Warning: include(/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201203/18831-bui-dem-ha-noi-398544/index.txt): failed to open stream: No such file or directory in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72

Warning: include(): Failed opening '/export/home2/WebData/baocongannghean//phong-su/201203/18831-bui-dem-ha-noi-398544/index.txt' for inclusion (include_path='.:/usr/local/php/lib/php') in /export/home2/WebData/baocongannghean/index.php on line 72
“Bụi” đêm Hà Nội - Báo Công An Nghệ An điện tử
Thứ Năm, 08/03/2012, 14:16 [GMT+7]
18831

“Bụi” đêm Hà Nội

Do đặc thù nghề nghiệp làm phóng viên nên thi thoảng tôi cũng đi "bụi" đêm Hà Nội để có thêm tư liệu viết bài hoặc đơn giản chỉ để ngó nghiêng đây đó, cho đến khi lấy vợ thì thói quen này gần như "tuyệt chủng". Khi đang tìm hiểu nhau thì chuyện bụi đời đêm của tôi đối với bạn gái, vợ tôi hiện nay thì hiển nhiên luôn đó là một niềm tự hào kín đáo với bè bạn "vì đặc thù nghề nghiệp".

Việc các đức ông chồng "xin được visa của vợ" để ra khỏi nhà sau 12 giờ đêm ngày nay luôn cực khó. Rất nhiều người tin rằng đó là hệ quả tất yếu của sự phát triển ồ ạt của khách sạn, của nhà nghỉ bình dân tính tiền theo đơn vị 45 phút và cả "nền văn minh phi vật thể" của công nghệ thông tin Internet với nhan nhản các diễn đàn mạng mọc ra như nấm để bán quảng cáo online kiêm luôn chỗ dành cho chị em bốn phương tố cáo, phân tích, mổ xẻ, trao đổi kinh nghiệm về các hành vi "bất bình thường", cũng như cám dỗ này, cạm bẫy nọ dễ dàng xảy ra đối với đấng mày râu đã trưởng thành của họ.

Chưa có ai đứng ra khảo sát về tâm lý chung đối với các ông chồng hay có việc phải đi đêm để có con số cụ thể nhưng riêng đối với cá nhân tôi thì thấy điều đó thật đáng lo ngại.  Nhưng lại cũng nhờ Internet khi được tòa soạn giao viết gì đó về cuộc sống  về đêm Hà Nội đã giúp tôi tiếp cận được một số thông tin, một vài địa điểm hấp dẫn để có thể tự tin bắt đầu ra đường một đêm cuối tuần mùa đông sau nhiều năm "lạc hậu" với nghề.

Nhà hàng tầng trệt khách sạn H. (Giảng Võ) là một điểm khá tiếng tăm vì đồ ăn ngon miệng luôn chật khách với hạng dân chơi đêm có đông tiền và ít sốt ruột, bởi chỉ gọi vài đồ ăn đơn giản thời gian chờ đợi được phục vụ ít nhất cũng 30 phút. Chỉ cần nhìn bãi đỗ xe trước sảnh về đêm luôn chật kín, tràn lan các loại xế hộp hạng sang tiền tỷ, nhiều nhiều tỷ cũng đủ mủi lòng ứa nước mắt người lao động chân chính. "Bến đỗ" này là nơi tập trung hầu hết các dân chơi sành sỏi "tan ca" sàn nhảy, vũ trường khắp chốn Hà thành.

Đang lớ ngớ tìm chỗ ngồi giữa la liệt hàng trăm khách ẩm thực là nam thanh nữ tú quần áo túi sắc đồ hiệu thì tôi chợt bị một gã cùng phố biết nhau từ nhỏ thành đạt bằng nghề cầm cố tài sản mà hắn hay sang trọng giới thiệu là "cho thuê tài chính" lôi tuột về bàn hắn ngồi. Ừ thì tặc lưỡi gác sĩ diện sang một bên chả mấy khi có cơ hội được tiếp cận dù rằng tôi hơi bị lệch tông vì quanh chiếc bàn ăn xoay kiểu Trung Hoa đến cả chục gã "hảo hán" áo quần bảnh chọe không che nổi vết xăm trổ lòi lên tận cổ đang mải miết "chém gió", trên bàn ngồn ngộn đồ ăn Tàu nhiều chất béo kèm theo những câu chuyện sặc mùi tiền.

Tay chủ tiệm cầm đồ là chủ xị giới thiệu tôi loanh quanh cho đám bằng hữu nhừa nhựa say, trong đó có hai vị "cấp bậc" đàn anh vừa mãn hạn cải tạo tít trong miền Trung được đám em út đưa đi chơi "giải ngố" một mạch từ ngày về giáp Tết Nguyên đán.

Được một lát thì bàn kế bên ùa vào là dăm cô gái trẻ tóc tai trông như những ngôi sao bên phương Tây cũn cỡn hở hang thiếu trên thiếu dưới ngày mùa đông. Cả bàn tay chơi giang hồ tôi đang ngồi chợt im phắc chuyện "đâm tám chém chín" đồng loạt ngó sang, dăm gã tủm tỉm cười. Ông chủ "cho thuê tài chính" lẳng lặng ngoắc tay một em ra dáng đàn chị nhất sang thỉnh vấn. Hắn chả nói chả rằng dí vào tay "tiểu nữ mong manh" chiếc điện thoại Vertu có giá cả chục ngàn đô của gã, bốn ánh mắt thoáng gặp nhau trong tích tắc và "khớp lệnh". Cô gái tự giác bấm số điện thoại của mình nháy máy sang rồi kính cẩn hai tay trả lại chiếc điện thoại rút lui về vị trí. Hắn hất hàm về phía đó rồi hỏi tôi: "Sau đây ông đi chơi với tôi nhỉ?", tôi bẽn lẽn thoái thác đổ tội cho bệnh đau đầu bẩm sinh.

Trong câu chuyện hắn cho tôi biết đó là những gái gọi hạng sang thi thoảng vẫn giáp mặt tại vũ trường, quán bar, tiện thì "vợt" luôn mời khách. Nơi đây cũng là "trạm trung chuyển" khá phổ biến cho những giao dịch "sung sướng" cuối ngày kiểu như vậy. Sáng hôm sau vui vẻ khỏe mạnh thì đưa nhau đi ăn sáng như tình yêu rồi đường ai nấy đi không thì "bo" thêm vài trăm ngàn cho các em tự túc đi taxi về.

Những tay tổ lái hút cần sa đêm.

Những chốn ăn chơi đêm đắt đỏ dạng như vậy tuy phức tạp về nhiều thành phần từ giang hồ có tiền cho đến dân chơi nhà giàu thứ thiệt nhưng được cái ít va chạm, nếu có thì cũng xuề xòa một lúc là xong ngay. Phải chăng những kẻ yêu thích "bộ môn bụi đêm" có nhiều tiền thì họ hiểu giá trị hưởng thụ cuộc sống hơn bình thường nên lười và ngại chuyện dạy cho những kẻ ngang hạng bài học thể lực? Khác hẳn với một số tụ điểm ăn đêm bình dân khách là dân chơi mới lớn, đua xe, giang hồ tứ xứ vác ghế vụt nhau sứt đầu mẻ trán đều như cơm bữa, ví dụ như khu vực Tống Duy Tân, Trần Phú, Đê La Thành...

Tại nhà hàng ăn đêm H. này ầm ỹ nhất cách đây vài năm có một vụ va chạm nhỏ giữa một thanh niên B.A. khét tiếng ăn chơi đất Hà Nội và một vị đại gia xây dựng đứng tuổi nhà gần đó ra ăn đêm. Vị đại gia nọ do gần nhà nên mặc nguyên bộ đồ ngủ, chân lẹt quẹt dép lê đi bộ ra ngồi ăn cùng bàn anh bạn già nói chuyện phiếm... tiền tỉ. Tay chơi B.A. hóng chuyện ngó sang nhìn bộ dạng ông cụ rồi cười khẩy, không ngờ ông cụ cũng không vừa chỉ mặt mắng luôn: "Mày biết tao là ai không mà hỗn?". B.A ngà ngà say cười hô hố vỗ ngực thùm thụp vừa trêu vừa hỏi vặn lại: "Thế ông có biết tôi là ai không? Tôi là con ông Giời đây".

Thế là to chuyện, ông cụ thấp bé nhẹ cân xô bàn nhao sang túm cổ gã trẻ trâu cao đến một mét tám mươi, hắn hẩy nhẹ một cái vị đại gia ngã chổng kềnh rạn xương sườn. Tay quản lý sợ xanh mắt lao vào can đôi bên thì B.A cùng đám bạn cũng kịp đứng dậy bỏ đi. Đại gia nhiều tuổi thì gọi con trai tới chở đi báo cơ quan công quyền, sử dụng triệt để các mối quan hệ. Sau hai ngày điều tra, hóa ra cụ thân sinh dân chơi B.A là bạn học thời niên thiếu của vị đại gia nọ, thiếu gia B.A được dịp ngồi tập viết trước "cựu đối thủ" và thân mẫu bản kiểm điểm xin lỗi bác tội vô lễ với người lớn, đúng là họa vô đơn chí.

Những pha bốc đầu nguy hiểm.

Khác hẳn về văn hóa của những kẻ rủng rỉnh nơi đây thì vài quán nước chè đêm đầu Hàng Đào, quanh đài phun nước hồ Hoàn Kiếm thì lại là một thế giới hoàn toàn khác. Mặc dù có rất nhiều quán "bụi" nhưng hai quán nước chè mạn tiếng tăm thuộc về hai "pho sử sống" về dân chơi giang hồ Hà Nội là U Thọ và Hòa Mực. Gọi là "pho sử sống" giang hồ không ngoa bởi chỉ cần hỏi bất kỳ một đối tượng lưu manh cộm cán hay tay "tổ lái" Hà Nội nào thời kỳ từ những năm 1993 đến đương đại hiển nhiên hai nữ chủ quán vỉa hè này đều biết tất thảy, kể lại điển tích làu làu như ai mê chưởng thuộc truyện Kim Dung.

Chính vì hay chuyện nên những quán nước này lúc nào cũng tấp nập thanh niên "bụi" đêm lê la trên những miếng xốp thay ghế ngồi há mồm nghe các "u" tán chuyện, đứng dậy là vài chục ngàn tới cả trăm ngàn cho bao thuốc với vài cốc nhựa cáu bẩn nước trà loãng. Tôi mò ra lúc 11 giờ đêm, U Thọ tuy không nhớ tên nhưng chỉ mặt mắng ngay: "Thằng này đi đâu 17 năm tao mới thấy mặt?", tôi nhẩm tính ngày nhà còn gần đó rồi chuyển đi hay ra ngồi hóng hớt nơi đây đúng lần cuối năm 1995.

Do tôi đi chiếc xe gắn máy dạng "khùng khoằm" khác người lại có sự quen biết "u" chủ quán nên không khó khăn lắm ngồi tán dóc, bắt chuyện với vài tay "tổ lái" đang ngồi hút cần sa sòng sọc bằng ống điếu góc vỉa hè này. Dân chơi xịn thường hay miệt thị gọi đám "tổ lái" ít tiền bụi đêm là "mấy thằng chọi", chúng như đồng phục đầu tóc lẫn xe máy đều "độ" xanh đỏ, không mũ bảo hiểm, chân xỏ xăng đan nhựa Nike, mặt mũi ngổ ngáo, đi đường thi thoảng lại beng một cái là chênh vênh biểu diễn đi một bánh, kể cả là kẹp ba. Môi trường đêm hôm là thời điểm lý tưởng để các bạn "chọi" tụ tập ra đường kiếm quãng đường rộng vắng như Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt... dạy nhau và tập luyện đi một bánh, thuật ngữ là "wheelie" hay dân dã gọi là "bốc đầu" đi  xa cả vài trăm mét như xiếc. Thi thoảng gặp cảnh sát cơ động thì bỏ chạy tán loạn như ong vỡ tổ.

Ngồi tán chuyện chán, tôi xách xe đi theo "tham quan" đám "tổ lái" mới quen. Cả nhóm "chọi" kéo nhau ra cây xăng chia tiền đều mỗi đứa đổ vài chục ngàn là hết ngân quĩ rồi lên đường tìm niềm vui đêm. Hầu như tất cả những người đi đường đều dễ dàng có thể trở thành trò đùa của đám "tổ lái" này. Gặp người đứng tuổi đi về muộn là cả đám ra ám hiệu từ xa cắt côn nhẹ nhàng trờ tới bên cạnh gào lên đồng thanh: "Cháu chào bác" làm nạn nhân giật mình loạng choạng, cả lũ cười rú lên rồ ga mất hút.

Có hai mẹ con đèo nhau, cô con gái mới lớn khá xinh xắn ngoan ngoãn ngồi sau thì như một kịch bản quen thuộc, hai xe bốn ông "chọi" ngổ ngáo nhìn đã thấy ớn chạy ngang hàng lễ phép cúi đầu chào vị phụ huynh rồi hỏi thăm chuyện học hành bạn gái nọ. Cô gái ngồi sau biết là bị trêu im thin thít cúi gằm mặt, chúng lại tiếp màn kịch hư hỏng: "Chúng cháu xin phép bác bọn cháu đi trước". Vị phụ huynh tưởng bạn của con lịch sự chào lại, chỉ chờ có vậy, nhất loạt các xe gắn máy gào rú chồm lên "bốc đầu" trong nét mặt hoảng hốt của hai nạn nhân. Có lẽ khi về nhà cô gái nọ sẽ phải thanh minh rất nhiều với phụ huynh về "mối quan hệ bạn bè" đầy oan uổng, nghi vấn.

Đáng dị nhất là, trời rét căm căm nhưng những thú vui bệnh hoạn với tốc độ như làm ấm những kẻ mới lớn phong phanh manh áo gió. Gặp vài người thợ săn chuột đêm trong phố cổ chúng cũng xúm lại chửi thề dọa nạt "ai cho bắt chuột nhà tao". Đáng lên án nhất là những trò chơi mua vui rất phổ biến của số đông đám "tổ lái" bụi đêm say cần sa này là trò đi ngang hàng thò tay giật khóa xe của người đi đường rồi ném vù đâu đó, đi tìm chìa khóa trong bóng đêm hoặc lũi cũi dắt xe về nhà  một mình quả là một cực hình đối với những nạn nhân của trò chơi ác ý này.

Lang thang chán chúng chia nhau ra ga tàu đứng tán phét hút thêm vài điếu cần sa rồi dựng xe giả làm xe ôm, khách tỉnh xuống tàu chúng nói giá rẻ như cho, thế là lại có người thật thà mắc bẫy. Cả đám chở người lạ đô thị cả tin lên xe phóng bạt mạng một mạch lên giữa cầu Vĩnh Tuy rồi thả họ ở đó. Trước khi giải tán với những kẻ hiếu động vô văn hóa, tôi phải giơ cả thẻ nhà báo để chứng minh, để năn nỉ mãi một bác quê Nghệ An bị chúng vứt giữa cầu lên xe tôi chở về nhà người họ hàng…

Tất nhiên, đó chỉ là một mảng màu, rất tối, của cuộc sống đêm Hà Nội. May mắn thay, nhìn chung, đêm Hà Nội vẫn còn đúng như nhiều áng văn chương trong quá vãng, vẫn còn nhiều nét đẹp. Phố vào đêm dù khuya mấy vẫn còn người qua lại, vẫn còn những âm thanh của cuộc sống mưu sinh. Hà Nội dường như không bao giờ ngủ. Tôi vẫn thích được tiếp tục hòa vào dòng người qua lại, được sống trong nhịp điệu đêm Hà Nội.

Đêm Hà Nội rất lãng mạn và quan trọng hơn cả là đường sá hóa thênh thang. Tôi chợt liên tưởng tới một vị bộ trưởng trẻ trung nhưng vẫn là khả kính và mong rằng vị ấy đừng đi "vi hành" đêm Hà Nội nếu không chợt một ngày nào đó có thể xuất hiện kiến nghị đề xuất đổi giờ cho một nửa cán bộ, học sinh, sinh viên đi học đi làm đêm để giảm ùn tắc giao thông, điều đó thật không may mắn đối với rất nhiều người dân nếu chúng ta "không may" phải đi làm hay đưa con đến trường trúng múi giờ này cho dù những con đường trước mặt có thênh thang và đẹp đến dường này


ANTG
.