Phải thuyết phục mãi, trung tá Phan Văn Hồng mới quyết định cho chúng tôi đi theo đội cắm mốc tại địa bàn Quế Phong, bởi anh không tin chúng tôi đủ sức leo lên tới “lưng trời”.
Cột mốc của tình hữu nghị
Mới sáng tinh mơ, từ Đồn Biên phòng Bản Chiềng đóng tại xã Tri Lễ (Quế Phong), chúng tôi nai nịt gọn gàng chuẩn bị hành quân lên vị trí cột mốc số 380. Trải tấm bản đồ trung tá Lê Tham Mưu - Đồn trưởng chỉ cho chúng tôi biết nếu tính theo đường chim bay quãng đường chỉ khoảng 8km, nhưng để lên đến cột mốc chỉ có đi bộ 18km đường rừng qua những con dốc cao dựng đứng.
Tôi nghĩ thầm: không biết có leo tới nơi được không, thôi thì cứ đi rồi khắc biết. Sau vài giờ đi bộ, chân chúng tôi bắt đầu mỏi nhừ, chùng cả xuống vì liên tục leo dốc. Cố gắng lắm đi được nửa buổi, chúng tôi đành phải dừng chân thở dốc vì quá mệt. Kể ra thì hơi xấu hổ bởi chúng tôi còn được ưu tiên đi người không, các anh em còn lại đều phải mỗi người cõng 30kg trên lưng nào lương thực, thực phẩm, máy móc, tăng võng…
Cả đoàn lần lượt đi qua Bản Chiềng, Yên Sơn, Bản San, Piêng Luống và Pà Khốm. Từ bản Pà Khốm thì cũng phải mất 5km leo dốc nữa chúng tôi mới đến vị trí đặt mốc. Hành quân ở độ cao trên 1.000m, dù gió lạnh thổi ào ào nhưng ai nấy đều vã mồ hôi. Khi trời đã chạng vạng tối chúng tôi mới đặt chân đến lán trại của đội xây dựng cột mốc khi các khớp xương như muốn rời ra.
Cột mốc 380 như nằm giữa lưng chừng trời, ở độ cao 1.700m so với mặt nước biển. Đội cắm mốc hai nước Việt Nam - Lào đã khảo sát, đo đạc, tính toán kỹ lưỡng trước khi đặt móng. Toàn bộ nguyên vật liệu để xây dựng mốc được vận chuyển hoàn toàn bằng gùi, gánh.
Hàng chục mét khối đá, cát cùng hàng tấn xi măng, sắt thép và cột mốc lần lượt được vận chuyển lên địa điểm đã được phát quang. Sau những thủ tục cần thiết, những nhát xẻng đầu tiên làm hiệu lệnh để đổ những mẻ bê tông cuối cùng.
Toàn bộ công nhân, cán bộ chiến sĩ bắt đầu công việc giữa sương gió. “Cột mốc phải được đặt đúng vị trí một cách tuyệt đối, có sự giám sát của hai bên. Cột mốc không được sai số dù chỉ là một milimet”, anh Hồng, Đội trưởng cắm mốc số 1 của tỉnh Nghệ An, chia sẻ. Chưa kể thời gian các đợt khảo sát xác định vị trí, phát đường mở lối và định vị vị trí mốc sẽ đặt, phải mất hơn 3 ngày mới hoàn thành việc đổ bê tông, xây cột mốc.
Anh Bô Ly Vông, đội phó kỹ thuật cắm mốc nước bạn Lào chia sẻ: “Tình đoàn kết được thắt chặt hơn qua từng cột mốc được cắm. Anh em chúng tôi chia nhau mọi gian khổ, khó khăn giữa núi rừng. Chúng tôi sát cánh với các bạn Việt Nam để cùng hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc hai bên giao phó”.
Bên cạnh cột mốc bằng đá hoa cương là một cột thép sáng loáng to cỡ bằng cột cờ đứng bên cạnh. Đội trưởng Hồng giải đáp thắc mắc của tôi: Bởi hầu hết cột mốc biên giới đều ở vị trí rất cao, nằm độc lập nên mỗi cột mốc đều có cột thép chống sét bên cạnh nhằm đảm bảo an toàn lâu dài, bền vững cho cột mốc.
CBCS Đồn Biên phòng Bản Chiềng chào cột mốc biên giới Việt - Lào số 380 vừa cắm xong
Sau công đoạn thi công khẩn trương, cột mốc 380 đã hoàn thành uy nghi giữa lưng chừng trời, phân chia lãnh thổ 2 nước. Nghi thức chào cột mốc Tổ quốc được cử hành nghiêm trang, trung tá Lê Tham Mưu cùng cán bộ chiến sỹ Đồn Biên phòng Bản Chiềng súng khoác vai chào mốc chủ quyền biên giới. Những cái siết tay thật chặt thể hiện tinh thần hữu nghị đặc biệt Việt - Lào đã xua tan giá lạnh.
Xây dựng hệ thống mốc giới vững bền đến mai sau
Đội trưởng, trung tá Phan Văn Hồng cho biết: Bắt đầu từ tháng 10/2008 đội được thành lập với biên chế 18 người. “Tuy đội mốc là “liên quân” từ các ngành xây dựng, tài chính, tài nguyên môi trường, ngoại vụ, biên phòng… nhưng suốt 4 năm qua, anh em toàn đội đã đoàn kết khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng được Nhà nước giao phó”.
Anh cười hiền khô nhớ lại những ngày đầu đảm nhiệm “vai” mới: “là lính biên phòng được biệt phái qua nhiệm vụ phân giới, cắm mốc bọn tôi phải tiếp xúc với những công việc hoàn toàn lạ lẫm: Từ khảo sát, đo đạc cho đến xây dựng, rồi hội đàm... thời gian đầu cũng không khỏi bỡ ngỡ”.
Hàng chục người gánh cột mốc lên vị trí cắm mốc
Tỉnh Nghệ An có đến 419km đường biên giới được xác định với 105 vị trí/115 mốc Quốc giới tiếp giáp 3 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng và Bôlykhămxay (Lào). Đã 4 năm qua, dấu chân trung tá Hồng cùng các anh em hầu như đã in khắp miền biên cương xứ Nghệ.
Để có thể xác định được một vị trí, xây dựng được một cột mốc là việc làm không hề đơn giản. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỷ mỷ, cẩn thận, khoa học, chính xác, đặc biệt là không được để xảy ra sai sót bởi mỗi cột mốc đều thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Đội phó phụ trách kỹ thuật Nguyễn Công Sách cho hay: Trong tăng dày, tôn tạo mốc giới thì công tác tôn tạo đơn giản hơn vì đã có vị trí mốc cũ giữa ta và bạn, nhưng xác định các vị trí tăng dày (cắm mốc mới) mới là phức tạp. Bởi theo như các tư liệu, bản đồ cũ thì biên giới có khi chỉ là con sông, ngọn núi chủ yếu ở địa hình núi cao, rừng rậm, nên việc nhận biết đường biên trên thực địa đã là rất khó khăn.
Trải qua bao thời gian, mưa gió, khí hậu, thiên nhiên bào mòn, thay đổi dấu vết nên để thống nhất được vị trí cắm mốc có khi phải mất hàng tháng trời với nhiều lần khảo sát song phương. Rồi phải sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại như máy định vị GPS, máy đo 2 tần, bản đồ, hiệp ước… nhằm đảm bảo chính xác tuyệt đối.
Từ khi công tác tôn tạo, tăng dày mốc giới Việt Nam - Lào triển khai thực hiện 2 đội cắm mốc của tỉnh Nghệ An (do yêu cầu đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc theo kế hoạch đội số 2 được thành lập vào tháng 10/2010) được Ban Chỉ đạo cắm mốc tỉnh, cơ quan, đơn vị, địa phương, đặc biệt là quần chúng nhân dân tích cực giúp đỡ.
Dìu nhau qua dốc Tức
Mỗi cột mốc được xây dựng là không thể tính hết được biết bao mồ hôi, công sức của cán bộ chiến sỹ và quần chúng nhân dân. Do các vị trí cắm mốc đều nằm ở vị trí hiểm yếu, cao chót vót trên đỉnh núi, đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, vất vả (có một số vị trí còn phải đi lại bằng thuyền trên sông). Chỉ riêng vận chuyển 1 cột mốc cỡ trung lên vị trí cắm mốc thôi là cũng phải huy động 40 đến 50 người.
Trong đó khoảng 20 người làm nhiệm vụ gánh tảng đá hoa cương nguyên khối trên vai, khoảng 10 người dùng dây giữ để mốc không bị tuột xuống dốc. Chừng ấy con người để phối hợp sao cho nhịp nhàng, ăn khớp trong địa hình đồi núi là không hề đơn giản. Nhưng bằng sự đoàn kết, nhất trí những cột mốc biên giới Việt - Lào đang dần được tôn tạo, tăng dày đúng tiến độ.
Những ngày này, bước chân các anh đội cắm mốc vẫn đang mải miết đi khắp miền biên giới để dựng xây nên hệ thống “phên dậu” Quốc gia vững bền, thống nhất không những cho thế hệ hôm nay mà còn trường tồn đến mai sau.
Tính đến ngày 30/01/2012, đoạn biên giới tỉnh Nghệ An giáp với 3 tỉnh bạn Lào đã khảo sát song phương được 94/114 vị trí; giám sát thi công xong 72/115 mốc. Cụ thể: tuyến giáp tỉnh Xiêng Khoảng khảo sát xong 33 vị trí mốc; đã xây dựng xong 33/37 mốc. Hiện còn mốc số 397(1,2,3), nằm trong khu vực trước đây dự kiến xây dựng Đập Thuỷ điện Mỹ Lý và mốc 420.1 mới được UBLH hai nước Việt Nam - Lào khảo sát bổ sung phục vụ chủ trương mở Cửa khẩu phụ Na Ngoi (Kỳ Sơn - Nghệ An) - Nậm Ngạt (Noọng Hét - Xiêng Khoảng) nên chưa triển khai xây dựng. Tuyến giáp tỉnh Hủa Phăn đã khảo sát xong 30/39 vị trí mốc, thi công xong 22/39 mốc. Tuyến Bôlykhămxay khảo sát xong 31/39 vị trí mốc, thi công xong 17/39 mốc.
Theo Kế hoạch đến cuối năm 2012 sẽ hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên thực địa theo kế hoạch của UBLH phân giới cắm mốc hai nước Việt Nam - Lào giao cho tỉnh Nghệ An.
Lê Thạch
.