Phóng sự

Về miền thổ mộ, nhớ xà ích xưa

14:13, 06/02/2014 (GMT+7)
Sự mai một của những chuyến thổ mộ (xe ngựa) đã khiến nhiều người hụt hẫng. Một gam màu văn hóa chỉ còn là hoài niệm. Thổ mộ đã từng là một nét thủy mặc góp phần vẽ nên văn minh Đông Nam bộ thế kỷ XIX. Tiếng vó câu lộc cộc khua đường đá, với nhiều người, đã từng như một khúc ru thanh bình. Nhớ quay quắt, đã không ít người cất công đi tìm lại lối xưa nét cũ, le lói vực dậy giấc mơ "thiên đường" xe ngựa trên đất Bình Dương.
Ông Chinh bên chiếc thổ mộ gần một trăm tuổi có từ thời kỵ sĩ Trần Văn Ky.
Ông Chinh bên chiếc thổ mộ gần một trăm tuổi có từ thời kỵ sĩ Trần Văn Ky.
 
"Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo…"
 
Tìm về cái nôi của thổ mộ vang bóng một thời đất Bình Dương, tôi đã bị lạc lõng bởi gặp toàn những cái lắc đầu ngơ ngác, lạ lẫm. Giữa phố xá nhộn nhịp, xe máy, xe ôtô hú còi, nhả khói phủ đen những mảnh cỏ lau bên vệ đường, thì lòng người dường như cũng chẳng lưu luyến gì đến tiếng vó ngựa từng ngự trị hàng trăm năm trên vùng đất này. Thời đại công nghiệp, vòng bánh gỗ xe lăn theo nhịp bước khô khan, cằn cỗi của ngựa trở nên quá chậm chạp, trở nên lạc lõng và dần biến mất.
 
"Nhà ông Hai Sộp dễ tìm lắm, cách UBND xã Hưng Định độ 200m. Rẽ vào cái hẻm rộng thênh thang, nghe tiếng hàn xì réo rít, thấy những cỗ xe ngựa chỏng chơ ngã sấp vào nhau là nhà ông ấy đó" - Bà bán bánh cuốn nóng ngoài ngã ba Hưng Định - Bình Nhâm (Dĩ An - Bình Dương) chỉ đường cho tôi.
 
Người đàn ông tuổi trung tuần, mình trần, chân đất, mồ hôi vã vật nhìn tôi chằm chằm rồi buông tiếng cụt lủn: "Ông Hai mất rồi". Vừa hụt hẫng lại vừa áy náy với gia quyến vì sự thiếu tế nhị của mình, tôi nhanh chóng đánh trống lảng, vờ vĩnh hỏi đủ thứ chuyện ngựa xe và được biết, "anh tá điền" kia là Trần Hữu Chinh (46 tuổi) con trai thứ năm của xà ích Trần Văn Hai, kiêm hậu duệ duy nhất đang "giữ lửa" nghề chế tạo thổ mộ của kỵ mã huyền thoại Trần Văn Ký.
 
Ông Chinh và một người thợ nữa đang hì hục hàn xì, đục đẽo, mài dũa chiếc khung xe ngựa chuẩn bị lắp bánh để Tết này giao cho bảo tàng tỉnh. Đảo mắt xung quanh khu vườn, đúng hơn phải gọi là trang trại của gia đình ông Chung chỉ thấy toàn bánh xe, khung gỗ, dây cương, chip, còi… những đồ nghề không thể thiếu trên mỗi chiếc thổ mộ.
 
Thời hoàng kim, trong chuồng nhà ông Chinh không bao giờ nuôi dưới 10 chú ngựa, trong gara xếp đủ các loại xe ngựa. Từ xe thổ mộ, loại đặc dụng chuyên chở thồ hàng. Xe lá dành cho tầng lớp vương giả, giàu có, xe bốn bánh thì mục đích tạp nham hơn, vừa chở người vừa kiêm thồ hàng… Ngày ấy, nhà nhà, người người nuôi ngựa, đóng xe ngựa. Xe ngựa trở thành phương tiện hữu dụng và quen thuộc nhất đối với nhân dân vùng Đông Nam bộ. Dấu chân ngựa phủ mòn lối đi, lổn ngổn trên những con đường đất đỏ, đất cát, vai ngựa oằn cong thồ kéo. Mồ hôi, nước mắt ngựa mặn đắng giọt xuống từng cung đường gập gồ, khúc khuỷu.
 
Giữ lại hai chú ngựa kéo, ông Chinh phần nào đỡ nhớ một cái nghề
Giữ lại hai chú ngựa kéo, ông Chinh phần nào đỡ nhớ một cái nghề
Từ ngày nhà thay mái, đường "thay áo", vó ngựa cũng vắng dần. Thay vào đó là xe máy, xe ôtô đổ xăng chạy bạt mạng, nhanh gấp mấy lần chân ngựa, tiện gấp vạn lần thổ mộ. Ngựa bị đặt ngửa trên lò mổ, xe đập ra làm củi đun. Nghề đóng xe ngựa biến mất. Thổ mộ "thất thủ" trước guồng quay chóng mặt của thời cuộc, nhưng chưa bao giờ cái tên kỵ sĩ Trần Văn Ký bị người đời lãng quên. Nhờ cái tên của cha, ông Trần Văn Hai (tên thân mật Hai Sộp) kế nghiệp phần nào đỡ nhọc nhằn, chật vật hơn. Ông Hai khiêm nhường nhận mình là một anh chàng xà ích (người kéo xe) bình dị bên vó ngựa, âm thầm gõ móng lộc cộc đơn độc trên những nhánh đường láng nhựa bóng loáng. Ngựa cuốc đến đâu, sạch bóng dấu chân đến đó, nỗi buồn lại thêm hun hút.
 
Tiếng vó ngựa phía cuối đường hầm
 
Nỗi bùi ngùi "dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo…" của bà Huyện Thanh Quan có vẻ như lạ lẫm với không khí trong xưởng. Nghe rõ "mùi" rất đặc trưng của một xưởng chế tác thổ mộ. Thỉnh thoảng lại có tiếng hí rất thanh từ cuối vườn vọng về. khiến nơi này trọn vẹn hơn dáng dấp một "vương quốc" ngựa thồ nổi danh từ thế kỷ XIX.
 
Thấy tôi dáo dác ngóng về tiếng ngựa hí, ông Chinh buột miệng rất tâm lý: "Cô muốn xem ngựa à, đi theo tôi". Ông khệ nệ ôm hai bó cỏ dẫn tôi men theo con mương nhỏ, có vài rãnh nước tù đọng chạy dọc thân dừa. Ba con ngựa lẻ loi ở trong hai gian chuồng rộng thêng thang. Chúng vẫy vùng mà chẳng có một bạn tình nào cọ lưng cho nhau, cong đuôi chia sẻ buồn vui, càng làm nổi bật hơn chút le lói còn sót lại của thời hoàng kim thổ mộ. Một Bạch mã (ngựa trắng), một và Kim (ngựa giang nâu) và một ngựa con mới chào đời được vài tháng, ông Chinh tay bón cỏ, miệng gọi tên như thế. Ông bảo, đây là dòng ngựa kéo xe, ngựa làm cảnh nên không đặt tên trang trọng như loài ngựa đua (chiến mã). Chỉ gọi theo màu lông hay vùng xuất xứ cho dễ hiểu, dễ phân biệt. Bạch mã và Kim đã được 5 tuổi, giờ chỉ để làm cảnh cho đỡ nhớ là chính, thi thoảng chúng mới được vận áo (yên) có gắn còi vào cổ, được đội mũ lông gà trên đỉnh đầu, súng sính trong những đám cưới, đám hỏi con ông nọ bà kia.
 
"Ngoài những đặc quyền đầy kiêu hãnh của ngựa thời nay, thì chú Bạch mã còn vận vào thân một trọng trách thiêng liêng hơn bất cứ một nghi lễ nào: đưa Đường tăng đi thỉnh Kinh, theo truyện Tây du ký của Trung Hoa". Tôi ngơ ngác về cách ví von đầy ngụ ý của ông Chinh. Đảo cái nhìn đầy uy nghi về chú Bạch mã, ông Chinh giải thích rằng: "Ngựa trắng thường được dùng để kéo quan tài người chết đi chôn. Theo quan niệm của một số gia tộc, đưa ma bằng ngựa trắng sẽ giúp người thân của họ về cõi âm được trang trọng, vượt qua các cửa ải của quỷ dữ và con đường về cõi Phật được thuận lợi hơn". 
 
Ba đời gắn liền với vó ngựa, cái duyên đã ngấm vào da thịt, hòa tan trong máu Trần Văn Hai. Con cái đói lăn đói lóc, vật vã đi kiếm sống bằng nhiều nghề ở bên ngoài nhưng ông Hai quyết giữ lại tất cả ngựa và xe, không bán không đổi bất cứ thứ gì. Đời con ông là Trần Hữu Chinh sớm cũng nhiễm nặng dòng máu "thổ mộ", lớn lên tự nguyện làm người kéo xe của gia tộc họ Trần. Ngựa còn, xe còn nhưng thiên hạ đã lên đời xe máy, xe ôtô hết rồi, không còn ai mặn mà với thổ mộ nữa. Nhưng yêu và đam mê đố ai cấm cản nổi.
 
Người xà ích Trần Văn Hai đã đi "Tây thiên thỉnh kinh" khi vừa bước sang tuổi 73. Kế tục sợi dây cương là hai người con trai của ông, nhưng cách đây bốn năm, ông Trần Hữu Tài bị ngựa hất văng xuống đất, chấn thương sọ não. Ông Tài hoảng quá, đã giã từ vai xà ích. Nay hậu duệ độc tôn xứ thổ mộ là Trần Hữu Chinh, một xà ích vô đối thủ trên trường thổ mộ.
 
Mười năm trở lại đây, xe ngựa trở nên khả dụng trong điện ảnh và văn hóa bảo tồn. Ngựa và xe đã được đặt trang trọng trong phòng trưng bày của các bảo tàng hay đứng nghễu nghện ngay mặt tiền các khu du lịch nổi tiếng như Đại Nam, Bình Quới, Suối Tiên, Đầm Sen… Thời của thổ mộ lại lên ngôi nhưng ở địa vị khác, thân thế khác chứ không lầm lũi đổ mồ hôi sôi nước mắt mà còn bị quật lên quất xuống như năm tháng huy hoàng mà khó nhọc của hơn trăm năm trước.
 
Vậy là xe ngựa trở thành đồ cổ quý và hiếm. Ông Chinh quay chóng mặt với các hợp đồng đóng phim, rồi phục dựng lại đủ dạng xe ngựa cho bảo tàng, khu du lịch thuê mướn.
 
Xe ngựa đi vào điện ảnh, nghiễm nhiên ông Chinh trở thành diễn viên nghiệp dư duy nhất, một cascadeur trong các phân cảnh có ngựa. Trần Hữu Chinh trở thành một xà ích cừ khôi chịu trách nhiệm đánh xe dong ngựa đi khắp các tỉnh miền Tây đóng phim.
 
Hỏi về chuyện đóng phim, xà ích Chinh buông hẳn máy hàn, ngồi bệt xuống nền xi măng hào hứng ra mặt: "Năm 1991, khi ấy tôi chỉ là cậu thanh niên ngoài 20 tuổi đang dạt dào sức sống và lý tưởng. Tôi được giao đánh chiếc thổ mộ có hai chú ngựa kéo từ Sài Gòn xuống Châu Đốc (An Giang) để đóng bộ phim "Thời thơ ấu" của đạo diễn Lê Văn Duy. Thời gian một tháng rưỡi cho quãng đường cả đi và về, phải dùng hai chú ngựa để thay phiên nhau kéo, đó là lần tôi hạnh phúc nhất. Tôi đã tìm thấy hình ảnh của chính mình ở một góc cạnh nào đó của "Thời thơ ấu". Cứ thế, nghiệp diễn vận vào ông, cuốn theo đam mê chứ chưa hẳn vì tiền…

CSTC

Các tin khác