Diễn đàn pháp luật

Cần tạo môi trường để cán bộ không muốn, không dám, không thể tham nhũng

16:29, 07/11/2017 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
Sáng 7/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về công tác tư pháp và phòng chống tham nhũng, nhiều đại biểu kiến nghị cần có chế tài mạnh để khắc phục vấn nạn tham nhũng vặt, công khai minh bạch thông tin hoạt động tư pháp để cử tri giám sát…

Coi nhẹ tham nhũng vặt sẽ làm mất niềm tin với người dân

Vấn đề tham nhũng vặt tiếp tục “nóng” trong phiên thảo luận hôm nay. Nhấn mạnh “lò đã nóng thì củi khô, củi nhỏ, củi vừa phải cháy trước”, đại biểu (ĐB) Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ sự quan tâm  đặc biệt đến tham nhũng vặt đã và đang diễn ra hàng ngày vào tất cả các ngõ ngách của cuộc sống tại các địa phương, mọi lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng khác nhau.

Dẫn chứng người vi phạm giao thông được bỏ qua khi nộp phạt trực tiếp với cảnh sát giao thông, trong nhà trường lạm thu, thậm chí “đổi tình lấy điểm”; tại cơ quan nhà nước, thủ tục nhiêu khê, muốn nhanh phải có bồi dưỡng, lót tay; thậm chí khai tử phải có phong bì…, ĐB Tạ Văn Hạ thẳng thắn: “Nạn tham nhũng vặt đang làm băng hoại phẩm chất của một bộ phận cán bộ, công chức, gây nhiều bức xúc trong xã hội, làm mất dần niềm tin trong nhân dân. Vì vậy, cần khắc phục ngay vấn nạn này”

Đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ lo ngại về nạn tham nhũng vặt. Ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Tạ Văn Hạ bày tỏ lo ngại về nạn tham nhũng vặt. Ảnh: quochoi.vn

Theo đó, ĐB đề xuất cần tạo môi trường ở đó để cán bộ không còn cơ hội để tham nhũng bằng cách tăng cường công khai minh bạch, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiếp tục xóa bỏ ngay thủ tục hành chính không cần thiết.

Cùng với đó, tạo môi trường không dám tham nhũng, thông qua đẩy mạnh kiểm tra, giám sát sai phạm, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ vi phạm, đưa ra khỏi bộ máy nhà nước cán bộ sách nhiễu nhân dân. Đồng thời, tạo ra môi trường không muốn tham nhũng, tinh gọn bộ máy biên chế nhà nước, có chế độ đãi ngộ, phát triển bình đẳng cho các cán bộ, công chức.

Đồng quan điểm, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, tham nhũng vặt hết sức nguy hiểm, nếu coi nhẹ sự băng hoại này kéo theo mất niềm tin với người dân. “Nếu không có chế tài mạnh mẽ, nhiều vấn đề có tác hại lớn nhưng xử lý nhẹ, sẽ dẫn đến nhờn luật”, ĐB nói.

Đại biểu Dương Trung Quốc mong muốn xóa bỏ cách làm
Đại biểu Dương Trung Quốc mong muốn xóa bỏ cách làm "phạt cho tồn tại". Ảnh: Quochoi.vn

Thừa nhận tham nhũng thời nào cũng có, một số ĐBQH ví tựa như dịch bệnh. ĐB Dương Trung Quốc cho rằng, suy nghĩ đơn giản, về lý thuyết chống tham nhũng ở Việt Nam là dễ nhất vì chống tham nhũng phải có quyền lực, gần như quyền lực tuyệt đối thuộc về đảng viên. Như vậy, căn bản là đã khoanh vùng “dịch bệnh”, vấn đề còn lại đòi hỏi sự quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, cũng là sự mong muốn của người dân, cử tri, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ, đây chính là trận đánh cuối cùng…

ĐB Nguyễn Bá Sơn, Phó trưởng Đoàn Quốc hội TP. Đà Nẵng cũng cho hay, việc kê khai tài sản của cán bộ hiện nay không được coi là quy định cứng, bắt buộc, mà đặt vào sự tự giác của người kê khai là không phù hợp với nền tảng của pháp luật. Điều này dẫn đến kết luận thanh tra việc kê khai tài sản không được thực hiện một cách kịp thời, chủ động, được xem là phạm trù ngoài pháp luật, nếu phát hiện sai sót chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm một cách sâu sắc.

“Cần xem xét đây là hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng”, ĐB Sơn kiến nghị.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh). (Ảnh: TH).

Chậm trễ trong bộ máy tư pháp là điều “khủng khiếp” đối với người dân

Theo ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình), việc công khai minh bạch thời gian qua đã thể hiện khá hiệu quả trong công tác lập pháp, hành pháp, là một xu thế khách quan nhưng đối với công tác tư pháp mặc dù đã có quy định công khai minh bạch trong hoạt động tố tụng, xét xử… song  một số  báo cáo tư pháp vẫn là báo cáo đóng dấu mật. Theo ĐB Cường, những nội dung mật nên cho vào phụ lục, cần công khai minh bạch để tạo ra sức ép, căn cứ, cơ hội cho cử tri giám sát hoạt động tư pháp tốt hơn.

Cũng theo ĐB Cường, trong thời gian tới, cần tiến tới đánh giá hoạt động tư pháp thông qua sự hài lòng của người dân. "Nếu cơ quan tư pháp khẳng định hoạt động tư pháp đã làm tốt, không có tiêu cực nhưng người dân chưa hài lòng thì cần xem xét, đánh giá lại”, ĐB Cường kiến nghị.

Nhấn mạnh trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, sức mạnh báo chí, mạng xã hội có vai trò rất quan trọng, những thông tin tiêu cực về hoạt động tư pháp được đăng tải trên mạng xã hội nếu như không có giải trình kịp thời sẽ gây hoang mang trong dư luận, gây mất niềm tin cho người dân, ĐB Nguyễn Mạnh Cường nêu quan điểm, các cơ quan tư pháp cần tích cực, chủ động hơn trong hoạt động giải trình khi có thông tin trái chiều, tạo niềm tin với người dân hoạt động tư pháp.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.Hồ Chí Minh) lại chỉ ra sự chậm trễ trong bộ máy tư pháp là điều “khủng khiếp” đối với người dân. Có những vụ việc rất đơn giản, lãnh đạo đã ký nhưng vài tuần cũng chưa đến tay người dân đòi hỏi phải lót tay, chung chi, bôi trơn, chạy chọt dẫn đến tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

“Đề nghị sắp tới các cơ quan tư pháp phải siết chặt kỷ cương công vụ, thời hạn, không nên đổ tại quá tải công việc”, ĐB Nghĩa kiến nghị.

Theo ĐB Nghĩa, có một thực tế, nhiều cơ quan chức năng không coi sự chậm trễ trong bộ máy hành chính là khuyết điểm, trong khi thực tế đây chính là lực cản phát triển đất nước.

Phản ánh hiện tượng nhân dân, cử tri rất bất bình thời gian qua như: “Có những việc các ngành, các cấp nói chưa biết, không biết, đây là trách nhiệm của anh phải biết, nếu không biết phải bị kỷ luật. Hay nguyên nhân là do cán bộ nôn nóng cũng không thể bào chữa cho sự chậm trễ, sai phạm của mình, không phải là tình tiết giảm nhẹ. Mọi việc đúng quy trình nhưng hậu quả lại sai lầm”, ĐB Nghĩa  kiến nghị sắp tới Quốc hội phải cần có Nghị quyết để chấn chỉnh, nội bộ ngành tư pháp tăng cường kỷ luật công vụ vấn đề này.

 

Nguồn: dangcongsan.vn

Các tin khác