Ngày 16/9, cơ quan CSĐT Công an thị xã Dĩ An đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Đỗ Trọng Minh (SN 1987, quê TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) và Nguyễn Thị Thùy Trang (SN 1988, quê huyện Măng Thít, tỉnh Vĩnh Long) về hành vi “Cố ý gây thương tích”.
Trước đó, Minh và Trang đã đánh đập cháu Trần Thị Kim Ngân (4 tuổi - con ruột của Trang) dẫn đến bị xuất huyết trong sọ não dạng “xuất huyết dưới nhện”- một dạng chấn thương sọ não. Sau khi cháu Ngân được đưa đến bệnh viện và báo chí thông tin, người được cho là bố đẻ cháu Ngân, bà ngoại cháu Ngân xuất hiện và đều muốn nhận nuôi cháu. Bên cạnh đó, người phụ nữ tốt bụng đưa cháu đến bệnh viện cấp cứu cũng muốn nhận cháu làm con nuôi.
Anh Trần Văn Tố (31 tuổi, quê Sóc Trăng) người nhận là bố đẻ cháu Ngân đã đưa ra bản photocopy hộ khẩu có công chứng chứng minh cháu Trần Thị Kim Ngân là con ruột của anh với vợ là Nguyễn Thị Thùy Trang. Theo sổ hộ khẩu, anh Tố và Nguyễn Thị Thùy Trang có hai con chung là 1 cháu trai (8 tuổi) và cháu Trần Thị Kim Ngân (4 tuổi). Một người khác là bà Nguyễn Thị Loan (50 tuổi, quê Vĩnh Long, nhận là bà ngoại của bé Ngân) cũng trình bày mong muốn được nuôi dưỡng bé Ngân, coi đó như sự bù đắp cho lỗi lầm mà con gái bà là Nguyễn Thị Thùy Trang đã gây ra cho bé Ngân. Ngoài ra, chị Trần Thị Quế Nhàn, người đầu tiên giải cứu bé Ngân cho biết, nếu gia đình hai bên nội ngoại và cha mẹ của bé không nhận thì cô sẽ làm đơn xin bé về nuôi và xem như con ruột của mình…
Vậy ai được quyền nuôi dưỡng cháu Ngân (?)
Cần căn cứ vào quy định của pháp luật để xác định ai là cha hợp pháp của cháu bé
Theo các thông tin hiện nay, anh Trần Văn Tố đã đến và đưa ra các chứng cứ chứng minh là: Cháu Ngân chính là con gái của anh và Nguyễn Thị Thùy Trang. Cháu Ngân được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân của anh Tố và chị Trang ... Các cơ quan chức năng cần xác minh các thông tin trên, căn cứ vào các tài liệu như: Đăng ký kết hôn, Giấy khai sinh, Sổ hộ khẩu, có thể xác minh thêm từ Chính quyền địa phương, nhân chứng, người liên quan ... Nếu đủ căn cứ chứng minh cháu Ngân chính là cháu Trần Thị Kim Ngân có tên trong sổ hộ khẩu, giấy khai sinh do anh Tố xuất trình thì đương nhiên anh Trần Văn Tố chính là cha hợp pháp của cháu Ngân.
Có quan điểm cho rằng: Cần phải tiến hành giám định ADN để xác định cháu Ngân có phải là con ruột của anh Tố hay không, rồi sau đó các Cơ quan chức năng mới quyết định giao cháu cho ai nuôi dưỡng. Quan điểm này chưa đúng về pháp luật, bởi vì: Trong thực tiễn cuộc sống, chúng ta thường dùng từ “cha mẹ ruột” “con ruột” để chỉ quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con cái. Tuy nhiên, trong Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành, không dùng khái niệm này. Điều 63 Luật Hôn nhân và gia đình quy định: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân, hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng”. Căn cứ vào quy định của điều luật thì căn cứ để xác định quan hệ cha con là việc đứa trẻ được sinh ra (hoặc vợ có thai) trong thời kỳ hôn nhân chứ không phải căn cứ vào việc giám định ADN để xác định huyết thống. Do đó, chỉ cần đủ căn cứ xác định cháu Ngân được chị Trang sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hợp pháp giữa anh Tố và chị Trang thì mặc nhiên, anh Tố chính là cha hợp pháp của cháu Ngân.
Điều 34 khoản 1 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ: “1. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con ...”. Trong trường hợp đã có đủ căn cứ xác định cháu Ngân chính là con hợp pháp của anh Tố thì việc anh Tố nhận cháu Ngân về nuôi dưỡng, chăm sóc vừa và quyền vừa là nghĩa vụ của anh Tố đối với cháu Ngân. Trong trường hợp này, nếu anh Tố không bị Tòa án hạn chế quyền nuôi con, và có mong muốn được nhận cháu Ngân về nuôi dưỡng thì các cơ quan chức năng cần giao cháu Ngân cho anh Tố - là cha hợp pháp của cháu Ngân - nuôi dưỡng, chăm sóc.
Ngay cả trong trường hợp tiến hành giám định ADN, giả sử xảy ra trường hợp kết quả giám định chứng minh cháu Ngân không phải là con cùng huyết thống với anh Tố (nhưng do chị Trang sinh ra trong thời kỳ hôn nhân với anh Tố) thì quan hệ cha con giữa anh Tố và cháu Ngân cũng không tự nhiên chấm dứt. Anh Tố vẫn là cha hợp pháp của cháu Ngân cho đến khi có quyết định của Tòa án có thẩm quyền theo thủ tục do pháp luật quy định.
Để có cơ sở giao cháu Ngân cho anh Tố nuôi dưỡng, chăm sóc thì cần phải xác định anh Tố có đúng là cha hợp pháp của cháu Ngân hay không? Căn cứ vào các chứng cứ có giá trị pháp lý như: Đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, lời khai của các đối tượng liên quan như mẹ cháu, ông bà, nhân chứng, chính quyền địa phương ...
Về nguyên tắc, nếu đủ căn cứ xác định anh Tố chính là cha hợp pháp của cháu Ngân thì mặc nhiên phải giao cháu Ngân cho anh Tố nuôi dưỡng, chăm sóc. Bởi vì theo các thông tin hiện nay thì anh Tố không bị Tòa án hạn chế quyền nuôi con. Các cơ quan chức năng không được quyền tự ý quyết định giao cháu Ngân cho người khác chăm sóc nếu như anh Tố mong muốn và có đủ điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc con. Trong trường hợp có các căn cứ chứng minh rằng anh Tố - mặc dù đúng là cha cháu Ngân - nhưng không thể (hoặc không đủ điều kiện) thực hiện việc nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Ngân thì các cơ quan (ví dụ như Hội phụ nữ, cơ quan bảo vệ bà mẹ và trẻ em ...) có thể gửi đơn đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án ra phán quyết hạn chế quyền nuôi dưỡng, chăm sóc con của anh Tố và giao cháu Ngân cho người khác chăm sóc.
Luật sư Chu Mạnh Cường
(Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)
Nên để cháu Ngân được sống với những người ruột thịt
Cháu bé thật là đáng thương, dư luận càng thương cháu bao nhiêu càng phẫn uất với hành vi dã man của mẹ cháu và bố dượng. Tôi cho rằng, việc bị đánh đập tàn nhẫn đến như vậy đã làm tổn thương cháu bé rất nhiều về mặt tinh thần, có lẽ cháu sẽ còn bị ám ảnh lâu dài về những trận đòn như vậy. Trong suốt thời gian ở với mẹ, cháu Ngân đã bị thiếu thốn tình cảm, bây giờ sự tình như thế này là lúc cần nhất đề bù đắp tình cảm, bù lấp vết thương tinh thần cho cháu. Theo tôi trong trường hợp này, nếu xét về điều kiện pháp lý, anh Nguyễn Văn Tố đủ điều kiện để nuôi cháu (nếu những giấy tờ chứng minh anh tố là cha đẻ của cháu Ngân chưa đủ để chứng mình thì có thể thực hiện giám định AND). Còn xét về mặt đạo đức, tốt nhất để cháu được sống với người ruột thịt của mình. Hiện anh Nguyễn Văn Tố cũng đang nuôi đứa con trai lớn, là anh trai của cháu Ngân. Hãy để cháu được sống với bố, với anh, đó là điều nhân đạo nhất vào lúc này.
Chị Nguyễn Thị Hà (Bến Cát, Bình Dương)
Bình luận của luật sư:
Về mặt tình cảm, những ý kiến bạn đọc đã cho thấy tính nhân văn tốt đẹp của xã hội chúng ta đang sống. Dư luận hết sức căm phẫn trước hành vi bạo hành trẻ em. Tuy nhiên để phân tích pháp lý, tìm một cuộc sống mới hạnh phúc và tốt đẹp hơn cho bé Kim Ngân, mới lên 4 tuổi lại là một việc không dễ dàng.
Trước hết, cần khẳng định, cho đến thời điểm này, chúng ta thấy có 4 người và gia đình muốn nuôi hoặc có nghĩa vụ nuôi cháu Kim Ngân. Thứ nhất là chị Trang, anh Minh, thứ hai là anh Tố, thứ ba là bà Loan và thứ tư là vợ chồng chị Nhàn. Trong trường hợp cụ thể này, ai là được quyền nuôi cháu bé Kim Ngân? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm các căn cứ pháp lý về quyền nuôi con và nuôi con nuôi.
Thứ nhất, theo như lời trình bày của anh Tố, khi lấy nhau, hai người không làm đăng ký kết hôn. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình (HN và GĐ), con của hai người (nếu có) đều là con ngoài giá thú, con riêng của hai người. Tuy vậy, Luật HN và GĐ cũng xác nhận, tuy là con ngoài giá thú, nhưng khi hai người không sống chung, quyền nuôi con được quyết định như sau ly hôn. Mặt khác, tuy sổ hộ khẩu anh Tố đưa ra là có thật, nhưng bé Kim Ngân và Chị Trang này có phải là bé Kim Ngân đang bị bạo hành và chị Trang, kẻ bạo hành không thì vẫn là một câu hỏi cần được giải đáp.
Chính vì vậy, công việc đầu tiên của chính quyền và các tổ chức xã hội và của chính anh Tố (theo điều 64 Luật HN và GĐ) là xác định cha mẹ đẻ của bé Kim Ngân. Nếu các xác minh quan hệ, di biến động nhân khẩu không đủ điều kiện xác định, cần thử ADN để xác định quan hệ cha mẹ đẻ cháu bé. Sau khi xác định được quan hệ cha mẹ đẻ mới xác định được người có quyền nuôi cháu bé Kim Ngân.
Trong trường hợp cụ thể này, sau khi xác nhận cha mẹ đẻ cháu Kim Ngân, quyền nuôi cháu đầu tiên sẽ là cha mẹ cháu. Giả sử, cha mẹ cháu thật sự là anh Tố và chị Trang, giữa hai người sẽ phải thảo luận để thống nhất giao cháu bé cho một người nuôi dưỡng. Hiện nay, chị Trang đang bị khởi tố và tạm giam để điều tra về hành vi bạo hành trẻ em, vì vậy quyền chăm sóc thuộc về cha cháu bé. Tuy nhiên để nuôi cháu ổn định, lâu dài để bé phát triển bình thường, anh Tố cần sự thống nhất của chị Trang bằng văn bản, giao cháu bé Kim Ngân cho cha nuôi. Nếu chị Trang không đồng ý, anh Tố có quyền đưa vụ việc ra tòa án đề nghị tòa án dân sự quyết định hạn chế quyền nuôi con, chăm sóc con vì hành vi bạo hành cháu bé và không đủ điều kiện nuôi cháu bé. Cũng có thể ngay trong phiên tòa hình sự xét xử chị Trang và anh Minh về hành vi bạo hành trẻ em, với vai trò của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, anh Tố cũng có thể yêu cầu tòa hình sự quyết định hạn chế quyền nuôi dưỡng và chăm sóc cháu bé của chị Trang.
Căn cứ vào điều 41, 42 Luật HN và GĐ, xác định người đánh bé không phải là cha ruột của bé thì người mẹ sẽ bị hạn chế quyền này theo đề nghị của người cha ruột. Theo đó, người mẹ sẽ không được trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 1 năm đến 5 năm. Tùy vào mức độ, tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này. Người giám hộ đương nhiên của bé lúc này sẽ là người cha ruột, sẽ có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục và nuôi dưỡng cháu. Nếu mọi việc thuận lợi, anh Tố có thể có quyền nuôi cháu bé Kim Ngân. Tuy nhiên không chỉ vậy. Trước khi giao cháu Kim Ngân cho cha đẻ chăm sóc, các tổ chức bảo vệ bà mẹ trẻ em sẽ cùng với chính quyền tìm hiểu xem anh Tố có khả năng cả về kinh tế và tư cách để nuôi dưỡng cháu bé không, thêm nữa, quá trình nuôi dưỡng cháu bé sẽ được các tổ chức bảo vệ bà mẹ trẻ em giám sát dài hạn để can thiệp kịp thời nếu cháu bé gặp nguy hiểm hoặc cha đẻ cháu không đủ điều kiện để nuôi cháu.
Thủ tục cần thiết để anh Tố có quyền nuôi dưỡng, chăm sóc cháu Kim Ngân theo Luật HN và GĐ là văn bản xác định cháu bé là con đẻ của anh, do các cơ quan thẩm quyền xác định, văn bản của tòa án hoặc các cơ quan có thẩm quyền giao cho anh Tố nuôi dưỡng và chăm sóc cháu bé, hoặc thỏa thuận của chị Trang, cùng văn bản xác định chị Trang là mẹ đẻ cháu bé, giao cho anh Tố nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé Kim Ngân. Tất cả hồ sơ nay phải nộp tại UBND xã, nơi anh Tố đăng ký hộ khẩu thường trú để khôi phục hộ khẩu cho cháu Kim Ngân. Anh Tố có trách nhiệm làm khai sinh cho cháu Kim Ngân ngay và không được hạn chế quyền thăm viếng, chăm sóc cháu bé của mẹ cháu là chị Trang, khi có điều kiện.
Nếu trong trường hợp, không xác định được cha mẹ đẻ của cháu bé Kim Ngân hoặc cha mẹ đẻ không có điều kiện để nuôi dưỡng, chăm sóc cháu bé, cơ quan Lao động-Thương binh-Xã hội của địa phương có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho cháu bé. Theo Luật con nuôi số 52/2010/QH12 , Điều 5. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế: Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được thực hiện theo quy định sau đây: Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi; Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước...Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất. Như vậy, với trường hợp cụ thể này, nếu xác định chị Trang là mẹ đẻ cháu Kim Ngân, bà Loan sẽ được ưu tiên nhận cháu Kim Ngân về nuôi dưỡng chăm sóc, nếu chị Trang không phải mẹ cháu bé, bà Loan với vợ chồng chị Nhàn sẽ được xem xét như nhau, ai có điều kiện chăm sóc cháu hơn sẽ được nhận cháu làm con nuôi.
Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)
.