Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201408/du-bao-tap-van-mot-long-bam-bien-521698/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201408/du-bao-tap-van-mot-long-bam-bien-521698/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Dù 'bão táp' vẫn một lòng bám biển - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Bảy, 16/08/2014, 16:16 [GMT+7]

Dù 'bão táp' vẫn một lòng bám biển

Nghề biển luôn được coi là nghề nguy hiểm, trước muôn vàn sóng gió trùng khơi và hiểm nguy, ngư dân cần có một điểm tựa tinh thần và một ý chí gang thép. Họ đã biết hợp lại với nhau, các tàu bè liên kết tạo nên sức mạnh tổng hợp, để cùng vai sát cánh, vững tin vươn khơi. Với những ngư dân Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) thì ra khơi bám biển đâu chỉ để kiếm sống mà còn là để nối nghiệp cha ông, bảo vệ vùng biển, khẳng định chủ quyền của dân tộc.
Ông Nghênh kể lại những lần “bão táp” trong 30 năm bám biển
Ông Nghênh kể lại những lần “bão táp” trong 30 năm bám biển
 
Khó khăn làng biển
 
Đã 4h chiều nhưng cái nắng vùng biển Ngư Lộc vẫn như thiêu như đốt. Phía xa xa là chàng Nẹ hóa thân thành hòn đảo đứng giữa biển trời bảo vệ bình yên cho xóm làng nơi mép nước, cửa sông. Ở Ngư Lộc vươn khơi được coi là nghề "cha truyền con nối". Tiếng người gọi nhau í ới, tiếng máy nổ gầm rú trên những con tàu vừa cập bến khiến quãng bờ biển cả trăm mét như thể ngày hội. Đá cây nườm nượp được đưa lên các thành tàu, công việc khẩn trương, nặng nhọc nhưng ai nấy vẫn giữ nụ cười rạng rỡ.
 
Trong bộ quần áo ướt sũng mồ hôi, anh Nguyễn Văn Cường vui vẻ: "Chúng tôi đã cập bến được 2 ngày rồi, chuyến này trừ chi phí, công lao động cũng lãi được 30 triệu. Chuyển hàng xong chúng tôi lại ra khơi ngay trong đêm nay".
 
Để có được những thuyền cá nặng khoang các ngư dân đã phải đối mặt với bao khó khăn. Hết chuyện giá xăng dầu tăng cao, chi phí nhân công rồi còn cả chuyện sóng to gió lớn, nay ngư dân lại phải đối mặt với tàu lớn của Trung Quốc. Theo chia sẻ của những ngư dân ở đây, khoảng 10 năm trước, ra khơi chừng 40 hải lý là có thể đánh bắt được, nhưng giờ biển ngày càng nghèo đi. Những tàu nhỏ ít nhất cũng phải vươn tới 60 hải lý, thuyền lớn thì cả trăm hải lý mới mong có lãi. Anh Sơn chia sẻ: "Đánh cá không nói trước được thu nhập. Nếu thời tiết ổn, mỗi tuần ra khơi 2 chuyến, có khi ba chuyến. Tùy theo vận may thôi, nếu đánh được đầy khoang thì về sớm, ít thì ham ở lại. Mỗi thuyền ngót nghét chục người, còn phải trả lương cho công nhân nữa.
 
Một khó khăn nữa của ngư dân Ngư Lộc là kinh phí hạn hẹp, chỉ có thể dùng radio hàng hải xác định, bộ đàm gọi thông báo cho nhau. Nếu thời tiết quá xấu sẽ mất sóng ngay, lúc đó chỉ còn biết dựa vào hướng gió, kinh nghiệm đi biển để "tự cứu" mình. Ông Nghênh (người có thâm niên 30 năm đi biển) nói: "Có khi áp thấp nhiệt đới, sức gió quá mạnh, thuyền yếu không kịp chạy nấp, đành buông xuôi, chạy lòng vòng hàng tuần lễ mới về được".
 
Cả làng biển Ngư Lộc vẫn còn chưa thể quên cơn bão số 5 (tháng 6-1996), ngày đó phương tiện thông tin còn hạn chế, dự báo thời tiết không kịp thời, một thảm họa đau xót xảy ra 60% ngư dân trong làng thiệt mạng. Người mất cha, kẻ mất chồng… có người chỉ sau đêm tân hôn đã phải bỏ mạng nơi biển sâu, để lại người vợ góa cùng đứa con còn nằm trong bụng mẹ. Có biết bao người vợ đằng đẵng phòng không chờ chồng, chiều xuống lại ngơ ngẩn ngồi bên rổ cá cuối chợ làng mà lặng người lau nước mắt. Đất Ngư Lộc bấy lâu vẫn được gọi là vùng biển bão tố, làng chài nhỏ bé chỉ có hơn 17 nghìn người sinh sống thì đã có tới hơn 200 góa phụ.
 
Người dân Ngư Lộc đã biết kề vai sát cánh trước “sóng to gió lớn”
Người dân Ngư Lộc đã biết kề vai sát cánh trước “sóng to gió lớn”
 
Chúng tôi đến nhà ông Nghênh vào đúng những ngày tàu của ông nghỉ trăng, đó là những ngày hiếm hoi ông được ở nhà, được đoàn tụ cùng vợ con. Đã ngoài 50 tuổi nhưng ông Nghênh vẫn giữ được vẻ tráng kiện của một ngư dân thuần túy. Ông bảo, hơn 30 năm đương đầu với sóng to gió dữ nhưng chẳng mấy khi ông ốm. Ông chỉ buồn, mệt mỏi mỗi khi khoang chưa đầy cá. Rồi ông Ngênh ngồi lặng thinh, khói thuốc lào vắt vẻo trên đám râu lốm đốm bạc: "Bây giờ cũng nhiều cái khó khăn lắm, giá dầu thì ngày một tăng, thuyền của bà con ngày một già đi, có nhiều người vay lãi sắm thuyền còn chưa trả được đó".
 
Theo thống kê cả xã Ngư Lộc có khoảng 317 tàu, thuyền khai thác thủy sản. Nhà nước đã hộ trợ trong mua sắm, đóng mới tàu công suất từ 90 CV trở lên, hoặc hoán đổi máy tiêu hao ít nhiêu liệu cho các phương tiện công suất nhỏ theo Quyết định số 289/QĐ -TTG của Chính phủ. Đồng thời hỗ trợ 30% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên, phao cứu sinh. Thế nhưng những ngư dân ở đây đều cho rằng sợ hỗ trợ này là quá thấp so với đầu tư của họ. Phần lớn những ngư dân được hỏi họ đều nói rằng phải "tự sinh vốn" để bám trụ với nghề. Có gia đình phải vay lãi với giá cắt cổ, 100 triệu có khi phải trả 6- 7 triệu/tháng. Ngư dân gõ cửa ngân hàng nhưng lại vướng phải thủ tục, phải thế chấp gì đó cho ngân hàng, mà với họ đào đâu ra tài sản lớn để vay vài trăm triệu?.
 
Ông Nghênh tâm sự: "Bây giờ đầu tư để đóng tàu lớn quả là quá sức với chúng tôi. Để có được chiếc tàu này gia đình tôi cũng phải vay mượn rất nhiều. Vay ngân hàng thì khó đành phải huy động anh em họ hàng, thậm chí vay lãi cao". Tàu nào cũng có sổ đăng kiểm, hằng tháng nộp thuế, rồi tiền đảm bảo môi trường, phao cứu trợ… lương cho nhân viên. Chi phí bóng điện, dầu, điện máy, sàn, vàng lưới… mỗi năm cũng ngót 20 triệu. Tàu nhỏ mỗi năm cũng phải khấu hao đi khoảng 20- 25 triệu, tàu lớn có thể gấp đôi. 
 
Kề vai để khẳng định chủ quyền
 
Nguy hiểm là thế, khó khăn là thế nhưng hàng nghìn ngư dân xã Ngư Lộc cùng hàng trăm tàu vẫn tự tin liên tục ra khơi bám biển đánh bắt hải sản trên ngư trường mà cha ông để lại.
 
Vài năm trở lại đây, để hỗ trợ cho ngư dân bám biển đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền biển đảo, chính quyền địa phương đã lập nên mô hình "tổ thuyền đoàn kết" để họ sát cánh cùng nhau ra khơi. Hiện nay cả xã có 51 tổ tàu thuyền đoàn kết, với khoảng 80% phương tiện và ngư dân tham gia. Mô hình này đã thể hiện hiệu quả ngay tức thì. Các ngư dân không chỉ được cùng nhau sát cánh trên biển mà còn hỗ trợ nhau cả về vốn, về kỹ thuật khi cần thiết. Ông Nguyễn Văn Nghênh là người tiên phong tham gia "tổ thuyền đoàn kết". Với hơn 30 năm đi biển ông ý thức hơn bao giờ hết tầm quan trọng của sự đoàn kết trên biển. Ông kể: "Chính vì các thuyền trong tổ hoạt động đánh bắt gần nhau nên đã hỗ trợ nhau rất nhiều". Cho đến hôm nay ông vẫn còn nhớ như in vào khoảng tháng 6/2013 chiếc thuyền thành viên trong tổ của ông gặp nạn.
 
Dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân Ngư Lộc vẫn quyết bảo vệ nghề của cha ông
Dù còn nhiều khó khăn nhưng người dân Ngư Lộc vẫn quyết bảo vệ nghề của cha ông
 
Hôm đó thuyền trưởng bị ốm đột xuất trên biển nên đã để một thuyền viên chạy. Bỗng nhiên có áp thấp nhiệt đời, biển động rất mạnh, từng đợt sóng cao cứ thế ập đến. Sóng to gió lớn đánh chìm luôn thuyền của một thành viên trong tổ vào khoảng 10h sáng. Tất cả 9 thành viên đều ụp xuống theo con thuyền. Do tổ thuyền hoạt động gần nhau và luôn bám sát thông tin của nhau. Nhận thấy 1 thành viên gặp nạn, ông Ngênh điện cho các thuyền thành viên trong đội xác định tọa độ để đến ứng cứu.
 
Tổ đội của ông Nghênh nhanh chóng xác định được vị trí con thuyền bị đắm liền áp sát để cứu nạn cứu hộ. Do đến ứng cứu kịp thời, tổ đội của ông Nghênh đã cứu được 8 người trên chiếc thuyền gặp nạn. "Có 9 người trên thuyền chúng tôi chỉ cứu được 8 thôi. Chiếc thuyền có giá trị khoảng 500 triệu cũng không vớt được vì chúng tôi toàn tàu nhỏ, không có phương tiện để vớt. Cũng may là chúng tôi hoạt động kiểu "tổ thuyền đoàn kết" mới cứu được nhau. Trước đây mạnh ai nấy làm, mỗi người một hướng khó lòng mà cứu được nhau lắm".
 
Bên cạnh những khó khăn phải chống chọi với thiên nhiên, các ngư dân còn phải đối mặt với tàu của Trung Quốc. Thực tế đã từng có tàu của Ngư Lộc bị tàu của Trung Quốc đuổi, đâm va thậm chí có tàu bị đánh chìm. Nhưng từ khi thành lập "tổ thuyền đoàn kết" ngư dân đã vững tin hơn, sẵn sàng đương đầu với tàu cá của Trung Quốc. Ông Nghênh kể: "Đánh bắt cá trên biển giáp mặt với tàu của Trung Quốc là chuyện bình thường. Chúng tôi giáp mặt thường xuyên. Trước kia chưa có "tổ thuyền đoàn kết" chúng tôi còn e dè vì tàu của họ to hơn, chứ bây giờ có anh em bên nhau chúng cũng đôi phần kiêng nể. Thực tế đã có tàu của Ngư Lộc đã bị tàu của Trung Quốc đâm chìm rồi. Bây giờ gặp họ mình không chạy, mình làm trên vùng biển của mình mà. Chúng tôi hiên ngang vậy, có ngại gì đâu, quen rồi mà".
 
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết:
 
Tổ thuyền đoàn kết là một hình thức tập hợp những ngư dân xã nhà rất hiệu quả. Từ đó, ngư dân đã sát cánh cùng nhau, giúp đỡ nhau trong hành nghề cũng như trong cuộc sống. Ngày 7/6, chúng tôi đã nhận được công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về việc sẽ trang bị cho ngư dân dã nhà 12 máy định vị vệ tinh hỗ trợ cho việc đánh bắt xa bờ. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục động viên các hộ còn lại vào tổ thuyền đoàn kết. Việc các tổ thuyền hoạt động sát cánh với nhau sẽ tạo nên sức mạnh không chỉ trong hiệu quả đánh bắt mà còn an toàn hơn trước những tàu thuyền nước ngoài có ý định dọa nạt, xua đuổi.

 

.

Nguồn: cstc.cand.com.vn