Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết thông tin trên tại buổi họp báo tư pháp Quý IV, do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 28/1.
Thời gian qua, hoạt động “tín dụng đen” có biểu hiện gia tăng, gây bức xúc dư luận, lộ rõ bất cập, nhưng các cơ quan tư pháp còn khó khăn trong xử lý, cả về hình sự, hành chính.
Xung quanh vấn đề này, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cho biết, Bộ Tư pháp đã tiến hành nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.
Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: TH. |
Bước đầu, qua rà soát, Bộ Tư pháp nhận thấy, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định chi tiết thi hành đã có nhiều quy định làm cơ sở cho việc hạn chế hoạt động “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi. Trong đó, để kiểm soát các vấn đề liên quan đến cho vay nặng lãi, Điều 468 BLDS năm 2015 quy định cụ thể về mức trần của lãi suất cho vay. Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự tại Điều 201; Nghị định số 167/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chinh đối với hành vi “cho vay tiền có cầm cố tài sản, nhưng lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm cho vay”; xử phạt các vi phạm về quản lý ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự…
Tuy nhiên, qua rà soát, Bộ Tư pháp cũng nhận thấy, quy định về tính mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cho vay tiền có cầm cố tài sản tại Điểm d, Khoản 3, Điều 11 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ không còn phù hợp với quy định về lãi suất cho vay theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015. Mức lãi suất làm căn cứ cho việc xử phạt vi phạm theo quy định của Nghị định này là vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm cho vay, trong khi mức lãi suất quy định tại Bộ luật Dân sự là 20%/năm/khoản tiền vay. Quy định về lãi suất vi phạm theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng chưa điều chỉnh được hết các hành vi vi phạm trong giao dịch cho vay (hiện nay, nhiều trường hợp cho vay không cần cầm cố tài sản, chỉ cần chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ khẩu hoặc giấy tờ tùy thân khác hay hình thức bốc họ…).
Ông Hiển cho hay, thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 167/2013/NĐ-CP để khắc phục những bất cập trên. Hiện nay, Bộ Tư pháp cũng đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về họ, hụi, biêu, phường để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các giao dịch này phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành.