Phóng sự
Võ sư giết người trở thành anh giao hàng vui tính
15:42, 22/06/2014 (GMT+7)
Từ phải thụ án tù vì hành vi giết người trong một lần thiếu kiềm chế, người đàn ông từng là võ sư danh tiếng, cũng là thầy thuốc mát tay ấy đã phải đối mặt với bản án tù. Giờ đây, anh đã bỏ lại quá khứ, sống với trách nhiệm của người con, người cha của mình với công việc giao hàng café.
Luyện võ thành sư, tay quyền đáng nể
Hẹn mấy lần không gặp được vì anh bận công việc giao hàng khắp TP Nha Trang, cuối cùng tôi cũng gặp được Trần Văn Bình (37 tuổi, đường Yết Kiêu - TP Nha Trang) khi anh vừa mướt mồ hôi chạy chiếc xe gắn máy “cà tàng” đi giao hàng ở khá xa nhà về. Gặp tôi, anh cười một nụ cười xuề xòa, gãi đầu ái ngại vì thất hẹn nhiều lần. Bên người mẹ già của mình, người đã cho anh biết bao niềm tin những lúc anh hoang mang nhất, anh kể về cuộc đời truân chuyên, thăng trầm của mình.
Từ nhỏ, mẹ anh đã cho hai anh em luyện võ. Luyện đến khi thành võ sư năm 25 tuổi, sau đó anh trở thành huấn luyện viên võ thuật cho nhiều thế hệ bạn trẻ TP Nha Trang. Còn nhớ, mỗi lần có học trò đoạt giải, giành huy chương trong các kì thi đấu võ đài hoặc biểu diễn võ thuật, là thêm một lần anh Bình vui mừng đến không ngủ được. Ở thành phố biển Nha Trang này, cái tên Trần Văn Bình được biết đến là người có thành tích đáng nể trong thi đấu thể thao. Khi 18 tuổi trở thành huấn luyện viên, 25 tuổi nhận bằng võ sư phái Bích Quang môn. Ngoài ra, anh cũng dành rất nhiều chiến thắng trên con đường võ học, chủ yếu là đấu võ đài. Đã từng học nhiều môn võ như: Judo, Vật truyền thống, Karatedo, Trần Văn Bình có kiến thức rộng lớn về nhiều môn võ thuật, am hiểu rõ kỳ kinh bát mạch, xương khớp, những thế hiểm mà nhiều người có khả năng gặp phải. Anh thực sự đam mê võ thuật và từng có ý định gắn đời mình với sự nghiệp thể thao. Niềm mong ước ấy có lẽ đã thành sự thật nếu như không có một sự cố khiến cuộc đời anh phải rẽ sang một hướng khác.
Anh Bình bên người mẹ của mình |
Ngày ấy, sau những thành công vang dội của mình, anh Bình chuyển vào sinh sống tại TP.HCM để huấn luyện và trở thành vệ sĩ. Công việc vệ sỹ thời điểm ấy đã có nhiều thuận lợi với người có trình độ võ thuật như anh. “Tôi có thể đánh với nhiều người khá dễ dàng, cũng có thể hạ gục đối phương để tự vệ trong trường hợp cần thiết! Nhưng cũng chính vì thế mà tôi vướng vào vòng lao lý khi quá tay với những tên kẻ cướp trong cái đêm định mệnh ấy!”, anh Bình nhớ lại. Mẹ anh có một quán cà phê vỉa hè, đêm ấy anh vừa đi làm về thì các đối tượng côn đồ tìm đến gây sự đòi tiền bảo kê. Trong đêm hỗn chiến ấy, mình anh đã đánh bay vũ khí và đương đầu với 10 đối tượng côn đồ gây chuyện trước quán cafe cóc mà người mẹ già tảo tần bao đêm ngồi bán nuôi cả nhà. Anh đã ra tay không thương tiếc với các đối tượng này, kết quả là một đối tượng đã tử vong.
Nhận mức án 5 năm tù giam vì hành vi “giết người do vượt quá khả năng phòng vệ”, anh vào tù bằng giọt nước mắt đưa tiễn của người mẹ già, bằng những đồng tiền còm cõi mẹ anh gom góp từ quán cà phê cóc bên vỉa hè. Trong trại, anh ân hận quá nên cố gắng cải tạo cho thật tốt. Anh ra trại trước thời hạn hơn 2 năm vì những thành tích cải tạo của mình. Trở về với người mẹ, anh vẫn không thể nào nguôi ngoai được những tháng ngày anh đã khiến mẹ anh phải buồn bã đau đớn như thế.
Anh Bình với công việc bình thường của mình |
Nó đã trở về với tôi rồi
Khi trở về, Bình từ bỏ nhiều mối quan hệ trước đây, cả nhà chỉ còn bố mẹ ở tại địa chỉ cũ. Phải vất vả lắm mới tìm được nhà. Hơn 6 tháng sau khi rời trại, Bình lại tiếp tục cuộc sống cùng những túi cafe tuy đắng nhưng luôn có nhiều người thưởng thức bởi hương vị và sự pha chế.
Sau ngày ra trại, bình yên đã trở lại trong suy nghĩ của anh. Anh bắt đầu nghề giao cafe. Ngày di chuyển khoảng 20km trên địa bàn TP. Nha Trang, đến hàng chục quán cafe quen thuộc. Anh vẫn ngày ngày phụ giúp mẹ già bán cafe kiếm thêm. Bà Tiến, mẹ anh Bình tâm sự: “Làm người mẹ khi con mình vướng vào vòng lao lý ai cũng buồn bã cả, nhưng tôi tin nó là một người đàng hoàng tử tế thì trong hoàn cảnh nào cũng sẽ vượt lên được. Bây giờ nó về với tôi rồi, hai mẹ con lại sớm tối có nhau!”.
Trần Văn Bình vẫn chăm chỉ làm việc, kiếm tiền bằng sức lao động của mình. Nói chuyện với tôi, anh cười: “Người ta ra tù thì hay tự nói bản thân sẽ làm lại từ đầu. Nhưng tôi trước kia vốn không giao du với phần tử xấu, không liên quan đến việc làm phi pháp. Chỉ là trong đêm hỗn chiến với đám người chủ động tấn công mình trước, nên tôi mới phải chịu cảnh lao tù mà thôi. Giờ thì tôi sẽ sống tiếp, sống cho mẹ tôi, cho con tôi, dẫu sao cuộc đời cũng đã để lại cho tôi một đứa con!”.
Chữa bệnh mát tay
Hiện nay anh đã không còn là huấn luyện viên võ thuật, nhưng việc luyện võ vẫn luôn tiếp tục. Anh bảo luyện võ phần vì sức khỏe, phần để đảm bảo an toàn cho bản thân mình. Trong suốt quãng thời gian học võ gia truyền từ khi còn nhỏ đến bây giờ, anh am hiểu sinh lý con người, huyệt mạch, đó là điều kiện ban đầu để anh học nghề Đông y gia truyền. Đến nay, anh thường nắn khớp, chữa bệnh xương khớp cho nhiều người bệnh tìm đến trong hoàn cảnh rất khó khăn. Là người chữa bệnh mát tay, lại không lấy tiền và thái độ hết sức nhã nhặn với sự tận tâm nên ngôi nhà nhỏ của mẹ con anh thường là điểm đến của không ít người quen biết, thân thiết. Nghề y này Trần Văn Bình học được là nghề tổ truyền chuyên về trật đả cốt khoa, về xương khớp, kinh mạch.
“Tôi chỉ chữa bệnh trong phạm vi nghề võ thôi, tôi học nghề y từ trong gia đình mình chuyên chữa các vết thương trong quá trình luyện võ, giờ mang ra áp dụng và cứu chữa cho nhiều người tìm đến. Tôi làm bằng cái tâm của mình để giúp người bệnh chứ không phải làm để sống như những người khác!”, anh tự nói về mình như vậy.
Nguồn: anninhthudo.vn