Phóng sự

Người đàn ông Pháp và niềm đam mê

09:10, 06/02/2014 (GMT+7)
Để thỏa chí đam mê với những con ngựa đua, người đàn ông quốc tịch Pháp mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt đã từ thành phố Toulouse miền Nam nước Pháp bỏ lại vợ con, công việc bao nhiêu năm, một mình qua Việt Nam... chỉ để nuôi ngựa. Hàng ngày ông ăn uống "cơm đường cháo chợ", chi tiêu tằn tiện cho bản thân để dành toàn bộ tiền lương hưu của mình cho đàn ngựa đua mà theo ông, chúng toàn là những con ngựa tài ba và giỏi nhất Việt Nam...
 
Về Việt Nam để thỏa chí đam mê ngựa đua
 
"Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu được chính xác lý do gì mà thành phố này phải loại bỏ hoàn toàn trường đua ngựa Phú Thọ. Một địa danh lịch sử - một trường đua ngựa nổi tiếng châu Á - trường đua duy nhất của Việt Nam, vậy mà chỉ với một quyết định của thành phố, nó bị khai tử một cách đột ngột", ông Jean Yves Baudron (68 tuổi, tạm trú ấp 1 xã Xuân Thới Sơn, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) mở đầu câu chuyện với chúng tôi với vẻ mặt "muốn nói ra tất cả những bức bối trong người" xung quanh chuyện trường đua Phú Thọ bị đóng cửa từ ngày 31/5/2011 và số phận của những con ngựa sau cái ngày "định mệnh" đó.
 
Có lẽ tâm trạng của ông cũng giống nhiều chủ ngựa khác đã từng có một thời gắn bó với trường đua Phú Thọ và những con "chiến mã" kiêu hùng, nhưng hiện nay đang phải "bó gối" chờ thời. Mặt bằng trường đua cũ đã bị chia nhỏ để cho thuê, còn người nuôi ngựa điêu đứng cùng đàn ngựa giống đang trên đà… tuyệt chủng.
 
Cũng như nhiều "mã phu" khác, ông Baudron mê ngựa đua từ nhỏ theo truyền thống gia đình. Cha ông người Pháp qua Việt Nam từ thời Pháp thuộc, mẹ ông là người gốc Sài Gòn (quận Thủ Đức hiện nay). Khi môn đua ngựa được người Pháp đưa vào Việt Nam rồi trường đua Phú Thọ được thành lập, cha ông là một trong những người vô cùng đam mê môn này. Vì thế, ngay từ nhỏ ông đã được cha mình dẫn vào trường đua làm quen với ngựa và đua ngựa.
 
Trở lại Việt Nam năm 1992 (lúc đó ông nuôi ngựa bên quận Thủ Đức, sau này thấy phong trào nuôi ngựa ở Hóc Môn phát triển nên ông lại tiếp tục lên đây thuê đất làm trang trại nuôi ngựa cho đến nay). Ông đã gây dựng được một bầy ngựa đua nổi tiếng. Trong đó có thể kể tới con ngựa tên Nữ Long Phi mà ông phải mua với giá 70 triệu đồng theo thời giá thì cũng phải hơn 70 cây vàng). Nhiều năm sau đó, ông cứ đi đi về về giữa Pháp và Việt Nam để lo cho đàn ngựa đua. Năm nay ở tuổi 68, hằng ngày ông vẫn cùng hai người làm chăm lo cho đàn ngựa đua mà theo ông là toàn những con ngựa vô địch Việt Nam.
 
Đúng ra lúc đầu tôi cũng như vợ tôi nghĩ rằng chỉ mua từ 1-2 con ngựa đua để nuôi cho thỏa chí và an ủi tuổi già. Không ngờ khi về đây tôi ngày càng mở rộng đàn ngựa của mình, cho đến nay tôi đã có 9 con ngựa đua mà lại toàn con có tên tuổi, tài năng", ông Baudron vui vẻ chia sẻ.
 
Trăn trở cùng số phận những con ngựa đua
 
Vừa chỉ từng con ngựa để giới thiệu cho chúng tôi, ông vừa hào hứng nói: "Những con ngựa của tôi nếu có đi hết Việt Nam cũng rất khó kiếm được, chúng có tên tuổi đàng hoàng, đã từng có  thời gian oanh liệt, nổi tiếng trên trường đua Phú Thọ như con Nobel, con Ansapphire (theo ông thì hai con ngựa này hiện vô địch Việt Nam), con Ericson, con Huy Cường... Nếu tìm hiểu kỹ sẽ thấy chúng đều là dòng dõi con, cháu của hai con ngựa vang danh Khứu và Vang mà Hoàng gia Anh đã gửi tặng Việt Nam".
 
Ông Baudron và những con ngựa chiến của mình
Ông Baudron và những con ngựa chiến của mình
 
Nhắc lại chuyện con Nobel vừa mua với giá 100 triệu đồng cách đây chưa lâu, ông kể vanh vách lịch sử "chinh chiến" của nó và cả việc nó bị bán qua nhiều đời chủ như thế nào. "Nobel là con ngựa chiến giỏi và đã chiến thắng nhiều cúp nhất chặng (khi còn đua Nobel đã từng được trả giá 300 triệu đồng) mà tôi đã muốn mua từ rất lâu và đã từng nhiều lần mua hụt… Sau khi trường đua đóng cửa, tôi có mấy lần lên thăm nó ở Củ Chi, thì thấy nó bị cột ngoài đồng ốm nhom, ghẻ lở, dơ dáy. Hôm ấy tôi đã phải nói chuyện và thỏa thuận với chủ của nó từ 2h chiều tới 11h đêm mới mua được với giá 100 triệu", ông thích thú kể lại quá trình mua con ngựa quý.
 
Sau khi mua được con Nobel, ông đã chăm sóc nó kỹ lưỡng, hiện nó đã lấy lại vóc dáng của mình, đương nhiên sức khỏe của nó cũng đã hồi phục và tốt hơn rất nhiều. Theo lời ông thì chỉ mới mấy ngày trước đã có người đến tận trang trại hỏi mua con Nobel với giá 200 triệu đồng. Nhưng ông đã từ chối với lý do: "Đại gia ở Việt Nam có thể bỏ cả trăm triệu đồng để mua cái hộp quẹt, tôi bỏ ra 100 triệu vì tôi thích ngựa và hơn nữa, 100 triệu để sở hữu một nhà vô địch thì không phải là quá đắt. Chẳng ai là không ham tiền, nhưng nếu bán nó đi sẽ rất khó tìm lại được, do đó trả bao nhiêu tôi cũng không bán".
 
Hiện để duy trì đàn ngựa, hàng tháng ông phải chi tiêu trên dưới 20 triệu đồng cho việc thuê đất, thuê hai người làm, thức ăn như lúa, chuối hay thuốc men cho ngựa… Tất cả những khoản chi phí này ông đều lấy từ tiền hưu của mình và cả tiền vợ con gửi cho. "Với số tiền hưu của mình, nếu không phải chi tiêu cho đàn ngựa thì tôi sẽ chẳng phải lo nghĩ gì cả. Nhưng nếu không có bầy ngựa thì tôi cũng không về Việt Nam làm gì. Điều tôi mong muốn nhất lúc này là chính quyền thấy được thực trạng đàn ngựa đua quý giá đang ngày càng bị tàn lụi, bị giết thịt và tình cảnh khó khăn của những người đã gắn với ngựa đua bao đời nay để có quyết sách sáng suốt vực dậy phong trào đua ngựa - một môn thể thao rất hay và bổ ích", giọng ông tràn đầy hy vọng sẽ có ngày môn đua ngựa được phục hồi, phát triển trở lại.
 
Dù vậy, sau những khoảng thời gian thỏa chí đam mê, ông vẫn có những khoảng lặng lo lắng cho tương lai bầy ngựa của mình. "Với tình hình hiện nay, nhiều khi nhìn những con ngựa mà tôi muốn rớt nước mắt vì dù sao tôi cũng đã 68 tuổi rồi, nếu lỡ nay mai tôi bệnh tật đau yếu không thể chăm lo cho chúng thì không biết tương lai của chúng sẽ đi về đâu hay lại bị đưa vào lò mổ hoặc chết già như bao con ngựa xấu số khác…".
 
Hiện nay, ngoài phần lớn thời gian ở trại ngựa, ông lại một mình một xe máy tìm đến những nơi có người nuôi ngựa để hàn huyên, trò chuyện về ngựa đua, dò hỏi về những động tĩnh của chính quyền, về số phận của trường đua. Đặc biệt gần đây ông hay về Long An để cùng một số "chiến hữu" khác xúc tiến việc lập Hội Thể dục thể thao ngựa đua, và cả xem xét tiến độ của một đường piste ở Đức Hòa do một công ty ở Long An xây dựng để các chủ ngựa có sân chơi cho ngựa tập dượt và đua giải trí với nhau, chờ ngày có sân chơi chuyên nghiệp.

CSTC

Các tin khác