PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Dự thảo Thông tư quy định về tài liệu bảo an
Ảnh minh họa. |
Trong những năm qua, các lực lượng chức năng trên cả nước phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng làm giả tài liệu, giấy tờ của cơ quan Nhà nước với quy mô lớn, như: làm giả con dấu, căn cước công dân, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, văn bằng chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, giấy chứng minh công an nhân dân, thẻ đảng viên…Loại tội phạm này ngày càng tinh vi, sử dụng nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại để làm giả các tài liệu, giấy tờ, con dấu của các cơ quan, tổ chức. Phần lớn các đối tượng tự thực hiện các công đoạn từ chế tạo các loại phôi đến chữ ký, con dấu của các cơ quan có thẩm quyền.
Hiện nay, các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an gặp khó khăn trong công tác điều tra, giám định các loại tài liệu bảo an bị làm giả do chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định về thiết kế, chế tạo, sản xuất tài liệu bảo an.
Vì vậy, việc xây dựng Thông tư quy định về tài liệu bảo an là cần thiết để phòng, chống hiệu quả việc làm giả các loại tài liệu bảo an.
Theo đó, dự thảo Thông tư quy định về hoạt động thiết kế, chế tạo, sản xuất tài liệu bảo an, bảo mật, cung cấp, sao, chụp, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, mang ra khỏi nơi lưu giữ, tiêu hủy thông tin dấu hiệu bảo an; chế độ thông tin, báo cáo; kiểm tra, giám sát và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến tài liệu bảo an phục vụ công tác Công an.
Tài liệu bảo an được thiết kế, chế tạo, sản xuất bằng phương tiện, kỹ thuật, công nghệ có chứa dấu hiệu bảo an riêng biệt để chống sao chép, làm giả
Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng quy định nguyên tắc thiết kế, chế tạo và sản xuất tài liệu bảo an phải bảo đảm hợp pháp, đúng thẩm quyền, nhiệm vụ được giao; bảo mật thông tin thiết kế, chế tạo, sản xuất tài liệu bảo an; bảo đảm khả thi, tiết kiệm, hiệu quả, khó làm giả, sao chép và bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, không dùng chung thiết kế mẫu cho các tài liệu khác nhau.
Việc cung cấp, sao chụp thông tin dấu hiệu bảo an phải được sự đồng ý bằng văn bản của Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương có tài liệu bảo an. Tài liệu bảo an được lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, lưu hành và tiêu hủy thông tin dấu hiệu bảo an thực hiện theo quy định về tài liệu mật của Nhà nước.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 60 ngày kể từ ngày đăng (nội dung chi tiết xem tại tệp đính kèm). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an