An toàn giao thông

Thực hiện hiệu quả các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông

06:54, 17/06/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN
(Congannghean.vn)-6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh Nghệ An xảy ra 82 vụ tại nạn giao thông (TNGT), làm chết 62 người, bị thương 50 người. So với cùng kỳ năm 2019, giảm 4 vụ, 1 người chết và 5 người bị thương. Có được kết quả tích cực nói trên là nhờ các ngành chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế để tiến tới kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí. Trong đó, việc tăng cường công tác tuần tra kiểm soát (TTKS), xử lý vi phạm gắn với tuyên truyền pháp luật về TTATGT đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Ngay từ đầu năm, thực hiện Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm TTATGT trong lĩnh vực đường bộ, đường sắt, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đồng loạt triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng người đã sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhờ đó, tình hình TTATGT đã có chuyển biến rất tích cực, ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông được nâng lên, dần hình thành văn hoá sử dụng rượu, bia lành mạnh, đặc biệt là giảm thiểu TNGT do vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm về ATGT
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm về ATGT

Để công tác bảo đảm TTATGT đạt được hiệu quả cao, UBND tỉnh và các cấp, ngành đã ban hành nhiều văn bản, kế hoạch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ủy ban ATGT Quốc gia như: Tăng cường thực hiện Luật Phòng chống tác hại rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP; đẩy mạnh kiểm tra, xử lý phương tiện hết niên hạn sử dụng bảo đảm ATGT; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện thu hẹp, giảm, xóa bỏ lối đi tự mở, xóa bỏ vị trí đường sắt chuyên dùng giao cắt với đường sắt quốc gia; tuyên truyền pháp luật về TTATGT trên địa bàn tỉnh năm 2020... Ban ATGT tỉnh cũng thường xuyên tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực có liên quan đến công tác bảo đảm TTATGT. Thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT trên địa bàn toàn tỉnh, qua đó kịp thời chấn chỉnh những vấn đề còn tồn tại bất cập tại địa bàn cơ sở.

Mặc dù phải thực hiện cách ly xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, tuy nhiên UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo đổi mới công tác tuyên truyền pháp luật về TTATGT nhằm góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng đến với các đối tượng, địa bàn cơ sở. Triển khai các hoạt động tuyên truyền pháp luật về TTATGT xuyên suốt trong năm 2020 như: Tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt; cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT trên mạng internet qua Cổng thông tin điện tử tỉnh; tổ chức Hội thi tìm hiểu pháp luật về TTATGT trong các trường học; giải Báo chí viết về ATGT năm 2020… Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng đã xây dựng nhiều phóng sự, tin bài phản ánh về tình hình TTATGT trên địa bàn; tổ chức phỏng vấn, đối thoại trực tiếp về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị để nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác bảo đảm TTATGT… Đặc biệt, việc  tuyên truyền phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, hiệu quả của các cơ quan truyền thông đã hạn chế được tình trạng người sử dụng rượu, bia điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm

Với vai trò nòng cốt, Công an tỉnh Nghệ An đã chủ động xây dựng triển khai nhiều văn bản, kế hoạch triển khai công tác TTKS xử phạt vi phạm về TTATGT như: Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, bảo đảm TTATGT, trật tự xã hội; triển khai thực hiện Nghị định số 100  của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt; phối hợp tăng cường công tác quản lý và xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải hành khách… Đặc biệt, thời gian qua, Công an tỉnh đã phối hợp với Cục CSGT lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống camera giám sát tự động với 28 cụm trên tuyến Quốc lộ 1A và địa bàn TP Vinh. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để giám sát và nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.

6 tháng đầu năm 2020, lực lượng CSGT đường bộ đã tổ chức 13.551 ca TTKS giao thông với 50.259 lượt CBCS tham gia, phát hiện lập biên bản vi phạm hành chính về TTATGT 32.337 trường hợp. Trong đó, người điều khiển xe ôtô: 12.003 trường hợp; người điều khiển môtô - xe gắn máy 20.126 trường hợp, xe máy điện 208 trường hợp. Tạm giữ 501 ôtô, 6.123 môtô; ra quyết định xử phạt 26.985 trường hợp, chuyển kho bạc Nhà nước thu phạt hơn 31 tỉ đồng; tước giấy phép lái xe có thời hạn 3.891 trường hợp. Một số lỗi vi phạm chính gồm: Chạy quá tốc độ quy định 3.984 trường hợp; trong hơi thở có nồng độ cồn vượt mức cho phép 898 trường hợp (so với cùng kỳ giảm 1.521 trường hợp); không chấp hành đèn tín hiệu giao thông 756 trường hợp; không có giấy phép lái xe 5.373 trường hợp; không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông 7.952 trường hợp; thiết bị an toàn kỹ thuật không đảm bảo 3.519 trường hợp; xe ôtô chở quá khổ 663 trường hợp, xe ôtô chở quá tải 950 trường hợp; xe chở rơi vãi 718 trường hợp; trong cơ thể có chất ma túy: 61 trường hợp; xử lý 54 trường hợp vi phạm đường sắt; 80 trường hợp vi phạm đường thủy nội địa.

Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát nhằm ngăn ngừa  các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT
Lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát nhằm ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT

Bên cạnh đó, Thanh tra Sở GTVT đã phối hợp tốt với Công an các huyện, thành, thị tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm về vận tải hành khách, hàng hóa và các vi phạm về TTATGT... Thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, tập trung xử lý các phương tiện quá khổ, quá tải, vi phạm kích thước thành, thùng xe; hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe hợp đồng; xe ôtô từ 5 - 7 chỗ ngồi hoạt động kinh doanh vận tải không phép (xe dù)… Đặc biệt, tập trung kiểm tra, xử lý xe buýt dừng, đỗ trái quy định, chạy tốc độ thấp ở khu vực nội thành TP Vinh; xe phù hiệu hợp đồng nhưng chạy theo hình thức tuyến cố định. 6 tháng đầu năm, Thanh tra Sở đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm 740 trường hợp với số tiền hơn 2,5 tỉ đồng; tước giấy phép lái xe 266 trường hợp; tước giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường 31 trường hợp; phù hiệu 29 trường hợp; cắt thành, thùng 52 xe vi phạm. Thông qua hệ thống giám sát hành trình Sở GTVT đã xử lý đối với 216 phương tiện. Trong đó, thu hồi chấp thuận khai thác tuyến 4 xe; thu hồi phù hiệu và không cấp lại trong 6 tháng tiếp theo với 4 xe; thu hồi phù hiệu 1 tháng đối với 85 xe; cảnh cáo đối với 127 xe.

Trong thời gian tới, để công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả tích cực hơn nữa, các cấp, ngành và lực lượng chức năng sẽ tiếp tục chú trọng đổi mới phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT; có chiến lược truyền thông về văn hóa giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của thanh, thiếu niên. Tuyên truyền các quy định  về xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ theo nội dung Nghị định 100 của Chính phủ. Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động TTKS và xử lý nghiêm vi phạm pháp luật về TTATGT, tập trung xử lý các vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm tải trọng xe, lái xe sử dụng ma túy; vi phạm quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, an toàn kỹ thuật phương tiện, bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông; các hành vi vi phạm của người tham gia giao thông có nguy cơ cao dẫn đến TNGT.

Ngọc Anh

Các tin khác