Diễn đàn pháp luật

10 năm thực hiện Luật Phòng, chống bạo lực gia đình: Nhiều chuyển biến tích cực

09:18, 29/09/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Qua 10 năm triển khai thực hiện đã mang lại nhiều kết quả thiết thực trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Trong đó, phải kể đến những chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, cán bộ và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần tích cực đẩy lùi tình trạng BLGĐ, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Các lực lượng diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình
Các lực lượng diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình

Làm tốt công tác tuyên truyền

Theo số liệu thống kê, từ năm 2009 đến hết năm 2017, trên địa bàn tỉnh xảy ra 7.490 vụ BLGĐ; trong đó có 284 vụ bạo lực kinh tế, 1.370 vụ bạo lực thể xác và tinh thần, 239 vụ bạo lực tình dục; đặc biệt có 541 vụ trẻ em và 567 vụ người già là nạn nhân BLGĐ. Trong đó, có nhiều vụ bạo hành để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, với hành vi dã man. Trước thực trạng trên, những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể nhân dân từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc một cách đồng bộ, quyết liệt. UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống BLGĐ, quy định rõ trách nhiệm của các ngành liên quan, UBND các cấp trong việc thi hành Luật.

Xác định tuyên truyền là một trong những nội dung quan trọng của việc triển khai thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ, Ban chỉ đạo (BCĐ) Công tác gia đình tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan thành viên, BCĐ các huyện, thành, thị tiếp tục công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả sâu rộng, BCĐ Công tác gia đình tỉnh luôn đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương trong tỉnh.

Cụ thể, các sở, ban, ngành liên quan thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền về Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới (BĐG); Chiến lược, Chương trình quốc gia và các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác gia đình, phòng, chống BLGĐ, BĐG và trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trong những dịp truyền thông cao điểm như ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống BLGĐ (tháng 6 hàng năm); xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về gia đình, phòng, chống BLGĐ…

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã lồng ghép hoạt động công tác gia đình trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đưa tiêu chí đạt danh hiệu Gia đình văn hóa làm tiêu chuẩn đánh giá, bình xét hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên hàng năm; chú trọng việc biểu dương, nhân rộng mô hình gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong hoạt động công tác gia đình.

Ngoài ra, các sở, ban, ngành đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo, xây dựng các mô hình gia đình, ưu tiên thực hiện các mục tiêu "Gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc"; tuyên truyền các nội dung về Luật BĐG, Luật Phòng, chống BLGĐ, chống tệ nạn xã hội, thương tích trẻ em, xóa bỏ các tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; tọa đàm, nói chuyện chuyên đề, tập huấn, hội thi... nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc.

Từ năm 2008 đến nay, Ban chỉ đạo tỉnh đã tổ chức 4 cuộc thi từ cơ sở đến tỉnh (Hội thi kịch ngắn, kịch vui cấp tỉnh với chủ đề Phòng, chống BLGĐ năm 2009; Hội thi “Gia đình văn hóa và thể thao” năm 2011; tìm hiểu Luật phòng, chống BLGĐ năm 2014; Hội thi gia đình hạnh phúc tổ chức từ cơ sở đến tỉnh vào năm 2016), mỗi cuộc thi thu hút hơn 300.000 lượt người tham gia. Tổ chức 60 cuộc tập huấn cấp tỉnh, biên soạn và phát hành 600 cuốn sổ tay về công tác gia đình; 5.000 cuốn tài liệu tuyên truyền Luật Phòng, chống BLGĐ; cấp phát 1.500 cuốn Luật Phòng, chống BLGĐ, 3.000 cuốn Luật Hôn nhân gia đình; in 6.025 tờ poster, 25.725 tờ rơi tuyên truyền phòng, chống BLGĐ.

Mỗi năm có hơn 480 chuyên mục, 2.200 tin, bài phản ánh về phòng, chống BLGĐ thông qua đài truyền thanh cấp xã, cấp huyện; xây dựng chuyên mục “Nếp sống văn hóa gia đình” phát sóng hàng tuần trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Báo Nghệ An, Tạp chí văn hóa mỗi năm đăng khoảng 500 tin, 350 bài, hơn 190 chuyên mục, hơn 800 ảnh về đề tài gia đình, phòng, chống BLGĐ, tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Hôn nhân gia đình, quyền trẻ em, các vấn đề về gia đình, BĐG, nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức của xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, phòng, chống BLGĐ trong giai đoạn hiện nay.

Cùng với đó, các địa phương trong tỉnh tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ hiệu quả. Tiêu biểu như TP Vinh: Tổ chức 425 buổi triển khai Luật Phòng, chống BLGĐ với 63.750 người tham gia; cấp phát 92.144 tài liệu tuyên truyền, tổ chức 37 cuộc thi với quy mô từ phường, xã đến thành phố, xây dựng 67 CLB các loại... TX Cửa Lò: Tổ chức truyền thông 1.500 buổi, thu hút hơn 100.000 lượt người tham gia; tổ chức mít tinh, đi bộ diễu hành với chủ đề “Vì cộng đồng không bạo hành”, thu hút 3.250 người tham gia; tổ chức các cuộc thi về gia đình; xây dựng website với chủ đề “Chung tay phòng, chống BLGĐ...; xây dựng 10 panô cỡ lớn, 2.500 băng rôn khẩu hiệu, 30.000 tờ rơi...

Ban chỉ đạo tỉnh và các huyện, thị xã tham dự ký cam kết chung tay phòng, chống bạo lực gia đình
Ban chỉ đạo tỉnh và các huyện, thị xã tham dự ký cam kết chung tay phòng, chống bạo lực gia đình

Xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ thiết thực

Một trong những giải pháp hiệu quả, thiết thực trong công tác phòng, chống BLGĐ là xây dựng những mô hình, CLB và địa chỉ tin cậy. Hiện, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được 1.265 cơ sở tư vấn, 235 cơ sở khám, chữa bệnh, 2.731 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 5.924 tổ hòa giải với 38.630 hòa giải viên, 19 mô hình phòng, chống BLGĐ nhân rộng ra tại 480 phường, xã, thị trấn; 2.226 CLB phòng, chống BLGĐ, 150 CLB trợ giúp pháp lý.

Tại phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò, năm 2012, CLB “Phụ nữ tự lực” và “Nam giới trách nhiệm” ra đời đã góp phần đẩy lùi, ngăn chặn và hàn gắn những hậu quả do BLGĐ gây ra. CLB do chị Nguyễn Thị Trinh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ phường (LHPN) phường làm chủ nhiệm. Thời gian đầu chỉ có 14 thành viên tham gia, đến nay Hội LHPN phường đã vận động được 36 chị em tham gia. CLB tổ chức sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 1 lần trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, bí mật về thông tin các thành viên tham gia.

Nội dung sinh hoạt khá phong phú, trong đó chú trọng tuyên truyền, nâng cao kiến thức về pháp luật, BĐG, phòng, chống BLGĐ… nhằm chia sẻ những nỗi niềm, vướng mắc trong cuộc sống, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế, với nhiều hình thức sinh hoạt đa dạng, hấp dẫn như: Giao lưu văn nghệ, vẽ tranh, làm thơ với chủ đề “Hội họa kết nối yêu thương”, tâm sự “Chia sẻ những điều muốn nói”… Từ đây, những người phụ nữ bị bạo hành đã tìm được chỗ dựa, mạnh dạn lên tiếng về những oan ức, đau đớn, dám đối mặt với hoàn cảnh và biết mình không đơn độc. Chính những hoạt động ý nghĩa như thế đã động viên chị em cùng nhau cố gắng nỗ lực để vượt lên hoàn cảnh.

Còn CLB “Nam giới trách nhiệm” do Hội Cựu chiến binh phường đảm nhiệm. Sau một thời gian vận động, đến nay đã có 23 thành viên. Sau khi CLB ra đời, nhiều mâu thuẫn trong khu dân cư đã được ngăn chặn kịp thời, nguy cơ bạo hành giới cũng giảm đáng kể, nhiều nạn nhân đã trở thành những tuyên truyền viên, hòa giải viên trong các vấn đề chống bạo lực của phường. Hiện, CLB đã trở thành điểm đến thường xuyên và tin cậy của nhiều người đàn ông, họ được các thuyết trình viên hướng dẫn sinh hoạt định kỳ hàng tháng với nhiều nội dung phong phú khác nhau. Mục đích là nhằm nâng cao vai trò và thay đổi nhận thức, hành vi của nam giới trong gia đình. Tham gia CLB sẽ giúp họ có tinh thần, trách nhiệm vượt qua khó khăn, áp lực của hoàn cảnh, tham gia các hoạt động xã hội để bản thân ngày càng có ích hơn.

Các CLB, mô hình là nơi để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc, cung cấp kiến thức, kỹ năng nhận diện tình trạng BLGĐ và ngăn ngừa, ứng xử, giải quyết mâu thuẫn, xung đột, không để xảy ra các vụ BLGĐ nghiêm trọng.

Cao Loan

Các tin khác