Phóng sự
Bản đồ mới không làm cho tuyên bố lãnh thổ của TQ trở thành hiện thực
Chủ nghĩa bá quyền chỉ mang lại hậu quả tiêu cực
Phát biểu tại hội thảo “Tình hình an ninh tại Đông Nam Á và khu vực biển Đông” diễn ra tại Paris, về hàng loạt động thái gây bất ổn tại biển Đông của phía Trung Quốc, đặc biệt là sự kiện nước này hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương 981), ông Rommel Banlaoi, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tình báo và an ninh quốc gia của Philippines (CINNS) nhấn mạnh: Hành động của Trung Quốc tại biển Đông đã vi phạm những thỏa thuận quốc tế mà nước này đã ký kết như Công ước Liên Hợp quốc về luật Biển năm 1982 (UNCLOS) và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC). Đồng thời khẳng định, động thái này của Trung Quốc nhằm cụ thể hóa tham vọng chiếm trọn biển Đông thông qua tuyên bố vô căn cứ "đường chín đoạn".
Tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam sau khi bị nhiều tàu Trung Quốc vây ép, đâm hỏng nặng |
Ông Banlaoi chỉ rõ, sự phản đối của Việt Nam vượt ngoài dự tính của Trung Quốc, tinh thần yêu nước cùng với quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo của người Việt Nam lan rộng khắp cả nước và ngày càng trở nên mạnh mẽ. Thực tế đã chứng minh rằng Việt Nam chưa bao giờ lùi bước trong việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, Trung Quốc cần phải hiểu điều này. Ông Banlaoi cũng cho rằng tình hình bất ổn trong khu vực ngày càng trở nên nghiêm trọng, khi Trung Quốc tiếp tục tuyên bố đưa thêm 4 giàn khoan nữa vào thăm dò ở khu vực biển Đông.
Giám đốc CINNS cũng nhấn mạnh rằng, chủ nghĩa bá quyền và việc sử dụng vũ lực không thể giải quyết tình hình căng thẳng hiện nay ở biển Đông, nó chỉ đem lại những hậu quả tiêu cực, cần phải tiến hành các đối thoại. Chỉ có các biện pháp ngoại giao và hòa bình mới giải quyết được các bất đồng và tranh chấp.
Bản đồ mới thể hiện tham vọng bành trướng của Trung Quốc
Bộ Ngoại giao Philippines ngày 26-6 đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc đã đưa ra những tuyên bố lãnh thổ bành trướng phi lý và đi ngược lại luật pháp quốc tế, sau khi nước này xuất bản một bản đồ khổ dọc thể hiện "chủ quyền" trên biển Đông, kéo dài đến tận bờ biển của Malaysia và Philippines theo hình lưỡi bò, ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Đáng chú ý, "đường lưỡi bò" bây giờ được Trung Quốc tự thể hiện bằng đường 10 đoạn, thay vì 9 đoạn như trước đây, bao trùm gần như toàn bộ biển Đông.
Tấm bản đồ phi pháp của Trung Quốc - Ảnh: Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam |
Theo Đài ABS-CBN, trong phát biểu đưa ra ngày 26-6, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose nhấn mạnh: “Chúng ta cần lưu ý rằng đã không quốc gia nào công nhận tuyên bố chủ quyền 9 đoạn trước đây của Trung Quốc. Việc phát hành bản đồ mới không làm cho những lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền trở thành của họ. Chính xác là những tham vọng bành trướng như thế đang gây leo thang căng thẳng tại biển Đông”.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post ngày 26-6 dẫn lời chuyên gia Lý Vĩnh Long thuộc Đại học Hạ Môn vạch rõ, Trung Quốc muốn dùng bản đồ mới để kiểm tra phản ứng của các nước có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông.
Còn luật sư Harry Roque thuộc Viện Nghiên cứu luật pháp quốc tế của Đại học Philippines nhận định, Trung Quốc dường như đang bối rối vì nước này liên tục thay đổi thông tin trong tuyên bố chủ quyền của họ.
Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố tuần tra định kỳ ở biển Đông
Phát biểu trong cuộc họp báo tổ chức tại Bắc Kinh hôm 26-6, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc - Dương Vũ Quân khẳng định, quân đội nước này đã thiết lập chế độ tuần tra chiến lược định kỳ ở biển Đông, đồng thời ngang nhiên tuyên bố đây là hành động “hoàn toàn hợp pháp và chính đáng” nằm trong sự sắp đặt công tác tổng thể của Trung Quốc.
Tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 534 của Trung Quốc ở đông, đông bắc cách giàn khoan Hải Dương 18-20 hải lý. (Ảnh: Cảnh sát biển Việt Nam) |
Trước câu hỏi của phóng viên về thực tế hành động của quân đội Trung Quốc ở biển Đông gần đây có phải là nhân tố gây bất ổn trong khu vực, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngang nghiên đổ lỗi tình hình căng thẳng ở biển Đông gần đây “là do một số nước cá biệt gây ra”, đồng thời lớn tiếng đe doạ “các nước sẽ gánh chịu tất cả hậu quả” nếu tiếp tục đối kháng với Trung Quốc.
Và để lờ đi những hành vi gây hấn của Trung Quốc trong thời gian qua, ông Dương Vũ Quân đã hướng sự quan tâm của dư luận sang vấn đề khác thông qua việc chỉ trích Nhật Bản thúc đẩy quyền phòng vệ tập thể, mở rộng vai trò của quân đội và bày tỏ quan ngại về cuộc tập trận giữa Mỹ và Philippines diễn ra ở biển Đông từ ngày 26-6.
Ông Dương Vũ Quân cho rằng, hợp tác an ninh quốc phòng giữa các quốc gia không được gây tổn hại đến hoà bình và an ninh trong khu vực, không được nhằm vào nước thứ 3.
Mỹ, Philippines tập trận sát vùng biển có tranh chấp với Trung Quốc
AFP dẫn lời các quan chức quân đội Philippines cho biết, từ ngày 26-6, quân đội nước này đã bắt đầu cuộc tập trận chung với quân đội Mỹ ở gần khu vực đang có tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc trên biển Đông.
USS John McCain, một trong 3 tàu chiến Mỹ tham gia vào cuộc tập trận chung trên biển với hải quân Philippines, đang neo đậu tại Vịnh Subic (Philippines) vào hôm 26-6 |
Đợt tập trận kéo dài một tuần này sẽ giúp phát hiện “các điểm tụt hậu về năng lực” của quân đội Philippines, cũng như nhằm mục đích thử nghiệm tàu quân sự mới của đảo quốc này.
Theo các quan chức Philippines, có 3 tàu chiến cùng với hơn 1.000 binh sĩ Mỹ tham gia cuộc tập trận này. Về phía quân đội Philippines, có khoảng 400 lính.
Tại cuộc tập trận này, Philippines sẽ thử nghiệm 2 tàu chiến mới nhất của mình, vốn là tàu nâng cấp từ 2 tàu hải cảnh lớp Hamilton nhận từ Mỹ.
Được biết, 2 tàu chiến mới của Philippines hiện đang có mặt tại Vịnh Subic, cách Bãi cạn Scarborough chỉ vài giờ đi tàu. Đây là nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Manila và Bắc Kinh.
Nguồn: anninhthudo.vn