Phóng sự
Tình yêu từ nơi đầu sóng
15:58, 24/06/2014 (GMT+7)
Sáng nào anh lính đảo cũng dậy thật sớm, chẳng phải do kỉ luật quân ngũ, mà là tự anh thấy cần phải vậy, tự anh tha thiết với mảnh đất này, với cây cỏ, với con người nơi đây… Lần đầu tiên sau từng ấy năm sống trên đời, anh hiểu hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng biết nhường nào!
Ngày lên đường nhập ngũ, anh còn là một cậu trai trẻ. Anh thi đỗ đại học, nhưng quyết định bảo lưu để đi nghĩa vụ quân sự trong đợt tuyển quân năm ấy. Mọi người nói anh hâm dở, bao người muốn ở nhà học hành chẳng được, anh lại bỏ chốn đô thị phồn hoa, bỏ cuộc sống bình lặng thường nhật để dấn thân vào một con đường thật khác. Trước khi nhập ngũ, anh là một “cậu ấm” chỉ biết vùi đầu vào sách vở, chẳng bao giờ phải động tay chân vào bất kể việc gì. Bởi vậy mà chuyện anh nhập ngũ trở thành một “cú sốc” đối với gia đình và bè bạn.
Giải thích cho quyết định khá “đột ngột” của mình, chàng trai trẻ chỉ cười thật tươi, nói rằng anh muốn “trải nghiệm”, muốn “lớn lên” và muốn thấy mình “có ích”. Với việc học hành, anh có thể trở thành một kỹ sư về công nghệ hóa sinh, nghiên cứu ra những vật liệu có thể tái chế, thân thiện với môi trường… nhưng anh muốn thấy mình thật sự đóng góp cho đất nước, thực hiện nghĩa vụ của tuổi trẻ một cách rất cụ thể. Xếp lại bút sách, anh lên đường.
Bố mẹ và cô người yêu tiễn anh đi trong nước mắt, lòng cậu trai trẻ cũng không khỏi xuyến xao, lưu luyến. Nhưng ngay khi chiếc xe chuyển bánh, anh đã nghe trong mình một sự háo hức, khấp khởi. Chuyến tàu đưa anh ra đảo có lẽ là chuyến đi dài nhất mà anh từng cảm nhận được. Khi hòn đảo hiện ra với lá quốc kì phần phật bay trong gió, anh đã náo nức và xúc động đến nghẹn ngào. Bỗng nhiên anh nhớ tới ông nội mình, người đã hi sinh trên chiến trường miền Nam để bảo vệ độc lập của dân tộc, rồi thấy tự hào. Anh cũng đã là một người lính, dù trong thời bình, nhưng hơn lúc nào hết, anh thấy thật gần gũi với ông, người anh chưa từng được biết mặt.
Cuộc sống quân ngũ đã dạy cho anh những điều rất khác. Lần đầu tiên anh được rám nắng, được luyện tập để rắn rỏi cả về thể chất và ý chí. Sống trong môi trường quân đội, kỷ luật cao, cậu trai trẻ được rèn luyện và thấy mình cứng cỏi lên rất nhiều. Đôi lúc cậu vẫn tự cười mình về điều ấy. Nhìn những người bạn mới quen, nay đã trở thành đồng đội, chia sẻ với nhau những vất vả, những giọt mồ hôi và cả những lúc chạnh lòng nhớ tới gia đình, cậu trai mới thấm thía ý nghĩa của hai chữ “đồng đội” và hiểu rằng thứ tình cảm ấy sẽ lớn lao biết bao nếu đặt trong chiến trận, ở nơi người ta vào sinh ra tử cùng nhau.
Trên hòn đảo nơi anh lính đóng quân có rất nhiều cây phong ba. Lần đầu tiên nhìn thấy loài cây này, anh đã rất xúc động. Những điều anh chỉ được học, được nhìn thấy trong sách vở giờ đã trở thành sự thật ngay trước mắt. Anh nghĩ đó là điều may mắn mà chẳng phải ai cũng có được. Những ngày tháng canh giữ biển đảo càng củng cố trong anh lính trẻ lòng tin rằng lựa chọn của mình là đúng đắn.
Cuộc điện thoại đầu tiên gọi về cho gia đình và lá thư tay đầu tiên viết cho người yêu từ nơi hải đảo, anh chẳng một lời than thở về những vất vả, khó khăn, mà chỉ thấy trong ấy giọng điệu náo nức, sôi nổi của một chàng trai trẻ tràn đầy hoài bão và lý tưởng. Anh lính say sưa kể về những ngày bồng súng gác đảo, đêm đến thấy lũ rùa biển lặc lè đi tìm ổ đẻ trứng, và rồi ít lâu sau, từ những quả trứng nhỏ xinh ấy, đám rùa con líu ríu chui lên từ cát, hối hả tìm về với đại dương. Rồi những buổi bình minh diễm lệ và những hoàng hôn với ráng chiều đỏ ối… hay những ngày đi lao động, được hòa mình vào cuộc sống bình dị thường nhật của những ngư dân, được họ rộng lòng chào đón như đón những người ruột thịt ở xa mới về…
“Đi bộ đội”, như cách mà người ta vẫn gọi, đã dạy cho chàng trai trẻ những điều mà chẳng sách vở nào, trường lớp nào dạy được, và cũng khiến cho anh hiểu được trọn vẹn ý nghĩa của những bài học mình đã từng được dạy từ thời còn phổ thông. Mỗi tấc đất trên quê hương này đều thấm đẫm máu xương của cha ông, những người đã khai khẩn rồi hi sinh thân mình để gìn giữ cho thế hệ mai sau. Chính điều ấy đã làm nên cái hồn thiêng liêng của từng mảnh đất và khiến Tổ quốc trở thành một danh từ lớn lao.
Những ngày gác biển, giữa trời xanh, sóng cồn, gió lộng, chàng trai trẻ lại bồi hồi nhớ bài học từ thuở ấu thơ, đó là một đoạn viết của văn hào người Nga Erenbua: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất. Chiến tranh khiến cho mỗi công dân Xôviết nhận ra vẻ thanh tú của chốn quê hương. Và họ lên đường chiến đấu vì điều ấy”. Đến giờ, anh hiểu rằng lòng yêu nước lớn lao thật ra lại xuất phát từ những rung cảm nhỏ bé nhất, bình dị nhất, như những giọt nước ngưng đọng để trở thành một mạch nguồn, rồi thành một dòng chảy xiết và cuối cùng hợp lại thành thác lũ cuồn cuộn, thành tinh thần xả thân để bảo vệ biển trời quê hương.
Cuộc sống ở đảo không hề dễ dàng, đó là nơi đầu sóng, ngọn gió, với cái nắng rát bỏng, với vị muối chát, nước ngọt và điều kiện sinh hoạt luôn thiếu thốn, đồng thời, cũng là nơi luôn phải đương đầu với bão tố… bởi thế, nơi đây đã tôi luyện nên những người con khẳng khái, mạnh mẽ và kiên cường, những con người sẵn sàng bám biển để mưu sinh và để bảo vệ chủ quyền, biên cương của Tổ quốc. Ở nơi đây, mỗi ngư dân lại như một chiến sĩ, và mỗi chiến sĩ lại ý thức được rằng mình là một người con của đất Việt, một đất nước luôn tự hào về lịch sử hào hùng và bi tráng với những cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
Điều kiện đi lại giữa đất liền và đảo khá khó khăn, nhưng cũng bởi vậy mà mỗi chuyến tàu ra đảo lại trở thành một niềm vui lớn. Những chuyến tàu ấy không chỉ chở theo hàng hóa mà còn chở theo những sum vầy, chan chứa yêu thương và hi vọng. Anh lính nhớ những buổi chiều trên cảng, đón chuyến tàu ra có những phụ nữ bồng đám trẻ trở về sau kì sinh nở trên đất liền. Những đứa trẻ ấy rồi sẽ lớn lên, rắn rỏi, kiên cường như cây phong ba mặc cho bão táp, đó là những thế hệ sẽ tiếp nối công cuộc gìn giữ bờ cõi của cha ông ngàn đời.
Thấm thoắt, rồi cũng đến ngày anh lính trẻ được trở về sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Đêm trước khi rời đảo, anh thao thức mãi, rồi mai đây, khi trở về với phố thị, với cuộc sống thường nhật, chắc anh sẽ nhớ lắm tiếng sóng cồn ngoài kia, nhớ lắm những buổi bình minh với đám hải âu lích rích và nhớ lắm hình ảnh lá quốc kỳ phấp phới trong gió lộng - biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc, nay đã trở thành một phần tuổi trẻ của anh. Rồi đây, anh sẽ tiếp tục cống hiến cho đất nước bằng những nghiên cứu thuộc chuyên ngành mà anh đam mê, nhưng những ngày bồng súng canh giữ biển đảo là những tháng ngày mà anh chẳng bao giờ quên được, đó là trải nghiệm mà suốt cuộc đời anh sẽ luôn trân quý. Hành trang của người lính trẻ khi trở về, ngoài những trang viết tràn đầy hoài bão, mảnh xương san hô của một người bạn tặng làm kỷ niệm, còn có cả một tình yêu tha thiết với biển đảo quê hương.
Nguồn: cstc.cand.com.vn