Mạng sống của cụ thương binh già, người mà nó hằng ngày vẫn gọi bằng "ông nội" đã bị Thức tước đoạt chỉ vì một cái ví rỗng tiền.
Còn bây giờ, niềm vui sắp sửa vào năm học mới và chuỗi ngày tương lai sắp đến cũng đã bị đóng sập, bịt bùng sau song sắt như cánh cửa của chiếc xe chở phạm nhân mà Thức đang ngồi. Hôm ấy, là một ngày oi ả, hanh nồng của tháng 7 miền Trung, nhưng Thức lại có cảm giác co mình, run rẩy. Thức vừa chạm ngưỡng tuổi 17, cũng chính là ngày Thức phải đứng trước vành móng ngựa vì tội danh giết người, cướp của…
Bị cáo 17 tuổi Nguyễn Thức tại tòa.
|
Hung thủ "thật như đếm"
Tại tòa, khác với những kẻ mang tội danh giết người, cướp tài sản khác thường miệng cứ leo lẻo hòng cố chối tội, Nguyễn Thức (16 tuổi, học sinh lớp 9/4, trường THCS Trần Hưng Đạo, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lại quá thật thà, cũng không hề ngụy biện đối với bất cứ câu hỏi truy vấn nào của Hội đồng xét xử (HĐXX).
Thức bảo, Thức ân hận và sợ lắm khi thấy cụ Mai Văn Lang (86 tuổi trú xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam), người mà Thức vẫn thường gọi là "ông nội" nằm gục dưới sàn nhà, thân thể loang lổ những nhát kéo đâm trong hoảng loạn của Thức. Và khi "ông nội" tắt thở, Thức mới biết rằng cái ví mà Thức đoạt của ông chỉ đựng duy nhất tấm thẻ thương binh 2/4 mà chẳng hề có lấy một đồng, một cắc nào…
Sự việc xảy ra vào 13h trưa 29/10/2012, Thức được cha là ông Nguyễn Chín (50 tuổi) sai chạy tắt vườn sau qua nhà cụ Lang hàng xóm để xin thuốc lá. Từ dưới bếp nhà cụ Lang đi lên, Thức thấy cụ đang say giấc nghỉ trưa, cái ví tiền của cụ để lơi lỏng nơi đầu giường ngủ. Đang lúc xin mẹ tiền chơi games với bạn mà không được, Thức thấy chiếc ví cụ Lang thì như bắt được vàng. Nháo nhác nhìn quanh rồi Thức nhón tay, khẽ lôi chiếc ví.
Không may cho Thức, cụ Lang bất ngờ tỉnh giấc, phát hiện và lớn tiếng mắng chửi, cụ còn dọa sẽ mách lại sự việc với cha của Thức mặc cho nó hết mực van xin. Trong lúc quá lo sợ sẽ phải nhận một trận đòn chí tử của cha, Thức vội vớ lấy cây kéo để trên tủ tivi, hoảng loạn lao đến đâm túi bụi vào người cụ Lang cho đến khi cụ ngã gục xuống nền nhà rồi đem vứt chiếc kéo ở hầm phân trong vườn… Ngay sau đó, việc cụ Lang bị sát hại đã gây chấn động và khiến người dân ở vùng quê của xã Đại Nghĩa vốn bấy lâu nay hiền lành, chân chất thực sự hoang mang. Ở cái xã nghèo vốn yên bình ấy cũng chưa bao giờ nghe đến chuyện giết người cướp của. Ấy vậy mà cụ Lang, một cụ thương binh già neo đơn lại bị sát hại quá sức tàn độc.
Hiện trường vụ án tại căn nhà ở thôn Mỹ Liên, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc của cụ Mai Văn Lang. |
Cụ Lang tử vong do bị hơn 20 vết thương tương đối sắc nhọn, có nhiều kích cỡ khác nhau gây thủng da và cơ trên vùng mặt bên phải, dưới tai phải. Vết lớn nhất có kích thước 2,8 x 0,3 cm ở cổ gây đứt động mạch dẫn đến tử vong. Bấy giờ, cũng không ít lời đồn đoán, lo lắng cho rằng tại huyện Đại Lộc vừa mới xuất hiện những đối tượng giang hồ hiểm ác, chuyên đột nhập nhà dân để cướp của, giết người… Nhưng điều mà tất cả dân xã Đại Nghĩa không ai có thể hình dung hay nghĩ đến, hung thủ ra tay tàn độc đối với cụ Lang không ai khác chính là Nguyễn Thức, thằng bé hàng xóm hiền lành, có họ xa được cụ Lang thương quý xem như một thằng cháu nội.
Cả nạn nhân và hung thủ đều có gia cảnh rất khó khăn
Nhắc đến cụ thương binh già Mai Văn Lang, cả xóm nghèo vùng cát của xã Đại Nghĩa ai cũng xót xa, thương cảm. Đằng đẵng mấy mươi năm cụ xa quê, cống hiến xương máu cho cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, trở về sau chiến tranh, cụ Lang chỉ còn lại một cánh tay lành lặn cùng thương tật hạng 2/4. Về quê chưa bao lâu, cụ Lang dắt díu vợ con lên tận huyện miền núi Tiên Phước, Quảng Nam để phát triển nghề trồng rừng kiếm sống.
Hung khí Nguyễn Thức dùng gây án. |
Năm 1990, bà Nguyễn Thị Đợi (SN 1930) vợ cụ Lang mất, cũng là khi sức lực cụ đã cạn, thêm cảnh gà trống nuôi con nên không thể trụ nổi với sự khắc nghiệt, cực nhọc ở miền núi. Vậy là, cụ Lang buộc phải đưa bốn người con thơ dại trở về quê nhà ở xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc để dựa đất quê mà sinh sống...
Vào năm 2001, cụ Lang được chính quyền địa phương quan tâm xây tặng một căn nhà tình nghĩa tại thôn Mỹ Liên, cụ cũng trở thành hàng xóm của gia đình ông Nguyễn Chín (cha ruột của bị cáo Thức). Lúc này, do 3 cô con gái của cụ Lang đều lấy chồng xa, người con trai duy nhất vì mưu sinh cũng đã bôn ba với nghề thợ hồ ở mãi tận Đắk Lắk thi thoảng mới ghé về thăm. Cụ Lang giờ phải sống cảnh một thân một mình, thui thủi trong căn nhà cấp 4. Tuổi già, thương tật, toàn bộ sinh hoạt, trang trải cuộc sống của cụ Lang chỉ phụ thuộc vào 1,7 triệu đồng tiền tiêu chuẩn trợ cấp thương binh hằng tháng nên cụ rất tằn tiện. Cụ dè xẻn đến nỗi mỗi tuần chỉ dám đi chợ có 1 lần để mua ít cá thịt, mắm muối cho đỡ tốn kém.
Cụ Lang cũng chẳng biết nhờ cậy vào ai, bởi bà con lối xóm nhiệt tình cũng chỉ dăm ba bữa… Bởi thế, thấy thằng bé Thức hiền lành, ngoan ngoãn, cứ hễ đi học về lại lon ton chạy qua nhà hỏi han, giúp cụ việc vặt trong nhà nên cụ Lang rất quý. Thằng cu Thức cũng xem cụ Lang giống như người ông ruột của nó, lúc nào cũng một tiếng ông nội, hai tiếng ông nội…
Ông Trần Văn Định (58 tuổi) người thôn Mỹ Liên thì đau lòng cho biết: Cụ Lang tuy tuổi cao, gia cảnh thì chật vật nhưng cụ rất gương mẫu, tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Từ việc tham gia gây quỹ khuyến học đến làm thành viên có uy tín của các tổ hòa giải. Với việc làng, xã cụ Lang lại là một trong những hương thân phụ lão chuẩn mực, thường đảm đương trọng trách thờ phụng, cúng tế khi có lễ lạt, đám đình. Ấy vậy mà thương cho cụ, ngay sáng hôm bị sát hại, cụ Lang có ghé quán tạp hóa trong xóm mua một ly cà phê, một chiếc hộp quẹt và một bao thuốc lá Prince. Nhưng lúc mở ví ra để trả tiền, cụ còn đúng 2.000 đồng, chỉ đủ tiền mua chiếc hộp quẹt, còn xin khất nợ tiền ly cà phê và bao thuốc lá.
Cảm thương hơn, lúc cụ Lang gặp nạn, bà con hàng xóm phải lục khắp nhà mới tìm được duy nhất một bộ quần áo "tươm tất" bấy lâu cụ dành chỉ mặc khi có đám, lễ để mà làm khâm liệm cho cụ… Còn gia cảnh nhà "hung thủ" Nguyễn Thức cũng chẵng khá hơn cụ Lang là bao. Gia đình thuộc hộ nghèo nhất của xã Đại Nghĩa, đông con, cha có bệnh do từng nghiện rượu, mẹ thì mắc bệnh tim rất nặng, cả 2 sức khỏe đều suy kiệt. Thậm chí, ngôi nhà tạm gọi là chỗ trú nắng trú mưa cũng trống huơ, trống hoác. Đến cái cửa chính ra vào nhà cũng là tạm bợ, xập xệ vì lấy đâu ra đủ tiền để mà đóng cái cổng cho nó đường hoàng…
Biết khi nào mới lại được "đi học"?
Cha mẹ của bị cáo Nguyễn Thức đau xót trong sự ân hận muộn màng vì đã không quan tâm đúng mực để con trai thành kẻ mang tội giết người. |
Tại phiên tòa xét xử Nguyễn Thức vào ngày 2/7 vừa qua, cô Nguyễn Thị Loan (46 tuổi - giáo viên chủ nhiệm của Thức) cũng không giấu được chua xót: "Tuy học lực của Thức chỉ trung bình khá, nhưng được cái Thức rất ngoan và chăm. Thức cũng không phải là học sinh cá biệt, quậy phá hay bỏ bê học hành mà sa vào các tiệm Internet như một số bạn cùng lứa. Vì thật ra, nhà Thức quá nghèo, mỗi ngày cha mẹ Thức vừa đối diện với bệnh tật triền miên, vừa quần quật với gần 36 sào ruộng lúa và hoa màu, may lắm thì mới đủ nuôi 5 miệng ăn và lo cho thằng út Thức học hành. Cái hôm tôi biết tin trong thôn Mỹ Liên xảy ra vụ án giết người, cướp tài sản, cùng nhiều lời đồn đoán thủ phạm là học sinh thì tôi rất lo lắng. Ở lớp tôi làm chủ nhiệm có nhiều học trò nhà tại thôn Mỹ Liên, cũng không ít em ham chơi thường trốn học và nghiện games. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ hung thủ sẽ là Thức. Ngay cả khi các điều tra viên đến tận trường tìm gặp tôi xác minh, điều tra về Thức, tôi vẫn không tin Thức lại đủ khả năng để gây án chấn động đến như vậy. Khi Công an bắt giữ và ngay cả hôm nay, Thức phải đứng trước vành móng ngựa, tôi vẫn thấy thương cảm nhiều hơn là giận cậu học trò phạm tội này".
Cô giáo Loan cũng cố kìm nén đôi dòng nước mắt và lặng người nhìn Thức (PV), khi cô chứng kiến cảnh Thức run rẩy, hoang mang và đầy ân hận đứng trước vành móng ngựa. Lúc được gặp lại cô giáo và người thân trong giờ nghị án, Thức đã thốt lên: "Cô ơi! mẹ ơi! em xin lỗi, con sai rồi... Cô ơi, không biết ở tù, em có còn được đi học không cô?"...
Phiên tòa kết thúc trong sự ngột ngạt, oi nồng của trưa tháng 7. Cảnh vợ chồng ông Nguyễn Chín và bà Nguyễn Thị Ánh dìu nhau, gạt nước mắt, dõi theo bị cáo Thức dần khuất sau cánh cửa sắt bịt bùng của chiếc xe chở phạm khiến lòng những người dự khán ngổn ngang, khó tả. Thật không dễ lý giải được vì sao một học sinh lớp 9 ngoan hiền như Thức, trong phút chốc lại phạm phải một tội ác tày trời đến vậy. Cũng không thể chểnh mảng, ngụy biện là do phải đối mặt với cuộc sống khó khăn, túng thiếu ở vùng nông thôn nghèo mà nhân cách, lối sống của các học sinh ở đây thiếu sự hoàn thiện.
Để không còn xảy ra những trường hợp đáng tiếc như cậu học sinh Nguyễn Thức, vẫn cần lắm sự quan tâm của gia đình, sự phối hợp chặt chẽ của nhà trường giúp các em trong lứa tuổi đang cắp sách đến trường đủ sức đề kháng trước những tiêu cực, nảy sinh ngày càng nhiều trong đời sống xã hội hiện nay.