PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT
Lấy ý kiến về quy định công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong Công an nhân dân
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ. |
Dự thảo Thông tư này quy định về đối tượng, nội dung, thời gian, hình thức huấn luyện; tiêu chuẩn cán bộ huấn luyện; kế hoạch, chương trình, tài liệu, giáo án huấn luyện; kiểm tra đánh giá kết quả huấn luyện; điều kiện bảo đảm phục vụ công tác huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) của lực lượng CAND. Áp dụng đối với lãnh đạo, chỉ huy, cán bộ, chiến sĩ thuộc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH.
Theo đó, tiêu chuẩn cán bộ huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy, CNCH là người có trình độ trung cấp phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và CNCH trở lên và có một trong các điều kiện sau:
- Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm làm công tác nghiên cứu, tham mưu, hướng dẫn về nghiệp vụ chữa cháy và CNCH hoặc là lãnh đạo cấp phòng và tương đương trở lên thuộc Cục Cảnh sát PCCC & CNCH;
- Là giảng viên hoặc lãnh đạo Khoa, Phòng và tương đương thuộc Trường Đại học PCCC;
- Có ít nhất 03 năm kinh nghiệm thực hiện nhiệm vụ chữa cháy và CNCH hoặc chỉ huy cấp đội và tương đương trở lên thuộc Công an cấp tỉnh.
Dự thảo Thông tư quy định có 5 đối tượng huấn luyện, gồm: Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH (Đối tượng 1); Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phụ trách công tác PCCC & CNCH nơi có Đội Cảnh sát PCCC & CNCH trực thuộc đã được trang bị xe chữa cháy (Đối tượng 2); Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Công tác chữa cháy và CNCH; Đội Cảnh sát PCCC & CNCH khu vực, Đội Cảnh sát PCCC & CNCH trên sông thuộc Phòng Cảnh sát PCCC & CNCH; Đội trưởng, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC & CNCH thuộc Công an cấp huyện đã được trang bị xe chữa cháy (Đối tượng 3); Cán bộ, chiến sĩ chữa cháy và CNCH (Đối tượng 4); Lái xe, tàu, xuồng, ca nô chữa cháy; lái xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy (Đối tượng 5).
Nội dung huấn luyện gồm có Huấn luyện lý thuyết và Huấn luyện thực hành. Trong đó, huấn luyện lý thuyết các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chữa cháy và CNCH; Chiến thuật, kỹ thuật chữa cháy và CNCH.
Huấn luyện thực hành gồm có: Huấn luyện thể lực; Huấn luyện kỹ thuật cá nhân chữa cháy và CNCH; Huấn luyện thao tác, sử dụng, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện, thiết bị chữa cháy và CNCH; Huấn luyện đội hình chữa cháy, đội hình CNCH; Huấn luyện chiến thuật xử lý tình huống cháy đối với một số loại hình cơ sở, công trình, phương tiện giao thông; Huấn luyện chiến thuật xử lý tình huống đối với một số loại hình sự cố, tai nạn; Huấn luyện thực tập phương án chữa cháy, phương án CNCH đối với một số tình huống cụ thể.
Ngoài ra, Dự thảo cũng quy định tập thể, cá nhân huấn luyện không đạt yêu cầu và thủ trưởng đơn vị có kết quả huấn luyện không đạt yêu cầu bị xem xét hạ 01 bậc danh hiệu thi đua trong năm. Đơn vị không tổ chức huấn luyện bị xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm, đồng thời hạ 02 bậc danh hiệu thi đua đối với cấp trưởng và cấp phó trực tiếp phụ trách công tác chữa cháy và CNCH; cán bộ, chiến sĩ bỏ huấn luyện không có lý do bị kỷ luật bằng hình thức Khiển trách.
Toàn văn dự thảo Thông tư được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp trong thời gian 02 tháng kể từ ngày đăng (nội dung chi tiết xem tại tệp đính kèm). Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể xem toàn văn dự thảo và tham gia đóng góp ý kiến tại đây.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an