Diễn đàn pháp luật
Hiệu quả công tác điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh
(Congannghean.vn)-Sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã mang lại những hiệu quả tích cực. Nó không chỉ cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người tham gia điều trị, làm giảm tình trạng sử dụng ma túy, vi phạm pháp luật, lây nhiễm HIV trong cộng đồng mà còn góp phần ổn định tình hình ANTT tại địa phương.
Đoàn công tác liên ngành Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm làm việc với lãnh đạo Sở Y tế |
Theo số liệu mới nhất, toàn tỉnh có 6.823 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, đây là nhóm người có nguy cơ chính và có tác động lớn đến dịch HIV/AIDS. Trong thời gian gần đây, tình trạng sử dụng ma túy tổng hợp có xu hướng tăng, các loại ma túy tổng hợp xuất hiện, du nhập trên địa bàn ngày càng nhiều. Nghệ An cũng là địa phương có số người nhiễm HIV đứng thứ 6 cả nước; Tính đến ngày 30/9/2019, có 21/21 huyện, thành, thị; 449/480 xã/phường (chiếm tỉ lệ 93%) có người nhiễm HIV/AIDS.
Chương trình Methadone được triển khai tại Nghệ An từ tháng 9/2012 với cơ sở đầu tiên tại Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS. Tính đến ngày 30/9/2018, toàn tỉnh đã có 12 cơ sở điều trị, 16 cơ sở cấp phát thuốc đi vào hoạt động và 3 cơ sở đang triển khai sắp đi vào hoạt động. Các cơ sở điều trị được triển khai đa dạng theo nguyên lý lồng ghép tối đa với các cơ sở y tế nhằm tạo thuận lợi nhất để người bệnh tiếp cận, uống thuốc hàng ngày. Tính đến ngày 31/10/2019, tổng số bệnh nhân đăng ký tham gia điều trị là 3.427 người. Lũy tích tổng số bệnh nhân được điều trị là 2.861 người (đạt 84% so với chỉ tiêu Chính phủ giao) và tổng số bệnh nhân hiện đang điều trị là 978 người (đạt 29% so với chỉ tiêu Chính phủ giao).
Qua nghiên cứu đánh giá năm 2018 cho thấy, hành vi sử dụng ma túy trong số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone đã giảm sử dụng ma túy dạng thuốc phiện sau 24 tháng điều trị xuống còn 15,8%, sau 36 tháng điều trị là 6,8%. Tần suất bệnh nhân sử dụng chất dạng thuốc phiện giảm rõ rệt (từ 3 - 5 lần/ngày trước khi điều trị, xuống còn 2 - 3 lần/tháng sau 4 tuần điều trị. Việc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone cũng đã góp phần làm giảm hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Cụ thể, tỉ lệ sử dụng hêrôin bằng đường tiêm chích từ 94,4% khi bắt đầu điều trị, sau 18 tháng điều trị xuống còn 0,3%; tỉ lệ sử dụng chung bơm kim tiêm trong tiêm chích ma túy từ 27,8% sau 12 tháng điều trị xuống còn 0,3 %.
Bên cạnh đó, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân sau khi tham gia điều trị Methadone được cải thiện rõ rệt: 100% số bệnh nhân tăng cân ngay trong 3 tuần đầu của liệu trình điều trị. Trong quá trình điều trị không có bệnh nhân xuất hiện triệu chứng quá liều do dùng thuốc Methadone; không có bệnh nhân xuất hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng. Đa số bệnh nhân có cải thiện về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như chất lượng cuộc sống sau một thời gian điều trị. Không những thế, hành vi vi phạm pháp luật của bệnh nhân giảm rõ rệt: Giảm từ 47,5% trước khi tham gia điều trị xuống chỉ còn 4,1% sau 12 tháng điều trị. Hành vi vi phạm pháp luật, mâu thuẫn trong gia đình ở bệnh nhân trước và sau khi tham gia điều trị Methadone giảm từ 44% xuống còn 3%; đặc biệt, tỉ lệ bệnh nhân không có việc làm giảm từ 30,4% xuống còn 6,9% sau 12 tháng điều trị.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực mang lại, quá trình triển khai thực hiện, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Trong đó, nhận thức của một số người nghiện các chất dạng thuốc phiện còn hạn chế, do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chưa dám đến đăng ký điều trị; đồng thời tỉ lệ bỏ điều trị còn cao. Sự hiểu biết về lợi ích của người dân, cộng đồng và xã hội về điều trị thay thế thuốc Methadone cho người nghiện còn hạn chế nên nhiều người dân, tổ chức, ban, ngành, đoàn thể chưa quan tâm đến chương trình Methadone. Bên cạnh đó, sự kỳ thị, phân biệt đối xử còn nặng nề nên người nghiện, người thân người nghiện chưa tự giác công khai tình trạng của mình, từ đó không dám tiếp cận với dịch vụ điều trị Methadone.
Ngoài ra, Nghệ An là tỉnh rộng, địa hình phức tạp, là tỉnh trọng điểm về ma túy, có số người nghiện ma túy cao, tình trạng sử dụng ma túy diễn biến phức tạp. Hiện nay chưa cấp ngân sách cho đối tượng chính sách tham gia điều trị thay thế nên gặp nhiều khó khăn, do đó ảnh hưởng đến việc triển khai, vận hành các cơ sở điều trị và điểm cấp phát thuốc Methadone trên địa bàn toàn tỉnh. Đặc biệt là chưa có kinh phí mua sắm trang thiết bị triển khai ứng dụng hệ thống quản lý thông tin điều trị Methadone theo Quyết định 240 ngày 19/4/2019 của UBND tỉnh nên chưa ứng dụng và vận hành hệ thống.
Đoàn công tác liên ngành Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, do đồng chí Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an, Phó trưởng Đoàn liên ngành dẫn đầu thăm hỏi, động viên tinh thần bệnh nhân đang điều trị Methadone |
Trước thực trạng nói trên, yêu cầu đặt ra là cần đẩy mạnh công tác truyền thông về lợi ích của chương trình điều trị Methadone trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, mở rộng thêm điểm cấp phát thuốc tại các trạm y tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận dịch vụ điều trị Methadone. Triển khai chương trình điều trị Buprenophine (thuốc viên) tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đi lại khó khăn theo Kế hoạch số 2426 ngày 27/9/2018 của Sở Y tế. Đồng thời, vận động các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm, phối hợp tốt trong công tác truyền thông, hỗ trợ về mọi mặt để người nghiện tại cộng đồng được tiếp cận với dịch vụ điều trị Methadone một cách thuận lợi nhất.
Có thể khẳng định, sau 5 năm triển khai thực hiện, chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone là phương pháp thực sự mang lại hiệu quả rõ nét, góp phần từng bước đẩy lùi tệ nạn ma túy, đảm bảo ANTT trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để chương trình mang tính bền vững hơn nữa, rất cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các ban, ngành, đoàn thể và mỗi địa phương; sự đồng thuận, tham gia ủng hộ của người bệnh, gia đình người bệnh nhằm hướng tới mục tiêu cộng đồng không có tệ nạn xã hội, mọi công dân đều có môi trường sống an toàn, lành mạnh.
Ngọc Anh