Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/nuoi-trau-lam-giau-giua-pho-428151/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201312/nuoi-trau-lam-giau-giua-pho-428151/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Nuôi trâu làm giàu giữa phố - Báo Công An Nghệ An điện tử
.
Thứ Bảy, 14/12/2013, 10:28 [GMT+7]

Nuôi trâu làm giàu giữa phố

Từ khi đất nông nghiệp bị thu hồi để phục vụ cho những dự án cao tầng, những tưởng người dân sẽ trở nên khó khăn hơn khi không có đất, thế nhưng đối với ông Nguyễn Duy Triệu (sinh năm 1958, ở phường La Khê, quận Hà Đông, TP Hà Nội) thì đó lại là một cơ hội mới, một hướng làm ăn mới được mở ra cho người nông dân. Ông đã đi lên từ một nghề khá lạ lùng mà ít người nghĩ tới, đó là nuôi trâu giữa lòng Thủ đô kiếm cả trăm triệu đồng một năm.

Có duyên với ‘‘nghề thời thượng”

Hình ảnh đàn trâu khoảng 50 con béo ục ịch, hằng ngày thong thả gặm cỏ bên cạnh trục đường Lê Văn Lương kéo dài (thuộc địa bàn phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội) không còn xa lạ đối với những người dân nơi đây. Theo mọi người thì đó là đàn trâu của ông Nguyễn Duy Triệu, một người dân sống tại phường La Khê (Hà Đông) nhưng “lấn sân” sang chăn thả trâu bên phường Yên Nghĩa, tận dụng đất ruộng bỏ hoang để nuôi trâu.

Đối với những người dân trong vùng thì giờ đây việc chăn nuôi trâu đã trở thành nghề thời thượng, bởi mức thu nhập “khủng” mà nhiều người không hề biết tới. Anh Nguyễn Văn Hưng, một người bán nước trên vỉa hè đường Lê Văn Lương cho hay: Ai bảo chăn trâu là khổ chứ, ngẫm lại chỉ có chăn nuôi ở các vùng quê còn vất vả chứ như chú Triệu thì vừa thu nhập cao mà lại nhàn. Thỉnh thoảng mới thấy chú ấy dong xe ra bãi trông trâu, chiều thì đến đón để lùa về nhưng trâu vẫn con nào con nấy béo chắc nịch, mập mạp. Chúng tôi đùa nhau tính chuyện bỏ việc để quay về với nghề thuần nông thu lãi cao này”.


Cứ theo quy luật, sáng ông Triệu lùa trâu ra khỏi chuồng, đàn trâu được thả tới cánh đồng bỏ trống rộng thênh thang để tự kiếm ăn, gặm cỏ. Đến chiều đàn trâu hàng chục con này “rủ nhau” tập hợp lại thành đàn tíu tít dắt nhau trở về nhà. Họa hoằn lắm mới thấy ông chủ ra lùa về. Công việc hằng ngày của người chăn trâu giữa Thủ đô được coi là khá nhàn tản.

Gần chiều muộn, chúng tôi mới bắt gặp được bóng dáng của ông Triệu xuất hiện cạnh bãi thả trâu. Trên chiếc xe máy “dã chiến” sẵn sàng “lên bờ xuống ruộng”, trong bộ quần áo đã ngả bạc đi nhiều của màu nắng, hình ảnh ông Triệu như một triệu phú nông dân thực thụ nhưng vẫn toát lên một phong thái đĩnh đạc, đàng hoàng.

“Chăn trâu có gì hay ho chứ, hằng ngày đều phải phơi nắng phơi mưa ngoài đồng, người thì toàn mùi trâu, mùi cỏ. Không có việc gì làm mới phải chăn trâu thôi”. Ông Triệu khiêm tốn.

Nói rồi ông kể về nghề chăn trâu đến với mình nó như một cơ duyên, vừa rất tình cờ, nhưng suy ra thì đó lại là “bước đường cùng”.

Trước đây, khi đất ruộng còn chưa bị Nhà nước thu hồi, trong nhà ông Triệu lúc nào cũng sẵn vài con trâu. Trâu được nuôi vừa để lấy sức kéo, vừa lấy phân bón cho nông nghiệp. Sau này, khi số đất ruộng ít ỏi của gia đình cũng bị thu hồi nhưng tiền đền bù chẳng đáng là bao. Không có công ăn việc làm, thu nhập không ổn định bắt buộc gia đình ông phải chuyển đổi theo một hướng sản xuất khác để tạo ra thu nhập chính cho gia đình.

Năm 2001, để khỏi lâm vào tình trạng thất nghiệp, máu “liều” nổi lên, ông Triệu bàn với vợ kế hoạch mở rộng đàn trâu của mình, quyết làm giàu từ trâu. Rồi vợ chồng ông ra ngân hàng vay vốn với số tiền 175 triệu đồng, cộng với số tiền gia đình dành dụm được để dồn vào kinh doanh… trâu. Thời đó, nhiều người còn khuyên can ông, coi đó là một ý tưởng dở hơi, nhưng “việc ông ông cứ làm”.

Quanh năm suốt tháng gã “dở” này lân la khắp các tỉnh lân cận Hà Nội như Hòa Bình, Phú Thọ… để tuyển lựa từng con trâu tốt về nuôi, sau một thời gian tìm kiếm cuối cùng, đàn trâu của ông đã lên đến trên 30 con, chuồng trại được mở rộng đón số trâu mới.

“Vài năm sau, tôi thực sự “hú vía” khi tính lại thì thấy không hiệu quả, thậm chí nếu giữ sẽ lỗ nên tôi quyết định bán gần hết trâu cho các lò mổ để thu lại vốn và trả nợ ngân hàng. Từ đó tôi bỏ hẳn ý định làm giàu từ trâu, tìm hướng khác để làm ăn”.

Nhưng lạ thay, vài con trâu tốt được ông Triệu giữ lại đã phát huy hiệu quả, trâu nái liên tục đẻ nên chỉ trong vài năm, số lượng trâu trong chuồng đã tăng lên gấp bốn, gấp năm lần. Ông Triệu không bán đi nữa mà giữ lại để làm vốn, những con trâu nái tốt sẽ để lại làm trâu sinh sản. Vốn không phải bỏ ra, ngày công bỏ ra cũng chẳng phải mệt nhọc nên ông chỉ việc ngồi đếm trâu mà hái ra tiền. Từ thành công trong việc nuôi trâu của ông Triệu, ở khu vực La Khê, Yên Nghĩa đã có thêm 4 - 5 gia đình cũng “đầu tư” vào… trâu và khá giả lên nhanh chóng. Ông Triệu được coi như là người khai sáng ra phong trào làm giàu từ trâu giữa Thủ đô này.

Triệu phú nhờ chăn trâu

Thấm thoắt đã gần chục năm trôi qua, ông Triệu cũng không ngờ rằng đến hôm nay mình sở hữu một khoản tài sản “kếch sù” như vậy. Tổng số trâu của ông cũng phải có giá đến bạc tỷ, và hằng năm, những con trâu nái cứ tiếp tục đẻ, số lượng trâu cứ thế tăng theo cấp số cộng. Theo ước tính của ông Triệu thì chỉ trong năm tới lượng trâu nái đẻ thường xuyên của gia đình sẽ tăng thêm khoảng 20 con, từ đó và mỗi lứa sẽ có thêm 20 con nghé được sinh ra. Rồi những con nào già sẽ được ông bán bớt đi.

“Việc chọn ra những con trâu nái đẻ đều được tôi tuyển chọn rất kỹ, con nào phải khỏe, ăn cỏ tốt và đẻ tốt tôi mới giữ lại. Để làm được việc này cần phải có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi trâu, nhờ đó tôi có thể nhìn mặt mà “bắt hình dong” trâu tốt hay không. Nếu biết chắc con nào giống tốt thì tôi sẽ mua cho bằng được, dù có đắt cũng phải cố mua, vậy nên trâu nhà tôi mới con nào con nấy khỏe mạnh, béo tốt như vậy”.

Đàn trâu được chăn thả ở gần đường Lê Văn Lương.
Đàn trâu được chăn thả ở gần đường Lê Văn Lương.

Nghề lạ giữa chốn đô thành này đã đem lại thu nhập không hề nhỏ đối với những người chăn nuôi trâu. Nhiều người dân trong vùng gọi ông Triệu với cái tên rất thân thương là triệu phú “chân đất”.

“Ước tính mỗi năm tôi thu về khoảng trên dưới 200 triệu đồng từ tiền nuôi trâu. Đó là thu nhập chính của gia đình tôi khi đất ruộng bị “đóng cửa”. Hằng ngày ngoài vợ ở nhà chăm bón chút rau màu trên mảnh đất hiếm hoi còn xót lại sau “cơn bão” thu hồi, chúng tôi chẳng còn nghề nào khác. Nhờ chăn trâu mà tôi có thể nuôi được ba đứa con ăn học đàng hoàng, không phải lo lắng chạy vạy nữa”.

Ông Triệu còn “bật mí” với chúng tôi rằng nghề nuôi trâu có “lãi trông thấy” vì người chủ chẳng mất tiền mua cám, bã như nuôi lợn, nuôi gà mà chỉ tốn công chăn thả. Dịch bệnh thì rất ít xảy ra đối với con gia súc này, cái quan trọng nhất vẫn là bãi chăn thả, cỏ tươi tốt, nước sạch để trâu uống và tắm thì coi như đã trúng lớn.

Trước đây ông Triệu cũng đã có ý định chuyển đổi mô hình sản xuất, nhiều người cũng khuyên giờ xã đã lên phường, công dân Thủ đô ai còn đi nông nghiệp nữa. “Tôi nghĩ lại rồi, giờ làm gì còn nghề nào thu nhập và sinh lãi cao như chăn trâu. Trâu ở nhà tự sinh sản, không phải mất vốn để mua nên nuôi trâu rất ít rủi ro. Đối với tôi thì trình độ không có, sức đã già thì không thể đi làm những việc nặng nhọc như phụ hồ, thợ xây… nếu có làm cũng chỉ có làm bảo vệ như mấy người bạn nhưng thu nhập chẳng đáng là bao”.

Đến giờ ông Triệu vẫn đau đáu không nguôi về mô hình làm giàu bằng cách nuôi trâu giữa Thủ đô này. Nhưng diện tích đất vàng giữa Thủ đô ngày càng bị thu hẹp khiến cho việc chăn nuôi còn trở nên khó khăn hơn. Trước đây những cánh đồng còn rộng mênh mông, có thể chăn thả đến hàng trăm con trâu, nhưng nay ngày càng bị thu hẹp để phục vụ cho những công trình trọng điểm quốc gia. Rồi những đồng cỏ, những con trâu béo tốt rồi sẽ dần dần nhường lại cho những công trình nhà cao tầng mọc lên, và nghề nuôi trâu chắc chắn sẽ biến mất tại “làng” Thủ đô này.

.

CSTC