Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201304/27773-ham-hiu-so-phan-ho-thuy-quai-391515/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201304/27773-ham-hiu-so-phan-ho-thuy-quai-391515/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Hẩm hiu số phận “hồ thủy quái” - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Hai, 22/04/2013, 07:51 [GMT+7]
27773

Hẩm hiu số phận “hồ thủy quái”

 Đầu tháng 4/2012, từ sự tình cờ, PV may mắn gặp được cụ Hoàng Nợ, gần 90 tuổi, ngụ thành phố Đà Lạt, cận vệ từng tháp tùng Vua Bảo Đại trong nhiều chuyến xuyên rừng săn cọp bắt voi ở khắp các cánh rừng tại Tây Nguyên.
 
Cụ Hoàng Nợ, cận vệ năm xưa của Vua Bảo Đại.
Từ cuộc trò chuyện về nhiều điều kỳ thú liên quan đến cựu hoàng Bảo Đại mà sử sách ít đề cập, bận ấy cụ Hoàng Nợ có nhắc đến những kỷ niệm cựu hoàng săn hổ ở rừng Mê Vạn, khu rừng nguyên sinh nằm gối đầu trên Lắk, hồ nước ngọt tự nhiên nằm trên núi cao được người đời ví là “hồ thủy quái” vì cá sấu khổng lồ nhung nhúc hiện diện ở khắp nơi!
 
Không cưỡng lại sức hấp dẫn của "hồ thủy quái" từng khiến thứ phi Mộng Điệp mỗi khi dạo chơi bằng canô cùng cựu hoàng Bảo Đại khi ấy đang làm quốc trưởng, dẫu có cận vệ luôn trong thế sẵn sàng xả thân cứu nguy nhưng luôn canh cánh mối lo bị sấu táp, có dịp đến Tây Nguyên, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội lần theo hành trình săn mãnh thú của ông vua cuối cùng triều Nguyễn, tìm đến “hồ thủy quái” để được dạm mặt… thủy quái!
 
1. Thời điểm mà cựu hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng cho Pháp diễn ra vào năm 1949, 4 năm sau khi ông thoái vị và 3 năm sau khi ông được cử sang Trung Quốc với một sứ mệnh ngoại giao (3/1946).
 
Năm 1949, do không chịu đựng được sự thử thách của hoàn cảnh nên cựu hoàng Bảo Đại chuyển sang cộng tác với Pháp, lãnh chức vụ Quốc trưởng Chính phủ Quốc gia. Thời gian này bà Mộng Điệp được Quốc trưởng Bảo Đại đón lên Đà Lạt. Một năm sau, khi người Pháp trả Tây Nguyên cho Chính phủ Quốc gia, sau khi lập Tây Nguyên thành thể chế đặc biệt Hoàng triều cương thổ (Bảo Đại ký Sắc luật thành lập ngày 15/4/1950), cựu hoàng Bảo Đại đã cử bà Mộng Điệp lên thủ phủ Tây Nguyên là Buôn Ma Thuột giúp ông giữ đất Tây Nguyên.
 
Cũng từ đây, có thể nói bà Mộng Điệp đã có quãng thời gian gần 3 năm sống trong hạnh phúc với ông vua không ngai cuối cùng của triều Nguyễn qua hàng trăm lần vào rừng săn mãnh thú, với khu vực hồ Lắk được xem là tâm điểm của các cuộc săn bắn!
 
Theo hồi ức của cụ Hoàng Nợ, thời gian bà Mộng Điệp được cựu hoàng Bảo Đại cử lên Buôn Mê Thuột, bên cạnh ngôi biệt điện được sửa sang lại từ dinh công sứ cũ ở trung tâm thành phố (nay là Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk), trước niềm đam mê săn bắn của cựu hoàng, để ông không phải vất vả đi đi về về chặng đường khoảng 50km đến rừng Mê Vạn săn thú nên bà Mộng Điệp đã hợp đồng với ông Tôn Thất Hối, một nhà thầu người hoàng tộc xây dựng ở hồ Lắk một ngôi biệt điện.
 
Cụ Hoàng Nợ kể rằng, cựu hoàng Bảo Đại mê rừng đến khủng khiếp, và không phải lúc nào cựu hoàng vào rừng cũng chỉ để đi săn. Điều này được một ký giả người Pháp ghi rõ trong cuốn “Bảo Đại hay những tháng ngày cuối cùng của Vương quốc An Nam” (Nxb JC Lattès-1997): "Nhiều hôm đêm đã về khuya cựu hoàng xách súng lên xe Jeep vào rừng săn cọp. Chỉ có hầu cận đi theo, hiếm hoi mới có một bạn gái đi cùng. Ông là tay săn tầm cỡ. Trong dinh thự của ông, nền nhà phủ da thú làm thảm. Đôi khi ông vào rừng chỉ để thả bộ và suy tưởng, một mình thưởng thức sự thanh vắng trong rừng khuya".
 
Về chuyện Vua Bảo Đại là tay súng cừ khôi hàng trăm lần hạ gục mãnh hổ, Chuyên đề ANTG đã từng đề cập chi tiết trong các số báo ra giữa tháng 6/2012. Nhưng chuyện cựu hoàng Bảo Đại cùng bà Mộng Điệp cưỡi canô dạo chơi trên hồ Lắk trong nỗi lo sợ, khiếp đảm của người đẹp đất Hà thành sợ sấu ăn thịt thì không phải ai cũng tỏ tường. Theo hồi ức của cụ Hoàng Nợ, hồ Lắk ngày ấy rất hoang sơ, bao quanh hồ là rừng nguyên sinh ngút ngàn, thú dữ như cọp, beo, voi… nhiều vô kể. Và ở dưới lòng hồ, đâu đâu cũng gặp cá sấu. Chúng như những thân cây mục nổi lập lờ trên mặt nước hay ém mình vào lùm lau sậy rậm rạp…
 
Bà Mộng Điệp rất sợ nhưng cũng rất phấn khích khi theo cựu hoàng du ngoạn trên "hồ thủy quái". Mỗi lần du hồ, cựu hoàng đi trên chiếc canô bằng cao su có lắp động cơ nhỏ. Những lúc như thế bà Mộng Điệp hay ú tim lo sợ bị cá sấu đớp thủng canô, làm cho nó bị xì hơi là coi như tử mạng. Thấy bà sợ, cựu hoàng Bảo Đại thường trấn an bà rằng như thú ở rừng nghe tiếng súng nổ là bỏ chạy tán loạn, với sấu cũng vậy, ở dưới nước, nghe tiếng động cơ ù ù phát ra là nó lặn sâu, tránh xa, nên chẳng việc gì phải sợ!
 
Tôi hỏi cụ Hoàng Nợ rằng cụ đã từng tháp tùng cựu hoàng Bảo Đại săn cá sấu ở hồ Lắk bao giờ chưa, cụ trả lời: "Ồ, ông chỉ mê săn thú trên bờ thôi, chứ ở dưới nước, ông cho đó là nơi ngoài tầm quan sát, khó chủ động, vả lại sấu là loài rất tinh ranh nên ông không dám mạo hiểm!".
 
Du khách cưỡi voi dạo hồ Lắk dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân đánh bắt cá ở lòng hồ bằng phương pháp xuyệt điện hủy diệt
 
2. Hồ Lắk - khu vực lưu dấu chân Vua Bảo Đại cùng thứ phi Mộng Điệp ngày nào nay thuộc địa phận huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk. Các thông số của tỉnh Đắk Lắk cho biết hồ được bao quanh bởi những dãy núi lớn hùng vĩ và những cánh rừng nguyên sinh ngút ngàn, lại có cửa nối liền ra sông Krông Anna, một nhánh rẽ của sông Sê-rê-pôk hùng vĩ.
 
Theo ngôn ngữ bản địa, Lắk có nghĩa là "hồ". Tỉnh Đắk (nước) Lắk nói riêng, Tây Nguyên nói chung có rất nhiều hồ nước như hồ Ialy (tỉnh Gia Lai), hồ Xuân Hương (tỉnh Lâm Đồng), hồ Ama tao (tỉnh Đắk Nông)… nhưng chỉ hồ Lắk được đánh giá là hồ tự nhiên trên núi lớn nhất Việt Nam. Nằm trong thung lũng Krông Nô, hồ Lắk có thể mở rộng đến 750ha vào mùa mưa (mùa khô 500ha).
 
Từ năm 1995, Chính phủ đã quy hoạch hồ Lắk và vùng rừng xung quanh hồ thành Khu rừng lịch sử văn hóa và môi trường với tổng diện tích 12.299 ha. Qua khảo sát của các chuyên gia sinh học lúc bấy giờ thì khu rừng này có đến 548 loài thực vật thuộc 118 họ, 61 loài thú, 132 loài chim, 43 loài lưỡng cư - bò sát, 43 loài cá, tôm, cua, ốc….
 
Để hàm thụ được những tinh túy của “hồ thủy quái” năm nào, khi đến Lắk, chúng tôi đã đi sâu vào các buôn làng của người M'nông Rlăm, sống quanh hồ như buôn Jun, buôn M'liêng và được nhiều người già khoản đãi những chuyện kỳ thú thuở hồng hoang. Trong trí nhớ của mình, già làng Ama Nhăm, 67 tuổi, mô tả thuở còn nhỏ đã thấy bao quanh hồ Lắk là rừng rậm ngút ngàn, cây đại thụ hằng mấy người ôm trải dài tít tắp, muông thú nhiều vô kể với tầng tầng lớp lớp. Trên cao nào là đại bàng, chim ưng, hồng hoàng bay kín trời. Thấp hơn là khỉ, voọc các loại, thấp hơn nữa thì là cọp, beo, heo rừng, trăn, rắn…
 
"Vào những đêm trăng sáng, rất dễ thấy thú rừng ra mép hồ uống nước nhiều lắm. Thú nhỏ rình thú lớn, thợ săn thì săn thú bằng cách phóng lao, bắn ná có tên tẩm thuốc độc, muốn săn con gì là có con nấy" - già Nhăm hào hứng.
 
Tôi hỏi già Nhăm và một số người già khác ở buôn M'liêng và buôn Jun chuyện về những tháng ngày Vua Bảo Đại cùng thứ phi Mộng Điệp bám khu vực rừng Mê Vạn nói chung, hồ Lắk nói riêng săn thú ngắm "thủy quái", hầu như chẳng ai biết gì. Những người già chỉ biết rằng ngày trước, dưới lòng hồ Lắk sấu nhiều vô kể. Đã vậy, sấu dữ, sấu to khỏe mặc sức vật bò bắt trâu, có khi còn quần nhau với mãnh hổ khi chúa sơn lâm ra bờ hồ uống nước".
 
Các già làng kể rằng do sấu bản tính hoang dã, tinh quái, cọp còn chẳng sợ nên chẳng ai dám mạo hiểm tắm lội mặc sức như bây giờ. Ngay cả voi cũng chẳng dám lội hồ bởi sợ cặp hàm sắc bén như dao cạo của loài cá nước ngọt khỏe mạnh, hung dữ như mãnh hổ chốn rừng xanh. Và cũng nhờ có nhiều sấu dữ như vậy, chẳng ai dám quấy quá, săn bắt bừa bãi nên hồ Lắk một thuở tôm cá nhiều vô kể.
 
Nhà cửa, hàng quán lố nhố lấn chiếm lòng hồ
 
3. Sấu ở "hồ thủy quái" là loài cá sấu Xiêm. Theo Sách đỏ Việt Nam, cá sấu Xiêm có chiều dài cơ thể đến 4m, thường sống ở những sông hồ lớn, đầm lầy nước ngọt, nơi nước lặng hoặc chảy chậm. Cá sấu Xiêm giao phối khoảng tháng 12 năm trước đến tháng 3 năm sau, đẻ trứng mỗi năm 1 lần vào đầu mùa mưa từ tháng 4 - 10 dương lịch, mỗi lần đẻ từ 15 - 26 trứng, có khi tới 40 trứng, sau khi đẻ 75 - 85 ngày thì trứng nở. Cá sấu sơ sinh dài khoảng 20-30 cm. Sách đỏ Việt Nam ghi từng thấy cá sấu Xiêm ở sông Sa Thầy (Kontum), sông Ba (Gia Lai), sông Ea Súp, sông Krông Ana, hồ Krông Pách Thượng, hồ Lắk (Đắk Lắk)…
 
Chiều ở hồ Lắk gió thổi lồng lộng. Hai ngày ở Lắk, 2 ngày hết cưỡi voi rồi cưỡi thuyền độc mộc ở cái "hồ thủy quái" ngày nào, bên cạnh những hình ảnh của một thời quá vãng rừng nhiều thú - hồ lắm cá và “thủy quái” như lá rừng, chạnh lòng khi được nghe những cư dân bản địa thổ lộ những tâm sự buồn trước thực trạng hồ Lắk ngày càng bị xâm hại, tàn phá thê thảm với nạn ô nhiễm, nạn phá rừng, nạn đánh bắt thủy hải sản bằng các biện pháp diệt chủng… ngày một leo thang.
 
Anh Vũ Minh - hướng dẫn viên Công ty lữ hành Tây Nguyên Xanh có trụ sở ở TP HCM khi đưa khách đến Lắk tham quan, cho biết qua những tư liệu xưa, rất nhiều khách háo hức muốn đến "hồ thủy quái" nơi từng lưu dấu bước chân quân vương và thưởng thức những sản vật nơi đây một lần cho biết nhưng hỡi ơi, dẫu dân dắt tour như anh cố gắng thiết kế hành trình sao cho thật ấn tượng nhưng khi về du khách ai nấy đều chán chường bởi “hồ thủy quái” nay chẳng có con “thủy quái” nào: "Và rất nhiều người tỏ ra thất vọng khi nghe tôi thú thật rằng cá thác lác từng là đặc sản ở hồ nước ngọt lớn nhất Việt Nam này nhưng do hồ ô nhiễm, do nạn đánh bắt tận diệt nên chúng nay gần như tuyệt chủng. Chả cá thác lác mà du khách ăn là cá nhập đến từ nơi khác!".
 
Mặt hồ Lắk bị băm nát bởi đăng, đó mà người dân cắm bắt cá dày đặc. Lắm đoạn người dân đổ đất lấn chiếm xây nhà lập vườn sinh hoạt chen chúc, xô bồ làm mất đi vẻ thơ mộng vốn có của hồ. Trước đây quanh hồ Lắk có đến gần 14.000ha nhưng nay chỉ còn khoảng 10.000ha nhưng chất lượng rừng kém và con số này ngày càng có dấu hiệu bị sụt thê thảm…, đó là một phần những gì mà một số cơ quan truyền thông đang gào thét cho "hồ thủy quái" ở Tây Nguyên.
 
Giữa màn mây xám ấy, câu chuyện về loài cá sấu Xiêm vì thịt ngon, da có giá trị trong việc sản xuất hàng xa xỉ phẩm có giá trị thương mại cao như ví, thắt lưng đã bị người ta truy sát để rồi số lượng ngoài tự nhiên giảm tới mức cạn kiệt, trên 90%, khiến những ai quan tâm đến câu chuyện "báu vật sống" ở "hồ thủy quái" trĩu lòng, nhất là khi hay tin chúng biến mất gần như hoàn toàn ở những nơi người ta từng ghi nhận sự hiện diện đông đúc của họ nhà chúng như Bầu Sấu ở Vườn Quốc gia Cát Tiên (Lâm Đồng), hồ Ea Lâm ở huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên… và hồ Lắk!
 
Nếu được sống, được trở lại thăm vùng đất thần tiên với muông thú nhiều vô kể, “thủy quái” nhiều vô kể từng lưu dấu bước chân mình để rồi chứng kiến những đổi thay đáng sợ này, chợt nghĩ chắc Vua Bảo Đại và thứ phi Mộng Điệp hẳn là sẽ buồn lắm!

ANTG
.