Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201303/27094-nguoi-chat-chiu-nhua-song-cho-doi-391966/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201303/27094-nguoi-chat-chiu-nhua-song-cho-doi-391966/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Người chắt chiu nhựa sống cho đời - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Tư, 27/03/2013, 08:05 [GMT+7]
27094

Người chắt chiu nhựa sống cho đời

Cuộc đời đầy nước mắt
 
Đêm 16 tháng Giêng, trăng sáng vằng vặc. Mọi người đến tham dự lễ tôn vinh “Sự hy sinh thầm lặng” của các y, bác sỹ đã đến chật khán phòng Nhà hát Lớn Hà Nội. Là người được tôn vinh đêm ấy, bác sỹ, Đại úy Nguyễn Quang Ánh (hiện đang công tác tại trạm xá Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an) đã đến rất sớm và ngồi bình lặng ở hàng ghế sát cánh gà.
 
Trước khi đến đây, tôi đã gặp và nói lời chúc chân thành của tôi tới anh nhân ngày thầy thuốc Việt Nam. Anh đón nhận lời chúc của tôi với nụ cười hiền và giọng nói ấm, điềm đạm: “Những lời chúc như vậy thật ấm lòng biết bao”. Trong khán phòng của Nhà hát Lớn, màu áo chiến sỹ Công an của Đại úy Nguyễn Quang Ánh thật nổi bật. Anh ít cười, đôi mắt lúc nào cũng đượm buồn, như chất chứa bao điều muốn nói.
 
Bác sỹ Nguyễn Quang Ánh năm nay 41 tuổi, nhưng anh đã chiến đấu với căn bệnh HIV 10 năm nay. Quê gốc của anh ở Chúc Sơn, Chương Mỹ, Hà Nội. Hiện tứ đại đồng đường nhà anh vẫn đang ở đó, chỉ mình anh xa nhà, lập nghiệp ở mảnh đất phương Nam xa xôi. Sự rời xa này cũng như là cơ duyên, là số phận của anh, anh bảo vậy. Bố anh là một Đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Có lẽ thừa hưởng “chất lính” từ người cha của mình nên từ khi biết nhận thức và rồi trưởng thành thì anh đã yêu màu áo lính.
 
Đại úy, bác sỹ Nguyễn Quang Ánh
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ Công an, Ánh nhận nhiệm vụ vào công tác trong tỉnh Bình Thuận. Thời gian này, anh thi đậu Trường Cao đẳng Y tế Bình Thuận, sau đó học tiếp Trường Cảnh sát nhân dân và rồi về công tác tại Trạm xá thuộc Trại giam Thủ Đức, Bộ Công an. Anh tâm sự, thời thanh niên sôi nổi, không bao giờ ngại khó, ngại khổ, tổ chức điều đi đâu là những lính trẻ như anh sẵn sàng lên đường. Anh chẳng ngờ rằng, lần ra đi đó đã mang lại cho anh quê hương thứ hai, đó là mảnh đất phương Nam đầy nắng gió, nơi anh sẽ gắn bó suốt quãng đời còn lại của mình.
 
Bác sỹ, Đại úy Nguyễn Quang Ánh là người trầm tính, kiệm lời, không biết có phải vì trong anh lúc nào cũng có một nỗi buồn trầm uất khó sẻ chia hay bản tính anh vốn vậy. Trong suốt buổi nói chuyện với tôi đêm trăng tròn 16 hôm ấy, tôi thấy trong đôi mắt anh lúc nào cũng ngân ngấn nước.
 
Biến cố lớn trong đời anh xảy ra cách đây đã gần chục năm, nhưng với anh, dường như mọi thứ mới vừa hôm qua thôi, nó khiến tim anh lúc nào cũng đau nhói. Ấy là ngày vợ anh chuyển dạ sinh cô con gái đầu lòng (năm 2004), và cũng là ngày vợ chồng anh nhận được tin dữ: Cả hai bị HIV. Anh không còn nhớ cảm giác của anh lúc ấy thế nào, nhưng anh vẫn nhớ như in sự hoảng loạn, tuyệt vọng và đau đớn của vợ mình khi ấy.
 
Chị là giáo viên, một cô giáo chân chất, hiền lành quanh năm gắn bó với bầy trẻ thơ ở vùng quê nghèo. Chị đang yên phận và hạnh phúc bên người chồng được coi là hoàn hảo với nghề nghiệp đáng ngưỡng mộ và tính tình điềm đạm, nhân hậu thì bỗng dưng tai ương đổ ụp xuống. Ánh nói mà như khóc: “Khi đó cô ấy vừa sinh em bé xong, nghe tin sốc như vậy nên bị hoảng loạn, trầm cảm, và rồi cô ấy không thoát ra được tâm lý bị đè nặng nên đã quyết định rời xa cõi đời này”. Nói đến đây giọng anh nghẹn lại, anh thở dài rồi nhìn vào khoảng không mờ tối phía trước, đôi mắt đỏ hoe.
 
26 ngày tuổi cô con gái bé bỏng của anh mất mẹ. Cháu chưa kịp được bú mẹ, chưa kịp được mẹ ôm vào lòng, bố cũng chỉ được đứng từ xa nhìn con mà không thể lại gần ôm con, xoa dịu cơn khóc xé ruột vì khát sữa của bé. Bé được các bác sỹ giữ lại Trung tâm chăm sóc trẻ Tam Bình – Thủ Đức trong gần 1 tháng để kiểm tra sức khỏe.
 
Ánh bảo rằng, thời gian đó đối với anh trôi qua nặng nề, đau đớn, cảm tưởng có lúc thời gian như đông cứng và dừng lại. Cùng lúc xô tới bao nỗi đau: Mang trong mình căn bệnh thế kỷ, vợ quá sốc rồi quyên sinh khi chưa kịp nghe anh giải thích một lời, đứa con đỏ hỏn khóc ngặt trong phòng cách ly mà chưa biết nó có được khỏe mạnh, an toàn hay không? Ánh bảo, đến giờ anh cũng không biết tại sao anh lại vượt qua được những tháng ngày khủng khiếp đó.
 
Chắt chiu nhựa sống cho đời
 
Có một điều mà những người đồng đội của Đại úy, bác sỹ Nguyễn Quang Ánh ghi nhận ở anh, đó là nghị lực vươn lên, sự vững vàng, tinh thần lạc quan không bao giờ oán thán cuộc đời và chưa bao giờ dựa vào bệnh tật để đòi hỏi quyền lợi ưu tiên hay nhận sự chăm sóc, bồi dưỡng theo luật định.
 
Anh Ánh chia sẻ, anh bị nhiễm bệnh từ 10 năm nay, cách đây 6 năm, anh bắt đầu uống thuốc điều trị ARV. Hiện giờ, chỉ số CD4 (hệ thống miễn dịch) của anh lúc nào cũng trên 600, đó là chỉ số cao và ổn định như bao người khỏe mạnh khác. Để có sức khỏe và thể lực như vậy, hằng ngày ngoài việc tuân thủ uống thuốc theo giờ, bác sỹ Ánh rất siêng chơi thể thao và có chế độ ăn uống, ngủ nghỉ rất điều độ, khoa học.
 
Môi trường Trại giam nơi Đại úy Ánh đang làm việc được anh ví như một xã hội thu nhỏ, ở xã hội đó tập trung nhiều tội phạm manh động, phạm tội nguy hiểm. Càng ngày phạm nhân ở trại càng gia tăng, mức độ ngày càng tinh vi, xảo quyệt hơn. Hàng ngàn phạm nhân đang thụ án, cải tạo trong trại, nhưng cả trại chỉ có 20 cán bộ y tế.
 
Người lính mang hai màu áo như Đại úy Ánh hằng ngày ngoài việc khám chữa bệnh, cấp phát thuốc cho các bệnh nhân thì anh cũng phải trực như bao cán bộ chiến sỹ khác. Không chỉ chăm lo cho sức khỏe người bệnh, anh Ánh còn kiêm cả việc nắm bắt tư tưởng, tâm sinh lý của các phạm nhân trong trại để kịp thời động viên, giáo dục, giúp họ cải tạo tốt, sớm hoàn lương trở về hòa nhập cộng đồng.
 
Trong cuốn nhật ký anh viết gửi cho cô con gái bé bỏng, anh chép nắn nót hai câu thơ đầy ý nghĩa: “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy. Ta vẫn còn ngày nữa để yêu thương”. Anh giành giật sự sống hằng ngày với thời khóa biểu làm việc khoa học, rèn luyện thể lực đều đặn, giữ cho tinh thần luôn thoải mái để tiếp tục đi cứu chữa cho bao phạm nhân bệnh tật khác. Với anh, hạnh phúc và niềm hy vọng của anh bây giờ là nhìn thấy cô con gái đang lớn lên từng ngày, và từng ngày anh vẫn đều đặn được làm công việc mình đam mê, đó là cứu người.
 
Đã 10 năm mang bệnh trong người, nhưng bạn bè, đồng nghiệp của Đại úy Ánh chưa bao giờ thấy anh oán thán, trách hận số phận. Anh viết nhật ký cho con gái rằng: “Cứu một đám cháy, cần có người lao vào lửa, và để đẩy lùi một hiểm họa cũng cần phải có người như bố. Phải hy sinh vì nhiệm vụ, bố không có gì ân hận, bố chỉ thương mẹ đã vội vã ra đi mà chưa kịp nghe bố giãi bày nguyên nhân tai nạn”…
 
Cái tai nạn khiến anh mang bệnh đó là ngày Trại anh tiếp nhận phạm nhân Bùi Văn Phú – một đối tượng cộm cán ngoài xã hội bị nhiễm HIV, khi vào trại có thái độ chống đối, không chịu hợp tác, tự cào cấu cơ thể trầy xước loang lổ. Khi anh Ánh vào cấp cứu, xử lý vết thương cho phạm nhân này, anh đã bị anh ta hất cả chậu nước đá có dính máu vào người.
 
Mang bệnh vì rủi ro khi tác nghiệp, nhưng anh chưa từng một lần oán trách người đã lây bệnh cho mình, dù trong suy nghĩ. Điều khiến anh thấy ân hận, đau lòng chính là vì sự chủ quan của mình mà anh đã đẩy gia đình vào bi kịch, bị mất vợ, con phải xa mẹ, gia đình ly tán. Đối với anh, nỗi đau chưa bao giờ có điểm tận cùng. Nhưng người chiến sỹ, bác sỹ ấy chưa bao giờ cho phép mình ngồi gặm nhấm nỗi đau, và cũng chưa bao giờ anh cho phép mình buông xuôi, tuyệt vọng.
 
Anh bảo, phía trước anh còn quá nhiều việc để làm, thời gian để ngồi buồn đau thì anh đứng dậy đi tập luyện, gọi điện trò chuyện với cô con gái và chăm sóc bệnh nhân. Anh chỉ mong mình giữ vững được thể lực như bây giờ, có sức khỏe để hoàn thành những ước mơ, hoài bão anh đang vun đắp từng ngày.
 
Hạnh phúc vẫn đơm hoa
 
Động lực, niềm vui sống của anh giờ là cô con gái bé nhỏ. Cô bé hiện đang học lớp 3 và có tuổi thơ yên bình bên ông bà nội và những người họ hàng thân yêu. Đại úy Ánh bảo rằng, dù rất thương con, nhớ con, nhưng để con có một tuổi thơ đầm ấm, trọn vẹn yêu thương, anh quyết định gửi con ra Bắc, nhờ ông bà nội chăm sóc, dạy dỗ con.
 
Anh thương con thiệt thòi vì không có mẹ, lại phải sống xa bố từ nhỏ, giờ con còn bé chưa hiểu hết được những gì đã và đang diễn ra. Vậy nên hằng ngày anh đều viết nhật ký cho con, để sau này khi con lớn, khi đọc lại những lời tâm sự và trải nghiệm của anh, anh tin con sẽ hiểu về công việc của bố và vững vàng bước đi trong cuộc đời đầy giông gió này.
 
Anh Ánh tâm sự, vì hoàn cảnh công việc và điều kiện xa xôi nên anh không thể về thăm con thường xuyên được. Thế nên mỗi lần được về phép thăm nhà, thăm con là anh lại thấy hồi hộp, xúc động khôn tả. Về được bế con trên tay, được tắm cho con, được nghe con bi bô nói cười, anh thấy chẳng gì hạnh phúc hơn. Càng gần con anh lại càng không muốn xa con, thế nên ngày anh phải xách va li quay lại đơn vị cũng là ngày khiến tim anh nhói đau. Lúc nào anh cũng sợ đó là lần cuối cùng được gặp con, thế nên lúc nào anh cũng ôm con thật chặt, rồi anh vội vã bước đi mà chẳng dám ngoái đầu nhìn lại…
 
Được cái con gái anh rất ngoan ngoãn, khỏe mạnh và bé già dặn hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác. Từ khi con bước vào tiểu học, hầu như sáng nào bố con anh cũng gọi điện trao đổi thông tin với nhau. Chiều khi đi học về hai bố con lại gọi điện thông báo xem tình hình công việc, học tập ngày hôm đó của mỗi người ra sao. Tối đến trước khi đi ngủ, bố con lại nói chuyện về một bộ phim hoặc một quyển truyện hay mà anh và con cùng xem, đọc. Khi nói về con, giọng anh Ánh sôi nổi hẳn, đôi mắt cũng không còn đượm buồn, u uất nữa.
 
Cũng đã 2 năm nay anh Ánh có thêm niềm vui và động lực để tiếp tục chiến đấu với bệnh tật và cống hiến cho công việc, đó là bên anh đã có thêm một bờ vai để anh ngả vào mỗi khi mỏi mệt, cùng anh sẻ chia mọi vui, buồn. Người ấy là bạn học cùng trường Y với anh từ thuở trước. Cô học sau anh mấy khóa, nhưng vì cùng chơi với một nhóm bạn nên hai người cũng khá thân nhau. Vì thân nên cô biết tường tận hoàn cảnh của anh. Ngay sau khi bi kịch gia đình Ánh xảy ra, cô là người đã đến chia sẻ, an ủi, động viên người bạn cũ.
 
Nhiều năm trôi qua, dần dần giữa hai người nảy sinh thứ tình cảm gắn kết. “Nhưng chúng tôi đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ hai bên gia đình” – Đại úy Ánh chia sẻ: “Không chỉ gia đình cô ấy, mà gia đình tôi cũng cản nhiều khi biết tôi bắt đầu tình yêu với một cô gái khác. Cô ấy chưa từng lập gia đình, có học thức, có nhan sắc, có công việc ổn định, vậy nên việc gia đình, bạn bè cô ấy phản đối cô ấy yêu tôi là điều hiển nhiên. Nhưng phía gia đình tôi cũng quyết liệt khuyên can, bố mẹ tôi cho rằng với hoàn cảnh của tôi, bệnh tật như vậy thì yêu cô ấy có phải là tôi làm cho cô ấy khổ không. Bản thân tôi cũng đâu muốn mình là gánh nặng cho cô ấy, mà càng là người mình yêu thương thì tôi càng phải giữ gìn. Thế nên những ngày đầu tôi cũng đâu dám mở lòng mình, không dám đón nhận tình cảm của cô ấy. Nhưng rồi chính sự yêu thương chân thành cùng trái tim hiền hậu của cô ấy đã khiến tôi phải suy nghĩ lại. Tôi còn nhớ cả 2 lần tôi phải vào viện điều trị vì sức khỏe đột ngột giảm sút, thì cả hai lần cô ấy đều nghỉ việc để vào chăm sóc, chăm lo cho tôi. Từ khi những biến cố xảy ra với tôi và gia đình, tôi ít khi rơi nước mắt, nhưng trước tình cảm chân tình của cô ấy, tôi đã phải rơi lệ”.
 
Anh Ánh bảo rằng, chuyện tình yêu của anh mới bắt đầu gần 2 năm nay, và tình cảm đó giờ đã được hai bên gia đình chấp thuận. Khi anh quyết định đáp lại tình cảm của cô ấy, anh đã nói với bố mình rằng: “Con tin rồi bố mẹ sẽ hiểu chúng con, bởi con chọn người đúng”. Anh đã nói đúng, giờ bố mẹ anh yêu thương chị hết mực, và bố mẹ chị cũng rất thương yêu, quý mến anh.
 
“Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề này”
 
Trong môi trường trại giam có tới 10% phạm nhân bị HIV; 2% phạm nhân bị lao và hầu hết đều mắc các bệnh xã hội khác như viêm gan, giang mai, lậu… mà chỉ có 20 cán bộ y tế thì đủ nói lên công việc vất vả và hiểm nguy thế nào đối với những cán bộ chiến sỹ mang hai màu áo như anh. Đại úy Ánh kể, nhiều phạm nhân bị AIDS giai đoạn cuối đã tuyệt vọng, làm nhiều trò chống đối gây khó cho cán bộ quản giáo và các bác sỹ điều trị.
 
Anh nhớ có phạm nhân tên là Quảng ở Bình Dương, anh ta nghiện ma túy, cướp tài sản rồi bị bắt và đi thụ án. Thời gian trong trại Quảng mới biết mình bị HIV, cùng thời điểm ấy anh ta hay tin vợ ở nhà đã bế con ra nước ngoài theo một người đàn ông khác. Sốc và chán chường trước những sự việc liên tiếp xảy ra với mình, Quảng bỏ lao động, không chịu ăn uống và… nằm chờ chết. Người anh ta gầy như ống xe điếu, Quảng được các cán bộ quản giáo đưa lên trạm xá cấp cứu vì những vết thương anh ta gây ra khiến mất máu nhiều.
 
Anh Ánh vẫn nhớ, khi anh đang làm các thao tác cấp cứu cho Quảng thì anh ta vẫn ra sức thều thào và xua tay: “Cán bộ cứ để tôi chết đi, tôi bệnh tật thế sống được mấy, vả lại tôi cũng mất hết rồi, còn gì nữa đâu mà bấu víu vào cuộc sống này”. Lúc đó bác sỹ Ánh nhẹ nhàng nói rằng: “Anh chịu khó nằm yên để tôi băng vết thương cho anh. Bệnh của anh mới ở giai đoạn đầu, giờ khoa học phát triển, có thuốc điều trị thì anh sẽ khỏe lên thôi. Có sức khỏe, ra ngoài anh sẽ làm lại, còn người thì còn của, khi thấy anh cải tạo tốt trở về có khi vợ con anh sẽ quay lại”.
 
Sau lần điều trị đó, anh Ánh thường xuyên đến thăm khám và chuyện trò với Quảng. Khi biết bác sỹ Ánh cũng là người có bệnh giống mình, Quảng đã khóc và nắm chặt lấy bàn tay anh nói: “Những người tốt như cán bộ sao lại khổ thế này”. Và cũng từ đó Quảng ra sức lao động, rèn luyện và thi hành tốt mọi nội quy, quy định của trại. Vì cải tạo tốt nên Quảng đã được đặc xá trước thời hạn 9 tháng. Khi ra trại, Quảng đã đến gặp bác sỹ Ánh rất lâu và hứa sẽ sống tốt để đền đáp lại công ơn và những hy sinh mà bác sỹ Ánh và những cán bộ quản giáo ở trại đã làm cho anh ta.
 
Đêm vinh danh “Sự hy sinh thầm lặng” của những cán bộ ngành y hôm đó, khi nghe Đại úy Ánh chia sẻ những kỷ niệm và đặc thù công việc của anh, tôi thấy nhiều người lén quay đi lau những giọt nước mắt. Ai cũng nhận thấy có một nghị lực lớn lao và phi thường ở người chiến sỹ Công an có nụ cười hiền lành và vóc dáng nhỏ nhắn này. Anh bảo: “Nếu được chọn lại thì tôi vẫn chọn được làm bác sỹ trong trại giam. Đó là công việc, là sự sống của tôi”.
 
Người đồng nghiệp của anh, Đại úy Phạm Văn Thọ xúc động nói rằng: “Chúng tôi thấy tự hào vì có người đồng đội như Đại úy Nguyễn Quang Ánh. Anh sống rất tình cảm, chân thành với đồng nghiệp, với công việc thì rất chăm chỉ, nhiệt huyết, với các bệnh nhân thì anh luôn hết lòng. Sự có mặt của bác sỹ Ánh trong đêm nay đã nói lên tất cả…”.
 
Anh Ánh bảo với tôi rằng, sau buổi vinh danh ở Nhà hát Lớn, ngay trong đêm anh sẽ về quê để thăm bố mẹ và thăm con gái. Anh thấy nhớ lắm nụ cười của con và mong được nhìn thấy những nét chữ trong trang vở của con biết bao nhiêu.
 
Đêm đó trăng 16 sáng vằng vặc. Nhìn lên vầng trăng sáng ấy, tôi thấy nụ cười hiền của Đại úy, bác sỹ Nguyễn Quang Ánh. Anh cùng với những đóng góp và sự hy sinh thầm lặng của mình như vầng trăng kia soi ánh sáng cho những con người lầm lạc trong đêm đen. Chúc anh mãi khỏe, luôn giữ tinh thần lạc quan để tiếp tục sống và yêu thương.

CSTC
.