Diễn đàn pháp luật
Báo cáo phòng chống tội phạm, tham nhũng phải nêu địa chỉ cụ thể
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các báo cáo không nên để những cụm từ chung chung như: “Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập”, mà không biết bất cập ở luật nào, điều nào; “sự phối hợp giữa các cơ quan còn lúng túng, thiếu chặt chẽ”, nhưng không biết cơ quan nào; “vai trò của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được đề cao”, mà không biết địa chỉ cụ thể ở đâu…
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, các báo cáo phải nêu những nội dung, những điều, những địa chỉ thật cụ thể, tránh nêu chung chung |
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 14, chiều 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2017.
Các ý kiến phát biểu cơ bản bày tỏ đồng tình với nội dung các báo cáo; cho rằng các báo cáo này được xây dựng rất công phu, nghiêm túc, chặt chẽ, có nhiều số liệu sinh động...
Tuy nhiên, các thành viên UBTVQH như Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho rằng, các báo cáo nên viết theo hướng tập trung hơn về những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại, cũng như những nhiệm vụ trọng tâm năm 2018. Các số liệu nêu ra cần có chứng minh cụ thể, rõ ràng, bảo đảm sự sát thực, nhất quán của các số liệu giữa các báo cáo. Đề nghị các cơ quan thống nhất số liệu, tránh tình trạng mỗi cơ quan đưa ra một số liệu khác nhau. Phương hướng và kiến nghị cũng nên tập trung vào thời gian của năm 2018, không nên nói chung chung là thời gian tới.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt đánh giá các báo cáo là khá đầy đủ, chi tiết, song cần gom lại, viết cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm hơn, tránh tình trạng khi đưa ra Quốc hội “thời gian đọc báo cáo có khi lại dài hơn cả thời gian thảo luận”.
Đề cập đến các nội dung cụ thể của các báo cáo, nhiều ý kiến cho rằng công tác phòng, chống tội phạm, công tác thi hành án và công tác PCTN thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được còn có nhiều hạn chế, tồn tại. Trong đó, một số văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo, nhưng chậm được sửa đổi. Một số trường hợp người đứng đầu chưa quan tâm đúng mức đến công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN vẫn còn hạn chế như nội dung còn nghèo nàn, hình thức chưa đa dạng, phong phú. Nhiều vụ án tham nhũng tiến độ xử lý chậm; nhiều kết luận thanh tra chậm được công bố, công bố không đúng thời hạn như thông báo...
“Những hạn chế này nhiều khi người dân nhìn vào cảm thấy khuất tất, làm kém đi tính hiệu quả công tác thi hành pháp luật, PCTN”, Phó Trưởng Ban Dân nguyện Đỗ Văn Đương nhận định.
Đánh giá cao kết quả công tác phòng, chống tội phạm thời gian qua, song Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến cũng đề nghị các báo cáo có bổ sung đánh giá về hậu quả mà các hoại tội phạm gây ra, bởi “tội phạm giảm không có nghĩa là hậu quả cũng giảm theo. Thậm chí, tội phạm giảm nhưng biết đâu các hậu quả gây ra lại lớn thì sao? Báo cáo cũng cần bổ sung, phân tích, nêu kết quả cụ thể và minh chứng thêm”.
Đồng quan điểm với ý kiến của nhiều đại biểu về sự đầy đủ, chi tiết của các báo cáo, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, có một nội dung mà các báo cáo cần tập trung phân tích, đề cập, đó là trách nhiệm, việc nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực.
“Có những vụ việc, khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán là không có gì, không phát hiện ra gì, nhưng khi bị phát giác, bị phát hiện ra thì lại rất to. Vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng ở đây là gì?”, ông Nguyễn Sỹ Cương nêu quan điểm. Ông Cương cũng nhấn mạnh cần phải có các biện pháp, giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn tình trạng hành chính hóa các vụ án hình sự, vì thực trạng này thời gian qua đã xảy ra không phải là ít. Những biểu hiện tiêu cực là rõ ràng, nhưng không được xem xét và xử lý đúng mức, làm ảnh hưởng đến niềm tin của người dân về tính nghiêm minh của pháp luật...
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu lưu điều hành phiên họp ngày 19/9 |
Cũng nội dung tương tự như vấn đề mà ông Nguyễn Sỹ Cương đề cập ở trên, Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2017 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng chỉ ra rằng, việc phát hiện tham nhũng qua công tác tự thanh tra, kiểm tra nhiều năm nay vẫn là khâu rất yếu. Qua khảo sát của Ủy ban Tư pháp tại một số tỉnh, thành phố, cho thấy, chỉ có 1 tỉnh (Long An) trong 6 tỉnh, thành phố được khảo sát phát hiện được tham nhũng qua công tác tự kiểm tra nội bộ; trên toàn quốc phát hiện được 15 vụ với 21 đối tượng.
Việc phát hiện và kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật rất nhiều, nhưng kiến nghị xử lý hình sự còn ít, trong khi tình hình tham nhũng vẫn được Chính phủ đánh giá là nghiêm trọng, phức tạp, diễn ra trên diện rộng.
Cơ quan thanh tra đã ban hành trên 118.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.180 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 83 vụ/176 đối tượng. Cơ quan kiểm toán xử lý nhiều tập thể và cá nhân liên quan đến sai phạm, kiến nghị xử lý tài chính 39.738 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển 2 vụ việc sang cơ quan điều tra. Vẫn còn có trường hợp qua thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo phát hiện có dấu hiệu tham nhũng, nhưng chậm chuyển sang cơ quan điều tra.
Mặc dù các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã tập trung thanh tra, kiểm tra, kiểm toán một số ngành, lĩnh vực nhạy cảm, dư luận quan tâm, nhưng vẫn còn một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội chậm được thanh tra, kiểm tra, xem xét, giải quyết; chỉ khi báo chí, dư luận xã hội phản ứng gay gắt, Quốc hội, HĐND tiến hành giám sát, hoặc có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì các cơ quan này mới vào cuộc.
Cơ bản thống nhất với nội dung của các báo cáo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, các báo cáo phải thực sự nêu được cái mới, cái nổi bật so với các năm trước; không nên để những cụm từ chung chung như: “Hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập”, mà không biết bất cập ở luật nào, điều nào; “sự phối hợp giữa các cơ quan còn lúng túng, thiếu chặt chẽ”, nhưng không biết cơ quan nào; “vai trò của một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa được đề cao”, mà không biết địa chỉ cụ thể ở đâu trong 63 tỉnh thành phố;… Theo Chủ tịch Quốc hội, các báo cáo phải nêu những nội dung, những điều, những địa chỉ thật cụ thể.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng và một số thành viên UBTVQH đề nghị các báo cáo cần làm rõ hơn nữa các căn nguyên của tệ tham nhũng, lãng phí; những rào cản làm giảm tỷ lệ thi hành án; việc tăng cường công tác giám sát, bảo đảm tính công khai, minh bạch trong kê khai tài sản; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác PCTN;...
Nguồn: Chinhphu.vn