Kỹ nghệ săn tổ ong rừng
Gửi xe máy tại một gia đình làm trang trại, tiếp giáp khu tái định cư Khe Mừ (xã Thanh Thủy, Thanh Chương), cuộc hành trình cuốc bộ theo chân nhóm thợ săn mật ong rừng của chúng tôi bắt đầu. Đoàn chúng tôi có 5 người, hành trang mang theo là chiếc dao phát sắc lẹm, một ba lô con cóc (ba lô bộ đội), trong đó là dụng cụ lấy mật, một số đồ ăn nhanh, nước uống.
Men theo con đường rừng, len lỏi qua khe, suối, vượt bao con dốc cao giữa cái nắng hè như đổ lửa, chúng tôi đi sâu vào rừng. Mùa lấy mật ong rừng bao giờ cũng vậy, phải chờ khi trời nắng to (từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch) mới có thể vào rừng “săn tổ ong”. Thấy tôi băn khoăn, chú Giang trong đoàn nói rằng, trời nắng, con ong thợ sẽ đi “ăn nước” từ các khe, suối rồi theo dõi đường bay của chúng để tìm tổ.
Giờ ong “ăn nước” không cố định, tùy thuộc vào từng đàn ong, có khi ong thợ lấy nước từ 10 giờ, nhưng cũng có khi tầm 14 - 15 giờ và việc lấy nước chỉ diễn ra liên tục trong khoảng thời gian 1 - 2 tiếng đồng hồ. Phát hiện ong “ăn nước”, nhóm thợ săn phân công nhiệm vụ, người đầu tiên trực tại hố nước nơi ong “đáp cánh”, con ong lấy nước xong sẽ bay theo hình trôn ốc mấy vòng để định hướng tổ.
Thành quả của chuyến săn mật ong rừng
Khi đã nhắm được hướng, con ong sẽ bổ nhào về tổ của nó. Lúc này, nhiệm vụ của người thợ thứ hai là phải theo hướng con ong thợ lấy nước để tìm tổ. Tuy nhiên, công việc này cũng đòi hỏi người có kinh nghiệm lâu năm, chọn một điểm nhất định làm “tiêu”, thường là một ngọn cây cao để định hướng rồi đến đó đón đường bay của ong thợ về tổ.
Khoảng 2 giờ đồng hồ đi bộ, chúng tôi mới phát hiện ra một tốp ong thợ đi lấy nước. Bác Hoàng phân công cho chú Giang trèo lên một cây rừng gần đó để quan sát hướng đi của ong. Sau khoảng 10 phút kiên trì chờ đợi, chú Giang đã xác định được hướng của tổ ong, chúng tôi cùng họ phát đường, leo núi tìm tổ ong.
Sau một hồi lùng sục tìm kiếm, chúng tôi may mắn được tận mắt chứng kiến một tổ ong rừng thật lớn, giống như một chiếc bao tải xác rắn bám lủng lẳng vào thân cây rừng. Thỉnh thoảng, cái tổ ong lại cuộn lên như những đợt sóng, nhóm thợ săn cho biết, đó là cách đàn ong báo động cho nhau, có kẻ đột nhập.
Lấy mật ong
Tìm được tổ ong đã khó, việc lấy mật cũng không hề đơn giản, nhiều thợ săn bị ong đốt, phát nóng, phát rét phải chờ người nhà vào rừng cáng về. Chuẩn bị cho công đoạn lấy mật, nhóm thợ bắt đầu làm đuốc, họ chọn những loại cây khô là tre, nứa bằng chiếc đũa làm thành một bó dài, bên ngoài được phủ một lớp lá “cây vọ” (họ riềng). Mục đích của lớp lá cây này là để kiềm chế sự bén lửa của bó đuốc và tạo khói mù mịt, đồng thời, nhựa của loại cây này cũng có tác dụng xua ong ra khỏi tổ.
Chú Sinh, thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn sẽ thực hiện nhiệm vụ lấy mật. Sau khi được “tiền bối” căn dặn kỹ và trang bị dụng cụ bảo hộ, Sinh mang gùi, kéo đuốc, bám vào hai chiếc rễ cây lớn lên tổ ong. Phía dưới đất, chúng tôi cũng nhanh chóng đốt một ống quần bò tạo khói sặc sụa để xua ong. Khi chú Sinh tiếp cận tổ ong, đàn ong không chịu được mùi khói nên bay ra khỏi tổ, để lại phần tợng bám vào cây.
Tợng ong này có 3 phần, phần bám sát vào thân cây là mật, tiếp dưới là ké (phấn hoa, nhụy hoa đang ủ mật), phần ngoài cùng là con non. Theo các thợ săn, khi tiếp cận với tổ, nếu thấy đàn ong hung dữ quá, người thợ săn phải nhanh tay vơ lấy một nắm mật ong, vứt ra những tán cây xung quanh, lúc này đàn ong sẽ lao theo ăn mật trên các tán lá. Trong lúc Sinh đang xua đàn ong lấy mật, phía dưới, chúng tôi cũng được một phen chạy thục mạng, 3 trong số 4 người chúng tôi đã bị ong đốt.
Lúc chúng tôi đến chỗ an toàn thì Sinh cũng đã mang mật ong về tập kết. Trong chiếc bao bóng, Sinh đựng những tảng sáp có chứa mật ong, còn trên tay là tảng sáp ong làm ké và con non. Dù khá mệt, nhưng khuôn mặt chàng trai trẻ vẫn ánh lên niềm vui sướng về chiến lợi phẩm mình vừa lấy được. Theo sự chỉ dẫn của thợ cả, Sinh tỷ mẩn phân loại mật, ké, ong non, vứt bỏ những phần bị sâu và con non rồi vắt mật. Sau khi lóng mật cho vào chiếc can nhựa, được gần 5 lít mật ong rừng cho chuyến đi săn ấy. Lúc này, trời đã về chiều, cả nhóm ăn tạm mấy thứ đồ khô rồi tuột dốc ra về, kết thúc chuyến đi rừng thành công.
Mật ong rừng chính hiệu là một thực phẩm bổ dưỡng, là tinh túy của hoa rừng, nhưng không phải chuyến đi săn nào cũng có sản phẩm mang về, có khi đi hàng tuần, thợ săn vẫn phải về tay không. Để có được sản phẩm mang về là cả một sự vất vả, nhọc nhằn, băng rừng, vượt suối, nhiều người lấy mật ong đã bị ong đốt sưng vù mặt, phải cáng về.
Hiện tại, mỗi lít mật ong rừng nguyên chất có giá 500.000 đồng, nếu chuyến nào đi trúng tổ lớn, thợ săn có thể thu hoạch được 5 - 15 lít. Những người thợ săn mật ong cho biết, càng ngày tổ ong cũng hiếm dần, nên khi lấy mật lần đầu, họ sẽ để lại phần “trốc mít”, để đàn ong tiếp tục xây tổ, khoảng 15 - 20 ngày sau, họ sẽ trở lại lấy mật lần tiếp theo.
Trần Đức Thắng
.