định để xác định niên đại đã kết luận mỏ neo một ngạnh có tuổi đời từ thế kỷ 13. Chiếc hai ngạnh còn lại có niên đại khoảng thế kỷ 15. Các chuyên gia còn khẳng định, hai chiếc mỏ neo này được làm bằng những loại gỗ khá tốt, quý hiếm, dòng họ lim, gỗ bồ kết, có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Hiện nay các loại gỗ này đã tuyệt chủng. Đây là một phần của những chiếc tàu lớn, tuy nhiên chưa thể xác định đây là bộ phận của 1 chiếc tàu chở người, quân sự hay tàu buôn.
"Quả thực tôi rất vui mừng khi biết được kết quả giám định của các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Không ngờ mình lại đang sở hữu một cổ vật vô giá, độc nhất vô nhị, nó là minh chứng cho cả một giai đoạn lịch sử. Đánh dấu một bước phát triển của ngành Hàng hải Việt Nam. Hoặc cũng thể hiện sự giao thương bằng đường thủy của ta cũng phát triển từ rất lâu đời. Tôi sẽ không bán báu vật này, rất mong muốn được đặt vào Bảo tàng Hà Nội để mọi người chiêm ngưỡng".
Theo TS Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu con người và môi trường (Viện Khảo cổ Việt Nam) chiếc mỏ neo lớn như vậy được tìm thấy là bằng chứng rất cụ thể về di vật dưới lòng sông, về những con tàu lớn đã neo đậu trên đất Thăng Long. Thông tin ông thuyền chài cho hay dưới đáy sông còn có xác tàu đắm nếu thực như thế thì vô cùng đáng mừng. Vấn đề là phải nhanh chóng xác thực điều này và xác định được vị trí và cách tiếp cận. Nếu có cả con tàu dưới đáy sông thì là một phát hiện lớn của Hà Nội và cả nước. |
.