Diễn đàn pháp luật
Quốc hội thảo luận về công tác thi hành án năm 2017
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, ngày 6 và 7/11, Quốc hội thảo luận về công tác thi hành án năm 2017. Công tác phối hợp chỉ đạo thi hành án, công tác cưỡng chế thi hành án, số lượng các vụ án dân sự tồn đọng qua nhiều năm vẫn chưa được giải quyết… là những vấn đề mà các đại biểu quan tâm cho ý kiến.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh: Đình Nam |
Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp về công tác thi hành án năm 2017, công tác thi hành án phạt tù trong năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ sở giam giữ không để xảy ra vụ việc phạm nhân gây rối; số người trốn thi hành án phạt tù, số vụ phạm nhân trốn, số phạm nhân phạm tội mới trong trại giam giảm; chất lượng công tác giáo dục phạm nhân được nâng lên…
Tuy nhiên, Báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, tình trạng chậm trễ trong quá trình xác minh, hoàn tất thủ tục hồ sơ để áp giải thi hành án vẫn còn tồn tại. Số người trốn thi hành án vẫn còn rất lớn và kết quả truy bắt người trốn thi hành án thấp hơn so với cùng kỳ năm 2016. Công tác kiểm soát an ninh ở các trại giam vẫn còn những bất cập, cá biệt có trường hợp phạm nhân đang chấp hành án vẫn sử dụng điện thoại, facebook điều hành nhóm xã hội đen ở địa phương hoặc có trường hợp phạm nhân giết người ngay tại khu vực thăm gặp thân nhân ở trại giam.
Về công tác thi hành án dân sự, số việc thi hành xong đạt tỷ lệ cao. Tuy nhiên việc chấp hành các quy định mới về việc xác minh điều kiện thi hành án ở nhiều địa phương vẫn còn xảy ra vi phạm. Số án có điều kiện thi hành nhưng chưa tổ chức thi hành xong phải chuyển sang năm sau còn rất lớn. Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự còn một số trường hợp chưa chính xác, đầy đủ dẫn đến phát sinh các khiếu nại gay gắt, số vụ cưỡng chế có sai phạm dẫn đến phải bồi thường thiệt hại tang so với năm trước… Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ có biện pháp tăng cường điều tra, thanh tra để giải quyết những tồn tại trên.
Liên quan đến công tác thi hành án hành chính, theo thống kê từ cơ quan chức năng, các cơ quan thi hành án dân sự đã tiếp nhận 361 bản án, quyết định hành chính có nội dung yêu cầu theo dõi việc thi hành. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, nhìn chung, số vụ việc thi hành xong đạt tỷ lệ thấp, còn 85 việc chưa thi hành được, trong đó có 50 việc mà người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Ủy ban Tư pháp cho rằng, đối tượng phải thi hành án hành chính chủ yếu là cơ quan và người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính của Nhà nước, đây là đối tượng cần nghiêm túc, gương mẫu nhất trong việc thực thi pháp luật. Việc tồn đọng án hành chính chưa thi hành là một hạn chế lớn và đã tồn tại qua nhiều năm, cho thấy việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương còn chưa nghiêm.
Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan; tiếp tục có biện pháp bảo đảm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực thi hành các bản án, quyết định hành chính của Tòa án đã có hiệu pháp luật. Đồng thời, đề nghị Chính phủ công khai trước Quốc hội những Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân chậm trễ hoặc không thi hành bản án hành chính của Tòa án và làm rõ trách nhiệm trong từng trường hợp cụ thể.
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến các đại biểu nhận định rằng, trong bối cảnh tình hình an ninh chính trị thế giói có những diến biễn phức tạp, với sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác điều tra, truy tố, xét xử và đặc biệt là công tác thi hành án trong năm qua đã đạt những kết quả tiến bộ. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, công tác thi hành án trong năm qua vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại cần giải quyết.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển– tỉnh Lâm Đồng phát biểu ý kiến |
Đề cập về vấn đề chậm thu hồi tài sản trong công tác thi hành án, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển- tỉnh Lâm Đồng cho biết, theo Báo cáo của Chính phủ tổng số tiền của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù là hơn 32.000 tỷ đồng, nhưng đến nay mới chỉ thi hành được hơn 2.795 đồng, chiếm 8,5%. Đại biểu lấy ví dụ, theo quyết định, bị cáo Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin và một bị cáo nữa phải liên đới bồi thường cho Vinashin số tiền hơn 989 tỷ đồng và tiền lãi chậm thi hành án. Tuy nhiên đến thời điểm tháng 7/2017 vẫn chưa thi hành được khoản nào. Như vậy tính từ lúc có bản án hình sự phúc thẩm (năm 2012) đến nay đã hơn 5 năm. Trong báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tham nhũng thì có đến 92% tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Theo đại biểu, với số liệu như trên thì thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là quá thấp so với thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố của quốc gia. Đại biểu cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng cần phải coi việc thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng là một trong những chính sách quan trọng ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố và xét xử và thi hành án.
Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa – tỉnh Nam Định phát biểu ý kiến |
Theo đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa- tỉnh Nam Định, giai đoạn thi hành án là giai đoạn bản án đã có hiệu lực pháp luật, đa số các trường hợp người phải thi hành án sẽ cố tình chây ỳ, tìm cách tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án nên tỷ lệ thu hồi tài sản ở giai đoạn này bao giờ cũng thấp nhất. Như vậy càng ở giai đoạn đầu của việc giải quyết các vụ án tham nhũng thì tỷ lệ thu hồi tài sản càng cao và càng làm tốt công tác tuyên truyền vận động đối với bị can, bị cáo và thân nhân của họ trong việc trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại thì tỷ lệ thu hồi cũng càng cao. Vì vậy, đại biểu tôi đề nghị các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngay từ giai đoạn đầu, không chỉ chú trọng đến vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự mà còn phải quan tâm đến việc áp dụng pháp luật để làm sao thu hồi được tối đa tài sản tham nhũng.
Đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh – tỉnh Cà Mau phát biểu ý kiến |
Quan tâm đến sự phối hợp giữa các cơ quan trong giải quyết thi hành án dân sự, đại biểu Quốc hội Trương Thị Yến Linh- tỉnh Cà Mau cho biết, hiện tại, tỉnh Cà Mau đang có vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, kéo dài, trở nên phức tạp, từ năm 1996 đến nay đã hơn 20 năm. Cụ thể, người thi hành án cho rằng bị oan sai, do đó tuyên bố chống đối quyết liệt, và sẽ tự thủ, tự thiêu khi bị cưỡng chế giao nhà. Người được ủy quyền yêu cầu thi hành án thì lại khiếu nại gay gắt, từ đó, gây ra mất an ninh trật tự, cũng như an ninh chính trị trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Sau khi có văn bản yêu cầu đương sự đã bổ sung các tình tiết, tài liệu mới, làm căn cứ kháng nghị bản án cho thủ tục tái thẩm cho Tòa án nhân dân tối cao. Tuy nhiên, đến nay cũng gần 1 năm, Tòa án nhân dân tối cao cũng chưa có văn bản về vấn đề này, nhằm giải quyết sớm, dứt điểm vụ việc, tạo sự đồng thuận, đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bản tỉnh. Đại biểu đề nghị Chánh án tòa án nhân dân tối cao sớm chỉ đạo, xem xét giải quyết và quyết định cuối cùng để sớm kết thúc vụ việc, góp phần cho Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quốc hội