Phóng sự
Đường về cay đắng của "liệt sĩ" sau 30 năm lưu lạc
Ngót nghét 30 năm mất tích khỏi đơn vị, gia đình, Tổ quốc, ông Lê Xuân Hào (xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, Tp Hà Nội) đã phải chịu đựng biết bao cay đắng tủi nhục. Dù đã coi nơi ấy như quê hương thứ hai của mình nhưng vì sức ép của bom mìn, lúc tỉnh lúc mê, rồi nỗi nhớ nhà da diết khiến ông sống chẳng phút nào yên. Và rồi hành trình ông trở về gặp biết bao thủ tục nực cười gây ra sự tủi nhục, đau buồn không kém. Những khó khăn thời hậu chiến - hậu "liệt sĩ" ấy chứa đầy nước mắt và sự xót xa.
Muốn tự tử khi trở về
Sinh ra trong một gia đình truyền thống cách mạng, Lê Xuân Hào đã có tới 2 lần nhập ngũ. Lần thứ 2, cũng là lần định mệnh cuối cùng, ông Hào kiêu hãnh sang nước bạn Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Và khi những đồng đội, những người bạn cùng trang lứa nhiều người đã đỏ ngực trở về thì ông vẫn bặt vô âm tín. Thông tin của ông chỉ vỏn vẹn: "phiên" vào tiểu đội 2, trung đội 4, đại đội 12, tiểu đoàn 4, đoàn 7704, mặt trận 497, Campuchia. Ông cụ thân sinh ra Lê Xuân Hào là cụ Lê Đức Mạnh phải lấy uy tín 30 năm tuổi Đảng, nhiều năm làm cán bộ xã để đi khắp các cơ quan ban ngành dò hỏi tin tức của con mình. Cuối cùng gia đình cũng nhận được "giấy báo tử" vào năm 1992. "Giấy báo tử" ghi rõ: Lê Xuân Hào đã hy sinh "ngày 0, tháng 3, năm 1984".
Thật như một giấc mơ. Không như mơ sao được "chết đi sống lại" sau 28 năm bị tin đã chết, thế rồi người lính Lê Xuân Hào năm xưa trở về quê hương với những bước đi không vững, với tật bệnh, nghèo đói. Cái ngày ông dứt áo lên đường nhập ngũ như thể mới hôm qua. Vậy mà hôm nay trở về cả bà nội, cả bố, cả mẹ đều đã không còn. Ông nhìn lên bàn thờ mà khóc như đứa trẻ lên ba: Vậy là thằng Hào này không được gặp bố, không được chăm sóc cho bố lúc về già rồi". Bà con lối xóm, ai cũng rưng rưng nước mắt, mừng mừng tủi tủi cho ông ngày trở về của ông.
Ngôi nhà đầy ắp ký ức tuổi thơ của ông Hào cửa đóng then cài, rêu phong phủ kín từ khi bà và bố mẹ ông mất. Nó lụp xụp, xiêu vẹo, gạch vữa rơi lả tả, lạnh lẽo. Vườn, ruộng không có, không nghề nghiệp, hai bố con chỉ biết ôm nhau mà khóc mỗi lần ông lên cơn đau đầu, hét toáng do sức ép của bom đạn.
Người em ông Hào bảo: “Đây là ngôi nhà của bố mẹ tôi để lại, cũng là nơi diễn ra lễ truy điệu anh ấy. Quan tài bằng gỗ, phủ cờ đỏ sao vàng đặt chỗ này. Bố tôi trước lúc mất có dặn rằng: Bằng mọi giá nào cũng phải tìm được xương cốt anh tôi về. Cho dù một nắm đất đen cũng phải tìm cho bằng được".
Hành trang ông trở về quê, trở lại "làm người còn sống chỉ vỏn vẹn 1 cái túi nilon, bên trong có một bộ quần áo. Đến đôi dép để đi cũng không có! Ông kể, cả thảy ông có 5 đứa con bên Campuchia nheo nhóc và đói khát lắm. Vợ thì đã chết vì bệnh hiểm nghèo từ lâu. Ông cắn răng bỏ lại các con, bỏ lại tất cả chỉ mang theo duy nhất đứa con gái đáng thương nhất về. Về đến quê hương, niềm vui chưa dứt ông chợt nhận ra mình chẳng có gì. Không hộ khẩu, không chứng minh nhân dân. Để mong cuộc sống yên ổn, ông mài đũng quần không biết bao nhiêu cơ quan. Nói đến đây người lính gan dạ năm xưa bật khóc: "Nhiều lúc tôi đã nghĩ đến cái chết. Con gái tôi thì không có hộ khẩu không làm được đăng ký kết hôn, buồn quá nó đã uống thuốc ngủ tự tử, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai".
Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội tặng quà cho ông Hào. |
28 năm, ngày ở cùng vợ con, đêm vào rừng ngủ
Ông Hào bắt đầu câu chuyện thất lạc nơi rừng thiêng với chúng tôi bằng cái thở dài ngao ngán. Ông bị thất lạc đơn vị trên đường hái rau rừng. Ông bị tàn quân Pôn Pốt đánh úp, bị thương khá nặng ở đùi. Địch bắn B40 quá nhiều, khiến ông bây giờ lúc nhớ lúc quên. Phải ăn cùng ông, tâm sự cùng ông, xem lại những giấy tờ hồ sơ ông mang về mới thấy được quãng đời dũng cảm lẩn trốn các thế lực xấu bên Campuchia đến thế nào.
Hôm đó ông cùng 3 đồng đội người Việt Nam, 4 đồng chí lực lượng Campuchia đi lấy rau phục vụ hậu cần của đơn vị. Khi đi qua một khu đầm có rất nhiều rau muống, trên đường trở về đến 1 hẻm núi lớn họ bị phục kích. Một viên đạn găm thẳng vào đùi, máu cứ thế phun ra. Không chỉ vậy ông còn bị một mảnh đạn văng từ vách núi vào đầu. Lê Xuân Hào nằm gục xuống và bất tỉnh. Khi tỉnh dậy ông được đặt nằm trên một chiếc giường đệm bằng cỏ bông lau. Bao ánh mắt xa lạ vui sướng, hét toáng lên khi ông tỉnh dậy. Họ cười, nói với nhau bằng một thứ tiếng xa lạ, nhưng ông cảm nhận được tình thân qua anh mắt. Gia đình người Campuchia đã hồi sinh cho ông bằng sự chăm sóc và tình yêu thương. Giữa nơi rừng thiêng, xơ xác vì chiến tranh nên việc đưa ông đi viện là điều không thể. Dần ông cũng bình phục, ông ra hiệu đòi trở về đơn vị. Những bước chân tập tễnh tìm về nơi đơn vị đóng quân nhưng rồi ông lại thất vọng vì đồng đội đã chuyển khỏi khu vực đóng quân dã chiến. Không tiền, không giấy tờ, sức khỏe còn yếu, đầu óc còn mơ tỉnh, ông đành quay về ở tạm gia đình ân nhân người Campuchia.
Ông Hào và tấm bằng Tổ quốc ghi công ghi tên mình. |
Thời gian cứ thế bẵng trôi, ông Hào học tiếng Campuchia, trí nhớ dần bình phục. Ông dần nhận ra rằng đây chính là gia đình thứ 2 của mình, đặc biệt hơn cả là tình yêu của Khơ Môn, con gái ông chủ nhà. Ông Hào tâm sự: "Cô ấy khá đẹp, dù đã bỏ chồng và có 1 đứa con riêng. Cô ấy dịu dàng, chu đáo từ bữa cơm, manh áo. Không nề hà lau rửa vết thương đầy máu, mủ của tôi những ngày bị thương. Dần dần chúng tôi nhận ra tình cảm của nhau rồi yêu nhau".
Trước ngày lên đường nhập ngũ, ông Hào học hết lớp 4. Thất lạc rồi lấy vợ bên Campuchia, lại thêm ốm đau bệnh tật, rồi bộn bề khó khăn, đường về với ông ngày một xa thăm thẳm. Ngày ngày lên non, lên rẫy làm thuê, xuống hồ (Biển Hồ) đánh cá. Vừa để chăm lo cuộc sống gia đình vừa ấp ủ ngày trở về. Điện thoại không có, bưu điện thì cách cả vài trăm cây số. Tiền ăn còn không lo đủ. Và, Khơ Môn đẻ thêm cho ông những đứa con. Vậy là cả đứa con riêng của Khơ Môn họ có với nhau 5 đứa.
Ông Hào buồn: "Bốn đứa con ruột tôi đều đặt tên tiếng Việt và tiếng Campuchia cả. Đặt thế chứ có bao giờ gọi chúng nó là cái Nga, cái Thi… đâu. Nhớ nhà quá mà". Nhiều đêm ông nghĩ phải trở về quê, phải về với bà với bố mẹ. Nhưng rồi quay mặt nhìn sang người vợ hiền và 5 đứa con thơ dại ông lại khóc, khóc "ướt cả gối". Ít lâu sau đó Khơ Môn bị ung thư vú rồi qua đời. Thế là ông rơi vào cảnh gà trống nuôi 5 đứa con.
Ông Hào và con gái. |
Trăm đường cơ cực, ngày đi làm thuê, đêm ngủ lênh đênh trên Biển Hồ đầy hiểm nguy. Ông Hào nhớ lại: "Ngày đó loạn lạc, cướp bóc nhiều vô kể, nhiều lúc nằm ở hồ ngủ gặp phải giông bão ụp cả thuyền xuống, người còn lâu mới dạt được vào bờ. Khủng khiếp là những lần tôi bị các đối tượng phản cách mạng, tàn quân của Pôn Pốt truy lùng. Tôi phải trốn vào hang núi, đào củ mài ăn sống. Uống nước suối, ăn hoa quả nói chuyện với muông thú ấy chứ". Đêm nào nghe thấy tiếng chó sủa là ông lại bỏ mặc vợ con chạy như tên bắn vào rừng. Vợ và con ông an toàn bởi họ đều là người Campuchia.
Ngày ấy hễ giặc bắt được là làm thịt, mổ bụng moi gan. Có lần ông bị giặc dí súng AK vào đầu khi chuyển hơn chục con gà đi bán. Toán quân thấy ông liền xông ra, hai đứa kẹp hai bên, bắt ngồi xổm, hai tay ôm đầu, hai thằng còn lại dí súng vào thái dương. May mắn lúc đó có chiếc xe khách chạy qua đường lớn nên chúng bỏ ông lại để đi cướp.
Cuộc sống cơ cực, gian khó nơi rừng sâu cứ bám riết ông Hào cho mãi đến năm 2011. Khi đó ông Lê Xuân Vui (em trai ông Hào) bất ngờ gặp được một thanh niên và cho biết đang nắm giữ thông tin về người anh "liệt sĩ". Người thanh niên này quả quyết rằng, một lần vào rừng tìm gỗ làm nhà, người chú ruột đã gặp ông Hào đang sống tại một bản nghèo tại Khasach Laet, xã Onsachambork, huyện Krakor. Ông Hào có tên Campuchia là Chea Hay.
Ông Vui kể lại: "Sáng sớm hôm sau, điện thoại của tôi đổ chuông, mã vùng lạ lắm! Tôi hồi hộp bấm nút nghe thì bên kia không nói gì. Vài phút sau có tiếng nấc nhẹ rồi tắt máy. Tôi hỏi ngay: Có phải anh Hào người xã Trầm Lộng không? Tiếng bên kia nhận ngay "anh Hào đây" bằng giọng lớ ngớ. Như có giác quan thứ 6 tôi nhận ngay ra đó là anh trai mình rồi". Ngay sau đó gia đình, dòng họ đã "mở" một cuộc họp gấp để ra phương án đưa ông Hào trở về nhà. Năm người em ông Hào nguyện đóng góp lo kinh phí đưa ông về. Đề nghị các cơ quan chức năng của huyện Ứng Hòa, Hà Nội sớm phối hợp với các đơn vị quân đội để xác minh, tạo điều kiện cho bố con ông Lê Xuân Hào được nhập khẩu, ổn định cuộc sống, không để một người con của quê hương sống bơ vơ tại quê nhà.
CSTC