Thứ Ba, 23/04/2024, 15:15 [GMT+7]

Công dân không bắt buộc đổi CCCD gắn chíp thành căn cước

(Congan.nghean.gov.vn)-Luật Căn cước được Quốc hội khoá XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6, có hiệu lực từ ngày 01/7/2024. Với việc đổi tên gọi từ Luật Căn cước công dân (CCCD) sang luật Căn cước, thẻ CCCD cũng sẽ có tên gọi mới là thẻ căn cước.

Công an Nghệ An làm thủ tục cấp CCCD cho người dân
Công an Nghệ An làm thủ tục cấp CCCD cho người dân

Việc đổi tên thẻ CCCD thành thẻ căn cước để bảo đảm tương đồng với thông lệ quốc tế (nhiều nước trên thế giới cũng đang sử dụng thẻ căn cước - Identity Card). Việc thay đổi tên thẻ cũng để bảo đảm tính phổ quát, tạo tiền đề cho hội nhập quốc tế, việc thừa nhận, công nhận giấy tờ về căn cước giữa các nước trong khu vực và trên thế giới; hạn chế việc phải sửa đổi, bổ sung luật khi Việt Nam có ký kết thỏa thuận với các quốc gia khác để sử dụng thẻ căn cước thay cho hộ chiếu trong việc đi lại giữa các quốc gia (ví dụ như đi lại trong khối ASEAN). Hiện nay, thẻ căn cước được thiết kế tuân thủ theo tiêu chuẩn chung của ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế) về tổ chức lưu trữ, khai thác thông tin trên chíp điện tử; thẻ có tính bảo mật cao, tiến tới thuận lợi cho người dân trong việc bảo quản, sử dụng trên trường quốc tế.

Luật Căn cước quy định rõ, thẻ CCCD đã được cấp trước 01/7/2024 sẽ có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ. Như vậy, người dân có thể yên tâm rằng, nếu đã có thẻ CCCD gắn chip (và vẫn còn hạn sử dụng) thì không cần phải đổi sang thẻ căn cước.

Một số trường hợp bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước, gồm:

- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

- Thẻ CCCD gắn chip hết hạn sau ngày 01/7 (thời hạn in trên mặt trước, góc dưới cùng bên trái của thẻ) thì phải đổi sang thẻ căn cước.

- Luật Căn cước quy định các loại chứng minh nhân dân sẽ có giá trị đến hết ngày 31/12/2024. Sau thời điểm này, người dân bắt buộc phải đổi sang thẻ căn cước.

Ngoài ra, người dân có thể làm thủ tục cấp thẻ căn cước (theo nhu cầu) trong một số trường hợp sau:

- Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi, thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước lần đầu, thông qua người đại diện. Đây là quy định mới tại Luật Căn cước so với Luật CCCD, nhằm mở rộng đối tượng được cấp thẻ căn cước.

- Công dân đã có thẻ CCCD gắn chip nhưng muốn đổi sang thẻ căn cước.

- Công dân có thay đổi thông tin về nhân thân, thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính, khi số định danh cá nhân được xác lập lại...

Cũng theo khoản 2, Điều 24 Luật Căn cước quy định, các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm: Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này; được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.

Khi người dân đến làm thẻ căn cước mới, đến cấp đổi lại thẻ căn cước theo nhu cầu thì cơ quan quản lý sẽ thu thập thông tin về dữ liệu mống mắt bằng thiết bị chuyên dụng để làm giàu dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu Căn cước, tại Điều 23 Luật Căn cước quy định trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước:

- Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên:

Bước 1: Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của Luật Căn cước.

Bước 2: Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước.

Bước 3: Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước.

Bước 4: Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước.

Bước 5: Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người cần cấp thẻ căn cước phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

Với trẻ em dưới 6 tuổi

Khi trẻ dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh: Thực hiện liên thông với thủ tục đăng ký khai sinh trên Cổng dịch vụ công/ứng dụng định danh quốc gia VNeID/trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước.

Lưu ý: Đối tượng này không phải thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học.

Với trẻ em từ đủ 06 - dưới 14 tuổi:

Đối tượng này đến trực tiếp cơ quan quản lý căn cước cùng với người đại diện hợp pháp để thực hiện các thủ tục thu nhận thông tin nhận dạng và thông tin sinh trắc học.

Việc thực hiện thủ tục do người đại diện hợp pháp thực hiện.

- Thời hạn giải quyết: 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo Điều 26 Luật Căn cước năm 2023.

- Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước:

Đội quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an huyện, thành phố và Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội tỉnh chịu trách nhiệm quản lý căn cước của Công an tỉnh nơi công dân cư trú làm nhiệm vụ tiếp nhận thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý Căn cước quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 27 tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân...

Từ ngày 01/7/2024, công dân sẽ có căn cước điện tử. Luật cũng đã bổ sung quy định thu nhận thông tin sinh trắc học mống mắt đối với công dân từ đủ 06 tuổi trở lên khi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện…

 Mống mắt mang lại lợi ích gì khi làm thẻ căn cước?

Thu thập thông tin mống mắt để làm cơ sở đối soát, xác thực thông tin của mỗi cá nhân; hỗ trợ trong những trường hợp không thu nhận được vân tay của một người (các trường hợp khuyết tật, vân tay bị biến dạng…). Theo cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, thực tiễn khoa học hiện nay đã chứng minh cùng với vân tay, mống mắt của một người có cấu trúc đường vân phức tạp và duy nhất đối với mỗi người, không thay đổi nhiều theo thời gian. Công nghệ nhận diện mống mắt (công nghệ cảm biến mống mắt) hiện đã được ứng dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Công nghệ này có độ chính xác cao, đơn giản, dễ sử dụng, không cần thao tác phức tạp…

.

Phạm Thủy