Cùng với vụ sát hại vợ chồng nữ nghệ sĩ Thanh Nga ở Tp HCM năm 1978, vụ sát hại nữ sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Nguyễn Thị Bích Thuận ở Hà Nội năm 1977 hiện vẫn được xem là một trong hai vụ án gây chấn động dư luận mạnh nhất ở Việt Nam những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ trước. Nếu như vụ sát hại vợ chồng nghệ sĩ Thanh Nga thường được gọi tắt (một cách rất không chính xác) là "vụ án Thanh Nga" (có lẽ bởi tên của nạn nhân quá ư nổi tiếng) thì vụ sát hại nữ sinh viên Nguyễn Thị Bích Thuận lại được gọi tắt là "vụ án Phạm Đăng Hùng". Điều này cho thấy thủ phạm là một tên sát nhân khét tiếng tàn bạo. Và người được giao sứ mệnh trực tiếp chỉ huy công tác điều tra, khám phá vụ án rùng rợn ấy, lạ thay lại là một sĩ quan công an có vóc dáng nhỏ nhắn, phong thái nho nhã, điềm đạm. Ông là Đại tá Trần Đình Thục, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an Tp Hà Nội.
Đại tá Trần Đình Thục năm nay đã ở tuổi bát tuần (ông sinh năm 1929). Khi được giao trực tiếp chỉ huy điều tra vụ án Phạm Đăng Hùng, Đại tá Thục giữ cương vị Phó trưởng phòng Cảnh sát Hình sự - Công an TP Hà Nội.
Theo như Đại tá Thục tâm sự, trong suốt cuộc đời làm "lính hình sự", ông tham gia phá khoảng 10 vụ dẫn tới án tử hình, song không có vụ nào nghiệm thấy là oan, là sai cả. Trong đó, vụ ám ảnh nhất, đáng nhớ nhất đối với ông chính là vụ án Phạm Đăng Hùng.
Những ai sống ở Hà Nội những năm tháng ấy hẳn đều không thể quên được vụ án này. Bấy giờ, mặc dù đời sống kinh tế của chúng ta còn muôn vàn khó khăn, song về an ninh trật tự, công bằng mà nói rất hiếm vụ án nào lại diễn ra một cách táo bạo và tàn bạo đến vậy: Tại ngay một địa bàn được xem là khu quan chức, và hung thủ phạm liền một lúc ba trọng tội: Giết người, cướp của, hiếp dâm. Đặc biệt, ở thời điểm ấy, vụ án Phạm Đăng Hùng càng trở nên đáng chú ý bởi hành vi của hung thủ không chỉ rất tàn ác mà còn cực kỳ bệnh hoạn: Sau khi đâm nạn nhân tới 49 nhát, trong lúc nạn nhân hấp hối thì hung thủ quay sang thực hiện hành vi hiếp dâm.
Có thể nói, vụ án Phạm Đăng Hùng, ngoài tính chất dã man của nó, còn là một vụ án rất giàu kịch tính. Tự thân nó cũng có những tình tiết buộc dư luận phải chú ý, quan tâm hơn nhiều vụ án khác.
Trước nhất, nạn nhân là một cô gái trẻ có học vấn và rất xinh đẹp (bức ảnh khám nghiệm hiện trường cho thấy, mặc dù gương mặt nạn nhân có chỗ bị biến dạng bởi vết đập của bàn là, song vẫn toát lên nét đẹp thanh tú). Nạn nhân lại thuộc diện "lá ngọc cành vàng" (cha đẻ của nạn nhân - bấy giờ cụ đã mất - từng là Tổng lãnh sự Việt Nam ở Ấn Độ). Khu nhà xảy ra vụ án mạng (số 7 phố Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng) lại gần với khu nhà của một đồng chí Phó thủ tướng. Hung thủ ngay sau khi gây ra vụ án nghiêm trọng đã lại tiếp tục gây án tại một địa chỉ khác và bị tạm giam tại Hỏa Lò, khiến cho việc điều tra căn cứ vào hồ sơ của các đối tượng ở "bên ngoài" của lực lượng Công an gặp nhiều khó khăn…Tất cả những tình tiết ấy đã khiến vụ án Phạm Đăng Hùng càng trở nên có sức thu hút dư luận.
Đồng chí Trần Đình Thục (giữa) cùng cán bộ ban chuyên án vụ án T7 (vụ án Phạm Đăng Hùng) phục dựng mẫu tang vật phục vụ cho công tác truy xét hung thủ. |
Đại tá Trần Đình Thục nhận xét: Trong những vụ án mà ông chỉ huy bóc gỡ, không có tên tội phạm nào thuộc diện "máu lạnh" và "bất trị" như Phạm Đăng Hùng. Ở tuổi 26, trước khi ra tay giết hại sinh viên Nguyễn Thị Bích Thuận, Hùng đã mang trên mình nhiều tiền án tiền sự. Năm 14 tuổi, khi đang cùng gia đình sơ tán ở Hưng Yên, trong một lần va chạm với một người trong làng, hắn đã thẳng tay châm lửa đốt nhà người này. Năm 23 tuổi, trong quá trình thụ lý án tù vì tội ăn trộm, nhân lúc ra ngoài lao động, hắn đã cưỡng hiếp vợ một bạn tù khi chị này đến tiếp tế cho chồng. Vụ việc đã khiến hắn phải tiếp tục "bóc lịch" thêm mấy năm nữa. Ra tù, nhờ chính sách nhân đạo của Nhà nước, Hùng được nhận vào làm thợ nề tại một xí nghiệp xây dựng. Từ đó tới khi gây án tại nhà số 7 phố Phạm Đình Hổ, Hùng còn gây thêm ba vụ án nữa.
Từ khi vụ án ở nhà số 7 phố Phạm Đình Hổ được phát hiện (vào chiều ngày 18/11/1977) cho tới khi xác định được hung thủ, quá trình phá án diễn ra đúng 49 ngày đêm. "Nói 49 ngày đêm là không sai một chữ nào" - Đại tá Thục tâm sự - "Anh em trong ban chuyên án đã làm việc đúng 49 ngày và đêm. Có một tình tiết mà tôi nhớ mãi: Thấy anh em thức đêm nhiều quá, anh Nguyễn Văn Luân, Giám đốc Công an Hà Nội lúc bấy giờ đã chỉ thị bệnh xá cho thuốc; hậu cần cho thêm mỗi trinh sát một suất gạo để có sức mà làm. Bản thân anh Luân cũng có đêm thức trắng. Có sớm tôi đến báo cáo tiến độ vụ án, thấy trên mắt anh còn đọng cả cục nhử".
Theo Đại tá Trần Đình Thục, đáng ra vụ án có thể được kết thúc sớm hơn nếu như không xảy ra mấy tình huống sau đây:
Thứ nhất, do khi thu thập chứng cứ, thấy một số vật dụng có giá trị thời bấy giờ như quạt tai voi, bàn là, áo bu dông Đức vẫn còn tại hiện trường, lại căn cứ vào thông tin do mẹ đẻ nạn nhân cung cấp, rằng ngoài mấy bộ quần áo vặt, những đồ đạc quý hầu như không mất gì, từ đó một số cán bộ có trách nhiệm ở Bộ đã đi đến phán đoán: Nhiều khả năng hung thủ là người thân quen với nạn nhân. Hắn thực hiện việc cưỡng hiếp là chính. Việc lấy đồ đạc chỉ để ngụy trang. Từ phán đoán này, các cán bộ, chiến sĩ công an đã phải mất rất nhiều công sức để điều tra tất cả các đối tượng ít nhiều có mối quan hệ với nạn nhân, trong đó không loại trừ cả thầy giáo hướng dẫn cô làm luận văn, cả hai anh trai cùng cha khác mẹ của cô; thậm chí là cả ông bố dượng của cô.
Thứ hai, trong quá trình kiểm tra hồ sơ của các đối tượng nghi vấn, vì Phạm Đăng Hùng trước đấy móc nối được với Tổ trưởng tổ thợ nề theo kiểu "Tao đi đâu thì đi. Hàng ngày mày vẫn chấm công cho tao. Lương tao mày lĩnh", thành thử đúng hôm Hùng gây án, trong sổ chấm công, Hùng vẫn được đánh dấu cộng. Vậy là Hùng được "loại" ra khỏi diện nghi vấn. Cho đến khi Hùng tiếp tục gây án (một vụ trộm diễn ra sau đó ít ngày) tại phố Hoàng Hoa Thám và bị bắt tại trận thì hắn gần như không còn là đối tượng để các cán bộ chiến sĩ trong ban chuyên án "để mắt" tới nữa.
Trong lúc vụ việc tưởng chừng rơi vào bế tắc thì Đại tá Trần Đình Thục cho chuyển hướng điều tra theo điều mà ông phán đoán bấy nay. Ông cho anh em xuống nhà mẹ đẻ của nạn nhân hỏi lại xem bà có nhớ con gái mình còn mất thứ đồ nào đặc biệt nữa không. Bà mẹ chợt nhớ ra con gái mình có mất chiếc áo len màu nõn chuối, trên có đính những chiếc khuy cẩm thạch của Ấn Độ, là thứ khuy hiếm gặp ở Việt Nam ngày ấy. Bà nói, trong ngăn kéo tủ vẫn còn mấy chiếc khuy "dự phòng".
Biết chuyện, Đại tá Thục mừng lắm. Ông cho họa sĩ tới vẽ lại hình dáng chiếc khuy đặc biệt rồi sao làm nhiều bản, mang đi phổ biến ở công an các quận, huyện. Ông đặc biệt lưu ý anh em công an quận Hoàn Kiếm, địa bàn có hai đầu mối buôn bán quần áo là chợ Bắc Qua và phố Tạ Hiện. Phổ biến hôm trước thì hôm sau, ngày 5-1-1978, một trinh sát của Đồn Công an số 10 (nay là Công an phường Cửa Nam) báo về ban chuyên án là đã phát hiện ra một người đàn bà phe tem phiếu (thời ấy việc này bị cấm) mặc một chiếc áo có đính những chiếc khuy lạ. Hiện người đàn bà đang được giữ tại đồn. Đại tá Thục vội đạp xe xuống đồn Công an số 10. Nhìn khuy áo, thấy giống y chang chiếc khuy áo mà bà mẹ nạn nhân cho xem hôm nào, ông mừng lắm. Vậy là, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cuối cùng ông cũng làm sáng tỏ được vụ việc. Người đàn bà cho biết: Chiếc áo trên là do chị Bình - con gái bà - tặng cho bà. Còn về xuất xứ của chiếc áo có bộ khuy đắt tiền ấy thì đó là do Phạm Đăng Hùng - người yêu của Bình tặng cho Bình. Cũng theo thông tin mà chị Bình cung cấp thì hiện tại Hùng đang bị tạm giam tại Hỏa Lò trong một vụ án khác.
Triệt để tranh thủ thời gian, mục đích không để hung thủ có thời gian đối phó, ngay tối hôm đó, Đại tá Thục dẫn đầu một tổ ba người vào Hỏa Lò hỏi cung đối tượng. Thoạt đầu, Hùng còn tính bài chối quanh nhưng ngay sau đó, trước những chứng cứ "đanh thép" mà cán bộ điều tra thu được từ nhà người yêu của Hùng, Hùng đã khai nhận toàn bộ tội lỗi của mình.
Vụ án được TAND Tp Hà Nội đưa ra xét xử lưu động sau đó chưa đầy một tháng, với mức án cao nhất dành cho kẻ thủ ác.
Sau khi chuyên án kết thúc, Ban chuyên án do Đại tá Trần Đình Thục làm trưởng ban đã vinh dự được nhận quà tặng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Đó là một chiếc đồng hồ đeo tay.
Đại tá Trần Đình Thục là mẫu người Tây học. Không chỉ nổi tiếng trong nghiệp vụ điều tra, ông còn nổi tiếng là người kỹ càng về câu chữ trong việc soạn thảo văn bản. Đại tá Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Tp Hà Nội, người từng có thời nối tiếp cương vị Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự của Đại tá Trần Đình Thục đã có lần thổ lộ với ông: "Cháu xem lại công văn giấy tờ, thấy các công văn giấy tờ bác làm rất cẩn thận, chu đáo".
Đại tá Trần Đình Thục sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Anh cả ông là liệt sĩ thời chống Pháp. Em trai út là liệt sĩ thời chống Mỹ. Ông Thục tham gia Công an từ năm 1948. Gần 50 năm công tác trong Lực lượng Công an, Đại tá Trần Đình Thục từng kinh qua nhiều "ngón nghề": Đầu tiên là cán bộ văn phòng, tiếp đến là trinh sát điều tra, trinh sát an ninh, trinh sát hình sự. Sau một thời gian giữ cương vị Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, ông được điều sang làm Phó Ban Chỉ huy Cảnh sát Thành phố kiêm Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế. Ông được "trưng dụng" tới năm 1994 mới nghỉ hưu.
Nối tiếp truyền thống cha anh, trong gia đình Đại tá Trần Đình Thục còn có một số cán bộ cùng công tác trong Lực lượng Công an. Ngoài Thượng tá Trần Đức, nguyên Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô, là em trai ông, Đại tá Trần Đình Thục còn có con trai, con gái (và cả con rể) công tác trong Lực lượng Công an, trong đó có người hiện mang quân hàm cấp tướng.