Sáng 23/11, Quốc hội đã thông qua dự thảo Luật thống kê (sửa đổi) với 416/420 đại biểu tán thành, chiếm 84,21% tổng số Đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu Quốc hội thông qua các dự thảo Luật Ảnh: Đình Nam
Trước đó, trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, Luật Thống kê (sửa đổi) gồm 9 chương, 72 điều. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1), đa số ý kiến tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Tuy nhiên còn có ý kiến đề nghị xem xét lại cụm từ “thống kê ngoài nhà nước”.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chỉnh lý tại Điều 1 dự thảo Luật như sau: Luật này quy định về hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê nhà nước và tổ chức thống kê nhà nước; hoạt động thống kê, sử dụng thông tin thống kê ngoài thống kê nhà nước.”
Về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động thống kê và sử dụng thông tin thống kê, có ý kiến đề nghị rà soát lại những hành vi bị cấm có thuộc phạm vi xử lý của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính, pháp luật hình sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: việc xử lý vi phạm đối với các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật tùy theo tính chất và mức độ vi phạm được quy định trong pháp luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật hình sự. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Về công bố thông tin thống kê nhà nước (Điều 48), có ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời gian công bố số liệu thống kê chính thức trong Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng bổ sung quy định “Niên giám thống kê quốc gia hàng năm được phổ biến vào tháng 6 năm tiếp theo” tại khoản 4 Điều 49 của dự thảo Luật. Kỳ công bố từng chỉ tiêu được Chính phủ hướng dẫn trong nội dung hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị quy định Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có thẩm quyền công bố thông tin thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: cơ quan thống kê trung ương là cơ quan thống kê quốc gia, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư quản lý nhà nước về thống kê, điều phối hoạt động thống kê; tổ chức các hoạt động thống kê và cung cấp thông tin thống kê kinh tế- xã hội cho các tổ chức, cá nhân. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Về hợp tác quốc tế về thống kê (Điều 52), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê để khẳng định Nhà nước luôn quan tâm khuyến khích hợp tác quốc tế và sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin báo cáo như sau: dự thảo Luật đã bổ sung 01 điều về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực thống kê (Điều 52), với các hoạt động hợp tác quốc tế chủ yếu như: chia sẻ thông tin thống kê; ứng dụng phương pháp thống kê; đào tạo nhân lực; so sánh quốc tế; thu hút nguồn lực và ứng dụng khoa học và công nghệ. Quy định trên đã thể hiện chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với lĩnh vực hợp tác quốc tế về thống kê. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.
Về trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thống kê trung ương trong quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu thống kê (Điều 54), có ý kiến đề nghị không quy định Thủ trưởng cơ quan thống kê trung ương ban hành quy chế hướng dẫn, cung cấp thông tin vì quy định này có thể hạn chế quyền tiếp cận, sử dụng thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp. Ủy ban thường vụ Quốc hội xin tiếp thu, chỉnh lý tại Điều 54 của dự thảo Luật.
Luật Thống kê (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2016