Khoảng cuối năm 2013, Lê Việt Anh (SN 1995), trú ở thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, lên mạng xã hội Facebook tìm kiếm những người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài với ý đồ xấu.
Một trong những “con mồi” bị Việt Anh “săn” được là chị L, có “nick” L. Nguyễn Thị, đang sống tại Hồng Kông - Trung Quốc. Qua những thông tin trên trang Facebook của chị L., Việt Anh tìm được một người bạn gái thân của chị trong danh sách bạn bè.
Gã trai 19 tuổi đã lập một tài khoản mới, dùng hình ảnh của người bạn này làm ảnh đại diện để kết bạn với chị L. Không chút nghi ngờ, chị L. chấp nhận kết bạn vì tưởng người bạn thân của mình lập thêm tài khoản mới. Một thời gian sau, Việt Anh nhắn tin hỏi chị L. cho mượn tài khoản Facebook để đăng ký email, mở thẻ tín dụng. Chị L. đã tin tưởng, cung cấp tên tài khoản và mật khẩu Facebook của mình giúp bạn.
Với những thông tin này, Việt Anh đã thay đổi mật khẩu, xóa số điện thoại và địa chỉ email của chị L. đăng ký trên Facebook. Sau khi đã chiếm quyền kiểm soát trang Facebook của chị L., Việt Anh bắt đầu “chiến dịch” lừa đảo đối với bạn bè, người thân của chị L., trong đó có chị V., đang sinh sống tại Hà Nội. Việt Anh dùng “nick” của chị L. nhắn tin cho chị V. với nội dung nhiều người Việt Nam ở Hồng Kông có nhu cầu sử dụng thẻ cào điện thoại của Việt Nam. Nhấn mạnh việc buôn thẻ cào có thể lãi gấp đôi giá trị so với trong nước, Việt Anh đề nghị chị V. cùng hợp tác làm ăn với thỏa thuận sẽ trích phần trăm hoa hồng cao. Để tạo niềm tin cho chị V., Việt Anh nhắn chị V. cung cấp số tài khoản ngân hàng tại Việt Nam để chuyển tiền về nhờ mua thẻ cào, sau đó, dùng phần mềm nhắn tin miễn phí trên mạng Internet nhắn vào điện thoại của chị Vân với nội dung ngân hàng đã chuyển 40 triệu đồng vào tài khoản. Đọc tin nhắn có đầu số quốc tế, do tin tưởng chị L, nên chị Vân đã bỏ ra 40 triệu đồng mua thẻ cào điện thoại các loại, cào chuyển mã thẻ cho Việt Anh qua tin nhắn Facebook. Lập tức, Việt Anh dùng các mã thẻ cào đó nạp vào tài khoản game rồi rút tiền mặt, chiếm đoạt. Khi không nhận được tiền, liên lạc trực tiếp với chị L qua điện thoại, chị V mới biết việc tài khoản Facebook của chị L đã bị cướp, chị V đã trình báo đến lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao của CATP.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội 5 - Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao đã làm rõ và ngày 24/8/2014 đã bắt giữ Lê Việt Anh khi anh ta đang ở một quán “nét” tại Quảng Trị. Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao, từ tháng 5-2014 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận 10 đơn trình báo về thủ đoạn cướp tài khoản Facebook, giả mạo người thân nhờ mua thẻ cào điện thoại chiếm đoạt tài sản như vụ việc nêu trên. Số tiền bị chiếm đoạt lên tới trên 300 triệu đồng.
*Vấn đề cần trao đổi là nghi can Việt Anh đã phạm tội gì và phải chịu hình phạt ra sao?
Nghi can đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Nghi can Lê Việt Anh đã mạo nhận mình là chị L., lợi dụng sự tin tưởng của chị V. với chị L. để đề nghị chị V. chuyển hàng hóa (thẻ cào điện thoại) để chiếm đoạt. Nghi can lại sử dụng thêm tin nhắn điện thoại giả mạo để tạo thêm lòng tin cho chị V. Rõ ràng, nghi can đã dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho nghi can. Mục đích chiếm đoạt tài sản của nghi can đã có ngay từ khi chiếm đoạt tài khoản facebook của chị L. và liên hệ với các bạn chị L. Tất cả những hành vi này đã cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo điều 139 Bộ Luật Hình sự. Ở khoản 1 điều 139 quy định: Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Phạm Sĩ Sáu (P4, TP Vĩnh Long)
Đây là tội phạm thuộc nhóm chiếm đoạt tài sản
Do việc thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến, tội phạm sử dụng các phương tiện thanh toán ngân hàng ngày càng nhiều. Thủ đoạn thường thấy là lấy cắp thông tin trên mạng xã hội, trên thẻ tín dụng của người có tiền, sau đó sử dụng thông tin này chuyển tiền từ tài khoản thẻ tín dụng vào tài khoản trực tuyến khác, hoặc sử dụng thông tin tài khoản của cá nhân, tổ chức mở tại ngân hàng mua tài sản, hàng hóa, vé máy bay… trên các trang web trực tuyến cho người thực hiện hành vi chiếm đoạt, lừa chuyển tiền đến các tài khoản vãng lai hoặc chuyển hàng hóa cho người chiếm đoạt.
Hành vi chiếm đoạt tài sản này đã gây thiệt hại không nhỏ về tài sản cho nạn nhân. Nhưng hành vi phạm pháp đó xâm phạm đến sở hữu là loại tội chiếm đoạt tài sản nên phạm vào tội quy định trong chương các tội xâm phạm sở hữu; nếu thực hiện lén lút thì xử phạt về tội trộm cắp tài sản; nếu giao dịch gian dối trước khi chiếm đoạt tiền thì xử phạt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này nghi can đã lừa các nạn nhân chuyển thẻ cào điện thoại cho mình vì vậy nghi can đã phạm tội: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nguyễn Bích Thủy (Phường Hào Nam, Q Đống Đa, Hà Nội)
Nghi can đã phạm tội sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản
Lê Việt Anh đã sử dụng máy tính vào các trang mạng xã hội, chiếm đoạt tài khoản thông tin của người dùng, sau đó sử dụng tài khoản này lừa đảo các chủ tài khoản khác để chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, nghi can đã sử dụng máy tính vào mạng xã hội facebook để chiếm tài khoản thông tin của chị L. sau đó sử dụng tài khoản này lừa đảo bạn của chị L. Công cụ lừa đảo chính là máy tính sử dụng internet. Việc lừa đảo đã thành công và chị V. đã bị chiếm đoạt 40 triệu đồng. Ngày 19-6-2009, Quốc hội đã sửa đổi Bộ Luật hình sự thông qua ngày 21-12-1999 và có quy định hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số để thực hiện chiếm đoạt tài sản là tội phạm theo điều 226b Bộ Luật Hình sự. Đây là loại tội phạm mới và đang ngày càng phổ biến, cần nghiêm trị để ngăn chặn tội phạm và cảnh báo xã hội.
Trần Hùng Bách (Hai Bà Trưng, Hà Nội)
*Bình luận của luật sư:
Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển làm lợi nhiều cho sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học… và cải thiện đời sống con người. Tuy nhiên, có người đã lợi dụng công cụ, phương tiện, thiết bị công nghệ cao như mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền, tài sản của người khác. Trong BLHS năm 1999 (Quốc hội thông qua ngày 21-12-1999) không quy định hành vi này là tội phạm và các hành vi chiếm đoạt tài sản đều bị truy tố trong nhóm tội chiếm đoạt tài sản. Nhưng trước diễn biến ngày càng tăng của loại tội phạm có đặc trưng công nghệ cao cùng số lượng tài sản bị chiếm đoạt ngày càng lớn, ngày 19-6-2009, Quốc hội đã sửa đổi BLHS thông qua ngày 21-12-1999 và có quy định hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet, thiết bị số để thực hiện chiếm đoạt tài sản là tội phạm tại Điều 226b BLHS. Để hướng dẫn điều tra, xét xử các tội phạm công nghệ cao này, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao ban hành Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT ngày 10-9-2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông.
Tại khoản 3 điều 10 Thông tư liên tịch 10/2012/TTLT có quy định về một hành vi phạm tội: dùng các mạng thông tin để chiếm đoạt tài sản như sau: Lừa đảo trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu qua mạng là sử dụng thủ đoạn gian dối, đưa ra những thông tin sai sự thật về một sản phẩm, một vấn đề, lĩnh vực trong thương mại điện tử, kinh doanh tiền tệ, huy động vốn tín dụng, mua bán và thanh toán cổ phiếu trên mạng nhằm tạo niềm tin cho người chủ tài sản, người quản lý tài sản, làm cho họ tưởng là thật và mua, bán hoặc đầu tư vào lĩnh vực đó.
Trong vụ án này, nghi can Lê Việt Anh đã sử dụng mạng internet, cụ thể sử dụng các thủ thuật chiếm tài khoản facebook để lừa đảo nạn nhân V. chuyển thẻ cào cho nghi can, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân V. giá trị tới 40 triệu đồng. Các hành vi của nghi can đáp ứng các đòi hỏi của khoản 3 điều 10 Thông tư 10/2012/TTLT hướng dẫn xử lý điều 226b Bộ Luật Hình sự.
Nghiên cứu nội dung quy định tại Điều 226b BLHS chúng tôi thấy, khi áp dụng điều luật này với người phạm tội thì có một số vấn đề cần được lưu ý, quan tâm là:
Về định tội (tội danh): Căn cứ vào hành vi sử dụng trái phép mạng nào của người phạm tội thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản để định tội (xác định tội danh) tương ứng với tên mạng mà người phạm tội sử dụng. Cách định tội như thế này còn gọi là tội mô tả hành vi phạm tội. Hành vi của nghi can Lê Việt Anh được định tội danh là Sử dụng mạng máy tính thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo điều 226b Bộ Luật Hình sự.
Đây là loại tội phạm cấu thành hình thức, có nghĩa là nghi can chỉ cần có âm mưu và thực hiện âm mưu chiếm đoạt tài sản đã là phạm tội, không bắt buộc phải có thiệt hại về tài sản mới cấu thành tội. Nghi can chỉ cần chiếm đoạt tào khoản facebook của chị L. và có hành vi yêu cầu chị V. chuyển thẻ cào cho mình đã là phạm tội.
Về hình phạt, điều 226b BLHS quy định: Người nào sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện một trong những hành vi chiếm đoạt tài sản thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân: a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội )
.