(Congannghean.vn)-Với tuyến đường biên giới trên bộ kéo dài 419 km, địa hình rừng núi hiểm trở, đi lại khó khăn, dân trí thấp, người dân thiếu việc làm, đó là những yếu tố “thị trường” béo bở cho các đối tượng mua bán người hoạt động tại các huyện biên giới của tỉnh Nghệ An.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn nạn mua bán người - Ảnh minh họa |
Theo thống kê, trên địa bàn Nghệ An hàng năm xảy ra từ 12 - 16 vụ mua bán người. Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em có độ tuổi từ 14 - 30, đa số là người ở vùng miền núi rẻo cao và vùng nông thôn, đời sống kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức về xã hội, pháp luật kém, đặc biệt là không có công ăn việc làm. Bên cạnh những nạn nhân đã xác định, tại các bản làng vùng miền núi, dân tộc, hàng năm có nhiều phụ nữ, trẻ em bỏ nhà đi khỏi địa phương nghi bị bán. Quanh quẩn với cuộc sống “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn không thoát nghèo, vì thế, để đổi đời, họ đã rời bỏ bản làng để đi tìm kiếm cuộc sống mới. Thế nhưng, phần lớn trong những người này đều bị nghi đưa sang Trung Quốc lấy chồng hoặc làm mại dâm. Rồi chính một phần trong số họ đã quay trở về để lừa gạt người thân, hàng xóm của mình bán sang Trung Quốc.
Thủ đoạn của các đối tượng mua bán người ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng chủ yếu lợi dụng phụ nữ, trẻ em ở các vùng nông thôn nghèo, có trình độ văn hoá thấp, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đang cần việc làm. Bằng những lời “đường mật” như hứa giúp tìm việc làm có thu nhập cao, hứa hẹn về cuộc sống hào nhoáng nơi xứ người…, đã có không ít nạn nhân “sập bẫy”.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, các đối tượng mua bán người sử dụng chiêu bài cần tìm người đi vào các tỉnh vùng Tây Nguyên như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Kon Tum… để hái cafe, hái điều hoặc làm rừng, thế nhưng thực chất là lừa bán sang Trung Quốc hoặc đưa vào Tây Nguyên nhưng lại bắt họ lao động “khổ sai”, đánh đập tàn nhẫn.
Ngày 22/6, Phòng Cảnh sát Hình sự (CSHS) Công an Nghệ An phối hợp với Phòng CSHS Công an TP Hà Nội giải cứu 2 nạn nhân của vụ mua bán người là Moong Thị L. (SN 1999) và Lò Thị M. (SN 2001), cùng trú tại xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn.
Theo tài liệu điều tra, vào khoảng tháng 9/2017, Lữ Văn Thành đi làm thuê tại xưởng gỗ ở Trung Quốc và được chị gái là Lữ Thị Đon (SN 1982, sống ở Trung Quốc) bàn bạc về việc tìm phụ nữ Việt Nam đưa sang Trung Quốc bán. Mỗi người đưa trót lọt sang Trung Quốc, Thành sẽ được hưởng 30 triệu đồng. Tháng 12/2017, Thành về Việt Nam và bàn với Lương Văn May (thường gọi là Chăn, trú cùng huyện) tìm phụ nữ để bán sang Trung Quốc lấy chồng, số tiền kiếm được sẽ chia đôi.
Cuối tháng 5/2018, May thường xuyên gọi điện thoại nói chuyện với chị L. và rủ đi làm thuê ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng nhằm lừa gạt chị L. để giao cho Thành bán sang Trung Quốc. L. đồng ý và rủ thêm 1 người bạn cùng xã là M. đi làm cùng. Ngày 21/6, M. và L. được đưa ra bến xe. Đến 5 giờ ngày 22/6, Thành cùng 2 chị M. và L. đến bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) và chuyển qua xe đi Quảng Ninh. Do lần đầu đi ra khỏi địa phương nên 2 chị M. và L. đã hỏi người xung quanh xem xe đang đi có phải xe đi Đà Lạt không thì được biết đây là xe đi Quảng Ninh nên 2 chị đã xuống xe. Sau đó, Thành cùng xuống và 2 bên giằng co nhau. 2 chị may mắn được bảo vệ bến xe phát hiện và giúp đỡ. Thành bỏ chạy nhưng đã bị lực lượng chức năng bắt giữ.
2 nạn nhân của vụ mua bán người may mắn được lực lượng chức năng kịp thời giải cứu |
Cũng với lời hứa hẹn đi hái điều ở Bình Phước với tiền công 5.000 đồng/kg, chỉ đi 1 tháng hết mùa điều thì được về, hàng chục người ở huyện biên giới Kỳ Sơn đã tranh thủ những ngày rảnh rỗi để đi làm kiếm thêm tiền mà không biết rằng phía trước là địa ngục trần gian.
Những ngày giữa tháng 4/2018, qua công tác nắm tình hình, Phòng CSHS Công an Nghệ An đã giải cứu được hàng chục người dân bị lừa đi vào Tây Nguyên lao động. Tại cơ quan điều tra, chị Vi Thị H. (37 tuổi) trú tại xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn với khuôn mặt còn chưa hết hoảng loạn chia sẻ: Bản của chị có 12 người cả đàn ông, phụ nữ nghe theo lời hứa về công việc đi hái điều ở Bình Dương 1 tháng để kiếm thêm thu nhập rồi về. Thế nhưng, khi vào trong đó, họ được chở vào 1 cánh rừng trồng thông và ngay lập tức bị tịch thu toàn bộ giấy tờ, điện thoại. Biết bị lừa nhưng do bị đưa vào nơi xung quanh chỉ toàn rừng núi nên không ai có thể trốn thoát.
Theo chị H., có những người do bị đánh đập nhiều nên sợ bỏ trốn, thế nhưng khi bị bắt lại thì bị đánh đập dã man hơn. Hàng ngày, chị và mọi người phải đi cắt thông, rồi vác từ chân núi lên đỉnh, công việc nặng nhọc nhưng họ chỉ được ăn cơm với muối hoặc những loại thức ăn không dành cho con người. Sau khi được lực lượng chức năng giải cứu, họ mới chắc chắn mình được sống.
Hàng năm, các ban, ngành, đoàn thể của Nghệ An đã tổ chức hàng trăm buổi tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phong phú nhằm giúp người dân nhận diện được thủ đoạn của các đối tượng mua bán người. Thế nhưng, với ước muốn “đổi đời” nên số người tin vào lời mật ngọt còn rất lớn khiến cho công tác phòng, chống tội phạm mua bán người còn gặp nhiều khó khăn. Để ngăn chặn nạn mua bán người, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể. Bên cạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thì vấn đề tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân cũng là cách để họ không nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng mua bán người.