Phóng sự
'Báu vật' trên vùng đất xứ Nghệ
15:28, 16/01/2014 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Người dân xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn (Nghệ An) cho biết, đình Hoành Sơn đã có từ lâu đời, qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn lối kiến trúc ban đầu. Sau hàng thế kỷ tồn tại, trải qua nhiều biến thiên, mưa bom, bão đạn, đình Hoành Sơn vẫn còn giữ được vẻ đẹp sừng sững, uy nghi của một ngôi đình cổ có lối kiến trúc độc đáo bậc nhất xứ Nghệ.
Gốc tích huyền bí
Đình Hoành Sơn tọa lạc trên diện tích khoảng 2.500 m2 nằm bên hữu ngạn dòng Lam, thuộc xóm 4, xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn. Trước đây, ngôi đình này có tên gọi là đình Nam Hoa, rồi đình Làng Ngang, thuộc tổng Nam Kim. Người dân làng này không ai biết tên đình thay đổi từ bao giờ cũng như không biết chính xác đình được xây dựng năm nào. Cụ Nguyễn Thiện Tư (78 tuổi) người trông giữ ngôi đình 22 năm nay cho biết, cụ nhận bảo quản, chăm sóc di tích lịch sử Quốc gia này vì đây là một “báu vật” của làng, là chứng tích cho nhiều biến thiên, thăng trầm của lịch sử, nơi tổ chức việc làng, việc nước, gắn với kỷ niệm của nhiều thế hệ. Lớn lên, cụ nghe người làng bảo, các tài liệu về ngôi đình đã mất từ rất lâu. Vì vậy, sau lũy tre làng, mọi thông tin về ngôi đình chỉ được biết thông qua các câu chuyện truyền miệng. Người xưa kể lại, tại kinh đô Thăng Long có một ngôi đình có lối kiến trúc rất giống với đình Hoành Sơn, được xây dựng từ năm 1730 nên họ cho rằng, đình Hoành Sơn được xây dựng trong khoảng thời gian này. Cũng có nhiều nhà sư đến đình nói rằng, Xuân Long tự ở xóm Nam Đông (Khánh Sơn) được xây dựng từ thế kỷ XIII có kiến trúc tương tự đình Hoành Sơn. Vì vậy, đình Hoành Sơn phải được xây dựng vào thế kỷ XIII. Cụ Tư và một số người lại cho rằng, người xưa có kể lại, đình được xây dựng vào năm Đinh Mão nhưng chẳng biết cụ thể năm nào (?)...
Đình Hoành Sơn vẫn giữ gần như nguyên vẹn lối kiến trúc ban đầu |
Căn cứ theo các tư liệu ít ỏi còn ghi chép lại thì đình Hoành Sơn được xây dựng vào tháng Chạp năm Nhâm Ngọ, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 23 (2/1763) và đến cuối năm sau (Quý Tỵ 1764) thì hoàn thành. Người khởi xướng và chủ sự xây dựng công trình này là Đặng Thạc, cử nhân dưới triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786) thuộc dòng dõi thế tộc và có uy quyền nhất vùng. Sau khi về nghỉ hưu, ông huy động tiền của trong dân mua gỗ quý, chiêu mời các toán thợ giỏi về xây đình cho làng ngay trên vườn nhà mình. Tương truyền nhiều toán thợ có tiếng đến cùng nhận làm. Toán thợ Nam Hoa Thượng không được mời đến thử sức, họ bèn bày mưu cử người thợ giỏi nhất tên Chuẩn giả dạng ăn mày đến chỗ làm đình xin ngủ lại rồi cố tình đốt cháy một vì ở phía Nam của ngôi đình. Đặng Thạc vô cùng tức giận nhưng người ăn mày đã xin được làm lại. Và chỉ trong một thời gian ngắn, người ăn mày đã làm một bức chạm rất đẹp khiến cả hội đồng kỳ mục của làng phải kinh ngạc và thán phục. Sau này nhân dân đã suy tôn Đặng Thạc và người thợ tên Chuẩn thành những vị phúc thần của làng.
Giáo sư Ninh Viết Giao trong “Kho tàng truyện kể dân gian xứ Nghệ” lại cho rằng, sự ra đời của đình Hoành Sơn gắn liền với một câu chuyện hết sức huyền bí. Vào một năm cách đây đã lâu lắm rồi, nước sông Lam tự nhiên dâng rất to, dân Hoành Sơn phải chạy lên núi Ngang để tránh lụt. Giữa một đêm trời mưa như trút, sấm chớp ầm ầm, người ta thấy nổi lên những cây gỗ 3 - 4 người ôm không xuể từ thượng nguồn trôi về, dạt vào bãi bồi trước làng. Tiếp đó, có 9 người đàn ông xuất hiện đến bên đống gỗ ra sức cưa, đục, đẽo… Sau 3 năm ròng rã, họ làm thành một cái đình đồ sộ và được chạm trổ, trang trí rất công phu, tinh xảo. Xong việc, 9 người đàn ông cũng đi mất mà không ai biết. Có lẽ đây là một trong những nguyên nhân khiến người dân Khánh Sơn tin rằng, đình Hoành Sơn thực sự là chốn linh thiêng, là “báu vật” của làng.
Một công trình kiến trúc “vô tiền khoáng hậu”
Đình Hoành Sơn là một trong những ngôi đình lớn và có kiến trúc độc nhất vô nhị, không chỉ ở xứ Nghệ mà còn ở dải đất miền Trung, trở thành nét văn hóa tâm linh của người dân địa phương. Đình có 5 gian chính, 2 chái, 8 vì, 36 cột (16 cột cái, 20 cột phụ) bao gồm tiền điện và hậu điện với diện tích khoảng 150 m2, tọa lạc trên diện tích khoảng 2,5 nghìn m2. Cột đình được làm bằng gỗ lim và chò chỉ, đường kính lớn, đều nhau, tay người ôm không xuể. Ngoài ra, rải đều trên 2 mái bằng gỗ lim tròn còn có 26 đường hoành và 42 đường xà, các đường chân thủy bao quanh. Các hoa văn trong đình được chạm khắc rất công phu, có độ tinh xảo cao, được các nghệ sỹ tài hoa thể hiện trên các bộ phận của đình: bát tiên, cưỡi hạc, đánh cờ, đua thuyền, tứ linh, tứ quý, đại bàng đối xứng từng gian, rồng ổ … thể hiện quan điểm triết lý nhân sinh thấm đẫm tinh thần nhân văn của dân tộc và phản ánh nghệ thuật chạm khắc đã đạt đến trình độ bậc thầy. Cột đình ở gian chính được chạm nổi hình tượng 2 con rồng lớn đang ôm cột hướng xuống mặt đất. Trên mái đình có hình tượng rồng cuộn, hổ ngồi, nghê chầu; mái ngói được lợp âm dương. Giữa lớp ngói âm và ngói dương là một lớp đất sét được nhào trộn với trấu, tạo thành một chất liệu bền, dẻo có khả năng cách nhiệt tốt; ngói dương có 5 rãnh chẻ thoát nước; nền đình, sân đình được lát bằng gạch cẩm trang... Mặc dù trải qua nhiều trận lũ lớn, mưa bom bão đạn nhưng đến nay đình Hoành Sơn hầu như vẫn giữ được nét kiến trúc nguyên thủy.
Hình tượng rồng được chạm khắc một cách tinh xảo |
Nhân vật được thờ chính trong đình là Uy Minh vương Lý Nhật Quang, con trai thứ 8 của vua Lý Thái Tổ, một nhân vật văn võ song toàn, tư chất hơn người. Tháng 11 năm 1041, vua Lý Thánh Tông đã xuống chiếu cho Lý Nhật Quang làm Tri châu Nghệ An. Ông đã có nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ vùng đất Nghệ An và quốc gia Đại Việt nên được người dân rước vào đình thờ. Ngôi đình không chỉ là niềm tự hào của người dân Khánh Sơn, Nam Đàn mà còn là một công trình kiến trúc “vô tiền khoáng hậu” trên dải đất miền Trung.
Một cõi linh thiêng
Tương truyền, trong đình có hơn 100 pho tượng nhưng vào trận lũ lịch sử năm 1978 và 1988 đã làm con đê chắn trước chùa bị vỡ và nước đã cuốn trôi gần hết, nay chỉ còn lại 10 pho. Cụ Nguyễn Thiện Tư, người trông giữ ngôi đình cho biết thêm, khi lớn lên, ông vẫn thường được các cụ trong làng kể lại cảnh sinh hoạt diễn ra trong ngôi đình này của tầng lớp địa chủ, phong kiến, hào lý địa phương. Đây cũng từng là nơi cùm kẹp các chiến sỹ Cộng sản không may rơi vào tay bọn thực dân, phong kiến. Sau này, khi nước nhà giành được độc lập, vào các dịp lễ hội, nam thanh nữ tú, người lớn trẻ nhỏ đều tập trung về đây để được tham gia rất nhiều hoạt động như đánh cờ, đánh đu, hát phường vải. Nhiều cặp đã nên duyên vợ chồng sau những lễ hội này. Một thời đình còn là trụ sở làm việc của UBND xã Khánh Sơn rồi kho lương thực thực phẩm... Vì đây là đền thờ đức Thành hoàng Lý Nhật Quang nên người dân Khánh Sơn trước đây thể hiện sự tôn kính mỗi khi qua đình bằng cách ngả nón mũ từ xa.
Tuy nhiên, trải qua năm tháng thăng trầm, đến nay một số chi tiết bị mất mát, hư hỏng. Công tác trùng tu, tôn tạo gặp rất nhiều khó khăn, một phần do kinh phí “nhỏ giọt”, một phần do việc chạm trổ lại các chi tiết theo kiến trúc của đình cũ rất khó khăn. Đến nay, nhiều bộ phận kiến trúc đang có nguy cơ đe dọa sự tồn tại của di tích. Mái đình bị sạt lở, một số đường hoành, đường chân thủy đã bị gãy vọng, oằn mình dưới lớp rêu phong phủ kín… mỗi lần mưa xuống cả hệ thống cột dầm chìm trong biển nước; hệ thống cột đình hầu như đã bị rỗng phía trong... khiến không ít người đi qua thương cảm, chạnh lòng. “Một lần, các vị sư thầy ở chùa Cần Linh về đây đã bật khóc khi chứng kiến cảnh đổ nát, hoang tàn của di tích. Thường ngày, đình rất hoang lạnh, chỉ vào dịp rằm, mồng một, lễ, Tết mới có đông người đến thắp hương, cúng bái. Chính vì sự linh thiêng của đình nên người dân Khánh Sơn cho rằng, trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt, nhiều trận mưa dông, bão lũ lụt lội nhưng đình vẫn đứng sừng sững, uy nghiêm” - cụ Tư cho biết thêm.
Đình Hoành Sơn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia vào tháng 7/1984. Ngày 26/7/2007, trước tình trạng xuống cấp của Đình, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 2574/QD.UBND/VX về việc lập Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình Hoành Sơn. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, Dự án vẫn chưa được thực hiện, nguyên nhân chính vẫn là do chưa có nguồn kinh phí. |
Văn Dũng