Phóng sự

Những cuộc đào thoát 'sinh tử' và sự thật của 'giấc mơ vàng'

15:18, 12/04/2014 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Một đoàn gần 100 công nhân, trong đó không ít trẻ vị thành niên chỉ mới 16 tuổi cũng đã bỏ trốn khỏi bãi vàng Khe Tăng với lý do: "Chúng tôi bị buộc phải lao động cực nhọc mà không được trả lương"... Sự thật về giấc mộng đổi đời từ vàng, bánh vẽ những tay dắt mối dụ dỗ giờ đã hoàn toàn sụp đổ...!

Những phu vàng bỏ trốn kể lại sự việc phải lao động cực nhọc trong môi trường cực kỳ nguy hiểm và bị xù lương
Những phu vàng bỏ trốn kể lại sự việc phải lao động cực nhọc trong môi trường cực kỳ nguy hiểm và bị xù lương
 
Vì không thể chịu nổi sự ngược đãi, Cường và Hảo cùng 8 phu vàng khác đã hoảng loạn, bỏ trốn sau hơn 30 ngày bị ép lao động như khổ sai. Hành trình đào thoát khỏi sự truy bắt gắt gao của bọn cai vàng, những ngày băng rừng đói chỉ có nước suối cầm hơi... dường như đã vắt kiệt chút sức lực cuối cùng của các cậu bé. Rồi chỉ vài ngày tiếp sau cuộc đào thoát này, đêm 3/4, một đoàn gần 100 công nhân khác, trong đó không ít trẻ vị thành niên chỉ mới 16 tuổi cũng đã bỏ trốn khỏi bãi vàng Khe Tăng với lý do: "Chúng tôi bị buộc phải lao động cực nhọc mà không được trả lương"... Sự thật về giấc mộng đổi đời từ vàng, bánh vẽ những tay dắt mối dụ dỗ giờ đã hoàn toàn sụp đổ...!
 
Từ đơn lẻ đào thoát sinh tử khỏi "nghiệp vàng"
 
"Giữa rừng, bọn cháu chỉ biết chạy mải miết. Lả người vì đói và khát, nhưng cho dù đôi chân bật máu vẫn cứ phải  chạy... Vì bọn cháu biết, nếu dừng lại hoặc ra đường lộ thì sẽ bị cai vàng bắt, sẽ lại bị đánh, bị ép xuống hầm sâu làm việc không kể đêm ngày. Mà biết đâu còn gặp họa sập hầm, vùi chết như mấy chú phu vàng trước đó"... - Khi được giải cứu khỏi sự truy đuổi gắt gao của bọn cai vàng, cả hai phu vàng nhí Cường và Hảo đều không giấu được sự hoảng loạn mà cho biết như vậy.
 
Cũng theo Phạm Văn Cường (SN 1995) và Phạm Văn Hảo (SN 1997), hai nạn nhân, hai phu vàng người dân tộc Mường, cùng trú thôn Cao Xuân, xã Ngọc Khuê, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá thì: "Gia cảnh bọn cháu cơ cực lắm, nhà thuần nông, đông con, nên không thể nào thoát khỏi cuộc sống chật vật đói nghèo nơi quê nhà. Bỏ học sớm, lại chưa đủ lớn, đủ tuổi để xin được một công ăn việc làm mà tự nuôi lấy bản thân và phụ giúp gia đình, nên khi nghe lão Ánh người cùng quê (kẻ mà Cường, Hảo tố giác lừa đưa các nạn nhân vào bãi vàng - PV) vẽ ra một "viễn cảnh vàng" đổi đời với nào là lương cao từ 4-5 triệu/tháng, sẽ được lo chu đáo chỗ ăn chỗ ở đủ đầy... Thậm chí vận số nếu may mắn còn dư dả có vàng, có tiền đem về lo cho cha mẹ và các em, vậy là như bắt được vàng, liền sau tết, không hề suy tính Hảo - Cường cùng 34 thanh niên trong làng theo lão Ánh trải qua mấy chặng sang xe vất vả từ Thanh Hóa đến bến xe Đà Nẵng, rồi ngược lên miền núi Quảng Nam để đi nuôi giấc mộng đổi đời từ vàng... Tuy nhiên, ngay cả khi lên đến được một trong những "điểm nóng" khai thác vàng tại huyện Phước Sơn (Quảng Nam), cả đoàn còn phải tiếp tục mất hơn 1 ngày lội bộ, len lỏi băng rừng nữa mới tiếp cận được "bãi đáp" khai thác vàng Phước Thành.
 
Tại đây, trái ngược hoàn toàn với những gì Ánh đã hứa hẹn, giữa bốn bề là rừng núi thăm thẳm Cường, Hảo và những đồng hương đã bị lão phó mặc cho chủ bãi vàng mà biến mất. Rồi chỉ ngay ngày hôm sau, tất cả trong đoàn bị chủ bãi chia làm 2 tốp, bắt phải làm việc như khổ sai, bất kể ngày đêm dưới sự giám sát của những cai vàng mặt mày rất hung dữ. Riêng Hảo và Cường do thân hình nhỏ quắt, nên các em còn bị ép phải chui rúc trong những hố hầm vàng sâu hun hút, thiếu không khí để đào quặng. Phải làm việc quá sức, thường xuyên bị bỏ đói, lại liên tục bị uy hiếp về tinh thần nên Hảo, Cường đã quyết định bỏ trốn.
 
 
Cuộc đào thoát đầu tiên khỏi nghiệp vàng đã không hề trót lọt. Do bởi, tuy vừa mới bị lừa, ép buộc lao động như khổ sai tại hầm bãi vàng Phước Thành, nhưng Cường, Hảo và những người trốn cùng vẫn tiếp tục ngô nghê, cả tin. Khi nhóm bỏ trốn ra đến rìa thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn), đang loay hoay không có tiền về quê, không có lương thực để dùng thì gặp phải 1 người đàn ông lạ mặt tự xưng là chủ hầm vàng giàu có. Gã đàn ông này cũng ngon ngọt dụ dỗ, khiến cả nhóm ngoan ngoãn theo chân quay lại tiếp nghiệp phu vàng với hy họng "đổi công, lấy tiền chờ đủ để về quê"...!.
 
Lần này, cả nhóm được đưa lên bãi đào vàng xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh. Bọn chủ hầm và cai vàng tinh quái tại đây đã thừa biết hầu hết các "lính vàng mới" đều nhỏ tuổi, không còn chỗ nương thân, đa phần không hiểu biết về pháp luật, nên chúng ra sức bóc lột sức lao động, thậm chí còn lạm dụng hơn cả ở bãi vàng cũ vừa mới trốn thoát. Chính vì vậy, chỉ gần 10 ngày bị chủ hầm và bọn cai vàng đày đọa, cực nhọc suốt từ sáng đến tối, lần thứ hai các cậu bé đã cùng nhau tìm cách đào thoát khỏi bãi vàng.
 
Trưa ngày 27/3, lợi dụng cai vàng đi ăn, chủ hầm cũng không có mặt, 10 phu vàng đã bỏ chạy vào rừng. Sau một ngày loanh quanh trong rừng sâu thuộc địa bàn Tiên Phước, đêm 28/3, cả nhóm ra đến khu vực ngã ba xã Tiên Thọ, huyện Tiên Phước đã đói lả người. Lúc này, để sinh tồn và sợ chủ bãi, bọn cai vàng phát hiện đuổi bắt kịp, nhóm 10 phu vàng đã tách ra bỏ chạy tứ tán. Riêng Cường, Hảo chạy ra đến ngã ba xã Tiên Thọ thì trốn vào nhà dân để xin ăn. Hai cậu bé may mắn gặp được một nữ cán bộ xã tên Văn và người dân cưu mang, cho ăn, cho ngủ lại. Đồng thời cấp báo lên chính quyền địa phương, Công an xã để phối hợp giải cứu các em khỏi sự đuổi bắt của bọn cai vàng...
 
Đến rầm rộ phu vàng bỏ nghiệp vì "giấc mơ vàng không có thật"
 
Sự việc "đào thoát sinh tử" của 10 phu vàng vào ngày 28/3 vẫn còn đang rất nóng dư luận thì 5 ngày sau, vào đêm 3/4, dư luận lại chấn động trước việc gần 100 phu vàng khác, hầu hết là người dân tộc Khơ Mú, quê ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An cũng đã bỏ trốn khỏi bãi vàng Khe Tăng (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Đáng lưu ý là trong số phu vàng bỏ trốn này có khá nhiều công nhân đang ở tuổi vị thành niên như em Ô Văn Hiệp mới 16 tuổi, nhưng đã làm việc tại bãi vàng từ hơn 1 năm nay.
 
Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm tận tình thăm hỏi và động viên các em trong những ngày được chăm sóc tại Trung tâm sau khi được giải thoát
Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Giám đốc Trung tâm tận tình thăm hỏi và động viên các em trong những ngày được chăm sóc tại Trung tâm sau khi được giải thoát
 
Theo những phu vàng cắt rừng bỏ trốn thì đây không phải là lần đầu, hay duy nhất họ quyết định bỏ trốn khỏi các bãi vàng. Đã rất nhiều cuộc đảo tẩu thành công,  cũng không ít lần bị cai vàng bắt lại, đầy đọa, đánh đập vì "giấc mơ vàng, giấc mơ đổi đời là hoàn toàn không có thật".
 
Chia sẻ với PV, một trong 30 công nhân của Công ty TNHH Phước Minh (Công ty chuyên khai thác vàng tại huyện Phước Sơn, Quảng Nam - PV) đã tham gia cuộc bỏ trốn rầm rộ vào đêm 3/4 của các phu vàng cho biết: "Do bởi hơn 1 năm nay, chúng tôi làm việc cho Công ty Phước Minh, phải lao động cực nhọc trong hầu hết các công đoạn khai thác, trong môi trường cực kỳ nguy hiểm, ở độ sâu gần cả 100m nhưng không có hệ thống thổi ngạt, nguy cơ bị sập hầm và cái chết luôn rình rập. Sức khỏe không đảm bảo do bữa ăn hằng ngày không đủ no, cơm ôi thiu, thiếu chất do chủ yếu thức ăn là muối và rau rừng. Khi đã làm việc cho Công ty Phước Minh thì không biết đến bao giờ mới được về nhà. Và hầu hết các công nhân bỏ trốn đợt này đều bị Công ty Phước Minh nợ lương gần 1 năm. Đỉnh điểm của sự việc là có một công nhân do cãi lời nên đã bị cai bãi vàng lấy súng bắn nhưng phát đạn trượt vào chân gây thương tích"...
 
Trước những tố giác liên quan đến ngược đãi lao động tại các bãi vàng, để đảm bảo ổn định ANTT tại địa bàn, chính quyền huyện Phước Sơn đã giao Công an huyện, Phòng Lao động Thương binh và Xã hội lập ngay đoàn kiểm tra liên ngành điều tra làm rõ vụ việc.
 
Để xoa dịu dư luận, phía Công ty TNHH Phước Minh cũng vội vã cử đại diện, cho xe đến đón những công nhân bỏ trốn của mình với lời hứa sẽ đưa các công nhân về quê. Cùng một hai khẳng định: "Không có chuyện ngược đãi, xù lương của các công nhân khai thác vàng"?!... Tuy nhiên, Công ty TNHH Phước Minh đã gặp phải sự phản kháng, kiên quyết của các phu vàng vì lý do: "Thà cùng nhau đi bộ về đến Nghệ An trong khi không một đồng dính túi, chứ quyết không bị lừa thêm lần nữa"...
 
Trở lại vụ 2 phu vàng Cường và Hảo vừa được giải cứu khỏi sự truy đuổi của bọn cai vàng vào ngày 28/3 vừa qua, chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Xuân Khanh, Trưởng Công an xã Tiên Thọ không khỏi lo lắng: Khi nhận được tin của cô Văn và bà con báo có hai bé trai bị một số đối tượng dùng gậy gộc truy đuổi, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và tinh thần, lập tức chúng tôi nhanh chóng cử cán bộ xuống ngay nhà dân, thay phiên bảo vệ an toàn cho các em. Do lực lượng Công an có mặt kịp thời nên những đối tượng truy đuổi không dám ra mặt, nhưng vẫn cố tình lảng vảng gần địa bàn. Chính vì vậy, ngay sáng ngày 29/3, lực lượng Công an xã Tiên Thọ đã cử người đưa các em về Trung tâm công tác xã hội Quảng Nam để chăm sóc sức khỏe và tránh những đối tượng khả nghi lợi dụng sơ hở tiếp tục dụ dỗ, lôi kéo hay đe dọa các em phải trở lại bãi vàng làm việc.
 
Cũng liên quan đến thông tin nhiều phu vàng trẻ em bị lạm dụng, bắt lao động như khổ sai xảy ra trên địa bàn, Thượng tá Phan Văn Tri, Trưởng Công an huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam khẳng định: Hiện lực lượng Công an huyện đang phối hợp với cơ quan chức năng Quảng Nam vào cuộc điều tra truy tìm các chủ bãi vàng trái phép cầm đầu ở Tam Lãnh, dụ dỗ lao động nhỏ tuổi rồi ép làm việc, bóc lột sức lao động quá mức để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
 
Theo ông Nguyễn Thế Anh, Phó giám đốc Trung tâm Công tác xã hội trẻ em tỉnh Quảng Nam: Trong những năm qua, Trung tâm đã kết hợp với các cơ quan chức năng giải thoát cho hàng chục trường hợp trẻ em bị cưỡng bức lao động, bị hành hung, thậm chí bị bán ra nước ngoài… đưa về với gia đình. Thông tin Trung tâm mới nhận được, ngoài hai em Cường, Hảo đã được giải cứu an toàn khỏi sự truy đuổi của bọn cai vàng. 8 nạn nhân còn lại đã có thông tin ban đầu, 2 trong số 8 người đã về được đến quê an toàn, 6 nạn nhân còn lại một số đã có liên lạc và cơ quan chức năng đang tiếp tục xác minh…

 

Nguồn: CSTC

Các tin khác