Trưa 21/4, sư cô Diệu Định, ở chùa Bửu Trì (TP Cần Thơ) phát hiện một phụ nữ đến chùa ôm bé trai Trần Hoàng Duy (4 tháng tuổi) lên xe chạy mất. Nhưng đến 10h ngày 2/5, một phụ nữ khoảng 20 tuổi ẵm bé Duy đến bỏ vào chiếc võng đặt bên trong khu vực giữ trẻ của chùa. Khi nhận lại cháu Duy, sư cô hỏi người phụ nữ: “Tại sao lại bắt cóc cháu bé đi như thế, có phải con cô không?”. Cô gái trả lời không rồi nói “con thương quá nên mới làm vậy”. Sau đó, sư cô báo với sư trụ trì, Ban Tôn giáo cùng chính quyền địa phương và công an khu vực, còn cô gái đã lặng lẽ rời khỏi chùa.
Qua xác minh, cơ quan công an đã mời Nguyễn Thị Cẩm Thúy (16 tuổi, ở tỉnh Hậu Giang), người đã ẵm cháu bé đến chùa trả lại lên làm việc. Thúy khai người chở chị ta là Hồ Thanh Dương (17 tuổi, tạm trú TP.Cần Thơ). Do hoàn cảnh khó khăn, hơn một năm nay Thúy lên Cần Thơ giúp việc cho cô ruột ở quận Ninh Kiều. Trong thời gian này, Thúy và Hồ Thành Dương (cũng làm thuê) có quan hệ tình cảm, thuê phòng trọ sống như vợ chồng và mang thai. Ngày 1/4, Thúy sinh một bé trai nặng 2,8 kg tại Trạm Y tế phường An Lạc (quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ), nhưng không làm giấy chứng sinh. Khi vừa sinh con khoảng một tiếng, Thúy đã tự nguyện cho chùa Bửu Trì vì không có khả năng nuôi dưỡng. Cháu bé được một ngôi chùa ở huyện Cờ Đỏ (TP.Cần Thơ) nhận về nuôi dưỡng. Gần ba tuần sau, vì nhớ con nên Dương chở Thúy đến chùa Bửu Trì tìm và trong lúc vội vàng, tưởng là con mình, hai người đã ẵm cháu Duy đi. Trong lúc cơ quan điều tra tiến hành xác minh truy tìm cháu bé, do gia đình đã vận động nên ngày 2/5 Thúy mang bé đến trả lại nhà chùa. Chị Lê Thúy Hằng (mẹ đẻ Thúy) thừa nhận, khi vào chùa ẵm cháu bé, Thúy không hề nhận biết chính xác con của mình. Quan sát thấy cháu Duy nhỏ nhất, nghĩ là con mình, Thúy liền ẵm bé về nhà. Chỉ đến khi mẹ của Dương thấy cháu bé biết lật nên gặng hỏi: “Sao con mày mới một tháng mà đã biết lật?”, Thúy mới phát hiện mình “bắt nhầm”, nên mang cháu bé trả lại.
Sư cô Diệu Định cho biết, hiện cháu Duy rất khỏe và an toàn. Vấn đề cần trao đổi là Thúy và Dương phạm có phạm tội bắt cóc trẻ em không? pháp luật sẽ xử lý như thế nào?
-Ý kiến bạn đọc:
Thúy và Dương đã phạm tội bắt cóc trẻ em
Trong vụ án này, chúng tôi thấy trước tiên là lỗi của các gia đình đã thiếu sự giáo dục đối với các em. Cả Thúy và Dương đều đang ở tuổi vị thành niên mà chung sống với nhau như vợ chồng, 16 tuổi đã sinh con, mà cả hai gia đình không có ý kiến ngăn cản. Chưa nói đến việc Dương đã có hành vi giao cấu với trẻ vị thành niên, trong vụ việc này, cả hai người đã phạm tội bắt cóc trẻ em. Bởi đây là hành vi đã được tính toán từ trước, tội phạm đã được hoàn thành, việc bắt nhầm đứa trẻ là ngoài ý muốn chủ quan của Thúy và Dương. Việc trả lại là do không nuôi nổi và nhận ra không phải con mình. Hành vi bắt cháu Duy lên xe đem đi đã cấu thành tội phạm.
Nguyễn Thị Lê Ninh (P8. Quận Tân Bình TP Hồ Chí Minh)
Cần phải có sự thông cảm với tình cảm của người mẹ trẻ
Trong một phút không suy nghĩ, cô Thúy đã đem con đi cho. Đó là một hành vi vi phạm đạo đức. Tuy nhiên cũng phải thông cảm với một người mới 16 tuổi đã phải làm mẹ một cách không chính thức. Sau khi cho con, cô gái ân hận và nhớ con nên muốn đón con về. Tuy nhiên do thiếu kiến thức pháp luật và một phần do quá trẻ nên cô gái đã bắt nhầm con người khác. Đến khi về nhà mới phát hiện ra không phải con mình, hai người đã đem trả lại. Tất cả tình tiết đã cho thấy cả Thúy lẫn Dương không có động cơ xấu trong việc bắt cóc cháu Duy. Tuy hành vi của hai người đã phạm tội, nhưng cần tính đến yếu tố tình cảm người mẹ để cân nhắc việc có nhất thiết phải truy tố về tội bắt cóc trẻ em hay không. Tôi cho rằng không nên truy tố Thúy và Dương.
Lê Thị Bích Mỹ (Phường 9 Q.3 TP Hồ Chí Minh)
Vẫn cần phải truy tố
Không thể tha thứ hành vi đẻ con ra không muốn nuôi, đi cho. Lúc nhớ con thì bắt cóc về, không phải con mình thì đem trả lại. Chuỗi hành vi của đôi trai gái này chứng tỏ một lối sống vô đạo đức, coi thường pháp luật. Dù hậu quả nghiêm trọng chưa xảy ra, theo tôi vẫn cần truy tố trước tòa, xử công khai tại địa phương để răn đe cho những người trẻ tuổi. Hành vi này cấu thành tội Chiếm đoạt trẻ em theo điều 120 Bộ Luật Hình sự: người nào mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em dưới bất kỳ hình thức nào thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Có thể do hai nghi can này còn vị thành niên nên chỉ phải chịu hình phạt ở mức thấp nhất.
Bùi Quang Thu (Phố Tiền An, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh)
-Bình luận của luật sư:
Qua nội dung vụ án, chúng ta có thể xác định như sau: Cả Thúy và Dương có cho nhà chùa Bửu Trì nuôi con mình. Đứa trẻ đã được nhà chùa hợp thức quyền nuôi và đã chuyển cho một chùa khác nuôi. Thúy (16 tuổi) và Dương (17 tuổi) đã trực tiếp đến chùa Bửu Trì bắt trộm cháu Duy mang về nhà nuôi dưỡng. Vì nhiều lý do, Thúy và Dương đã mang đứa trẻ trả lại chùa sau khi chiếm giữ 12 ngày. Cháu Duy không bị tổn hại sức khỏe. Không có dấu hiệu Thúy và Dương có ý định mang cháu Duy đi bán hoặc chuyển cho người khác nuôi.
Đối chiếu với các quy định pháp luật về hành vi chiếm đoạt trẻ em, khoản 3 Điều 4 Thông tư liên tịch 01/2013/ TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BCA-BQP-BTP giải thích như sau: “Chiếm đoạt trẻ em là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, bắt trộm, lừa đảo, lợi dụng tình trạng khó khăn, sự lệ thuộc của cha mẹ hoặc của người nuôi dưỡng trẻ em nhằm chiếm giữ đứa trẻ hoặc giao cho người khác chiếm giữ đứa trẻ đó” Như vậy hành vi của Thúy và Dương đã cấu thành tội phạm theo điều 120 Bộ luật Hình sự: “Tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em”.
Trong trường hợp này, Thúy và Dương có nhiều tình tiết giảm nhẹ: Đang ở tuổi vị thành niên, không có động cơ xấu, tự đem trả cháu bé, không gây hậu quả nghiêm trọng. Nguyên nhân của việc phạm tội là do thiếu hiểu biết pháp luật. Vì vậy có thể cả Thúy và Dương bị truy tố theo khoản 1 điều 120 bộ luật Hình sự với mức hình phạt thấp nhất. Không thể lấy lý do hai người có con đã cho nhà chùa nuôi để bào chữa cho hành vi bắt trộm cháu Duy vì khi hai người đã cho cháu Duy, nhà chùa đã làm khai sinh cho cháu và xác nhận quyền nuôi dưỡng của nhà chùa với con của hai người. Ngay cả khi cháu bé không phải là cháu Duy mà là con của hai người, hai người vẫn phạm tội Mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em vì hai người không còn quyền để nuôi dưỡng đứa trẻ nữa. Pháp luật chỉ còn bảo hộ quyền của hai người đến thăm đứa trẻ thôi. Đây thật sự là một bài học cho những người trẻ có lối sống không tuân thủ những tiêu chuẩn đạo đức và các quy định pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Hướng (Đoàn Luật sư Hà Nội)
.