PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khắc phục những hạn chế, bất cập về phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008
Theo đó, về những nội dung cụ thể của dự thảo Luật, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, nhiều đại biểu Quốc hội đã góp ý về nội dung của các chương, điều, khoản, kết cấu của dự thảo Luật; nhiều đại biểu quan tâm đến những quy định mới như điểm của giấy phép lái xe, đấu giá biển số xe ô tô. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các bộ, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chỉnh lý nội dung chi tiết của dự thảo Luật, như: Phạm vi điều chỉnh, các hành vi bị nghiêm cấm, quy tắc giao thông, điều kiện phương tiện tham gia giao thông và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, tổ chức chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết tai nạn giao thông, tuần tra, kiểm soát, ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; chỉnh lý lại kết cấu của các chương, điều cho hợp lý và khoa học hơn.
So với dự thảo Luật trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10, dự thảo hiện tại không quy định về hình thức cấp biển số xe ô tô thông qua đấu giá, do liên quan đến các quy định về quyền sở hữu tài sản của người dân, Bộ Công an đã báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô, thi hành từ ngày 01/7/2023 và được thực hiện trong 03 năm.
Một trong những lý do cần thiết ban hành Luật, Chính phủ cho rằng Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ khắc phục những hạn chế, bất cập về phạm vi điều chỉnh của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ ra quân tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. |
Thực tiễn cho thấy an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực rất lớn, mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau, nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện. Trong đó, an toàn giao thông thuộc lĩnh vực trật tự, an toàn xã hội; xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ thuộc lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, liên quan đến đầu tư, quản lý tài sản, kinh doanh và tuân theo quy luật thị trường.
Chính phủ cũng nghiên cứu ý kiến việc xây dựng luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ thì có xây dựng luật về các lĩnh vực đường thuỷ, đường sắt, đường không và đường hàng hải hay không và thấy rằng tai nạn giao thông đường bộ phức tạp nhất, chiếm 97% các vụ so với các loại hình giao thông khác, tính chất điều khiển an toàn tham gia giao thông, mật độ giao thông khác nhau và liên quan trực tiếp, hàng ngày với từng người dân nên ưu tiên nghiên cứu xây dựng luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trước…Nếu tiếp tục thực hiện Luật Giao thông đường bộ hiện hành thì không giải quyết được tận gốc các tồn tại nêu trên, sẽ có quá nhiều điều luật, khó quy định đầy đủ, rõ ràng, cụ thể các chính sách, không phù hợp về phạm vi, đối tượng điều chỉnh và tên của luật.
Về tên gọi của dự thảo Luật, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị đổi tên Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thành “Luật An toàn giao thông đường bộ”, “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ”, “Luật Quản lý trật tự, an toàn giao thông đường bộ”. Nhiều đại biểu đề nghị đổi tên Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành “Luật Đường bộ” hoặc “Luật Hạ tầng và vận tải đường bộ”.
Chính phủ nhận thấy đổi tên Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ thành “Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ” là phù hợp với phạm vi, đối tượng, điều chỉnh và mục tiêu của Luật này, đó là bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tham gia giao thông, duy trì, bảo đảm trạng thái trật tự, kỷ cương, nề nếp tham gia giao thông. Đổi tên Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thành “Luật Đường bộ” là phù hợp với phạm vi, đối tượng điều chỉnh và mục tiêu của Luật là đầu tư, phát triển, quản lý kết cấu hạ tầng (bao gồm an toàn chất lượng đường sá, an toàn kỹ thuật phương tiện) và kinh doanh vận tải đường bộ, bởi nếu để cụm từ “giao thông” sẽ bao gồm sự đi lại, như vậy sẽ phải có các chế định tương ứng trong luật như quy tắc giao thông, người và phương tiện tham gia giao thông…, dẫn đến sự trùng lặp, chồng chéo với phạm vi điều chỉnh của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an