Phát hiện bộ xương khổng lồ ở hang núi Sáng, chiếc chuông đồng cổ bị mất cắp 3 lần “tự quay lại chỗ cũ” hay cánh đồng đồ cổ lộ thiên bên hàng rào ở Mường Thàng... đó là những bí ẩn đã được “giải mã”.
Việc phát hiện bộ xương khổng lồ còn nguyên vẹn trong hang núi Sáng đã mở ra một thông điệp vô cùng quý giá cho ngành khảo cổ học Việt Nam.
“Giải mã” 2 bộ xương trong lòng núi
Hang núi Sáng (xã Cao Răm, Lương Sơn, Hòa Bình) giờ vẫn là một nơi linh thiêng mà bà con dân bản không dám lui tới. Nó hiện ra sừng sững giữa mây mù, loác choác xung quanh là tiếng chim chóc gọi bầy. Ngay cả những phu rừng dũng cảm cũng sợ thần rừng linh thiêng với những điều cấm kỵ nghiêm ngặt, không dám bén mảng.
Đường lên hang là thử thách lớn với con người, do vậy sự xuất hiện của những bộ xương đã đặt ra dấu hỏi lớn |
Quay trở lại thời điểm cả xã Cao Răm trở nên nóng bỏng với thông tin về bộ xương trên hang núi Sáng. Đó là ngày 18-12-1997, khi anh Bùi Văn Long cùng 4 thanh niên xóm Sáng trong quá trình đi rừng gặp mưa đã tìm cách vào được trong hang để trú cho khỏi ướt. Những câu chuyện đã từng nghe về hang núi này khiến các thanh niên thêm tò mò, họ quyết định đốt đuốc khám phá hang núi Sáng.
Càng tiến vào sâu trong hang, mọi người càng lạnh toát, những giọt nước ngàn năm thấm xuống tạc thạch nhũ thành những hình thù kỳ quái, nối từ trần hang xuống đáy. Những thanh niên bản “gan hùm” giờ bỗng nhiên giật mình thon thót. Ánh đèn trong tay tự nhiên cũng trở nên hư ảo khi chiếu rọi vào mọi vật trong hang. Bình thường, đèn pin của thợ rừng sán đến nỗi nai, cáo lóa mắt không biết đường chạy, vậy mà trong hang bỗng nhiên yếu ớt, soi rọi mù mờ. “Một chiếc đầu lâu lăn lóc, trắng ởn hiện ra trước mắt, rồi bộ xương còn nguyên chân tay.. cứ thế hiện lờ mờ ở gần miệng giếng trong hang”- Bà Nguyễn Thị Thi, Giám đốc Bảo tàng Hòa Bình kể lại khi tiếp nhận sự việc từ người phu rừng Bùi Văn Long.
Lúc này, Long và nhóm bạn đã bạt vía. Cả 5 người đứng một lúc lấy lại nhịp thở cho hoàn hồn rồi đốt nứa khô làm đuốc cho Long liều mình xuống giếng. “Vừa xuống nơi có “báu vật” được vài giây, Long hét toáng, vứt bó đuốc cháy vẫn đang cháy đùng đùng dưới giếng, rồi chui đầu lên, nói dưới đó có đầu lâu lớn lắm và toàn xương người thôi”- Bà Nguyễn Thị Thi kể tiếp…
Việc đưa 2 bộ xương ra khỏi hang là công việc hết sức khó khăn, do địa hình hiểm trở |
Nghi án phi tang
Nhóm Bùi Văn Long cho rằng đã có một vụ án mạng nghiêm trọng xảy ra, kẻ thủ ác đã chọn hang núi Sáng làm nơi che giấu tội ác của mình. Cả nhóm mang theo hộp sọ, vội vã trở về báo cho chính quyền địa phương. Thế rồi xã báo lên, Công an huyện Lương Sơn đã cử cán bộ về điều tra, làm rõ sự việc.
Các nhà khảo cổ đang tiến hành khai quật trong hang |
Do thời gian “gây án” đã quá lâu, nên dù Công an huyện đã phân các điều tra viên cao cấp tham gia nhiệm vụ, song tất thảy đều cảm thấy mù mịt. Đồng thời tiến hành nhiều biện pháp nghiệp vụ, hộp sọ “tang vật” lấy lên từ hang núi Sáng được chuyển đến Viện khoa học hình sự Bộ Công an để giám định. Khoảng thời gian chờ đợi kết luận từ Viện khoa học hình sự đã gây áp lực tinh thần không nhỏ cho Công an tỉnh, huyện... đặc biệt trong trường hợp đây đúng là một vụ phi tang án mạng. Cuối cùng, bản kết luận cho thấy, đây không phải...sọ người mà là một loài động vật nào đó, tất cả đều thở phào, mọi việc chuyển sang hướng khác.
“Ngay khi nhận mẫu vật từ lực lượng Công an, chúng tôi cũng khá bối rối, chưa thể xác định ngay đây là hộp sọ của loài động vật gì. Do vậy, sau đó 1 tuần (ngày 24/12/1997) dù trời mùa đông rét tê da cứng thịt nhưng anh em vẫn tiến hành vào hang núi Sáng, thu hồi toàn bộ phần di cốt còn lại để đưa về phục vụ nghiên cứu khảo cổ học, sau đó xác định đây là 2 bộ xương đười ươi”- Bà Nguyễn Thị Thi nhớ lại.
Cận cảnh hộp sọ đười ươi |
Việc đưa 2 bộ xương đười ươi từ hang núi Sáng về đến thành phố Hòa Bình cũng là cả một hành trình gian nan. Ngọn núi cao ngất, vào hang phải đu thang dây, phải người leo giỏi và dũng cảm mới và hang được, rồi còn đoạn từ miệng xuống đáy giếng đưa di cốt lên...
Đoàn khảo cổ vừa phải tìm cách giữ an toàn cho người, vừa phải đảm bảo cho bộ xương không bị gãy. Ngay sau khi nhìn thấy bộ xương đưa lên ánh sáng miệng hầm, chuyên gia ngành khảo cổ đã thốt lên và coi đó như một báu vật. “Giá trị nhất là bộ xương còn khá đầy đủ, nguyên vẹn. Cả bộ xương đười ươi đều được đưa về bảo tàng bảo quản, phục vụ công tác khảo cổ và trưng bày sau này” - Bà Nguyễn Thị Thi cho biết.
.