Pháp luật

Triển khai mạnh mẽ công tác phòng, chống mua bán người

09:34, 14/10/2017 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Trong những năm qua (từ năm 2012 đến nay) công tác phòng chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Lào Cai được triển khai mạnh mẽ với nhiều chuyển biến tích cực và dần đi vào chiều sâu, hướng tới từng đối tượng, đến từng thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh.
 
Hơn 2 nghìn phụ nữ đi khỏi địa phương không rõ lý do
 
Lào Cai là tỉnh miền núi biên giới với hơn 200 km đường biên giáp Trung Quốc; dân số toàn tỉnh khoảng hơn 637 ngàn người, gồm 25 dân tộc, trong đó 65% là người dân tộc ít người sống ở vùng cao. Hiện, tỉnh có hai cửa khẩu Quốc tế, trên 10 cửa khẩu phụ tiếp giáp tỉnh Vân Nam cùng hệ thống giao thông tương đối thuận lợi, đặc biệt cao tốc Nội Bài – Lào Cai đã giúp cho kinh tế - xã hội của địa phương phát triển nhanh, ổn định. Tuy nhiên, những năm qua, tình hình mua bán phụ nữ và trẻ em đã và đang trở thành vấn đề xã hội bức xúc, là mối quan tâm của các cấp, các ngành trong tỉnh.
 
Ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Lào Cai cho biết, theo thống kê, từ năm 2012 đến nay, Lào Cai có trên 2.000 phụ nữ đi khỏi địa phương không rõ lý do, đa số có độ tuổi từ 30 - 35, trong đó hơn 80% là người dân tộc thiểu số, với hình thức vượt biên trái phép sang Trung Quốc. Trong đó rất nhiều người do thiếu hiểu biết, bị lừa gạt bằng các thủ đoạn kết hôn, du lịch, lao động đã trở thành nạn nhân của bọn tội phạm mua bán người. Nhiều người bỏ trốn, tự tìm cách trở về, nhiều người được cơ quan nước bạn giải cứu, trả về Việt Nam. Ban đầu, nạn nhân được tiếp nhận vào Trung tâm Bảo trợ xã hội.
 
Giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh Lào Cai đã phát hiện 392 vụ, bắt lập hồ sơ xử lý 458 đối tượng, khởi tố 392 vụ/458 đối tượng. Từ năm 2016 đến nay đã phát hiện và làm rõ 74 vụ/101 đối tượng. Tội phạm mua bán người ngày càng sử dụng nhiểu thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, cấu kết chặt chẽ với các đối tượng là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài với các đối tượng ở địa bàn khu vực biên giới và các tỉnh nội địa sử dụng công nghệ thông tin (điện thoại, mạng xã hội..) để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt đưa nạn nhân mang đi bán.
 
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
 
Ông Nguyễn Tường Long cho biết, những năm qua, công tác phòng chống mua bán người trên địa bàn tỉnh Lào Cai được triển khai mạnh mẽ với nhiều chuyển biến tích cực và dần đi vào chiều sâu, hướng tới từng đối tượng, đến từng thôn bản trên địa bàn toàn tỉnh. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch giai đoạn và Kế hoạch hàng năm về công tác phòng, chống mua bán người; tham mưu ban hành Quyết định số 92/2014/QĐ-UBND ngày 31/12/2014 về việc ban hành Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
 
Công tác tuyên truyền cũng được quan tâm đẩy mạnh. Từ năm 2012 đến 2017, đã tổ chức triển khai trực tiếp công tác truyền thông giảm nguy cơ mua bán người và giới thiệu các chế độ chính sách của Trung ương và địa phương về công tác hỗ trợ nạn nhân tại 70 xã, thị trấn cho gần  3000 cán bộ xã, trưởng thôn, phụ nữ trẻ em có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán trở về tại các xã trọng điểm về tệ nạn mua bán người. Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Tổ chức Vòng tay Thái Bình tổ chức 25 buổi truyền thông tại các phiên chợ vùng cao tuyên truyền về các nguy cơ, hậu quả của tệ nạn mua bán người và cách phòng tránh để không trở thành nạn nhân của tệ mua bán người, đồng thời phát các tài liệu (tờ rơi, truyện tranh…) cho đồng bào dân tộc thiểu số. Thiết kế, in ấn 20.000 tờ rơi về phòng, chống mua bán người phát cho chính quyền và các đoàn thể các xã, phường, thị trấn, trưởng các thôn bản, người có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán trở về tại cộng đồng, biên tập và in ấn 6.500 cuốn sổ tay “Những câu chuyện thực tế về nạn mua bán người”, treo 20 pa nô có nôi dung phòng, chống mua bán người tại các xã biên giới và xã trọng điểm hay xảy ra nạn mua bán người…
 
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
 
Từ năm 2012 đến nay tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận 609 nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó số nạn nhân trong tỉnh là 265, số còn lại thuộc các tỉnh thành trong cả nước, có 02 nạn nhân thuộc nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, 82,4% số nạn nhân là người dân tộc thiểu số chủ yếu là người Mông, người Dao và người Thái… Đa số các nạn nhân khi trở về đều gặp các vấn đề về tâm lý và sức khoẻ, một số nạn nhân có biểu hiện thần kinh, một số mang thai và mang về con nhỏ, có nạn nhân bị chém trọng thương... có 553 nạn nhân tự nguyện lưu trú và nhận hỗ trợ tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Tỉnh Lào Cai hỗ trợ khám chữa bệnh cho 411 nạn nhân, trợ giúp pháp lý cho 171 nạn nhân, trợ cấp khó khăn ban đầu cho 5 nạn nhân (1 triệu đồng/nạn nhân), hỗ trợ học nghề cho 55 lượt người và hỗ trợ học văn hóa cho 45 lượt người, tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho hơn 180 nạn nhân tại cộng đồng. 100% nạn nhân khi tiếp nhận đã được hỗ trợ kịp thời và chuyển tuyến an toàn trở về gia đình và các cơ sở hỗ trợ nạn nhân khác. Do nguồn kinh phí còn hạn chế nên số lượng nạn nhân được hỗ trợ tại cộng đồng chưa cao, không đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Nhà Nhân ái tại Lào Cai
Nhà Nhân ái tại Lào Cai
Lào Cai là một tỉnh miền núi chưa tự cân đối được ngân sách, trước thực trạng đó, Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội đã giúp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai chủ động tham mưu cho UBND tỉnh tiếp nhận các nguồn lực từ các Tổ chức quốc tế cũng như các tổ chức NGO giúp các hoạt động phòng chống mua bán người trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.
 
Năm 2012, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội được Đại sứ quán Anh hỗ trợ hơn 3 tỷ đồng để xây dựng Nhà Nhân ái (các hoạt động tại Nhà Nhân ái do Tổ chức Vòng tay Thái Bình, một tổ chức NGO tài trợ), UBND tỉnh Lào Cai cấp đất đối ứng, Nhà Nhân ái có tổng diện tích 2000m2, trong đó diện tích nhà ở và các công trình phụ trợ chiếm 25% tổng diện tích, còn lại là khuôn viên. Đây là cơ sở xã hội hóa hỗ trợ nạn nhân tại cộng đồng nhằm giúp đỡ các em bị mua bán trở về có hoàn cảnh khó khăn được sinh sống và học tập. Nhà Nhân Ái được trang bị tiện nghi sinh hoạt, hỗ trợ cho các nạn nhân có được điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập văn hóa, kỹ năng sống, phòng chống HIV/AIDS, được tư vấn tâm lý, học nghề, tạo kế sinh nhai một cách vững vàng trước khi hòa nhập cộng đồng.
 
Vẫn còn nhiều khó khăn
 
Mặc dù đã có những kết quả khả quan, nhưng công tác phòng, chống mua bán người tại Lào Cai còn gặp nhiều khó khắn vướng mắc. Nạn tảo hôn vẫn tiếp diễn, nhiều em trở thành mẹ khi vẫn đang còn là trẻ em, thu nhập thấp hoặc không có việc làm, bạo lực gia đình, nghiện hút ma túy là những nguyên nhân khiến phụ nữ trẻ em rời bỏ gia đình đi tìm việc là có thu nhập cao để cải thiện cuộc sống hoặc muốn sang Trung Quốc để lấy chồng giàu sang sung sướng.
 
Một số vùng nhân dân vẫn chưa được cập nhật đầy đủ thông tin về nguyên nhân, thủ đoạn của kẻ mua bán người, thiếu kiến thức về đi làm ăn xa an toàn.
 
Kinh phí hỗ trợ khám chữa bệnh cho nạn nhân còn thấp (50.000 đồng/ nạn nhân) nên nhiều nạn nhân khi về Trung tâm bị bệnh nặng không được khám và điều trị kịp thời.
 
Phần lớn nạn nhân bị mua bán trở về trình độ văn hóa thấp, là đồng bào dân tộc thiểu số, tâm lý còn chưa ổn định, dễ thay đổi, thậm chí một số ngại lao động, muốn có thu nhập cao. Do đó, phải mất nhiều thời gian tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giới thiệu việc làm, đánh giá kỹ năng, giáo dục kỹ năng sống cho nạn nhân.
 
Chưa có đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nạn nhân tại các Trung tâm, cơ sở và cộng đồng.
 
Mặc dù Nhà Nhân Ái Lào Cai là một cơ sở được đầu tư khá khang trang, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, đạt được nhiều kết quả, đáp ứng mong đợi của nhân dân. Tuy nhiên hiện nay mọi hoạt động hoàn toàn dựa vào tài trợ của tổ chức Vòng tay Thái Bình, chưa có sự hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

Nguồn: Nhật Thy/Chinhphu.vn

Các tin khác