Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201204/19459-eo-le-lao-ba-81-tuoi-ban-ma-tuy-397998/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201204/19459-eo-le-lao-ba-81-tuoi-ban-ma-tuy-397998/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
Éo le lão bà 81 tuổi bán ma túy - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Ba, 10/04/2012, 14:19 [GMT+7]
19459

Éo le lão bà 81 tuổi bán ma túy

1. Thượng tá Nguyễn Trần Giang, điều tra viên cao cấp, Đội trưởng Đội 5 Phòng PC47 Công an Hà Nội hiện là một trong số ít điều tra viên gạo cội của Công an Hà Nội có "thâm niên" trong lĩnh vực đấu tranh chống tội phạm ma túy. Những vụ án ma túy "khủng" mà Công an Hà Nội điều tra, khám phá đều có sự tham gia của người điều tra viên dày dạn kinh nghiệm và tâm huyết với nghề này, từ đường dây ma túy của Vũ Xuân Trường gây xôn xao dư luận một thời, đến những vụ buôn bán hàng trăm bánh heroin của "bà trùm" Nguyễn Thị Thơm sau này.

 

Nhưng chưa bao giờ, Thượng tá Nguyễn Trần Giang lại trầm ngâm như khi nói về vụ án cụ bà Đỗ Thị Dư (82 tuổi) ở cụm 5 xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Anh bảo rằng trong cuộc đời mấy chục năm là điều tra viên, có lẽ đây là bị can phạm tội ma túy nhiều tuổi nhất và cũng có hoàn cảnh éo le nhất mà anh biết đến. Vụ án vừa được hoàn thành kết luận điều tra để chuyển Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội truy tố, song số phận của bị can Đỗ Thị Dư vẫn là một nỗi day dứt đối với cán bộ điều tra.

Bản kết luận điều tra chưa đầy 3 trang. Theo khai nhận của bà Dư thì bà bắt đầu bán ma túy từ đầu năm 2011. Một thanh niên bán bánh mỳ  mang ma túy đã được đóng thành gói đến giao tận nhà cho bà. Bà mua với giá 100.000 đồng/gói, bán lại cho con nghiện 120.000 - 140.000 đồng/gói kiếm lời. Tích cóp gần một năm trời, bà có 20 triệu đồng tiền lãi, cộng với 20 triệu tiền bán đất, ngày 12/11/2011, bà mua liền một lúc 600 gói heroin với giá 60 triệu đồng để bán dần. Bà trả trước 40 triệu đồng, xin chịu lại 20 triệu. Nhưng chưa kịp bán thì sáng hôm sau, 13/11/2011, trong lúc đang bán ma túy cho một con nghiện, bà bị Công an huyện Đan Phượng bắt quả tang.

Sở dĩ một vụ án bán lẻ heroin được chuyển từ cấp huyện đến Cơ quan CSĐT thành phố, bởi số lượng ma túy trong vụ án lên tới 638 gói heroin với tổng trọng lượng 43,375 gam. Đây có lẽ là con số kỷ lục trong những vụ án bán lẻ heroin đã được khám phá tại Hà Nội. Bà Dư bị Cơ quan điều tra đề nghị truy tố theo khoản 3 điều 194 Bộ luật Hình sự, có mức án từ 15-20  năm tù giam. Do cao tuổi nên hiện bà Dư đang được tại ngoại.

Tội phạm ma túy thường tinh vi, xảo quyệt, nhiều thủ đoạn đối phó với Cơ quan Công an. Thế nhưng bà cụ Dư lại là một kẻ bán ma túy thật thà nhất, ngờ nghệch nhất mà tôi được biết đến. Bà lão hồn nhiên kể lại rằng, những gói ma túy được bà cho vào một cái lọ thủy tinh. Một lần, đứa nghiện lừa bà rằng gói ma túy vừa mua nhỏ quá, đòi bà cụ đổi gói khác. Bà bảo gói nào cũng như nhau nhưng nó không nghe. Vậy là bà chiều "khách", đổ hết cả lọ ma túy ra sân, cho nó muốn chọn gói nào thì chọn. Thế là thằng nghiện vơ sạch chạy mất.

Lần khác, bà đang ngồi trong nhà thì có 2 thanh niên mặc thường phục bước vào. Một người tự xưng là "công an trên thành phố" đến bắt bà về tội bán ma túy. Nói rồi người này dùng dây trói tay bà lại. Bà lão run lẩy bẩy, đưa hết tiền trong người ra để xin tha. "Nó cầm tiền xong thì đi luôn. Lúc đó hoàn hồn, tôi nghĩ lại thì thấy nó quen quen. Thằng này trước đó nhiều lần vào mua ma túy của tôi thì phải. Hóa ra nó đóng giả công an lừa tôi, lấy sạch tiền" - bà Dư ấm ức kể lại chuyện cũ.

Thấy bà cụ thật thà, mắt mũi kèm nhèm, con nghiện nghĩ ra đủ cách để lừa. Trong kết luận điều tra, ngoài 638 gói ma túy tang vật, Cơ quan Công an khi khám nhà bà cụ còn thu được 12 chiếc điện thoại di động cũ không có sim. Tất cả đều là điện thoại cũ, hỏng. Bà Dư khai rằng số điện thoại này, là của con nghiện mua ma túy, không có tiền trả nên gửi bà làm tin. Chúng bảo điện thoại có giá tiền triệu, lần sau quay lại sẽ trả tiền để lấy điện thoại về. Cả đời bà nào biết điện thoại là gì. Thế là cầm chứ đâu biết rằng những chiếc điện thoại ấy chỉ ngang với… gạch vụn. Chẳng có đứa nào quay lại chuộc điện thoại. Có đứa cầm ma túy xong, lén tráo viên thuốc màu trắng rồi giả vờ bà cụ trả lại hàng. Giám định số tang vật thu giữ, Cơ quan điều tra xác định trong đó có 23 gói chứa chất bột màu trắng không phải là ma túy. Bà Dư bảo đó là "hàng giả" đã bị chúng đánh tráo. Nhưng tiếc của nên bà vẫn giữ lại.

Bà cụ Đỗ Thị Dư và gia cảnh nghèo khó.

2. Xã Tân Lập, huyện Đan Phượng liền kề trung tâm huyện Hoài Đức.  Gọi là xã nhưng đường đi lối lại đã đô thị hóa không khác gì phố huyện. Ngõ rẽ vào nhà bà cụ Dư, khá nhiều nhà cao tầng khang trang. Khó mà tìm được một gian bếp được đắp bằng đất vẫn tồn tại mấy chục năm nay như ở nhà bà Dư. Trước khi đến nhà bà cụ, tôi đã được đồng chí Nguyễn Tiến Lợi, Trưởng Công an xã Tân Lập thông tin rằng, bà Dư thuộc diện hộ nghèo của xã, đã nhiều năm nay. 

Cổng nhà trống hoác, được rào bởi một tấm dát giường cũ cao mấy chục phân, đến con nít cũng bước qua dễ dàng. Trong sân, con chó đói nhách nằm bẹp một góc, nhìn khách chẳng buồn sủa. Mấy con gà chạy quanh quẩn mổ đám lá su hào đã héo quắt.

Bà cụ Dư ngồi trong gian nhà ngói ba gian tối thui. Ngồi một lúc, tôi mới quen được bóng tối trong nhà. Đồ đạc lỉnh kỉnh. Toàn những thứ cũ nát. Đáng giá nhất là một chiếc tivi cũ mèm, một chiếc quạt cây đã "gãy cổ" phải dùng dây điện buộc chằng chịt, và một chiếc nồi cơm điện Trung Quốc xuất xứ từ thời "ơ kìa". Giường chiếu mốc thếch, chăn chiếu cũ rích, nhưng cũng là của hàng xóm thương tình hoàn cảnh, cho lại bà Dư sử dụng. Tường nhà tróc vữa nham nhở. Bà Dư bảo mỗi tháng gia đình bà được hỗ trợ 30.000 đồng tiền điện, tiêu chuẩn của hộ nghèo nên cố gắng dùng trong khoảng ấy. Điện chỉ dùng để cắm nồi cơm điện và 1 bóng đèn tuýp thắp sáng. Cơm cũng chỉ nấu một lần, ăn cả ngày.

Bà Dư bảo ngôi nhà ngói ba gian này, được hai vợ chồng tích cóp, nung gạch xây dựng từ năm 1960 của thế kỷ trước. Tới năm 1970 thì xây thêm được một gian buồng cho 7 đứa con có thêm chỗ ngủ. Từ đó đến nay, ngôi nhà không sửa chữa thêm một lần nào nữa. Đơn giản vì bà chẳng có tiền. Chồng mất sớm, một mình bà vật lộn, lo toan cho cả gia đình. Nuôi 7 miệng ăn, với bà là 8, sống được đã trầy trật lắm rồi.

Đông con, nhưng đến tuổi gần đất xa trời này, bà Dư vẫn chẳng được nhờ cậy đứa nào. Anh con trai cả đã mất vì bệnh ung thư. Năm ngoái bốc mộ cho thằng con trai thứ tư chết vì ngã khi đang lợp mái nhà. Hai thằng con khác là Nguyễn Văn Tuấn (52 tuổi) và Nguyễn Văn Thảo (40 tuổi) đều đang ngồi tù về tội buôn bán ma túy. Có anh con thứ Nguyễn Văn Băng nghe chừng khá giả nhất nhà thì ở tận Tuyên Quang, thi thoảng mới về thăm mẹ. 

Hai cô con gái, một đi lấy chồng cũng nghèo khó, một cô là Nguyễn Thị Minh (49 tuổi) đang ở cùng bà bị thần kinh, mà bà vẫn gọi là "con dở". Lưng còng, tóc bạc trắng, bà vẫn phải lọ mọ cơm nước hầu hạ "con dở" và thằng bé cháu (con trai của Nguyễn Văn Thảo) đang đi học lớp một. Thu nhập của 3 con người, trông vào vườn bưởi trồng trên sào đất, là suất của anh Băng để lại cho bà cụ. Và mấy con gà nuôi trong sân. Khi nào anh Băng về thăm mẹ, đong cho bà mấy chục cân gạo ăn dần.

Tôi hỏi, anh Thảo đi tù thì vợ đâu mà để bà phải một mình nuôi cháu? Bà cụ Dư rơm rớm nước mắt: "Hồi mẹ cháu có bầu 7 tháng, biết bố cháu nghiện nên nó bỏ về nhà. Sinh con được 3 ngày thì nó mang con đến trả. Từ đó đến nay, mẹ nó không quay lại nữa. Thằng bé được hơn 1 tuổi thì bố nó bị đi tù vì bán ma túy. Bà cháu nuôi nhau từ đó đến nay". Ngừng một lát, bà kể tiếp như tự an ủi mình: "Cháu nó không có bố mẹ chăm, nhưng được cái sáng dạ lắm. Cô giáo bảo cháu học còn hơn ối đứa trong lớp".

Nhắc đến đứa cháu, gương mặt bà cụ giãn ra. Bà bảo từ ngày thằng bé Quốc đi học, không có tiền đóng học phí nên vẫn  chịu đến giờ. Bà trình bày với cô giáo xin khất tiền học đến khi bố thằng Quốc ra tù,  sẽ bán bớt ruộng đất đi trả. Cô giáo bảo bà yên tâm, cứ cho cháu đi học. Cô giáo thằng Quốc tốt lắm. Ngày tết, bà không biết lấy gì trả ơn cô, mang mấy quả bưởi trồng ngoài ruộng đến biếu. Cô giáo nhất định không nhận. Bà nói mãi, bảo của nhà trồng được, cô mới nhận và bảo bà lần sau không phải làm thế.

Thấy gia cảnh bà như vậy, có người khuyên bà cho thằng cu Quốc đi làm con nuôi nhà khác, để nó đỡ khổ. Nhưng bà nhất quyết không. Bà bảo khổ đến mấy, bà cũng phải nuôi thằng cu, đợi đến lúc bố nó ra tù. "Con nuôi có mấy người được sung sướng đâu. Người ta vẫn khinh, không bằng ruột thịt nuôi nhau cô ạ". Cái lý của bà cụ khiến người khác mủi lòng.

Hỏi cô “con dở” của bà đi đâu, bà bảo ngày nào cũng vậy, nó ra đường ngồi đến bữa mới về. Bà chép miệng thở dài: "Dở nhưng ăn khỏe nhất nhà đấy. Mình nó ăn hai bát. Thằng bé ăn một bát, còn tôi chỉ lưng cơm thôi". Nhưng rồi bà lại khen cô dở "khôn lắm", biết nhặt nhạnh củi, giấy vụn về cho bà có cái đun nấu. Trong bếp, ngoài sân, vỏ bao xi măng, cành cây, gỗ mục do cô dở mang về chất thành đống. Nhưng tội nghiệp, nào bà có gì để mà nấu ăn cơ chứ. Thức ăn quanh năm của mấy bà cháu, chỉ là chai nước mắm và gói bột canh. Thi thoảng cô dở được người ta cho củ su hào, cái bắp cải thì bà nấu cho con gái ăn. Bà với thằng cu Quốc ăn "chay" quen rồi.

Nhà có mấy con gà mái đẻ, nhưng thằng Quốc chưa bao giờ được biết mùi trứng gà thế nào. Bà Dư bảo trứng gà để dành cho ấp, và bán lấy tiền mua  mắm. Tết thì bán gà để dành tiền đong gạo. Mỗi tháng thằng Quốc chỉ được ăn thịt một lần, ấy là vào dịp bà lĩnh tiền trợ cấp của cô dở là 35.000 đồng một tháng. Bà mua được mấy lạng thịt về kho cho thằng Quốc ăn dè mấy ngày liền. Đó là những ngày thằng Quốc mong chờ nhất. Bữa nào được ăn thịt, nó đến lớp khoe cô giáo mấy ngày liền.

Lý do bán ma túy, theo khai nhận của bà Dư là để lấy tiền tiết kiệm nuôi thằng cu Quốc. Chẳng có nguồn thu nhập nào khác nên biết là sai, là vi phạm pháp luật nhưng bà vẫn nhắm mắt làm liều. Bà bảo chỉ định bán hết số ma túy này sẽ bỏ hẳn, lập một quyển sổ tiết kiệm lấy lãi bà cháu nuôi nhau. Vì bà chẳng biết sống đến ngày nào nữa. Nhưng còn cô dở và thằng Quốc…

Bà Dư trước căn nhà trống hoác.

3. Thực ra, chuyện bà Dư bán ma túy, Công an xã Tân Lập, Công an huyện Đan Phượng biết từ lâu rồi. Con nghiện rầm rập ra vào nhà bà cụ mua ma túy hàng ngày. Hàng xóm biết nhưng người ta thương hoàn cảnh của bà. Vì vậy,  trước khi tiến hành bắt giữ cụ bà này là cả quãng thời gian trăn trở của chỉ huy, cũng như CBCS Công an huyện. Hoàn cảnh éo le của bà cụ như vậy khiến các anh phải tính toán trước khi phá án.

Thượng tá Nguyễn Trần Giang kể rằng, vài tháng trước khi bắt bà Dư, lãnh đạo Công an huyện Đan Phượng nhiều lần  trao đổi với anh, vừa là cơ quan cấp trên trong lĩnh vực đấu tranh tội phạm ma túy, vừa là một điều tra viên cao cấp nhiều kinh nghiệm. Thượng tá Giang phân tích rằng, nếu viện lý do nuôi con, nuôi cháu như vậy để bán ma túy công khai như bà Dư, thì trong xã hội này, nhiều người sẽ làm theo như thế lắm.

Hoàn cảnh của bà Dư, quả là rất đáng thương, song hành vi phạm tội của bà thì cần được ngăn chặn sớm.  Chỉ vì cuộc sống mưu sinh của gia đình mà bà cụ đang tâm phạm tội, gieo rắc cái chết trắng cho con em bao người khác, mà chính bà cũng từng là nạn nhân khi có 2 con trai mắc nghiện ma túy. Không những vậy, bà còn bán ma túy với số lượng lớn, nếu không ngăn chặn sẽ trở thành một tụ điểm ma túy hết sức phức tạp. Còn "hậu" bắt giữ, là trách nhiệm của địa phương trong việc hỗ trợ nuôi dưỡng cô con gái thần kinh của bà Dư và cháu nhỏ.

Thế nhưng, theo Trưởng Công an xã Tân Lập thì trước và sau khi bà cụ Dư bị bắt, Công an xã đã có ý kiến nhưng đến nay, gia đình bà cụ Dư chưa được khoản hỗ trợ nào. "Chỉ sợ bà cụ túng quá, quay lại đường cũ" - Trưởng Công an xã Nguyễn Tiến Lợi thở dài.

Bà cụ Dư bảo rằng, hôm tết vừa rồi, không hiểu vì lý do gì mà bà bị "cắt" không nhận được quà tết dành cho những người trên 80 tuổi. Chuyện học phí của thằng cháu, bà lên xã trình bày để được miễn, người ta bảo bà phải làm đơn. Nhưng bà già rồi, mắt mũi kèm nhèm, chữ cũng không biết thì viết thế nào được. Nghe tôi hỏi về người cháu (con của em gái ruột bà) đang làm chủ tịch xã, bà Dư lặng lẽ chấm nước mắt, không trả lời. Bà chỉ bảo rằng: "Cô có gặp cán bộ ở trên thì nói giúp tôi nhé. Làm sao để trên trợ cấp cho tôi mỗi tháng ít tiền, cho bà cháu tôi đủ ăn. Chỉ cần trợ cấp cho đến lúc bố cháu ra tù, rồi cắt cũng được".

Trước khi ra về, tôi biếu bà Dư chút tiền để mua thức ăn. Bà Dư rối rít cảm ơn: "Lát tôi sẽ đi chợ mua thịt cho thằng Quốc. Hôm trước cũng có một nhà báo đến đây cho tiền, tôi ra chợ mua thịt gà về rang cho cháu ăn. Hôm nay được ăn thịt, thế nào nó cũng lại khoe cô giáo đấy"

 

ANTG
.