PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT

Đề xuất quy định việc áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử làm tiêu chuẩn chung cho các giao dịch trên môi trường điện tử

15:15, 30/05/2023 (GMT+7)
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 30/5/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội, Đại tá Trần Thị Thu Phước, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum đã có nhiều ý kiến phát biểu tâm huyết.
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn.
Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn.

Luật Giao dịch điện tử đóng vai trò quan trọng đối với quản lý xã hội trong thời kỳ mới, nên việc sửa đổi luật cho phù hợp với điều kiện thực tế là rất cần thiết để làm thông thoáng thủ tục trong môi trường pháp lý. Đại biểu Trần Thị Thu Phước cũng cho biết, thời gian qua, các hình thức tội phạm lợi dụng giao dịch điện tử ngày càng đa dạng và tinh vi như lừa đảo, gian lận trên không gian mạng thông qua mạng xã hội, qua các ứng dụng thanh toán điện tử, nền tảng thương mại điện tử, qua các trang web giả mạo, hệ thống máy tính bị xâm nhập, hành vi rửa tiền ..... Các hành vi tội phạm này không chỉ gây thiệt hại về tài chính cho người dân và doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến uy tín và niềm tin của người dân đối với giao dịch trên môi trường điện tử.

Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu, chỉnh lý và quy định rõ ràng về các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, cũng như quy định về trách nhiệm của các bên tham gia giao dịch điện tử. Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lợi dụng giao địch điện tử để thực hiện các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, theo Đại biểu Trần Thị Thu Phước, cần bổ sung thêm các quy định về trách nhiệm của các nhà cung cấp nền tảng trung gian trong việc kiểm soát và loại bỏ các nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng số; trách nhiệm, quyền hạn cụ thể của các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc giám sát và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử theo lĩnh vực, địa bàn được phân công.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước tham gia phát biểu tại Kỳ họp.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước tham gia phát biểu tại Kỳ họp.

 Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06), lực lượng Công an đã giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng, quản lý và sử dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử, là nền tảng để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Đồng thời, cũng đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai các ứng dụng và hệ sinh thái số liên quan, đảm bảo tính thống nhất, liên thông, an toàn và bảo mật thông tin. Theo Báo cáo của Chính phủ, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 03 doanh nghiệp viễn thông và EVN, bảo đảm “đúng, đủ, sạch, sống”.

Với những kết quả đã đạt được như trên, theo Đại biểu Trần Thị Thu Phước, nên quy định việc áp dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an làm tiêu chuẩn chung cho các giao dịch trên môi trường điện tử, trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Việc khuyến khích sử dụng hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an đối với người dân và doanh nghiệp khi thực hiện giao dịch điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả và an toàn của các giao dịch; tránh sự phức tạp và lãng phí trong việc quản lý và sử dụng các phương thức xác thực điện tử khác nhau của các bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, cần có quy định để thiết lập các biện pháp kiểm soát, giám sát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo mật thông tin cá nhân trong giao dịch điện tử; quan tâm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, thiết bị, phần mềm và nhân lực để đảm bảo hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an hoạt động ổn định, liên tục và an toàn.
 
Ngoài ra, để dự thảo Luật được hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với định hướng chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số; bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06, Đại biểu Trần Thị Thu Phước cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý khoản 3 Điều 4 dự thảo Luật theo hướng bổ sung cụm từ “định danh và xác thực điện tử” vào sau cụm từ “chữ ký điện tử”. Qua đó, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các giao dịch trên môi trường điện tử, đảm bảo giá trị pháp lý của giao dịch, tạo thuận lợi cho người tham gia giao dịch lựa chọn phương tiện định danh và xác thực điện tử phù hợp với nhu cầu và khả năng của mình. 

TIN LIÊN QUAN

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an

Các tin khác