Phóng sự

Phiên chợ xưa giữa phố những ngày giáp Tết

14:31, 23/01/2014 (GMT+7)
“Là người Hải Phòng, chẳng ai không biết đến chợ Hàng Kênh, phiên chợ được nhắc tới như một nét đẹp giữa lòng thành phố hoa phượng đỏ. Chợ Hàng không chỉ thu hút được người dân thành phố mà còn là địa điểm hấp dẫn với nhiều du khách tới thăm nơi đây những ngày giáp Tết”.
 
Chợ Hàng được họp tại phường Dư Hàng Kênh, xuất hiện từ thời Pháp thuộc. Lúc bấy giờ, những người dân chỉ họp chợ vào ngày 5, 10, 15 Âm lịch hằng tháng. Chợ cũng xuất hiện từ nhu cầu trao đổi, buôn bán cây cối, vật nuôi được mang ra từ chính nhà mình của người dân Hải Phòng. Với sự tấp nập và thu hút của phiên chợ, càng ngày càng có nhiều tiểu thương tới buôn bán và người nông dân mang sản vật của mình tới tham gia. Những ngày đầu chợ không bán cây cảnh. Một người dân thích cây cối đã mang cây từ chính khu vườn của mình ra bán và không ngờ được những người dân khác vô cùng thích thú. Kể từ đó rất nhiều người trồng cây và cùng mang ra trao đổi buôn bán cho tới tận ngày nay.
 
Chợ Hàng ngày càng mở rộng và phát triển nên khu đất cũ không còn đáp ứng được nhu cầu buôn bán trao đổi của người dân. Nếu về Hải Phòng hỏi đường tới chợ Hàng, du khách sẽ biết rằng có chợ Hàng cũ và chợ Hàng mới. Khu chợ Hàng cũ còn duy trì khu chợ, nhưng là chợ họp hằng ngày với hàng hóa thực phẩm phục vụ cho bà con quanh khu vực. Chợ Hàng mới dường như mỗi năm một mở rộng, nằm tiếp giáp với đường Nguyễn Văn Linh. Khu chợ khiến một phần đường quốc lộ 5 trở nên vô cùng tấp nập, đông đúc. Quy mô chợ ngày càng mở rộng, kéo vào các con đường bên trong cách chợ tới nửa cây số. Chợ cũng được tổ chức họp vào chủ nhật hằng tuần để đáp ứng nhu cầu của người dân. 
 
Có đi chợ Hàng những ngày này mới thấy không khí Tết đã về rất gần rồi. Dù trời vẫn còn lạnh nhưng những dòng người tấp nập đi lại, người chọn cây, người chọn thú. Không phải ai đi chợ Hàng cũng mua đồ. Đôi khi phiên chợ là nơi người ta rủ bạn bè gia đình tới thăm thú, gặp gỡ và giao lưu. Thế nhưng càng gần Tết, những người đi về mang theo giỏ hoa, chậu cây càng nhiều hơn. Tết sắp tới gần, ai cũng muốn trang trí nhà cửa, đón lộc xanh của mùa mới.    
 
Khi lớn lên, điều kiện học tập và công tác xa quê hương, có những lúc tôi đã quên bẵng đi phiên chợ độc đáo ấy. Trước ngày chủ nhật đầu năm mới, mẹ thủ thỉ: “Mai mẹ con mình đi chợ Hàng nhé”. Chợ Hàng – tôi vẫn còn nhớ khoảng hơn chục năm về trước, lúc đó tôi là học sinh cấp 2, vẫn thỉnh thoảng theo mẹ đi chợ Hàng. “Đi chợ Hàng” đối với tôi lúc ấy là việc được ra ngắm đủ các con vật đáng yêu: những chú cún con chen nhau nằm trong chiếc thúng, chú thì vàng, chú thì đen. Có hôm cả thúng toàn những chú cún trắng muốt như những cục bông mà tôi không thể rời mắt được, khiến mẹ phải giục mấy lần mới chịu đi.
 
Quang cảnh Chợ Hàng ngày giáp Tết
Quang cảnh Chợ Hàng ngày giáp Tết
 
Chợ Hàng những ngày trước Tết Âm lịch người đông vui tấp nập. Ngay từ đằng xa đường Nguyễn Văn Linh đã nhìn thấy rất đông người đi lại, tràn cả xuống đường. Bên lề đường những chiếc xe máy được xếp thành hàng dài. Càng gần đến chợ, màu xanh của những loại cây giống điểm xuyết là màu sắc của những bông hoa khiến lòng ai dường như cũng thanh thản lại. Ngay từ nhỏ nhà tôi đã trồng rất nhiều loại cây cảnh. Hầu hết các loại cây trong vườn đều được mẹ mang về mỗi lần đi chợ Hàng.
 
Sau mấy hôm lạnh buốt, sáng chủ nhật hôm đó trời bỗng hửng nắng. Một bên đường Dư Hàng Kênh bán rất nhiều cây hoa lan và những chậu hoa nhỏ xinh khác. Một bên bán nhiều loại cây to, các loại bonsai bề thế. Người bán người mua tấp nập. Có những người khách đứng lại chỉ để bàn luận sôi nổi với người trồng bonsai về một thế cây đẹp. Tất cả đều say sưa trong không gian được thu hẹp lại không chỉ bởi người đông mà còn bởi sự thân thiện, niềm nở với nhau. Đứng bên này kênh nhìn sang bên kia cũng kịp thấy một dọc lồng chim với các loại chim khác nhau được bày bán. Bên ấy người ra người vào cũng tấp nập không kém.
 
Ở chợ Hàng, ngoài nổi tiếng về cây cối, con giống, có một khu mà đặc biệt các anh, các chú rất thích tới đó là khu bán các thiết bị điện tử cũ. Những người tới đây bán hàng không phải tất cả đều là người buôn bán chuyên nghiệp. Có thể cuối tuần hai vợ chồng mang những đồ lặt vặt không dùng tới để bày bán cũng thu hút được rất nhiều người quan tâm. Những chiếc điện thoại quay số vòng của Đức, của Nga ngày xưa, những chiếc cát-sét chạy băng của Nhật... dù đã cũ nhưng vẫn chưa bong lớp sơn.
 
Thậm chí có người tạt qua đây chỉ để mua con ốc vít. Nhưng cái thú đến ngắm nghía, chọn lựa và trò chuyện còn lớn hơn nhu cầu mua bán rất nhiều. Có mua những đồ được bày bán ở nơi đây cũng rất rẻ. Chúng là những thứ đồ đã được sử dụng còn nguyên vẹn hay cũng có thể chỉ là một bộ phận của chiếc xe đạp cũ, một chiếc cánh quạt được tháo ra từ chiếc quạt hỏng. Đây cũng là nơi được nhiều người có thú chơi đồ cổ, đồ cũ lui tới để tìm những món đồ cũ mình cần.
 
Hiện giờ trong khu chợ cũng xuất hiện nhiều quầy hàng mới đa phần nhập từ Trung Quốc, màu mè và khoa trương. Nhưng bên cạnh đó vẫn có những quầy hàng mà người bán hàng từ rất lâu đời. Những người bán hàng này thường là những người rất tâm huyết với công việc. Chợ Hàng thường tới giữa sáng mới đông người mua nhưng ngay từ tờ mờ sáng các chủ hàng đã chuẩn bị tập kết hàng hóa tấp nập để chuẩn bị cho phiên chợ độc đáo này.
 
Đi sâu vào bên trong khu chợ cũ, có những thúng hàng dân dã như bồ kết, rễ cây làm thuốc hay quầy bán lược, bán đũa mộc mạc không phải dễ dàng có thể tìm thấy trong lòng thành phố nhộn nhịp này vẫn nguyên vẹn như ngày nào. Chỉ có bà cụ bán hàng ngày một già đi, lưng đã còng. Nhưng thúng bồ kết vẫn như ngày nào, nguyên vẹn hồn chợ xưa một thuở.
 
Ngoài những địa điểm như Chợ Sắt, Bến Bính... Chợ Hàng là một niềm tự hào của người dân Hải Phòng như một nét độc đáo lạ giữa lòng thành phố. Càng gần Tết càng nhiều người đổ về chợ Hàng tìm cho gia đình mình một chậu cây cảnh, một giò phong lan, hay chỉ đơn giản để gặp gỡ, trò chuyện và đó chính là lúc con người với con người tiến gần tới nhau hơn nữa.

CSTC

Các tin khác