Không rơi nước mắt sao được khi mỗi hiện vật ở đây lại gắn liền với một câu chuyện của chính những người lập nên bảo tàng? Và điều đặc biệt, hướng dẫn viên cũng chính là những chiến sĩ cách mạng đã từng bị giam giữ, tù đày ở nhà tù Phú Quốc.
Lưu giữ trang sử của chính mình
Ngót nghét 40 năm trôi qua, kể từ khi nhà tù Phú Quốc kết thúc sứ mệnh lịch sử đen tối của nó, gần 40.000 tù cộng sản trở về, tiếp tục sống, cống hiến cho công cuộc đổi mới đất nước. Những vết thương trên da thịt họ đã lành. Thế nhưng những ký ức kinh hoàng về những năm tháng đau thương nơi “địa ngục trần gian” ấy hằng đêm vẫn dội về trong những giấc mơ làm buốt lòng người còn sống. Để rồi họ tìm đến nhau, những cựu tù Phú Quốc đã lặn lội khắp trong Nam ngoài Bắc, tìm kiếm, sưu tầm những kỷ vật, di vật của một thời đau thương mà anh hùng đó. Họ đã tạo nên một bảo tàng “độc nhất vô nhị”: Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày. Để rồi chính họ lại là người bảo quản, là nhân viên giới thiệu về những hiện vật, di vật ấy.
Chúng tôi đến bảo tàng đúng vào ngày các cựu tù ở đây chuẩn bị kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27-7). Ai nấy mỗi người một công việc, người quét dọn sân vườn, lau chùi hiện vật. Người cặm cụi sơn lại cửa, có người lại tất tả tiếp đón những đoàn khách đến viếng thăm. Những chiến sĩ ấy đều đã lên ông, lên bà, vất vả là thế nhưng ai nấy vẫn ánh lên một vẻ hào sảng đến lạ kỳ. Với những bước đi khó nhọc, bác Lê Xuân Phùng cười mộc mạc: “Tất cả chúng tôi vốn là những chiến sĩ bị địch bắt, tù đày ở Phú Quốc. Cùng chung tay góp công, góp của để xây dựng nên bảo tàng này. Anh em làm ở đây cũng là tự nguyện hết, khách đến đây tham quan chúng tôi trực tiếp hướng dẫn, kể lại. Kể lại những câu chuyện của đồng đội mình và cả của chính mình nữa”.
Sau một trận càn tại sân bay Đà Nẵng, bác Phùng đã bị địch bắt và đẩy ra đảo Phú Quốc. Một thời gian mất tích, đơn vị đã gửi giấy báo tử về gia đình. Hơn 30 năm trôi qua, bác Phùng vẫn chưa thể nào quên những trận đòn roi của kẻ thù, quên được những tháng ngày sống ở nơi “địa ngục trần gian”. Nhớ nhà, nhớ đồng đội, rồi đau đớn nhìn kẻ thù ngày đêm hành hạ anh em đồng đội mình là những ký ức mà mỗi khi nhớ lại bác vẫn rùng mình.
Đưa chúng tôi tới khu vực lưu giữ chiếc nhẫn mà chính mình làm trong những ngày nằm trong ngục. Bác Phùng nghẹn ngào giơ bàn tay từng bị địch tra tấn: “Ngày đó chúng nó dùng búa đập vào hai bàn chân, bày tay tôi. Chúng đập hết sức, cho đến khi các móng tay của tôi bong ra, máu chảy ra rồi tôi ngất đi mới thôi. Chiếc nhẫn này tôi làm khi còn nằm trong ngục. Những lúc nhớ nhà, nhớ anh em đồng đội buồn buồn nên làm đeo vui. Tôi gìn giữ nó như tính mạng của mình vậy! Khi có bảo tàng tôi quyết định tặng nó vào đây để con cháu mai sau còn biết đến”.
Các hình thức tra tấn ở nhà tù Phú Quốc được dựng lại bảo tàng cách mạng tư nhân
Theo chân ông Kiều Văn Uỵch - hiện là Phó giám đốc bảo tàng – nhân chứng sống của những đòn tra tấn dã man tại nhà tù Phú Quốc, những câu chuyện mắt thấy tai nghe của ông Uỵch khiến chúng tôi không khỏi bàng hoàng, nổi da gà. Có căn phòng chỉ khoảng 30m2, nhưng chúng giam tới 180 người. Anh em vì thương nhau, còn phải lấy quần áo kết lại thành dây để treo mình lên, nhường không gian cho những người đau ốm.
Ông Uỵch nhớ lại: “Có loại chồng cọp, người tù bị nhốt trong đó chỉ có thể ở một tư thế là ngồi hoặc nằm. Mỗi ngày chúng tôi chỉ được ăn một nắm cơm, uống một ca nước, có ngày còn không được ăn uống gì. Trời mùa hè chúng mang chuồng cọp ra phơi nắng, rồi dùng dây nhựa đốt nhỏ vào người. Đêm mùa đông, chúng mang nước lạnh ra giội và bảo rằng “tắm cho cọp”. Tôi bị chúng nó nhốt 20 ngày trong loại chuồng đó. Đến lúc gần chết mới cho ra ngoài”.
Ông Uỵch đưa chúng tôi đến chiếc tủ kính nơi lưu giữ chiếc cờ làm bằng máu của những chiến sĩ cách mạng. Hôm đó là ngày kết nạp đảng viên mới trong tù mà không có cờ Đảng, ông Nguyễn Hữu Nghĩa và đồng đội đã lấy máu nhuộm vải làm cờ. Ông Nghĩa còn dùng máu của mình để vẽ chân dung Bác Hồ kính yêu. Một ngày tháng 9, quân cảnh ghé vào nói với anh em trong ngục: “Nói cho chúng mày biết nghen, Cụ Hồ của chúng mày mất rồi”. Cả nhà tù lặng đi. Thế rồi chúng bật Đài Tiếng nói Việt Nam cho anh em nghe. Khi ấy đang là lễ truy điệu Bác. Tất cả như chết lặng. Bữa cơm chiều không ăn. Bữa cơm hôm sau, rồi hôm sau nữa cũng không ăn. Buổi học văn hóa bỗng trở thành cuộc họp chi bộ nhà tù như thường lệ. Thế nhưng không có cờ.
Đồng chỉ Tô Diệu, khi bị địch bắt đã là cấp tướng, yêu cầu phải kiếm được miếng vải đỏ làm lá cờ. Ông Nghĩa, lúc đó là Bí thư chi bộ nhà tù đã giao cho anh em mấy lần mà bất thành, có người đã giấu được một mảnh vải đỏ trong miệng vậy mà vẫn bị địch phát hiện, đánh thừa sống thiếu chết. Trong lúc cần kíp, một đồng chí lên tiếng, sao không lấy máu làm cờ nhỉ? Ý tưởng đã được chấp nhận, ông Nghĩa nhanh chóng dùng miếng tôn sắc lẹm cứa cổ tay mình. Dùng tay nắm chặt, chạy ra ngoài gọi cảnh vệ. Lát sau ông quay về với bàn tay đã được quấn băng, gạc cẩn thận. Máu ra nhiều đã đủ làm cho miếng gạc trắng vuông đỏ thẫm. Không ai bảo ai nhưng tất cả đều biết đó sẽ là cờ Tổ quốc. Những chỗ còn chấm trắng, máu chưa thấm tới, tất cả chiến sĩ đều cắn ngón tay nhỏ vào. Sau đó một đồng chí kiếm được mảnh bìa caston, được tách mỏng làm giấy học tập. Ông Nghĩa lấy chiếc tăm, cắn vào miệng cho dập ra rồi chấm vào máu của mình, vẽ lên bìa chân dung Bác Hồ.
Gian nan sưu tầm hiện vật
Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày được xây dựng trên khu đất rộng 1.600m2của ông Lâm Văn Bảng, một cựu tù Phú Quốc. Hơn 10 phòng truyền thống với gần 2.000 hiện vật và hàng chục mô hình diễn tả cảnh tra tấn dã man của bọn cai ngục được tái hiện rất chân thực và sống động. Gần 5 năm bị lưu đày tại nhà tù Phú Quốc, ông Bảng và đồng đội đã chứng kiến cái chết đầy bi tráng của biết bao người cùng chí hướng. Trong số 40.000 người tù, bị đày ra Phú Quốc, đã có trên 4.000 người bị giết và thủ tiêu. Ông Bảng nói: “Có những người hy sinh thân thể chỉ còn là những mảnh vụn. Còn những người như chúng tôi khi trở về, dù vết thương đã lành nhưng biết bao ký ức kinh hoàng vẫn còn mãi. Chính vì thế anh em chúng tôi muốn lập bảo tàng này là để thế hệ sau không quên được những tháng năm hào hùng của dân tộc”.
Ban đầu, lấy chính căn nhà của gia đình ông đang được sử dụng làm nơi trưng bày, với cái tên giản dị “phòng truyền thống Chiến sỹ Cách mạng bị địch bắt tù đày”. Đến năm 2006, khi hệ thống cơ sở vật chất được hoàn thiện hơn, tỉnh Hà Tây (cũ) đã chính thức công nhận nơi đây là bảo tàng với tên gọi “Bảo tàng Các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày”. Chính nhờ hoạt động sưu tập hiện vật mà đã có tới 1.620 liệt sĩ được xác định danh tính. Một hố chôn tập thể với 1.033 chiến sĩ cũng đã được phát hiện tại đảo Phú Quốc. Điều đặc biệt hơn cả, bảo tàng vẫn hoạt động trên tinh thần “Tự giác, tự nguyện, tự túc và tự chịu trách nhiệm”. Hằng ngày, 15 cựu binh vẫn phải đảm nhận công việc như dọn vệ sinh, trông xe… và thuyết minh về những hiện vật tại bảo tàng. Vì vậy, mong muốn lớn nhất của các cựu binh nơi đây là có một người hướng dẫn viên được đào tạo bài bản để có thể kể chuyện về các kỷ vật thật khúc chiết vì “Chúng tôi cứ người thật việc thật, có sao nôm na kể thế”, ông Uỵch cười hiền bộc bạch.
Những hiện vật quý
Là một bảo tàng tư nhân nên việc thu thập, tìm kiếm hiện vật cũng thật gian nan. Nếu không có quyết tâm, tinh thần của những chiến sĩ cách mạng chắc hẳn không thể làm được. Không quản khó khăn, tốn kém, cứ nghe thấy anh em đồng đội mách ở đâu có hiện vật là họ đến. Dù hiện vật đó lớn hay nhỏ miễn sao được gắn liền với quãng thời gian họ bị hành hạ ở Phú Quốc.
Ông Uỵch chia sẻ: “Các đoàn đến đây viếng thăm đều không có vé. Tất cả kinh phí đều do anh em chúng tôi tự đóng góp cả. Việc đi tìm hiện vật là rất công phu, khó khăn vẫn là chi phí đi lại”. Đơn cử như bộ móc tai của một chiến sĩ từng bị địch bắt giam ở Phú Quốc. Ông Uỵch cùng đồng đội phải lặn lội tàu xe vào Nam tới 3 lần mới có được. Đây là bộ móc tai rất linh thiêng với gia đình họ. Đó là di vật của cha ông, đời trước từng là chiến sĩ tù Côn Đảo. Chiếc móc tai này được gia đình họ đặt lên ban thờ để thờ cúng. Ông Uỵch nói: “Anh em chúng tôi hết lòng thuyết phục rằng, nếu gia đình cứ để ở nhà thì không ai biết. Nhưng nếu đưa vào bảo tàng thì rất nhiều người biết và cảm phục”.
Những tấm ghi bằng sắt (vật thường dùng để tra tấn chiến sĩ tù cách mạng) cũng được những cựu binh ở đây lặn lội kiếm tìm khá vất vả. Để tái hiện lại những cảnh bị tra tấn, Ban giám đốc bảo tàng dự định nhờ thợ sắt dựng lại cho những tấm ghi. Thế nhưng nghe tin trên đảo Phú Quốc vẫn còn nhiều tấm ghi sót lại sau chiến tranh mọi người đã hạ quyết tâm đến tận nơi thu thập. Ông Uỵch say sưa kể: “Cũng may chúng tôi có quen anh Dư, là Trưởng tàu Thống Nhất, anh đã hỗ trợ chúng tôi vé tàu, rồi ăn uống được các anh lo. Nhưng khi vào đó anh em chúng tôi phải bỏ tiền túi để ra Phú Quốc. Tốn kém cả mấy chục triệu”.
Những năm qua, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt, tù đày đã đón khoảng 10 vạn lượt khách, trong đó có nhiều đoàn của các cơ quan Đảng, Nhà nước, cựu chiến binh, thanh niên, các thầy cô giáo và học sinh… trên mọi miền Tổ quốc về tham quan, tìm hiểu lịch sử truyền thống cách mạng. Khách đến bảo tàng đều bày tỏ lòng khâm phục trước việc làm cao cả đầy ý nghĩa của những người lính già nặng lòng với đồng đội.
Nguồn: CSTC
.