Phóng sự
31907
Gian nan chuyện học nghề nơi rẻo cao
14:00, 09/11/2013 (GMT+7)
Nằm trên huyện miền núi Con Cuông, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghệ An có nhiệm vụ chính là đào tạo nghề cho con em người dân tộc thiểu số ở vùng núi Tây Nam tỉnh Nghệ An. Các nghề mà nhà trường đào tạo gồm: Trồng trọt, chăn nuôi thú y, trồng nấm, dệt thổ cẩm, may công nghiệp, sửa xe máy, Tin học văn phòng, điện dân dụng và nhiều nghề khác cho hệ sơ cấp. Những năm qua, dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được một số kết quả khả quan, nhưng chuyện dạy và học nghề của thầy, trò nơi đây vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách.
Với đặc điểm số học sinh tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số như Thái, Khơ Mú, Đan Lai, Thổ, Thanh, Nùng, Mông, Poọng... điều kiện kinh tế gia đình rất khó khăn. Đặc biệt, có rất nhiều em phần thì gia đình quá nghèo, phần vì đường sá xa xôi cách trở nên dù rất muốn đi học để “kiếm cái nghề cầm tay” nhưng không có điều kiện nên đành phải chịu.
Cũng có nhiều em, dù đã cố gắng đi học nhưng phải bỏ nửa chừng vì “cha mẹ không có tiền mà nuôi nữa”.Qua tiếp xúc với các em, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều có điểm chung là gia đình rất nghèo.
Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Bình đang động viên các em học sinh
Tâm sự với chúng tôi, em Ốc Thị Vân, người dân tộc Khơ Mú, quê xã Yên Hòa, huyện Tương Dương, hiện đang học lớp may công nghiệp, không dấu được nỗi buồn: “Nhà em nghèo lắm, chỉ có 3 mẹ con ở sâu trong rừng, cách đường cái hơn nửa ngày đi bộ. Em xuống đây học, ở nhà mẹ và đứa em trai mới 13 tuổi hàng ngày phải đi làm thuê để có cái ăn và chu cấp cho em, nhưng mỗi tháng cũng chỉ được 100.000 đồng thôi”.
Để có thể theo học, với số tiền ít ỏi mà mẹ cho, mỗi ngày, Vân chỉ đủ mua vài gói mỳ tôm ăn qua bữa. Nhiều lần hết tiền, không có cái ăn, đói quá, em định nghỉ học, nhưng rồi nghĩ thương mẹ và em, được các thầy, cô giúp đỡ, động viên nên Vân lại cố gắng vượt qua.
Không chỉ Vân mà hầu hết các em theo học ở đây đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Em Lữ Thị Nguyên, học lớp may công nghiệp, quê xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, cách trường hơn 140 km. Nhà vốn nghèo, mỗi tháng bố mẹ chỉ chu cấp được 200.000 đồng, không đủ ăn, nhiều hôm phải nhịn đói đi học.
Đã có nhiều trường hợp do quá khó khăn, các em phải nghỉ học nửa chừng và gác lại ước mơ dang dở để quay về với cuộc sống nương rẫy, đi làm thuê. Ngay hôm chúng tôi đến trường, chưa kịp vào Phòng Hiệu trưởng thì gặp một học sinh tay xách nách mang đứng thập thò trước cửa.
Hỏi ra mới biết, em tên là Cụt Thị Lan, quê ở xã Xiêng My, huyện Tương Dương đang đến xin thầy cho nghỉ học. Với khuôn mặt đẫm nước mắt, Lan run rẩy: Thưa thầy, xin thầy cho em nghỉ học, hôm nào kiếm được tiền, xin thầy lại cho em học tiếp. Nói xong, Lan òa khóc khiến mọi người không ai nói được lời nào.
Các em học sinh đã vậy, cuộc sống của thầy, cô giáo ở đây cũng không khá hơn là bao. Do đa số giáo viên của trường đều là người ở xa, từ TP Vinh, Hưng Nguyên, Đô Lương, Thanh Chương... mới ra trường, lên đây dạy học với đồng lương ít ỏi, vài ba triệu đồng mỗi tháng nên vất vả đủ điều.
Nhiều thầy, cô lương chỉ đủ để thuê nhà trọ và chi phí sinh hoạt, còn lại nếu tiết kiệm được chút ít cũng chỉ đủ góp nhau giúp đỡ cho các em học sinh đặc biệt khó khăn và tiền xăng xe về thăm quê mỗi tháng vài lần.
Khó khăn là vậy, nhưng với tình yêu nghề và sự đoàn kết quyết tâm vượt khó, những năm qua, nhà trường đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Chỉ tính riêng năm 2012, Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghệ An đã mở 22 lớp sơ cấp đào tạo cho 750 học sinh thuộc các nghề:
Trồng trọt, chăn nuôi thú y, dệt thổ cẩm... và 3 lớp trung cấp, đào tạo nghề cho 120 em học sinh người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, nhà trường cũng đã mở nhiều lớp tập huấn nghề cho hàng trăm hộ thuộc đối tượng nghèo đặc biệt khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn.
Trao đổi với chúng tôi, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Bình cho biết: Khó khăn thì còn rất nhiều, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị đến đời sống của cán bộ, giáo viên đều đang thiếu thốn trăm bề. Tuy nhiên, tất cả chúng tôi luôn xác định được trách nhiệm và với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, nhà trường luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Chỉ duy nhất một điều mà chúng tôi băn khoăn hiện nay là chế độ chính sách cho giáo viên, học sinh nhà trường chưa có. Giáo viên của trường đi dạy lên các xã vùng cao, vùng sâu của các huyện Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ và Anh Sơn nhưng chính sách cho giáo viên dạy nghề ở trường nội trú Nhà nước còn quy định chung chung.
Nhà trường đã làm việc với Sở LĐ-TB&XH, Sở Tài chính nhưng vẫn chưa được hưởng chế độ gì. Đối với học sinh, căn cứ Quyết định số 267/2005/QĐ-TTg ngày 31/10/2005 của Thủ tướng Chính phủ thì, số học sinh tại trường được hưởng chế độ của học sinh dân tộc thiểu số nội trú quá ít, 13/194 em.
Thầy Bình cho biết thêm, nhà trường cũng đã có rất nhiều văn bản đề nghị lên UBND tỉnh và UBND tỉnh cũng đã có công văn gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị bổ sung thêm với nội dung: Đối tượng là học sinh người dân tộc thiểu số học trường phổ thông dân tộc bán trú và trường phổ thông khác chuyển sang học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp nghề và trung cấp chuyên nghiệp được hưởng các mức học bổng, mức hỗ trợ tiền bằng tiền mặt cụ thể. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa thấy có quyết định nên các em vẫn phải chịu thiệt thòi.
Với ước mơ thoát khỏi cảnh nghèo, cha mẹ và bản thân các em học sinh dân tộc thiểu số miền núi không quản khó khăn để kiếm được “nghề cầm tay”. Tuy nhiên, ước mơ vô cùng chính đáng đó thật khó mà thực hiện cũng chỉ tại quá nghèo. Hy vọng các cấp, các ngành và UBND tỉnh cần có những chính sách kịp thời để các em có được sự hỗ trợ cần thiết đảm bảo việc học hành.
Văn Đình - Đức Anh