Trẻ em đi học ở bản Xéo Pa Cheo |
Những lớp học vời vợi xa xôi, cách trở. Đôi lúc mình lẩm cẩm tự hỏi, ở nơi rừng xanh núi đỏ vắng lặng, cách xa với thế giới văn minh như thế này thì dạy và học làm gì nhỉ? Liệu có thay đổi được những kiếp nghèo nơi đây không? Liệu con chữ gieo xuống có gặt được ấm no, hạnh phúc không? Vì chữ nghĩa ở nước ta đâu có thiếu, bằng cấp nhiều như lá thu rơi, đường lối cũng lắm mà sao vẫn chỉ là nước đang phát triển? Không lẽ cứ tà tà ở đường băng và không thể cất cánh bay vào bầu trời thế giới? Trẻ con ở thành phố học quần quật, sinh viên du học khắp nơi, quan chức bằng cấp lắm mà đất nước vẫn chỉ ở dạng tiềm năng thôi sao?
Dạy học gì, trẻ học gì khi bốn bề là núi, rừng, khổ, đói? Bảo học để thoát nghèo. Ừ, chả sai. Nhưng bụng đói học sao nổi? Không học nghèo đói hoàn nghèo đói, người ta bảo thế. Không lẽ là lỗi của họ vì không chịu học? Chính họ là những người đang nắm giữ phần đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc đấy. Những người dân hiền lành ẩn dật trên núi cao, rừng sâu, giữa bạt ngàn thiên nhiên hoang dã. Nơi ấy người thưa đất ít, đá cứng lổn nhổn dốc đứng, chắn mọi lối đi. Như thể một hoang đảo cách biệt với văn minh con người. Họ sống lầm lũi với cái nghèo, đơn sơ. Thanh thản với mây ngàn, rừng cây. Hiền hòa với thiên nhiên quanh mình.
Lớp mẫu giáo cắm bản ở Xéo Pa Cheo (Pa Cheo, Bát Xát, Lào Cai) cách quốc lộ chừng 8km. Bản ở tít trên núi cao, chìm trong mây mù đặc như sữa. Con đường vào bản toàn đá lổn nhổn, trơn khủng khiếp vì mấy hôm trước đó trời mưa. Mà không mưa thì cũng “quá mù ra mưa”… Trai Mông đi xe máy giỏi cực. Các tổ lái ở Hà Nội chả là gì với các anh Mông này. Trình chắc ngang ngửa với tay đua công thức 1 chứ không bỡn. Nếu có cuộc đua xe máy thì nên tuyển các trai Mông.
Lúc vào bản lên dốc, người mình chỉ chực rớt tuột khỏi xe. Còn lúc rời bản xuống núi, người mình đổ dồn về phía trước. Cả mấy chục cân thịt hơi của mình dồn hết sức nặng vào người lái. Vậy mà tay lái lụa vẫn mượt mà vãi. Xe lao phăm phăm làm mình lắm lúc thon thót. Một bên là vực thẳm lèn chặt mây mù. Mình hơi hốt khi nghĩ đến cảnh chả may lốp xe không ăn đường là tổ lái của mình bay như chim xuống vực. Cô giáo nhờ các trai Mông nhiệt tình đưa đón khách bằng xe máy ngay. Thấy áy náy nên đưa chút tiền để đổ xăng còn nhất định không nhận. Nói mãi mới rụt rè: “Mình xin nhé” với vẻ mặt không có gì quỵ lụy, hân hoan. Rất thích cách xưng hô của người Mông, mình thế này, mình thế kia… Giản dị, gần gũi, bình đẳng và thân tình.
Dường như cuộc sống ẩn dật trên núi cao mây mù đã dạy chúng hướng cái nhìn vào trong từ khi lọt lòng mẹ. Kể cả khi chúng cười thì đôi mắt vẫn như có làn mây che phủ, dịu dàng và buồn đến nao lòng. Con trai cũng vậy. Con gái cũng thế. Nhưng khi đống đồ chơi được đổ lên bàn thì chúng kéo ghế xúm lại, quây quanh và những gương mặt bừng lên. Mắt sáng long lanh khám phá những đồ vật mà từ lúc sinh ra chúng chưa từng được thấy. Nào gấu bông, thỏ bông, tàu bay, ôtô, các con vật, những búp bê… Chao ôi là thương.
Lúc này chúng quên hết, cả cô giáo, cả khách, cả những bộ quần áo mới, mũ mới, cũng chả thiết các món ăn mà “gánh hàng xén” đã chuẩn bị kĩ lưỡng từ trước… Dường như có một thế giới đầy màu sắc, vô cùng sinh động, hấp dẫn đã mở ra trước những đôi mắt núi u sầu, thăm thẳm. Liệu những đồ chơi ấy có mở ra được thế giới cổ tích cho các bé không? Liệu thế giới ảo đó có giúp các bé tưởng tượng về một thế giới thực mà đáng lẽ các bé có quyền được hưởng không?
Đứng lớp trông coi hơn 20 đứa trẻ chỉ có một mình cô giáo Thực, sinh năm 1986. Thực đang mang thai đứa con đầu lòng. Chồng ở xa. Hàng ngày cô làm mẹ của 24 đứa trẻ này. Đến giờ trưa lại lụi cụi nấu cơm cho các con ăn. Trong lúc cô giáo nấu cơm, tụi trẻ tự trông nhau. Ngoan như đám gà con úp trong bu, chả cần cô giáo phải la mắng, quát nạt. Bữa cơm trưa có thịt do quĩ “cơm có thịt” hỗ trợ. Rau thì bà con trong bản góp, củi đun cũng thế. Tạm ấm lòng cho đám trẻ. Tạm để chúng lớn lên. Hy vọng sẽ bớt bị suy dinh dưỡng nếu chương trình “cơm có thịt” được nối dài, nối dài mãi...
Cách Pa Cheo mấy chục cây số là Sàng Ma Sáo, cũng lẩn khuất trên núi cao. Cũng là trường “của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây”. Vẫn là những cô nuôi dạy trẻ còn rất trẻ, má đỏ hây hây, hay cười…Nghe được vào một điểm trường trong bản, mình nhảy phắt lên xe của cô Huyền vừa xinh vừa dễ thương. Là đàn bà nhưng vẫn thích gái đẹp. Khổ thế. Huyền bảo chỉ hơn cây thôi. Hóa ra 6, 7 cây đường xóc ổ gà, rải đá mấp mô, trơn tuột. Đến chân núi, vứt xe ở vệ đường và bắt đầu leo dốc hơn 1km nữa mới tới dãy nhà xây chơ vơ giữa đỉnh núi.
Lớp mẫu giáo chỉ là gian nhà gỗ hơ hoác kế bên. Hiện mẫu giáo đang mượn lớp của tiểu học. Lớp có 17 trẻ ngồi quây quanh cô giáo trẻ măng, xinh xắn. Thuyết sinh năm 1990. Cô dạy và ở luôn trên dãy nhà trên đỉnh núi cùng hai cô giáo tiểu học. Mình chợt trộm nghĩ, thân gái hơ hớ thế này mà ở một mình dưới xuôi thì không biết có chuyện gì xảy ra? Nhìn con bé thương thắt ruột. Mới 21 tuổi, không con bé là gì… Vậy mà lên đây theo nghề dạy học. Hàng ngày cô trò luẩn quẩn bên nhau trong gian phòng nhỏ xíu, đầu chạm mây, chân cách xa mực nước biển dễ hơn 1000 mét…
Khi rời Sàng Ma Sáo, qua Y Tý, những tưởng sẽ thẳng một mạch về Hà Nội. Nhưng nghe rủ rê lại vượt núi sang Mường Khương. Huyện lỵ Mường Khương cách thành phố Lào Cai 50km, giáp biên giới với Trung Quốc 86,5km, trong đó 55km đất liền. Là một huyện miền núi với độ cao trung bình 950m so với mực nước biển, đỉnh núi cao nhất là 1.609m. Mường Khương có dân số trên 50 nghìn người gồm 14 dân tộc khác nhau, chủ yếu là người Mông (chiếm 41,8%). Có duy nhất một con đường quanh co dải lụa từ Lào Cai đi thị trấn Mường Khương. Con đường này lúc sương khói đẹp lịm người, ngất ngây. Từ huyện lỵ sang Trung Quốc chỉ có 5 km. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông-lâm nghiệp với các nông, lâm sản nổi tiếng là mận, lê, cây thuốc, thảo quả, chè, đậu tương v.v...
Mường Khương có con sông Chảy hình thành từ vùng núi tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) và tuôn vào đất Việt, bắt đầu từ huyện Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà. Chính là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Ở nơi ấy đầu nguồn con nước, lắng phù sa bên ấy đôi bờ”. Nơi đây đất ít, núi nhiều và hiểm trở. Đẹp thì tuyệt đẹp nhưng dân nghèo lắm. Mình vừa mong du lịch mạo hiểm phát triển để bà con bớt khổ nhưng vừa sợ, vì du lịch và văn minh tới đâu là phá hoại văn hóa dân tộc tan tành ở đó…Cứ mâu thuẫn thế đấy.
Ngôi trường mấy anh em tới ở sâu trong núi có cái tên rất khó nhớ: Tả Gia Khâu. Đường trơn xe ôtô không thể vào đến nơi nên các cô giáo đi xe máy ra đón. Cũng toàn tay lái lụa. Chả kém các trai Mông là mấy. Lên đây có lẽ các cô giáo ít khi được đi giày cao gót làm duyên. Cô nào cũng đi đôi ủng to tướng để tiện lội bùn và đỡ trơn. Trường mẫu giáo Tả Gia Khâu lọt thỏm trong một thung lũng nhỏ của hai bản Thải Giàng Sán và La Hờ. Ngôi nhà xây cũ kỹ, sơ sài, mái lợp tôn như hầu hết các trường được bê tông hóa ở vùng biên. Cũng còn hơn lớp cắm bản có khi nhà đất, có khi liếp che bao dứa trống hoác. Đến mùa đông, những hôm lạnh, cô trò chỉ đốt củi sưởi, xua bớt cái giá buốt tê tái chứ học hành được gì…
Đứng ở Tả Gia Khâu có thể nhìn thấy núi non bên kia Trung Quốc. Rất gần. Chỉ cách vài trăm mét đường chim bay là qua biên giới Trung Quốc. Mở máy điện thoại toàn tiếng Tàu xì xồ, át cả sóng Vina hay Mobi. Ở các vùng biên giới giáp với nước ta, Trung Quốc xây dựng nhiều nhà, đường xá, chợ, trung tâm thương mại đẹp, hoành tráng… Còn bên này biên giới, dân ta vẫn cặm cụi với cái nghèo, cái khổ, cơ cực.
Tả Gia Khâu có 6 dân tộc là Mông, Dáy, Tu Dí, Phù Lá, Thu Lao, Nùng, trong đó dân tộc Mông chiếm đa số, 32%. Theo số liệu thống kê năm 2005 toàn xã có những…359 hộ với 1.958 nhân khẩu, 920 lao động. Người dân vẫn bám vào đất trồng trọt lúa ngô và chăn nuôi, khai thác rừng để sống. Đất thì bạc màu và khan hiếm, chăn nuôi thì không có vốn và hay bị bệnh dịch, lại thiếu nước nên khó phát triển. Các cô giáo mẫu giáo kể là không thể chăn nuôi gà vịt, lợn để cải thiện nên đành nuôi… chó. Khi có liên hoan hay tổng kết lại lũ lượt… “làm chó” nhậu chơi… Chả thế mà lúc tụi mình đến có nguyên bầy chó ra đón, vẫy đuôi rối rít như bạn. Một con trâu hay bò trên ấy có giá lắm. Có khi đến mười mấy triệu.
Mình nói chuyện với cô gái dân tộc Thu La lấy chồng ở bản La Hờ, được cha mẹ chồng cho con trâu bán được 15 triệu, thêm 3 triệu nữa là có ngôi nhà đất ở riêng. Mình rẽ vào nhà em chơi, thấy chả có gì ngoài cái giường, mấy cái nồi. Chồng đi làm ăn xa chỉ có hai mẹ con ở nhà. Cô con gái bé bỏng gần 10 tháng tuổi lúc nào cũng nằm trên lưng mẹ. Hai mẹ con địu nhau quanh quẩn lúc trong nhà, lúc ra đứng ngẩn ngơ ngoài lối đi vào bản nhìn đến thương. Em mới 20 tuổi, cuộc đời còn dài lắm và nghèo đói còn đeo bám lâu lắm.
Cách đây 2 năm, Tả Gia Khâu mới có điện. Trước đó toàn thắp đèn dầu và nến. Hỏi một cô giáo trẻ chở xe máy mình vào trường: “Khổ thế này sao cháu bám trụ ở đây được?”. Con bé 20 tuổi cười tươi: “Hôm bố cháu đưa lên nhận công tác, lúc bố về, cháu khóc như mưa… Nhưng rồi thấy bà con ở đây khổ quá nên ở lại. Nhưng vẫn buồn lắm cô ạ”. Họ là những anh hùng trong mắt mình vì mình chắc chắn thua họ nếu rơi vào hoàn cảnh đó.
Mình vẫn không lí giải được lí do nào đã giữ chân các cô ở lại nơi thâm cao cùng cốc này để bám lớp, bám học trò như vậy? Mưu sinh ư? Không thuyết phục lắm vì về quê hay dưới xuôi kiếm việc để đủ sống như các cô chắc không khó? Yêu nghề ư? Yêu mấy cũng khó mà vượt qua được sự cô đơn. Nhiều người đã bỏ về khi cầm quyết định phân công. Có thể là tấm lòng chăng?… Họ yêu học trò, thương học trò, thương những số phận lầm lụi sống lẩn khuất trong mây, xa cách với cuộc sống của mọi người.
Những bàn chân thiếu nữ vượt núi, trèo đèo, tạm biệt người thân, xa rời phố thị, chấp nhận thiếu thốn đủ bề để bình tâm ở lại cùng đám trẻ. Những cô gái mới ngoài 20 tự bảo ban nhau làm nghề và hơn hết là làm người ở nơi người ta chỉ đến để thấy vẻ đẹp của non cao và lại ra đi… Thương những thân cò nơi đỉnh núi trẻ, đẹp, xinh xắn nhưng thật nhiều cô đơn, vất vả, thiếu thốn. Những thân cò lấy bơ vơ làm cuộc sống. Lấy tiếng người làm khao khát. Lấy gương mặt khách làm hạnh phúc. Không có thú vui gì ngoài giờ lên lớp bằng cái tivi cũ kĩ. Khách đến mừng lắm. Đôi mắt như muốn cười bù cho nhiều tháng vắng vẻ. Cô giáo nào có con thì đành gửi về nhà cho ông bà. Họ đùa bảo: “Chúng em đẻ con cho ông bà ấy mà”.
Xa chồng, xa con, xa quê, mọi sức lực và tâm trí dành hết cho đám học trò lít nhít. Đôi lúc còn phải đến tận nhà năn nỉ cha mẹ cho chúng đi học. “Xin” được mấy đứa đến lớp, cô trò dắt díu nhau đi. Vượt dốc trơn, có bé ngã lăn mấy vòng rớt xuống dốc. Tay cô chỉ dắt được hai đứa bé nhất nên đành đứng nhìn theo, lo thắt ruột. Bé ngã lại đứng dậy, mười ngón chân bám mặt dốc leo lên lại… Cứ thế, đi khắp bản “xin” hết đứa này đến đứa khác để lớp học ấm lên bởi tiếng trẻ bi bô học hát, đọc thơ, tập dạy học cho nhau…
Cô cần trò và trò cũng cần hơi ấm từ cô. Cò lớn, cò bé lặn lội cùng nhau mò con chữ trên đỉnh núi. Mặc cho thiếu thốn từ giọt nước dùng hàng ngày. Mặc cho manh áo chẳng đủ che giá lạnh. Mặc cho đôi chân trần tím tái vì sương tuyết. Những đứa trẻ lớn lên ở đây, sống ở đây, học ở đây chưa từng một lần đặt chân lên mảnh đất nào khác ngoài bản làng của chúng. Những bàn chân đất bám chặt vào núi ngày ngày tự đến trường, dù mới chỉ 3, 4 tuổi đầu. Bàn chân nhỏ không giày, không tất dù nhiệt độ bên ngoài 2,3 độ C, bám chặt lên mặt đất nhão nhoét, trơn trượt vượt 2, 3km đến trường mẫu giáo. Bị ngã lại đứng lên đi tiếp, chả có ai nâng đỡ, xuýt xoa, lau chùi, an ủi… Như đám chuột nhắt cắn đuôi nhau dò dẫm đến lớp học.
Lớp mẫu giáo ở Xéo Pa Cheo. |
Lớp học phần lớn chỉ là những gian nhà gỗ, phên nứa hở hoác, che tạm bằng các bao dứa đỡ gió lùa. Mà gió núi thì ai từng lên miền núi biết rồi đấy. Tựa như những lưỡi dao lam kết vào nhau và quất thẳng vào mặt, vào người đau rát. Có áo ấm, chân ấm thì còn chịu đựng được. Còn những đứa trẻ chân đất này thì cam phận dưới cái lạnh cắt da. Chả thể thay đổi được gió. Chả thể thay đổi được mùa đông. Đến giờ vẫn chả thay đổi được phận nghèo. Không lẽ mãi cam chịu? Chợt nhớ slogan “Nâng niu bàn chân Việt” nói ầm ầm trên tivi lâu nay… Vậy ai sẽ nâng niu bàn chân trần cho các bé sống trên các đỉnh núi ngàn năm mây trắng này?
Hôm áp Tết mình và bạn bè lên đó để chuyển áo ấm cho mẫu giáo Tả Gia Khâu. Chả dám mang gì từ Hà Nội lên vì xe chật cứng chở đồ cho tụi nhỏ nên chỉ ghé qua chợ Mới ở thành phố Lào Cai mua vội ít giò chả, dưa hành để ăn tất niên với các cô giáo. Cô bạn đi tàu lên sau tha la gần chục cái bánh chưng Hà thành chính cống để các cô giáo vùng cao biết mà thưởng thức bánh chưng Hà Nội. Thế cũng đủ một bữa cơm tất niên. Có cả thắng cố ngựa nấu theo kiểu địa phương. Nhìn mãi các cô giáo trẻ trung như teen tíu tít… Tất nhiên là có uống rượu ngô. Các cô nương gọi là “tát ao” vì rượu để vào bát ô tô, cho thẳng chén vào bát múc và… ực. Mình đùa là sức mình có thể tát nguyên được cái ao. Có thể lấy chồng Mông được… Đùa mà rưng rưng muốn khóc.
Ở cạnh trường mẫu giáo Tả Gia Khâu có một khu rừng tuyệt đẹp mà các “nương nương mẫu giáo” gọi là “công viên La Hờ” (chả là ở trên đất của thôn La Hờ mà). Hỏi các cô bảo, ở đây lấy đâu ra công viên nên tưởng tượng thế cho…oai. Đúng là rất đẹp. Cây cổ thụ nhiều, sum suê. Nhưng dân ở đây không bao giờ chặt cây, kể cả cây bị nghiêng đổ vì cho đó là rừng thiêng. Trẻ con chỉ vào rừng nhặt cành khô về làm củi. Yêu thế…Vùng này nhiều hoa trạng nguyên đến bất ngờ. Màu đỏ rực như những ngọn lửa nhỏ cháy lan cả vùng xanh non. Không biết có cô cậu bé nào trong tầm ngắm của “cơm thịt” và “gánh hàng xén” sau này thành trạng nguyên không? Mong lắm lắm…
Thế đấy. Lào Cai là mảnh đất Tây Bắc, nơi đón nhận dòng nước ngọt ngào đầu tiên của sông Chảy đổ vào đất Việt. Nơi ấy có những bản làng ẩn sâu trên núi cao, rất nghèo và nên thơ. Trẻ em có đôi mắt buồn như núi ngàn mây phủ, má hồng như nắng. Người dân nghèo nhưng sống thanh thản cùng núi rừng, bầu bạn với cỏ cây hoa lá, muông thú. Họ và thế giới còn lại chẳng thể chia lìa nhưng như thể hai mặt của đồng tiền, văn minh và hoang sơ; giàu có và nghèo đói; tĩnh lặng và sôi động; thanh thản và bất an...Nếu bạn đã tới thì có nghĩa bạn đã bị quyến rũ, gây nghiện và chẳng thể rời xa. Một sự nghiện ngập êm dịu, mê đắm khiến ta tinh khiết hơn, trong sạch hơn và thèm khát được cống hiến hơn. Nếu có dịp hãy đến miền Tây Bắc và Đông Bắc để trải nghiệm những cảm nhận chỉ có ở nơi này