(Congannghean.vn)-Theo Quyết định của Chủ tịch nước và hướng dẫn của Hội đồng tư vấn đặc xá năm 2016, từ nay đến hết tháng 11, các đơn vị, địa phương sẽ thẩm định lên danh sách các trường hợp được xét đặc xá và xét duyệt. Dự kiến ngày 30/11 sẽ tổ chức họp báo công bố Quyết định của Chủ tịch nước về tha tù trước thời hạn và tổ chức thực hiện việc đặc xá.
Đồng chí Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An dặn dò phạm nhân được đặc xá, trở về tái hòa nhập cộng đồng dịp đặc xá năm 2015 tại Trại Tạm giam Công an tỉnh - Ảnh: Thiên Thảo |
Quyết định số 2230/2016/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2016, thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh 2/9/2016 nêu rõ: Thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân dịp Quốc khánh 2/9, có thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 30/11/2016.
Theo đó, người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện sau đây: Đã chấp hành án phạt tù ít nhất 1/2 thời gian đối với án phạt tù có thời hạn, nếu trước đó đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với án phạt tù chung thân, nếu sau khi đã được giảm xuống tù có thời hạn mà tiếp tục được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù thì thời hạn được giảm sau đó không được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù; chấp hành tốt nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; tích cực học tập, lao động; trong quá trình chấp hành án phạt tù liên tục được xếp loại cải tạo từ loại khá trở lên; khi được đặc xá không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, trừ những phạm nhân không bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng đã 70 tuổi trở lên hoặc từ 60 tuổi trở lên nhưng thường xuyên ốm đau hoặc người đang mắc bệnh hiểm nghèo mà bản thân người đó và gia đình không còn khả năng thực hiện.
Về đối tượng được đặc xá, theo công văn hướng dẫn về việc xét, đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho "người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù nhân dịp Quốc khánh 2/9/2016" của TAND Tối cao, so với những năm trước đây, năm 2016 có thêm một số trường hợp đặc biệt được đưa vào diện xem xét.
Trong đó, bao gồm: Người Việt Nam, người nước ngoài phạm tội bị tòa án Việt Nam kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; được phía nước ngoài hoặc được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị xem xét đặc xá và xét thấy việc đặc xá cho họ là cần thiết, đảm bảo yêu cầu về công tác đối ngoại của Nhà nước.
Người bị kết án là nhân sĩ, trí thức, nghệ sĩ; người có chức sắc tôn giáo; người có chức vụ trong các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp... bị kết án phạt tù đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, được cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền của Việt Nam đề nghị xem xét đặc xá và xét thấy việc đặc xá cho họ là cần thiết, đảm bảo yêu cầu về công tác đối nội của Nhà nước.
Người bị kết án phạt tù, đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù theo quyết định vẫn đang có hiệu lực của tòa án có thẩm quyền nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đã lập công lớn trong thời gian đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; là thương binh, bệnh binh; người có thành tích trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, là con đẻ, con nuôi hợp pháp của “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”; con của gia đình được Chủ tịch nước, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tặng bằng “Gia đình có công với nước”; khi phạm tội là người chưa thành niên (chưa đủ 18 tuổi); là người từ 70 tuổi trở lên; là người đang bị mắc một trong các bệnh hiểm nghèo hoặc là người từ 60 tuổi trở lên mà thường xuyên ốm đau, không tự phục vụ bản thân được.
Người bị kết án có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình. Người bị kết án phạt tù về tội phạm ít nghiêm trọng hoặc phạm tội nghiêm trọng do vô ý là nữ giới mà đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù lần đầu vì lý do đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi tính đến ngày 30/11/2016, nếu xét thấy việc đặc xá cho họ không làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Làm thủ tục cho người được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng tại Trại Tạm giam Công an Nghệ An (Ảnh tư liệu) |
Các trường hợp không được đề nghị đặc xá, bao gồm người có từ 2 tiền án trở lên; bị kết án phạt tù về một trong các tội: Khủng bố; phá hoại hòa bình; chống loài người; tội phạm chiến tranh; chống người thi hành công vụ có tổ chức; bị kết án phạt tù từ 10 năm trở lên đối với tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người do cố ý; bị kết án phạt tù thuộc một trong các trường hợp giết người có tổ chức, giết người có tính chất côn đồ, hiếp dâm có tính chất loạn luân, hiếp dâm trẻ em có tính chất loạn luân, cướp tài sản có sử dụng vũ khí.
Quy trình thực hiện được TAND Tối cao giao trách nhiệm cho Vụ Giám đốc kiểm tra về hình sự, hành chính chỉ đạo, phối hợp lập hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt cho người bị kết án đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; tập hợp hồ sơ, danh sách người đang được hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá trong trường hợp đặc biệt để trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.
Chánh án TAND, tòa án quân sự các cấp có trách nhiệm lập danh sách, thông báo kịp thời cho các cơ quan thường trực tư vấn đặc xá, các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện biết các bản án, quyết định của tòa án đối với người bị kết án đang có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Kết thúc công tác đặc xá năm 2016, các cấp tòa án cần chủ động tiến hành rút kinh nghiệm; đề nghị khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc theo quy định hiện hành; phát hiện kịp thời những thiếu sót để rút kinh nghiệm, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác đặc xá.